Suy Tư – Chia Sẻ

« ANH EM HÃY LẤY TINH THẦN YÊU THƯƠNG MÀ GIÚP ĐỠ NHAU »

« ANH EM HÃY LẤY TINH THẦN

YÊU THƯƠNG MÀ GIÚP ĐỠ NHAU »

(Gal 5,13)

Sau khi được ơn trở lại trên đường Damas, thánh Phaolô đã dâng hiến trọn cả đời mình cho công việc truyền giáo. Ngài đã lênh đênh trên những con tàu để đến các quốc gia ven bờ biển Địa Trung Hải với một mục đích duy nhất là mang Tin Mừng của Chúa Kitô đến cho mọi người và gieo hạt giống Tin Mừng ấy vào lòng đất dân ngoại để họ tin vào Chúa Kitô Phục Sinh và nhờ đó mà được  ơn cứu độ. Qua sự nhiệt huyết và được thúc bách bởi tình yêu của Đức Kitô, thánh Phaolô đã làm trổ sinh hoa trái Tin Mừng khắp mọi nơi, điều đó cho thấy qua việc các cộng đoàn Tín hữu đã được thành lập như ở Galatie, Phrygie, Macédoine, Ephèse, Corinthe, Antioche … Tuy nhiên, bên cạnh việc thành lập các cộng đoàn tiên khởi, Ngài luôn quan tâm đến sự đồng hành trong việc củng cố, nâng đỡ, xây dựng Cộng đoàn về đời sống thiêng liêng, tình bắc ái và tinh thần đoàn kết trước những nguy cơ luôn rình rập từ bên trong cả bên ngoài cộng đoàn như sự chia rẽ, bè nhóm, lạc giáo … Chính vì thế, qua các thư gửi các Giáo đoàn, thánh Phaolô đã hết sức khuyên nhủ các tín hữu luôn bền vững trước những thử thách và xạy dựng tinh yêu thương đoàn kết trong Cộng đoàn (xem Rôma 12,9-13 ; Ephêsô 4,4-6 ; 1 Corinthô 1,10-13 ; Galát 5,13-15 …)

Tin vào Chúa và yêu thương nhau là hai chiều kích đặc trưng của Kitô giáo vì,  theo lời Chúa Kitô đã dạy, đó là hai giới luật tóm gọn lại các giới luật của Chúa : «  Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó » (Mathêô 22,37-40). Và trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng đã để lại cho các môn đệ một giới luật mới, giới luật của Tình yêu : «Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu. » (Gioan 15,12-13). Từ tình yêu tôn thờ và vị tha, Chúa Giêsu đã đặt thêm một giá trị mới để tình yêu đó trở thành tình yêu hy hiến.

Theo dòng lịch sử của Giáo Hội, đã có biết bao người cố gắng bước theo Chúa Giêsu để phát huy tình yêu hy hiến mà Giáo Hội luôn răn dạy, đó chính là  : « Mến Chúa và yêu người ». Yêu Chúa bằng cách chọn đời tu ẩn dật như các vị ẩn tu và hiến trao cả mạng sống vì Ngài như các vị thánh tử đạo hoặc dấn bước ra đi rao truyền Tin Mừng như các vị thừa sai. Yêu người bằng việc dấn thân phục vụ nơi những người nghèo, bất hạnh, cảm thông và xoa dịu những khổ đau hồn xác do bệnh tật. Cũng có các tu sĩ chuyên lo việc bác ái xã hội, giáo dục thanh thiếu niên hay chăm sóc các bệnh nhân nơi nhà tù hay bệnh viện. Và trong những thập niên gần đây, xuất hiện những Tu hội mới (Communautés Nouvelles) phát xuất từ những Phong trào Canh tân đặc sủng (Renouveau charismatique) đã thu hút nhiều bạn trẻ để sống theo một linh đạo và dấn thân phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và phục vụ tha nhân. Ngoài ra, còn có những Phong trào được thành lập để giúp các Kitô hữu sống thiết thực hơn căn tính của mình.

Trong số các Phòng trào đuợc thành lập, chúng ta cần nhắc đến phong trào Folcolare (dịch là « Tổ Ấm » hay « Mái Ấm Gia Đình ») và cũng được gọi là Phong trào « Công Việc của Mẹ Maria” (Opera di Maria), do chị Chiara Lubich sáng lập năm 1943. Theo tài liệu của Linh Tiến Khải, « chị Chiara Lubich sinh ngày 22-1-1920 trong một gia đình sống ở tỉnh Trento, đông bắc Italia. Thân mẫu của chị rất đạo đức. Thân phụ theo khuynh hướng xã hội, nhưng vì cuộc khủng hoảng của đất nước nên thất nghiệp. Để có tiền trang trải học phí, ngay từ ngày còn trẻ Chiara đã dậy học tư. Năm 19 tuổi tại trung tâm thánh mẫu Loreto trung Italia, chị đã nhận ra được ơn gọi của mình là khai sinh ra một cuộc sống mới trong Giáo Hội. Đó sẽ là phong trào ”Focolari – Tổ Ấm”, gồm nhiều cộng đoàn nhỏ quy tụ những người sống độc thân, cũng như những người sống đời sống gia đình, nhưng hoàn toàn dấn thân phụng sự Thiên Chúa.

Vào tháng 12 năm 1943 trong khi đi lo chuyện của gia đình, chị Chiara Lubich nhận ra tiếng Chúa gọi và chị hoàn toàn hiến dâng cuộc đời cho Chúa một cách rõ ràng. Ít ngày sau đó, ngày mùng 7 tháng 12, trước sự hiện diện của một linh mục tại nhà nguyện các cha dòng Capucino, chị thưa lên hai tiếng xin vâng với Chúa. Năm đó chị mới 23 tuổi và chỉ có một mình khởi sự con đường của phong trào ”Tổ Ấm”. Phong trào chính thức khai sinh từ ngày ấy.

Trong thời thế chiến thứ II thành phố Trento quê sinh của chị bị dội bom. Chị Chiara Lubich khám phá ra cảnh nghèo nàn vật chất và tinh thần của dân chúng thời chiến. Chị cùng các bạn gái đầu tiên làm việc trợ giúp dân nghèo trong các khu phố đổ nát vì chiến tranh. Đó là sự khởi đầu cuộc mạo hiểm tinh thần với mục đích giải quyết vấn đề xã hội của thành phố. Mô thức các chị theo là cộng đoàn Kitô tiên khởi của Giáo Hội, trong đó không ai phải thiếu thốn gì. Trong căn hộ nhỏ nơi các chị ở, các chị để tất cả mọi sự các chị có chung với nhau ở giữa phòng, rồi phân phát chúng cho những người thiếu thốn. Cứ thế, phong trào Tổ Ấm lớn dần theo dòng thời gian và trở thành một trong những phong trào quốc tế lớn và nổi tiếng nhất của Giáo Hội Công Giáo.

Vào lúc 2 giờ sáng ngày 14-3-2008 chị Chiara Lubich đã qua đời tại Trung tâm quốc tế của Phong trào ở Rocca di Papa, cách Roma 30 cây số, hưởng thọ 88 tuổi.

Hiện nay, Phong trào Focolare là một tổ chức quốc tế với mục đích nhằm thúc đẩy tình hiệp nhất và phổ quát tình anh em. Là một phong trào tôn giáo, Phong trào Focolare liên kết mạnh mẽ với các tôn giáo khác, trong một số trường hợp, với các tổ chức phi tôn giáo. Phong trào Focolare có mặt tại 182 quốc gia và đã được hàng triệu người biết đến.

Ngày 7 tháng  12 năm 2003, ngày áp Lễ Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Phong Trào Tổ Ấm (Focolare) mừng kỷ niệm 60 năm thành lập. Nhân dịp này, ÐTC Gioan-Phaolô II đã gởi đến chị Chiara Lubich, người sáng lập Phong Trào Tổ Ấm, một sứ điệp để cám ơn và khuyến khích phong trào trong công việc xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo hội. Ngài nói : « Tôi vui mừng gởi đến Chị những tâm tình mừng lễ và thân ái của tôi và nói lên sự gần gủi  thiêng liêng của tôi với Ðại Gia Ðình thiêng liêng này, đã được phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới. Một  cách đặc biệt, với tâm tình biết ơn, Tôi muốn gởi lời chào Chị, là người sáng lập phong trào Tổ Ấm này ». Thật vậy, “Công Việc của Mẹ Maria” đã được khai sinh với việc tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, mà Chị đã thực hiện tại Trento, vào cuối năm 1943, và kể từ đó “Công Việc  của Mẹ Maria”  càng ngày càng phát triển và trọn vẹn hướng về Tình Yêu Thiên Chúa, việc phục vụ cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội và trong thế giới.

Trong sự hòa hợp với Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội, ĐTC Gioan-Phaolo II nói rằng : «  tôi nghĩ đặc biệt đến Công Ðồng Vatican II và đến thông điệp “Ecclesiam suam” (Giáo Hội duy nhất) của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, là Ðức Phaolô VI, những thành viên nam nữ của Phong Trào Tổ Ấm đã trở thành những tông đồ của đối thoại như là con đường ưu tiên để cổ võ sự hiệp nhất: đối thoại bên trong Giáo Hội, đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn, và đối thoại với những kẻ không tin »

Trong suốt 60 năm qua, có biết bao thăng trầm và sự thay đổi nhanh chóng gây đảo lộn trật tự trong  xã hội, và trên toàn thế giới! Nhân loại càng ngày càng lệ thuộc vào nhau nhiều hơn và chạy theo những lợi lộc chóng qua mà bỏ quên những giá trị riêng, nó quy hướng về điều lý tưởng. Nhất là, giờ đây nhân loại đang sống trong sự nguy hiểm, con người thấy mình như “không còn linh hồn nữa”, nghĩa là  không còn nguyên tắc căn bản về sự thống nhất trong việc suy nghĩ và hành động.

ĐTC Gioan-Phaolô II nói tiếp : « Tôi đặc biệt nghĩ đến đại lục Âu Châu đã có hai ngàn năm theo truyền thống kitô. Vào khởi đầu ngàn năm mới, thật khẩn thiết có bổn phận phải dấn thân lần nữa từ phía các tín hữu, để đáp lại những thách thức của công việc tái rao giảng Tin Mừng. Trong cái nhìn nầy, một vai trò quan trọng được trao phó cho các Phong Trào Giáo Hội, trong số nầy vai trò của Phong Trào Tổ Ấm chiếm chổ nổi bật. Trung thành với những hành động của Chúa Thánh Thần, những phong trào mới trong Giáo Hội là hồng ân quý giá cho Giáo Hội; giáo hội khuyến khích các phong trào nầy và mời gọi các phong trào chu toàn vai trò tiên tri dưới sự hướng dẫn của các Chủ Chăn, để xây dựng toàn thể gia đình Dân Chúa. Khi hiệp ý với lời tạ ơn chung dâng lên  Thiên Chúa, vì những công việc cao cả Ngài đã thực hiện trong 60 năm qua, tôi xin phó thác những thành viên của phong trào “Công Việc của Mẹ Maria”, và nhiều hoạt động họ đang thực hiện  cho việc bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria rất thánh. Tôi khuyến khích tất cả hãy trung thành theo Chúa Kitô và cùng với Người ôm lấy mầu nhiệm Thập Giá, để cộng tác vào việc cứu rỗi thế gian, qua việc dâng hiến chính đời sống mình. »

Như thế, tình yêu hy hiến đã thúc đẩy chị Chiara Lubich dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và đã sáng lập Phong trào Filcolare để cổ động và xây dựng tình hiệp nhất trong Giáo Hội và trong thế giới. Ngày nay, Tình yêu đó cũng thôi thúc chúng ta mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần để Ngài giúp chúng ta sống ơn gọi Kitô hữu của mình bằng cách theo sáng kiến của  Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II.

 

–          « trung thành theo Chúa Kitô » vì Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Gioan 14,6). Với Ngài, chúng ta sẽ không sợ đi sai đường và chắc chắn sẽ đi đến sự sống đời đời.

–          « cùng với Người ôm lấy mầu nhiệm Thập giá », mầu nhiệm của sự hy sinh quên mình vì yêu, của sự vâng phục đến cùng dù khổ đau, mầu nhiệm của niềm hy vọng chấp nhận chết cho chính mình để được phục sinh đổi mới.

–          « dâng hiến chính đời sống mình » không chỉ cho Thiên Chúa, mà còn cho Giáo Hội và tha nhân để xây dựng tình hiệp thông qua việc giúp đỡ nhau, nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh và sống tình « tương thân tương ái ».

Lời của Chúa Giêsu, của thánh Phaolô và thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II vẫn còn đó. Gương chị Chiara Lubich vẫn còn đây. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết luôn thưa với Chúa : XIN VÂNG ! sẽ mãi là khí cụ bình an của Chúa Kitô trong việc xây dựng tình hiếp nhất và đoàn kết với nhau.

Lm. Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf

Bài viết liên quan