Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Tư tuần 7 Phục sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 20, 28-38

“Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: “Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: ‘Cho thì có phúc hơn là nhận’“.

Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 67, 29-30. 33-35a. 35b-36c

Đáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin tỏ ra quyền năng của Chúa. Ôi Thiên Chúa, xin củng cố sự việc Chúa đã làm cho chúng con! Vì thánh đài của Chúa ở Giêrusalem, các vua sẽ tiến dâng Ngài lễ vật. – Đáp.

2) Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa, hãy xướng lên bài ca mừng Chúa, mừng Đấng ngự giá qua cõi trời, cõi trời ngàn thu! Kìa Ngài lên tiếng, tiếng nói quyền năng: “Các ngươi hãy nhìn biết quyền năng Thiên Chúa”. – Đáp.

3) Oai nghiêm Ngài chiếu giãi trên Israel, và quyền năng Ngài trên cõi nước mây. Từ thánh điện của Ngài, Thiên Chúa đáng tôn sợ. Thiên Chúa của Israel, chính Ngài ban cho dân Ngài được quyền năng và mãnh lực. – Đáp.

Tin Mừng: Ga 17,11b-19

11b Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. 12 Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. 13 Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

14 “Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. 16 Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. 17 Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. 18 Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. 19 Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

Suy niệm (Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ còn ở lại trong thế gian. Chỉ cần ta trung thành với Chúa Giêsu, còn ngoài ra, ta cứ an tâm phó thác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay qủa thực có một sức khích lệ an ủi con rất nhiều. Khó có một trang phúc âm nào cho con dễ cảm nếm được mối tình nồng thắm của Chúa bằng Lời Chúa hôm nay. Chúa về với Chúa Cha, nhưng Chúa không bỏ mặc chúng con. Chúa không quên chúng con, trái lại, Chúa còn lo cho tương lai của các tông đồ và lo cho số phận của chúng con còn ở lại trần gian.

Thân phận của người môn đệ Chúa ở giữa thế gian quả là một nghịch lý. Con ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, sống ở giữa đời nhưng không được sống hoàn toàn như người đời. Không giống thế gian nên con bị thế gian ghét bỏ. Không về hùa với thế gian nên con bị thế gian bách hại. Không để bị lây nhiễm tinh thần thế gian nên con phải can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ chạy theo thế gian. Nhưng lạy Chúa, dù gian nan đau khổ, con vẫn tin tưởng phó thác nơi Chúa và trung thành bước theo Chúa. Trái tim con đã thuộc về Chúa, con tin rằng tình yêu và ơn thánh của Chúa sẽ gìn giữ con và giúp con chiến thắng.

Chính vì thế mà con không chạy trốn thế gian. Chúa đã muốn để con ở lại thế gian và sai con vào thế gian. Ơn gọi của con là sống giữa đời, thấm nhập vào thế gian, để phục vụ nhân loại và làm chứng cho Chúa. Xin Chúa giúp con đưa tinh thần Phúc âm vào mọi sinh hoạt của cuộc sống. Xin Chúa gìn giữ con trong chân lý của Chúa. Amen.

Ghi nhớ : “Ðể chúng được nên một như Ta”.

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện cho các môn đệ của mình:

Đây là phần thứ hai của kinh nguyện Tư tế, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài. Phải hiểu chữ “Môn đệ” ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Ngài, mà là một nhóm các cán bộ nòng cốt của Ngài, tức nhóm 12 và nhóm 72. Môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay là Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ.

Câu chuyện cầu nguyện cho những người này:

  • “Xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta”.
  • “Để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng”.
  • “Xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ”.
  • “Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý”.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Chúa Giêsu biết các môn đệ của mình ở trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt và tế nhị:

Họ phải sống giữa thế gian. Mà thế gian là một thế gian thù nghịch đối với Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa Giêsu. thế gian này đã ghét Chúa Giêsu nên cũng ghét các môn đệ của Ngài, thế gian này còn rất xảo quyệt, luôn tìm cách quyến rũ để các môn đệ đi lệch khỏi đường của Chúa Giêsu mà ngả sang phía thế gian.

Ở trong một thế gian như thế, người môn đệ luôn phải đứng trước hai cám dỗ: Một là cám dỗ trốn tránh, xa lánh thế gian; hai là cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nhưng xa lánh thì làm sao cho chu toàn sứ mạnh thánh hoá thế gian, còn thoả hiệp với thế gian thì đánh mất căn tích của mình và cũng đánh mất sứ mạng của mình.

2. Trong bài Phúc Âm này, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ mình hai điều: một là sự hợp nhất, hai là sự thánh hiến. Đây chính là 2 điều quan trọng để chúng ta tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

  • Điều thứ nhất, hợp nhất: Kinh nghiệm cho thấy Linh mục hay Tu sĩ nào không thân thiết với anh chị em cùng lý tưởng của mình, không gắn bó với Giáo hội và với cộng đoàn của mình, thì Linh mục, Tu sĩ ấy dễ sa ngã hơn.
  • Điều thứ hai, thánh hiến: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thánh hiến ai là làm cho người đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha lấy Lời Chúa mà làm cho các môn đệ thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Ai đã trọn vẹn thuộc về Chúa thì cho dù người đó có sống trong bao nguy hiểm quyến rũ của thế gian thì cũng không hề hấn gì. Người ấy như sen trong bùn, như ánh sáng chiếu trong đếm tối, như men vùi trong thúng bột. Người ấy vừa luôn trung thành với Chúa của mình, vừa chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian.

3. “Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ”.

Khi đọc câu Lời Chúa này, tôi nhớ lại kinh nghiệm của một anh trong nhóm. Vì không thể từ chối, anh đành phải đi đến một nhà hàng không được “trong ánh sáng” cho lắm. Mỗi người vào bàn, và một người đều có một cô “phục vụ” bên cạnh. Thoạt đầu, anh muốn tránh né, vì nghĩ rằng thái độ có thể làm cô ấy tủi, nên anh cố gắng làm một điều gì đó tốt hơn. Sau khi hỏi thăm về gia cảnh của cô, anh mới hỏi: “Tại sao cô phải làm nghề này ?” Cô gái thinh lặng một lát rồi bật khóc. Mọi người nhìn anh khiến anh lúng túng… Trước khi anh ra về, cô nói nhỏ: “Có lẽ em sẽ không tiếp tục sống bằng nghề này được”.

Lắm khi tôi xa lánh người xấu, những cái phàm tục, trong khi Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha cất tôi khỏi thế gian. Lắm khi tôi lại mải mê tìm kiếm “danh, lợi, thú”. Và vì sợ mất, tôi đã không dám sống như Lời Chúa Giêsu đòi hỏi.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống thanh thản. Để nhờ được tự do trong Chúa, con tích cực xây dựng cuộc sống trần gian theo như Chúa muốn. (Epphata)

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

     Tháng Giêng năm 2003, tôi đến Rôma kinh thành muôn thuở để họp tại trụ sở Trung ương Dòng, dành những thời gian rảnh, chúng tôi viếng các Đền thờ Mẹ… Tại đền thánh Phêrô, chúng tôi kính viếng lăng mộ của ngài cùng với các Đấng kế vị. Bất ngờ dịp đó chúng tôi được chiêm ngưỡng xác Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, vị mục tử được gọi là Giáo hoàng nhân lành. Đức Gioan XXIII, được phong Chân phước ngày 3/09/2000. Xác được đặt ngay phía dưới một bàn thờ trong đền thờ Thánh Phêrô cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện nhân dịp kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II, Công đồng chung do Ngài loan báo triệu tập. Thi hài ngài được đặt trong hòm kính, với khuôn mặt nguyên vẹn hồng hào như đang ngủ. Công đồng Vaticanô II được gọi là Công đồng Đại Kết vì hướng hiệp nhất của Giáo hội. Tôi nhớ về lời phát biểu của ngài về Đại kết: “Các anh em tín hữu Kitô khác đều là anh em với chúng ta họ chỉ hết là anh em khi họ hết học kinh Lạy Cha…”. Đức Gioan XXIII, vị Giáo hoàng có những nỗ lực phi thường để đối thoại với các tín hữu Kitô để tìm con đường hiệp nhất. Tôi còn nhớ đọc một câu chuyện về Ngài khi trên giường bệnh và giờ hấp hối miệng ngài luôn khẩn nguyện: “Xin cho họ hiệp nhất”.

Suy niệm

Trước khi rời bỏ thế gian, Chúa Giêsu đã thấy trước những tương lai sắp đến với các môn đệ và những người theo Ngài: Những thử thách, có cả những người môn đệ rời bỏ Ngài, sự chia rẽ của các đồ đệ, của các người tin vào Ngài… có cả người rời bỏ niềm tin. Ngài cất lời cầu nguyện khẩn thiết đến Chúa Cha, cho môn đệ, cho thế giới hiệp nhất: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11b). Lời cầu nguyện chung cho thế gian mà Chúa Kitô trong tư cách là linh mục, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng lời cầu nguyện này dành đặc biệt riêng cho các môn đệ mà thánh Clément d’Alexandrie suy niệm: “Tất cả chúng ta tham dự vào chung một tấm bánh thánh và tất cả chúng ta nhận cùng một dấu thánh được Thánh Thần thánh hiến. Chính vì thế những môn đệ phải trở nên một thân thể và tham dự vào chỉ một và cùng Thần Khí cho một tinh thần hiệp nhất được thực hiện viên mãn, hoàn thành… Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ Ngài thực hiện cùng một sự đồng tâm không thể bị phá hủy, trong một hòa hợp tuyệt vời” (Commentaire de l’évangile selon saint Gioan, XI 9). Hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Kitô luôn là dấu chỉ và là sứ giả xây dựng sự hiệp nhất và bình an cho thế giới mà Chúa Giêsu ước muốn khi khẩn cầu Chúa Cha.

Không chỉ sự chia rẽ nơi thế giới, người tin vào Chúa Kitô sẽ gặp và đứng trước những khó khăn sống niềm tin. Những người đón nhận Tin Mừng sống theo Tin Mừng gột rửa trong tình yêu của Chúa Kitô, họ sống trong Thần Khí và thực thi yêu thương bác ái, công lý (x. 1Ga 3,13-19). Chính vì thế người tin coi cuộc sống của họ khác với sự chọn lựa của thế gian: Quyền lực, tiền tài, danh vọng. Quyền lực của bóng tối, của thế gian muốn thổi tắt những ngọn đèn đang đốt sáng xua bóng tối. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và các người tin vào Ngài luôn kiên cường đứng vững với niềm tin. Luôn là chứng nhân công lý của tình yêu giữa thử thách trăm bề. Sự kiên vững sống niềm tin của người môn đệ Chúa Kitô như những ngọn hải đăng giữa đêm đen của thế gian đầy hận thù, của chia rẽ.

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ cho những người tin vào Ngài luôn được Chúa Cha đoái thương: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga17,17). Sự thật là trong cung lòng của Thiên Chúa, tình yêu luôn tuôn trào cho con người và cho thế giới luôn được thực hiện: Thiên Chúa yêu thương nhân loại và Ngài luôn thúc đẩy nhân loại được hòa giải với nội tâm chia rẽ do tội lỗi. Lời hứa bình an và hiệp nhất được chính Con Một Ngài thực hiện qua mầu nhiệm của sự chết: Chết cho tội và phục sinh sống với sức sống mới.

     Lời cầu nguyện được xuất phát từ trái tim Đức Kitô, một trái tim dâng hiến yêu thương nhân loại khi cho họ chính sự sống khi trên thập giá, đổ ra giọt máu cuối cùng (x. Ga 19,34) mà Bossuet đã suy ngẫm: “Tư thế của trái tim Ngài và những lời kêu cầu mà Ngài đã cầu xin với Chúa Cha, theo Ngài trong cuộc khổ nạn cho đến khi Ngài chết, đó là linh hồn, của lễ dâng hiến toàn thiêu” (La Cène ; II° partie, 33° jour).

Lời cầu nguyện linh mục của Chúa Giêsu luôn dành cho chúng ta với những thực tế mà chúng ta đang sống. Với Chúa Kitô, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất của thế giới, của Giáo hội, của chính chúng ta.

Ý lực sống

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
 Anh em được sống vui vầy bên nhau”  (Tv 133,1).

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan