Thông Tin

Can đảm đối diện với thử thách và thách đố

24_ Song Can Dam 

Đại hội Tu Sĩ Toàn quốc Lần thứ IV

Đề tài II: Can đảm đối diện với thử thách và thách đố

Linh mục Giuse Đỗ Thôn Nhu, SSS  

Huấn thị số 11:

Một cái nhìn thực tế về tình hình Giáo Hội và thế giới hôm nay mà tất cả chúng ta đều ý thức đến, đó là những thử thách và việc thanh luyện mà đời sống thánh hiến đang trải qua.

 Quan tâm đến những đau khổ và thử thách đang làm xáo trộn đời sống thánh hiến, chúng ta không đưa ra một lời phê phán hay kết án, nhưng muốn bày tỏ tình liên đới và sự gần gũi thân mật như muốn chia sẻ niềm vui và cả đau khổ nữa.

Khi chia sẻ về những khó khăn, chúng ta vẫn luôn luôn ý thức rằng lịch sử Giáo Hội do Thiên Chúa hướng dẫn, và mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người (x. Rm 8,28).

Với cái nhìn đức tin ấy, thì ngay cả điều tiêu cực cũng là cơ hội cho chúng ta nhận ra khuôn mặt Đức Kitô chịu đóng đinh và bị bỏ rơi, Đấng đã nhận lấy những giới hạn của chúng ta đến mức “mang lấy tội lỗi chúng ta vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1 Pr 2,24). Thật vậy, ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối (x. 2 Cr 12,9).

Khám phá lại ý nghĩa và phẩm tính của đời sống thánh hiến

Các khó khăn mà những người thánh hiến hôm nay phải đối diện có nhiều dạng:

1) Số tu sĩ linh mục suy giảm và lớn tuổi trong các Hội Dòng:

Theo thống kê của Vietcatholic News đăng vào dịp lễ Khánh Nhật Truyền Giáo 17/10/2009[i].

– Tổng số linh mục thế giới: 408.024, giảm mạnh ở Châu Âu (2.260), Châu Úc (55); nhưng tăng ở Châu Á (1.521).

Linh mục Dòng tổng số là: 135.593 giảm 587.

Linh mục Triều tổng số là: 272.431 tăng 1.340.

– Phó tế vĩnh viễn tăng[ii]: 35.942, nhiều nhất là Châu Mỹ (898) và Châu Âu (472).

– Nữ tu giảm: 6.586 (tổng số là : 748.814)

– Tiểu chủng sinh dòng và triều giảm 671 (tổng số là: 101.978).

– Thừa sai giáo dân tăng: 33.696 (tổng số là: 250.464).

– Giáo lý viên tăng 6.665 (tổng số là: 2.993.354).

2) Giáo Hội Pháp[iii]. Khủng hoảng về ơn gọi linh mục, bắt đầu giảm sút từ trước Công đồng Vaticanô II: – Năm 1959 là 823; – năm 1969: 535; – năm 1979: 174; – năm 1989: 113. (Hiện nay mỗi năm có khoảng 100 đến 130 tân linh mục. Giáo phận Paris mỗi năm có khoảng 5 đến 6 tân linh mục). Chủng viện có nguy cơ đóng cửa.

+ Linh mục già nua, đau yếu, hồi tục.

-1977–1989 có 4.753 linh mục mất đi (chết và hồi tục).

-1979 có 31.800 linh mục, nhưng đến năm 1992 còn 24. 000 (mất 7.740).

-Tuổi trung bình trên 67 -70; trung bình chết 800 linh mục một năm.

+ Tổng số nữ tu tại Pháp năm 1977 có 92.000, thì năm 1989 là 66.000; năm 1991 là 60.000, nhưng đến năm 1995 là 56.000. Thực tế (ở Pháp) cho thấy diễn biến ơn gọi nữ tu hầu như giảm song song với diễn biến sút giảm linh mục được phong chức.

3) Hiện tượng ADAP (Assembleees Dominicales en L’Absence de Prêtres – Các buổi cử hành Chúa nhật khi vắng các linh mục)[iv].

Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh Chức vụ và đời sống các linh mục – Presbyterorum Ordinis số 9 có đề cập đến “mốitương quan giữa linh mục và giáo dân”.

Giáo Hội Công Giáo trên thế giới ngày càng rơi vào tình trạng thiếu vắng linh mục, dẫn đến một sáng kiến tổ chức Phụng vụ Chúa nhật mà ta gọi theo chữ viết tắt là ADAP. Việc ban quyền cho một phó tế vĩnh viễn hay giáo dân cử hành Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật rồi cho rước lễ sẽ gây ra hậu quả: không còn phân biệt giữa ADAP với thánh lễ đích thực nữa; hoặc không cần linh mục, linh mục chỉ cần Truyền phép Mình Thánh Chúa.

4) Tông huấn Những mục tử như lòng Chúa mong ước[v]của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đề cập đến vấn đề khó khăn và khủng hoảng lớn hiện nay trong Giáo Hội: thiếu linh mục và tu sĩ.

Con người ngày nay nghiêng chiều về khuynh hướng thực dụng, đang lôi cuốn người trẻ: “Xã hội tiêu dùng”[vi] dẫn đến lối sống chủ nghĩa duy cá nhân, duy vật chất, duy khoái lạc, quan niệm sống thoải mái, dễ làm giới trẻ mất phương hướng, cho nên có ít người đi tu.

Linh mục cũng dễ rơi vào tình trạng ít suy tư, thích những gì có sẵn như “mỳ ăn liền”: bài giảng soạn sẵn; thích những câu chuyện hấp dẫn, áng văn hoa mỹ để thưởng thức hơn là để biến cải tâm hồn; hoặc rơi vào tình trạng giảng dài, không chuẩn bị kỹ, hoặc quá ngắn theo sở thích của giáo dân.

5) Sự bùng nổ nhanh chóng của khoa công nghệ thông tin; những phương thức phát triển kinh tế thị trường không ngừng thay đổi, cải tiến; những chương trình vui chơi giải trí, bầu chọn “Top ten, siêu sao, …”, không có cái gì tồn tại lâu dài. Mới hôm nay hiện đại, thì không lâu sau đã có sản phẩm khác thay thế, và lại rơi vào quên lãng, lỗi thời.

6) Đề cương học hỏi về Năm Thánh Giáo Hội tại Việt Nam[vii] đã cho thấy những thực trạng xã hội Việt Nam đang gặp phải những thách đố:

– Tiến trình toàn cầu hoá kinh tế làm phương hại đến người nghèo[viii]. Hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Trong thực tế, chúng ta có thể thấy những cung cách hưởng thụ, tiêu xài xa xỉ hoang phí quá đối nghịch với tình cảnh thiếu thốn cơ cực của lớp người cùng khổ hiện vẫn còn quá đông trong xã hội hôm nay[ix].

– Đất nước cũng đang bùng phát về di dân, do người trẻ từ nông thôn đổ xô vào thành phố lớn để kiếm kế sinh nhai. Nếp sống buông thả dường như có gia tăng, bạo lực, tệ nạn xã hội cũng gia tăng. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở cả thành thị lẫn thôn quê cũng đang gây nhiều âu lo.

– Về Văn hoá Giáo dục: các dịch vụ internet nở rộ ngay cả nơi các vùng nông thôn, và qua đó phổ biến những hình thức văn hoá không lành mạnh. Việc giáo dục dường như chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, hơn là giáo dục toàn diện cả về nhân bản và tri thức, để xây dựng những con người Việt Nam chân chính, có trách nhiệm nhân ái và trưởng thành trong đạo đức.

Đề cương đã đưa ra lời nhận xét: Thật rõ ràng, đất nước Việt Nam đang ở trong giai đoạn mới của lịch sử, ở đó ánh sáng xen lẫn với bóng tối và dường như bóng tối đang lấn áp.

Những khó khăn và khủng hoảng nêu trên đã làm ảnh hưởng đến những người trẻ, khiến họ không muốn dấn thân trong ơn gọi tu trì. Quan trọng hơn là như đang làm cho những người trẻ mất dần niềm hy vọng vào tương lai của Giáo Hội. Nó cũng gây ảnh hưởng cả đến những người đang sống trong ơn gọi linh mục, tu sĩ.

Chính vì thế số 12 Huấn thị, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đặt ra câu hỏi liệu đời sống thánh hiến còn là chứng tá khả thị có khả năng thu hút người trẻ nữa không.

Cũng với vấn nạn Đức Giáo Hoàng đặt ra, trong Báo cáo ở hội nghị của Hiệp Hội Đời Tu tại Canada[x] của cha Timothy Radcliffe, OP đã viết: “Khi tôi phát biểu trước các hội nghị của các tu sĩ ở Châu Á, Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi, ở Bắc Mỹ và Châu Âu, và hầu như chỗ nào người ta cũng đặt ra cùng một câu hỏi: Liệu đời tu còn có một tương lai? Điều này cũng đúng ở Canada này. Nhiều Hội Dòng đang bị đe dọa biến mất”[xi].

Huấn thị hướng dẫn và trả lời cho vấn nạn:

+ Đối diện với những khủng hoảng tôn giáo hiện nay ảnh hưởng trên xã hội, khiến người sống đời thánh hiến đôi khi không được trân trọng đúng mức; có lúc người ta thiếu cả sự tin tưởng vào đời sống thánh hiến. Chính vì thế người sống thánh hiến buộc phải tìm kiếm những hình thức hiện diện và đặt ra cho mình những vấn nạn liên quan đến ý nghĩa căn tính của mình và tương lai.

+ Bên cạnh sự sự nhiệt tình xả thân nhằm làm chứng và tự hiến đến mức tử đạo, những người thánh hiến cũng cảm nghiệm những đe doạ của sự tầm thường trong đời sống thiêng liêng, của việc trưởng giả hoá dần dần và não trạng tiêu thụ.

+ Việc điều hành phức tạp các công việc của xã hội và luật lệ của Nhà nước, cùng với các cám dỗ tìm kiếm hiệu năng và duy hoạt động[xii], có nguy cơ làm lu mờ tính độc đáo của Tin Mừng và làm suy yếu các động cơ thiêng liêng. Tình trạng các dự phóng riêng tư chiếm ưu thế hơn các dự phóng cộng đoàn, có thể làm xói mòn sự hiệp thông tình yêu giữa anh em, chị em.

Trước những thách đố cũng như dấu chỉ của thời đại hôm nay, (Huấn thị số 12) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trả lời xác quyết: đời sống thánh hiến vẫn còn có một lịch sử cần được viết ra cùng với mọi tín hữu.

Đề cương học hỏi về Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam: cách riêng tại Việt Nam, đứng trước những khó khăn và thách đố, các Hội Dòng và Tu Hội sẽ cùng với Giáo Hội tại Việt Nam chọn hướng đi hôm nay là phải Xuất phát lại từ Đức Kitô[xiii].

Số 13 của Huấn thị: Những khó khăn và vấn nạn mà đời sống tu trì trải qua hôm nay có thể làm nẩy sinh một kairos[Thời buổi: “hãy tận dụng thời buổi hiện tại”( Cl 4,5)] mới, một thời gian ân sủng.

Việc phải sống trong một xã hội bị nền văn hoá sự chết thống trị[xiv]có một thách đố là phải trở nên những chứng nhân, những sứ giả và những người phục vụ sự sống kiên cường hơn.

Các lời khuyên phúc âm như khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục mà Đức Kitô sống trọn vẹn trong nhân tính của người với tư cách là Con Thiên Chúa và được ôm ấp vì yêu mến Thiên Chúa. Chúng là những thần dược chữa trị sự sa đoạ của tinh thần, đời sống và văn hoá, công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa và niềm vui sống theo các mối phúc lộc Tin Mừng.

Cũng vẫn với chủ đề: Đời tu liệu còn có một tương lai? Công báo của Tòa Thánh Chúa nhật 11/11/2007 có đăng bài phỏng vấn Đức Hồng Y Franc Rodé, chủ tịch Bộ các Hội Dòng thánh hiến và Tu Đoàn tông đồ[xv]. Lời của Đức Hồng Y: “Theo tôi, thách đố lớn đang chờ đợi chúng ta trong những năm tới là thách đố của việc tục hoá. Nhưng tôi không có ý nhấn mạnh đến việc tục hoá “bên ngoài” cho bằng nhắm đến việc tục hoá “bên trong”. Đây là lúc phải nhìn nhận những sai lầm đã xẩy ra. Các cộng đoàn tu trì cần phải trở về những nguồn mạch của đoàn sủng sáng lập và những giá trị Tin Mừng. Phải dành lại vị trí trung tâm cho việc cầu nguyện, cho đời sống chung, đức thanh bần, khiết tịnh và tuân phục”.

Huấn thị số 13 tiếp tục cho thấy: Cảm tưởng mà một số người có về sự sút giảm lòng kính trọng đối với đời sống thánh hiến, có thể được xem như một lời mời gọi cần thanh luyện để tự do. Đời sống thánh hiến không nhằm tìm kiếm sự tôn vinh và tán thưởng, nhưng được đền đáp bằng niềm vui khi được tiếp tục làm việc không mệt mỏi vì Nước Thiên Chúa.

Nếu những người thánh hiến ở một vài nơi vì nhân sự giảm sút, thì có thể xem đó như dấu chỉ Thiên Chúa mời gọi trở về với những nhiệm vụ chính yếu là làm men, dấu chỉ và ngôn sứ.

Những thách đố đó rõ ràng có thể tạo nên một lời mời gọi nhớ lại khả năng đáp ứng các thách đố và các khó khăn thời đại của các vị thánh sáng lập Dòng bằng một sự sáng tạo có tính đoàn sủng đích thật.

Nhiệm vụ của Bề Trên

Huấn thị số 14: Các Bề Trên là những người được uỷ thác việc thi hành quyền bính[xvi], một trách nhiệm nặng nề và khó khăn. Trách nhiệm đó đòi hỏi Bề Trên phải thường xuyên hiện diện để linh hoạt và đề nghị, nhắc nhở về lý do hiện hữu của đời sống thánh hiến và hỗ trợ những người được uỷ thác cho họ sống trong sự trung thành không ngừng được đổi mới theo lời mời gọi của Thánh Khí. Một bề trên không thể từ chối sứ vụ linh hoạt, nâng đỡ anh chị em, đề xuất, lắng nghe và đối thoại.

Cha Colomban, OFM viết cuốn “Vị Bề Trên tốt”[xvii], xin trích lược một đoạn sau: “Vị Bề Trên tốt là phải theo thứ tự sau: trước hết là lo cho các linh hồn, thứ đến là lo cho sức khỏe chị em và tiếp đến là lo cho các công việc của Hội Dòng, không được biếng trễ đối với một việc nào trong ba công việc này. Có vị Bề Trên chỉ thấy lo các việc trần thế, đó là người kinh doanh. Có vị sống nội tâm hơn, chỉ nghĩ đến việc thiêng liêng, người ta gọi vị ấy là nhà thần bí. Có vị lo cho chị em minh cả phần hồn lẫn sức khỏe, nhưng lại ít để tâm đến phát triển và giữ cơ sở Hội Dòng được thịnh vượng”.

Vẫn Huấn thị số 14, khi nói đến Bề Trên của Hội Dòng là nói đến vấn đề quyền bính, bổn phận và trách nhiệm thi hành. Thi hành quyền bính là để cùng nhau đối thoại và biện phân giúp vạch ra một chương trình sống phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, và cùng nhau thực hiện thánh ý Ngài.

Huấn thị về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn vẫn là một chỉ dẫn hợp thời cho đời tu hôm nay.

MỘT CỘNG ĐOÀN TU SĨ tải xuống (9)

Từ sau Công đồng Vaticanô II, các Hội Dòng đã thực hiện được những thích nghi về Hiến chương, những thích nghi này bao gồm cả những chọn hướng, về ý nghĩa của đời tu, và về ý nghĩa các lời khấn.

Khi nói về đời sống thiêng liêng ta cần lưu ý:

Đối với mỗi thành viên trong các Hội Dòng, một “đời sống thiêng liêng vững vàng” có sức lan tỏa ra chung quanh và có sức bật tông đồ. Các Bề Trên và Hội Dòng phải có tham vọng xây dựng một “thân thể huynh đệ”, được linh hoạt bởi việc cùng nhau tìm kiếm Chúa để trở nên kinh nghiệm về Chúa.

  1. Một cộng đoàn tu sĩ phải vượt lên trên một tổ chức huynh đệ, hoặc một hiệp hội ái hữu, hoặc một tổ chức nào khác. Cộng đoàn tu chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi là một gia đình, trong đó các thành phần đã hiến dâng mình cho Thiên Chúa và dành trọn cuộc sống để sống chung với các anh chị em mình.

Thiên Chúa mời gọi các tu sĩ đi bước đầu, và bước đi đầu tiên đó đã rõ ràng, nhưng các bước đi sau còn bọc trong sương mù. Các môn đệ đầu tiên, khi được Chúa Giêsu mời gọi theo Người, đã chấp nhận đáp trả cách hồ hởi. Và từ đó, cuộc sống của các ông được hoàn toàn thay đổi. Còn chuyện gì sẽ xẩy đến với các ông, thì chưa được biết. Có điều chắc chắn là cuộc sống của các ông không như trước nữa. Và chúng ta có thể chắc chắn rằng: không một môn đệ nào nắm vững được điều gì sẽ xẩy đến cho bản thân[xviii].

Bài Thuyết trình của Cha Timothy Radcliffe, OP[xix]: “Tôi thiết nghĩ ơn gọi làm tu sĩ của chúng ta giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta được gọi để làm dấu chỉ cho niềm hy vọng đối với nhân loại[xx]: Chúng ta được mời gọi sống sự sống không chắc chắn ấy trong niềm vui. Niềm vui là dấu chỉ của niềm hy vọng cho những con người chẳng còn nhìn thấy tương lai trước mặt mình nữa. Thánh Gioan Thánh Giá, thậm chí còn ca hát ngay sau khi những người anh em Cát Minh của mình nhốt ngài vào phòng biệt giam”.

  1. Trong đời sống cộng đoàn, có người tự nhiên cảm thấy mình hợp tính với một số người khác và đồng thời cảm thấy một số người khác sao mà khó tính, khó nết quá đi. Nhưng câu trả lời không hệ tại chỗ: một nhóm người hợp tính với nhau mới làm nên một cộng đoàn. Những khác biệt đó cho thấy sự giàu có và phong phú của một Thánh Thần duy nhất.

Ngược lại, các phần tử trong cộng đoàn phải hiểu rằng: những người cho người khác là khó tính, thì chính những người khác đó, cũng cảm thấy họ là những người khó nết không kém.

  1. Cầu nguyện chung với nhau, phụng thờ chung với nhau, lao động chung với nhau, không thể xoá bỏ ba từ “chung với nhau” được (và cuối cùng thì các tu sĩ cũng được chôn chung với nhau trong nghĩa địa của Tu Viện).

Ngày nay, người ta đều cảm thấy cuộc sống chung là điều khó. Ai cũng muốn có cuộc sống riêng tư, trong nhà riêng của mình.

Các cộng đoàn tu sĩ, qua đời sống chung, đó là câu trả lời cho nhân loại. Cho dù nhiều lần người tu sĩ cũng không hài lòng với người anh chị em tu sĩ khác, khi người này người kia không đồng quan điểm với mình. Nhưng điều này vẫn không là lý do chia rẽ, vì họ biết rằng họ đã tận hiến bản thân cho Thiên Chúa và cho cộng đoàn. Cho dù có người chỉ mới 3 năm,10 năm, vị khác đã được 50 năm hay lâu hơn nữa.

  1. Lớn lên trong đời sống thiêng liêng giữa lòng một Hội Dòng. Chúng ta chỉ lớn lên trong một lịch sử, trong những tương giao bằng cách hội nhập vào một tập thể. Nơi nào không có sự hội nhập này thì bản thân con người bị thoái lùi hoặc đi đến tự hủy diệt.

Trên bình diện thiêng liêng cũng vậy, chúng ta được mời gọi lớn lên trong một tập thể, cho một sứ vụ. Các môn đệ được Chúa Giêsu ban Thánh Thần, không chỉ để dành cho sự thánh hoá bản thân mình, nhưng trước tiên là để yểm trợ các ông chu toàn sứ vụ[xxi].

Lớn lên trong Thánh Linh, là trở thành con cái Chúa trong vâng phục, biết nhận lấy sứ vụ Chúa Kitô làm của mình, biết sống như một thành viên sống động của Thân Thể Người là Hội Thánh.

Bí tích Thánh Tẩy sát nhập chúng ta vào Đức Kitô thì cũng mời gọi chúng ta sống giữa thế gian với sứ vụ Ngôn sứ, Tư tế, và Vương giả của Chúa Kitô.

Trong lòng dân tộc, những tu sĩ có một chỗ đặc biệt, đó là chỗ dành cho sự hội nhập chúng ta vào trong Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chúng ta thực hiện sự sát nhập vào Chúa Kitô bằng sự tận hiến cho công cuộc của Người.

Như vậy sự lớn lên trong Thánh Linh sẽ làm cho chúng ta ngày càng trở nên những chi thể sống động hơn của Thân Thể Chúa Kitô.

Hội Dòng của tôi không chỉ là con đường mà tôi có thể mượn trong chốc lát để theo Chúa Giêsu, rồi sau đó là quên đi và tôi tự lo liệu một mình, mà Hội Dòng là một chi thể sống động, đã đào tạo tôi, cưu mang tôi, để tôi thi hành một sứ vụ[xxii].

  1. Giúp mỗi người lớn lên và hội nhập vào tập thể. Chúng ta không chỉ được kêu mời sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục một cách cá nhân, mà trước hết là làm cho hiện hữu trong Hội Thánh.

Cộng đoàn là dấu chỉ của Tin Mừng:

– Trong cách các thành viên sống,

– Trong cách các thành viên xử sự đối với của cải tiền bạc,

– Trong cách các thành viên yêu thương nhau và yêu thương tha nhân,

– Và trong cách họ liên hệ với những người có quyền hành.

Khi các tu sĩ cùng sống các Lời Khấn Dòng như thế, càng ngày chúng ta càng khám phá rằng, tập thể Dòng Tu là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Hội Dòng là “khuôn mặt” của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi và giúp tu sĩ theo Chúa Giêsu đến mức độ điều họ nói và làm hòa điệu, ăn khớp với nhau.

Mỗi tu sĩ phải nói được rằng: cùng với Chúa Giêsu, ước nguyện sâu xa nhất của tôi là làm vinh danh Chúa qua cách sống trọn vẹn đoàn sủng tông đồ của Hội Dòng

  1. Hội Dòng lớn lên vì có nhiều người gia nhập. Hội Dòng là một tập thể (một thân thể), là hình ảnh của Giáo Hội. Hội Dòng từng bước giúp tôi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong việc thi hành sứ mệnh Chúa trao phó. Hội Dòng không phải là một cái gì trừu tượng mà là một tập thể, người ta có thể thấy được và được Hội Thánh công nhận.

Hội Dòng giúp các thành viên sống một cuộc sống thật, một cuộc sống dồi dào, và qua các thành viên, nhờ các thành viên, Hội Dòng mỗi ngày được sống động và phát triển.

VẤN ĐỀ ƠN GỌI TU TRÌ VÀ VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC, TU SĨ HIỆN NAYCauChoLinhMuc

Vấn đề ơn gọi tu trì và việc đào tạo linh mục, tu sĩ ngày nay gặp rất nhiều khó khăn và rắc rối.Đây là vấn đề đã được Công đồng Vaticanô II và những văn kiện sau Công đồng[xxiii] đề cập đến, Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” số 16 nói đến việc cổ võ ơn gọi đời sống thánh hiến.

Nói đến đời sống thánh hiến là nói đến Ơn Gọi:

Theo Tông huấn Pastores Dabo Vobis[xxiv] của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi các linh mục tu sĩ, xin tóm tắt và trích dẫn một số ý tưởng nói về ơn gọi:

– Mọi ơn gọi kitô hữu đều phát xuất từ Thiên Chúa, và đều là ân huệ của Thiên Chúa ban.

– Ơn gọi bao gồm: Thiên Chúa đề xướng, con người đáp trả.

– Ơn gọi nào cũng khởi xướng từ Thiên Chúa và được ban nhưng không (x. Ep 1,3-5), nhưng phải được ban trong và qua Giáo Hội[xxv].

– Lịch sử của mọi ơn gọi linh mục tu sĩ cũng như của mọi ki tô hữu, là lịch sử của một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người; giữa tình yêu Thiên Chúa và sự tự do đáp lại của con người trong tình yêu[xxvi]. Vì thế, ơn gọi là một mầu nhiệm không thể dò thấu, bao hàm mối tương quan mà Thiên Chúa thiết lập với con người: độc nhất và không thể vãn hồi[xxvii].

– Giáo Hội thấy rằng không thể né tránh bổn phận của mình là loan báo và bày tỏ ý nghĩa Kitô Giáo của ơn gọi đó là “Tin Mừng về ơn gọi”[xxviii]. Và Giáo Hội dẫn dắt mọi tín hữu khám phá và sống ơn gọi của mình trong tự do và gánh vác ơn gọi ấy cho tới hoàn thành trong đức ái[xxix].

ƠN GỌI LINH MỤC TU SĨ LÀ LỜI MỜI GỌI: 

TÌM ĐẾN (THEO) – XEM – Ở LẠI 

Huấn thị số 16: Con đường nhằm cổ võ ơn gọi sống đời thánh hiến là con đường đã được Chúa khởi sự khi Người nói với hai tông đồ Gioan và Anrê: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39).

Tin Mừng đã có nhiều lời của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Hãy đến và theo Ta” (Mt 19,21).

Khi bàn về ơn gọi linh mục trong mục vụ của Giáo Hội, chúng ta có một mô hình mẫu đó là: Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả.

– Khi thấy Chúa Giêsu đi ngang, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với hai môn đệ của mình: “Đây Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36b). Và thế là hai ông liền đi theo Đức Giêsu (x.Ga 1,35-37).

– Thấy các ông đi theo, Chúa Giêsu hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ trả lời:“Thưa Rabbi, Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người (x. Ga 1,38-39).

Ơn kêu gọi của tu sĩ là để: “ở với Chúa”: “Lạy Cha, con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con. Để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17,24).

“Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4).

“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5b).

“Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn xin gì anh em sẽ được như ý” (Ga 15,7).

Đây là ơn kêu gọi cao cả nhất. Bởi vì chúng ta đã khởi sự ngay ở trần gian những gì chúng ta sẽ được ở trên trời: cùng một việc phụng thờ; cùng một tình yêu; chỉ có điều khác biệt về hình thức đó là trên trời, Chúa ở trạng thái vinh quang, còn bây giờ trong Thánh Thể, Chúa hiện diện cách nhiệm tích.

Ơn kêu gọi của tu sĩ cũng là ơn kêu gọi để: “Phụng sự tình yêu”[xxx].

Từ đời đời Chúa đã yêu thương ta, ngay khi ta chưa còn sinh ra; Ngài đã kêu gọi ta sống theo ơn gọi thánh hiến[xxxi].Và đây không chỉ là ơn kêu gọi để đạt tới ơn cứu độ mà thôi, hay là ơn được thoát khỏi mọi tội lỗi, hoặc ơn kêu gọi sám hối; nhưng là tiếng gọi của tình yêu, lời mời gọi sống đời thánh thiện, sống gần Con Chiên ở trạng thái mà tình yêu ràng buộc Người ở lại đây.

Sự cản trở ơn gọi. Người thanh niên giàu có trong Tin Mừng thánh Máccô (x. Mc 10,17-27): “Anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” (Mc 10,22). Tiền bạc, của cải vật chất làm cản trở sự tự do đáp trả[xxxii].

Vì những lý do nêu trên, các cộng đoàn cần tiếp đón và chia sẻ lý tưởng đời sống với những người trẻ, để họ cảm thấy mình bị thách thức bởi những đòi hỏi của sự chân thực, và tự nguyện chấp nhận sống khiết tịnh chỉ vì muốn thi hành thánh ý Thiên Chúa, và vì phần rỗi thế giới.

ĐÀO TẠO (HUẤN LUYỆN) 

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi tổ chức Đại Năm Thánh 2000, đã hướng Giáo Hội đến Thánh Thể và từ ngày 10/2/2004 đến ngày 10/2/2005 ngài đã tổ chức Năm Thánh Thể với mục đích: Hết mọi người hãy “Làm mới lại từ Đức Kitô”.

Tông Huấn Vita Consecrata[xxxiii] số 68 nhấn mạnh rằng việc canh tân đời sống thánh hiến tùy thuộc rất nhiều vào việc đào tạo.

  1. Thường huấn[xxxiv]

Huấn thị số 15: Thời đại chúng ta đang sống đòi chúng ta phải xem xét lại toàn bộ việc huấn luyện. Việc huấn luyện không còn giới hạn trong một quãng thời gian nào nữa, mà phải biết tự huấn luyện mình suốt đời. Tự học tập; tự huấn luyện qua cuộc sống mỗi ngày, qua cộng đoàn, nhờ anh chị em, nhờ các chuyện thường nhật; nhờ việc cầu nguyện và hoạt động tông đồ cực nhọc, trong niềm vui và đau khổ; nhờ năm phụng vụ, sống các mầu nhiệm cuộc đời của Con Thiên Chúa, để nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, họ bắt đầu lại mỗi ngày.

Huấn thị số 16: Một trong những hoa trái đầu tiên của con đường thường huấn là khả năng sống ơn gọi mỗi ngày.

  1. Cổ võ ơn gọi

Huấn thị số 17: Chăm sóc các ơn gọi là một nhiệm vụ mấu chốt cho tương lai của đời sống thánh hiến.

Người thánh hiến tự bản chất cũng là một linh hoạt viên ơn gọi. Phục vụ các ơn gọi là một trong những thách đố gay gắt nhất mà đời sống thánh hiến hôm nay phải đương đầu.

Ngày nay, việc cổ võ ơn gọi là trách nhiệm của mỗi cộng đoàn và mọi thành viên các Tu Hội, tất cả được mời gọi:

– Đảm nhận nhiệm vụ tiếp xúc với người trẻ, giảng dạy về việc đi theo Đức Kitô và chuyển giao đoàn sủng.

– Phải khám phá những nghệ thuật giáo dục để khơi dậy và giải quyết các vấn nạn nan giải thường ẩn dấu trong lòng mỗi người, đặc biệt đối với người trẻ.

– Đồng hành với người khác trên con đường biện phân ơn gọi. Truyền đạt kinh nghiệm sống, hướng dẫn người đó đến việc chọn lựa ơn gọi riêng.

Huấn thị số 18: Liên hệ đến việc huấn luyện, Thánh bộ đã xuất bản hai tài liệu sau: Potissimum Institutioni và Cộng tác Huấn luyện giữa các Tu Hội. Tuy nhiên, chúng ta ý thức đến những thách đố liên tục mà các Tu hội phải đương đầu trong lãnh vực này.

Các ơn gọi mới đến gõ cửa đời sống thánh hiến thì rất đa dạng, nên đòi hỏi phải có một sự quan tâm riêng, và các cách thức đáp ứng những hoàn cảnh cụ thể về nhân bản, thiêng liêng và văn hoá.

  1. Các chiều kích của việc đào tạo

Trước những thực tế của con người thời nay, cách riêng người thánh hiến cần phải được đào tạo:

  1. Đào tạo nhân bản: nền tảng của mọi đào tạo linh mục tu sĩ.

+ Đào tạo nhân bản[xxxv].

+ Sự trưởng thành về mặt cảm tính: tình yêu[xxxvi].

  1. Đào tạo thiêng liêng: hiệp thông với Thiên Chúa và tìm gặp Đức Kitô.

+ Được tái sinh “bởi nước và Thánh Thần”[xxxvii] (x. Ga 3,1-15).

+ Đời sống kết hợp mật thiết với Đức Kitô như cành với thân cây nho[xxxviii] (x. Ga 15, 1-5)

  1. Đào tạo trí thức: đặt nền tảng thần học chân chính là thần học phát xuất từ đức tin và nhắm mục đích dẫn tới đức tin[xxxix].
  2. Đào tạo mục vụ[xl]:hiệp thông với đức ái của Chúa Kitô, Vị Mục Tử nhân lành.

Toàn bộ nền đào tạo cho các ứng sinh linh mục và tu sĩ đều nhắm tới: thông hiệp vào đức ái của Chúa Kitô, Vị Mục Tử nhân lành[xli].

Đào tạo và huấn luyện sao cho “người trẻ” cần được trải qua những thách đố để quyết tâm, triệt để đi theo Đức Kitô và những đòi hỏi sâu xa của sự thánh thiện. Giúp biện phân một ơn gọi[xlii] vượt quá con người họ, hay vượt quá các ý tưởng ban đầu đã lôi cuốn họ gia nhập một Tu Hội nào đó.

Bởi đó, việc huấn luyện phải có những đặc tính của việc đi theo Đức Kitô cách triệt để. “Vì mục đích của đời sống thánh hiến chính là đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Điều đó sẽ giúp hội nhập các kiến thức thần học, nhân văn và kỹ thuật vào đời sống thiêng liêng và tông đồ của Tu hội, và sẽ luôn luôn duy trì tính chất của một “trường học dạy sự thánh thiện”.

Huấn thị tiếp tục đưa ra nhiều hướng dẫn về việc đào tạo:

+ Việc huấn luyện cần chú ý gieo trồng trong tâm khảm những người thánh hiến trẻ các giá trị nhân bản, thiêng liêng và đoàn sủng; phải chuẩn bị cho biết đối thoại trong cộng đoàn, với lòng chân thành và bác ái của Đức Kitô, xem sự khác biệt như là một sự phong phú và làm quen với các cách nhìn và cảm nghĩ khác nhau.

+ Huấn luyện văn hoá đi đôi với thời đại và đối thoại với nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa của đời sống con người ngày hôm nay. Vì thế cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong lãnh vực triết học, thần học cũng như tâm lý.

+ Trong thời đại vội vã như hiện nay, cần có sự kiên trì và nhẫn nại, phải rất quảng đại trong việc cống hiến thời giờ và năng lực tốt nhất cho việc huấn luyện. Trong hoàn cảnh mà sự nhanh chóng và nông cạn chiếm ưu thế, chúng ta cần có sự thanh thản và thâm trầm.

Vài thách đố nghiêm trọng

Huấn thị số 19: Tương quan giữa các Hội Dòng, các Tu Hội thuộc thẩm quyền giáo phận, các trinh nữ thánh hiến và các ẩn sĩ cần được quan tâm đặc biệt, nhất là bởi các giám mục và linh mục đoàn. Các ngài ý thức đến các vấn đề liên quan đến các công tác mà các tu sĩ phục vụ phù hợp với đoàn sủng riêng của họ: bệnh viện, trường học, nhà tiếp đón và nhà tĩnh tâm.

Cần có sự sáng tạo, khôn ngoan và đối thoại giữa các thành viên Tu Hội cũng như giữa các Tu Hội, đồng thời đối thoại với người hữu trách của Giáo Hội địa phương để tìm ra giải pháp đúng đắn.

Các đề tài hội nhập văn hoá, thích nghi các hình thái linh đạo và công việc tông đồ, cách quản trị, việc huấn luyện, chúng ta không sao liệt kê hết các dự tính khác của đời sống thánh hiến lúc khởi đầu ngàn năm thứ ba này, vì Chúa Thánh Thần luôn thúc đẩy chúng ta tiến lên phía trước và xa hơn. Sống giây phút hiện tại trong niềm hăng say và nhìn về tương lai với lòng tin tưởng.

Lắng nghe lời mời gọi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi đến toàn thể Giáo Hội, đời sống thánh hiến phải sáng suốt “Xuất phát lại từ Đức Kitô”: “Giáo Hội chờ đợi các tu sĩ nam nữ thánh hiến góp sức tiến bước trên con đường mới mà tôi vạch ra trong Tông huấn Ngàn năm mới: Chiêm ngưỡng khuôn mặt Đức Kitô, xuất phát lại từ Người, làm chứng cho tình yêu của Người”.

Chỉ như thế, đời sống thánh hiến mới tìm thấy sinh khí mới để hiến mình phục vụ toàn thể Giáo Hội và tất cả nhân loại.

[i] Theo thống kê của báo Vietcatholic News dân số thế giới năm 2009 là: 6.617.097.000 người, so với năm 2006 thì tăng 74.273.000 người. Tại Việt Nam, theo thống kê của Giáo Hội Công Giáo công bố ngày 31/12/2006, dân số là: 85.673.400 người, Công Giáo là 6.150.000, chiếm tỷ lệ khoảng 7%.

[ii] Tại Pháp: -1975: 40; -1980: 107; -1990: 659; -1994: trên 1000. Tại Mỹ khoảng trên 2.800. Tại Đức trên 525.

[iii] Trích dẫn từ: “Nhìn về Giáo Hội và thừa tác vụ hôm nay”, bản dịch của linh mục Đa Minh Nguyễn Mạnh Tuyên, nhà xuất bản tôn giáo 2003. Một nước Công Giáo truyền thống, thế mà hiện nay tổng số 45/57 triệu người có rửa tội thì khoảng 10 triệu là người thực hành đạo thường xuyên. Ngày nay còn thêm thử thách lớn là sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của các tôn giáo ngoài Kitô giáo (Hồi Giáo: 4.000.000; Do Thái giáo: 650.000; Phật giáo: 600.000). Hiện nay tỷ lệ giới trẻ gắn bó với tôn giáo (rửa tội, học giáo lý, rước lễ, tham dự phụng vụ…) chỉ khoảng 37%.

[iv] Hiện nay ở Pháp có 78 giáo phận thực hành ADAP đều đặn ở 2.750 địa điểm. Cứ tình hình hiện nay thì ADAP sẽ gia tăng. (Trích dẫn từ: “Nhìn về Giáo Hội và thừa tác vụ hôm nay”, bản dịch của linh mục Đa Minh Nguyễn Mạnh Tuyên).

Có nguy cơ trệch đường

– Theo truyền thống và giáo thuyết của Giáo Hội Công Giáo cấm linh mục thực hành việc “ủy quyền mục tử” để người nhận ủy quyền chủ sự thánh lễ Chúa nhật.

Thật nghịch lý khi cho rằng: Giáo Hội Công Giáo với nền linh đạo mang đậm nét Thánh Thể, luôn ưu tiên cho việc cử hành Thánh Thể, mà lại không thể dâng lễ Chúa nhật cho các tín hữu (buộc tham dự lễ Chúa nhật).

– Trao cho giáo dân các thừa tác vụ loan báo Lời Chúa và điều khiển, làm linh hoạt cộng đoàn; đồng thời đóng khung các linh mục trong thừa tác vụ cử hành các bí tích. Việc phân chia này là không chính đáng với học thuyết của Vaticanô II; cũng không làm cho các linh mục được hạnh phúc; còn làm bóp méo các tín hữu hiểu về thừa tác vụ linh mục: Tư tế. Linh mục phải giữ vai trò chủ động trong việc loan báo Lời Chúa, điều khiển và làm linh hoạt cộng đoàn.

– Công đồng Vaticanô II xác minh rằng: nguồn gốc của thừa tác vụ linh mục không phải chỉ là phụng tự, nhưng trước hết là sứ vụ và nền tảng sâu xa của thừa tác vụ chính là tính tông đồ (được sai đi). Phụng vụ là chóp đỉnh, trong phụng vụ có công bố, rao giảng Lời Chúa, nhưng phụng vụ không đứng hàng đầu mà là Tin Mừng. Linh mục không thể bị rút gọn trở thành người phân phát các bí tích.

– Ở Pháp, giáo dân nắm giữ các trách nhiệm của cha xứ. Cách này xem ra không tốt, nguy cơ gây ra sự thay đổi trong chức năng của linh mục (thu gọn lại trong việc cử hành bí tích).

Vì thế, tình trạng ADAP không thể kéo dài vì sẽ gây những hậu quả thảm hại liên quan đến căn tính của Giáo Hội.

[v] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới, Pastores DaboVobis(Những mục tử như lòng Chúa mong ước) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25/3/1992 gửi các linh mục, tu sĩ.

[vi] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2009, đã mời gọi: Hỡi nhân loại hãy thay đổi lối sống, những kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ, những cớ cấu quyền bính đang điều hành các xã hội ngày nay, cần thay đổi để tình liên đới được thể hiện trong đời sống nhân loại.

[vii] Đề cương học hỏi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Chương I, Thực trạng xã hội, những thuận lợi và thách đố.

[viii]Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, số 39.

[ix]Bản phúc trình năm 2008 do Ban Kinh tế và Quan hệ xã hội của Liên Hiệp Quốc nhận định về tình hình thế giới ngày nay bất bình đẳng hơn so với nhiều năm trước, bất chấp việc tăng trưởng kinh tế đáng kể ở nhiều vùng. Cụ thể bản phúc trình cho thấy, không thể so sánh nổi giữa 2,8 tỷ người đang sống với mức chưa tới 2 USD/ngày với mức độ tiêu dùng của giới nhà giàu.

[x]Hiệp Hội Đời Tu tổ chức tại Québec, Canada từ ngày 5 đến 9/6/2008. Cha Timothy Peter Joseph Radcliffe, OP. Trong Tổng hội của Dòng ở Mêhicô, cha được bầu làm Tổng Quyền Dòng Đa Minh (nhiệm kỳ 1992-2001). Ngày 15/5/2007 Cha đạt giải “The Michael Ramsey” với tác phẩm What Is the Point of Being A Christian ? Cha từng là Chưởng ấn tại các Đại học Angelicum, Roma; Santo Thomas, Manila; trường Kinh Thánh Giêrusalem; Trưởng Phân Khoa Thần học tai Fribourg. Hiện tại cha là nhà giảng thuyết lữ hành, là giáo sư. Trụ sở liên lạc tại tu viện Blackfriars, Oxford, Anh Quốc.

[xi]Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã lập lại ngày Pro Orantibus dành để cầu nguyện cho các dòng chiêm niệm và kêu gọi mọi người giúp đỡ họ.

Theo nguồn tin của AsiaNews ngày 20/11/2008, giới thiệu suy nghĩ của một nữ tu về tương lai các dòng tu ở châu âu, cho thấy dù lạc quan đến đâu, thì sự sa sút về ơn gọi tu trì là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy, và giải đáp cho bài toán quá khó nầy vẫn chưa tìm thấy? Và việc phải làm gì để thực sự sống nghèo, tận hiến chỉ để phục vụ trong khiêm hạ nghèo khó không chỉ về tinh thần, mà cả – và nhất là – về vật chất, yêu mến “chị nghèo” như tinh thần thánh Phanxicô Atxidi.

Tương lai dòng tu ở Châu Âu dưới cái nhìn của nữ tu Ingrid Grave

Soeur Ingrid Grave, một nữ tu Dòng Đa Minh 71 tuổi, có một cái nhìn hiện thực về tương lai của các cộng đoàn dòng tu. Sœur là một trong những người thuyết trình tại hội nghị các tu sĩ nam nữ người Thụy Sĩ lần thứ ba diễn ra tại Fribourg từ ngày 5 đến 7 tháng 9 về chủ đề « Sự thay đổi xã hội ở Thụy Sĩ – Chúng ta sẽ đề ra chọn lựa nào ? ».

Soeur Ingrid Grave: Các cộng đoàn dòng tu phải đóng cửa các nhà. Phần lớn các thành viên đã cao tuổi. Và các cộng đoàn cũng bận rộn với công việc tái cơ cấu. Nhưng các dòng tu lớn, và nhất là các dòng nữ, gần như không có lớp kế thừa. Tôi nghĩ trước tiên đến tình hình của chúng tôi ở Châu Âu.

Có nhiều lý do khác nhau.

– Các dòng tu gần như tất cả đều được sáng lập vào thế kỷ XIX. Chúng phát triển mạnh mẽ trong suốt 100 năm và đạt con số 500 nữ tu. Thế rồi các con số cứ lùi mãi. Thế giới phụ nữ cũng đã đổi thay. Nữ giới thế kỷ XXI rất khác với các phụ nữ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Ngày nay họ tiếp cận với hầu hết mọi nghề nghiệp, cho dù vẫn chưa được chấp nhận hoàn toàn.

– Không phải chỉ ở thế kỷ XIX mà cho tới giữa thế kỷ XX, đến mức gia nhập một Dòng tu được coi như một hình thức giải phóng [phụ nữ]. Các nữ phó tế nở rộ trong Giáo Hội Tin Lành cải cách.

Người ta nói, các nữ tu phải là những “thiếu nữ tận hiến” của Giáo Hội, nhưng với tư cách là những phụ nữ thế kỷ XX và XXI.

– Những thách đố lớn nhất cho tương lai các dòng tu là làm thế nào để có thể ảnh hưởng xã hội bằng linh đạo của mình; một sự thách đố quan trọng khác là người nam và những người nữ ngày nay không còn khả năng cầu nguyện, và tôi thấy điều đó thật là tai hại.

– Các dòng tu trong mười năm tới?

Một nghiên cứu vừa qua cho thấy rằng các thanh niên ngày nay không muốn ràng buộc lâu dài với một tổ chức hoặc một cơ chế. Chúng ta đang sống trong một môi trường văn hoá – biến cố, cho nên mối bận tâm là sự dấn thân của chúng ta phải hợp với mong mỏi của những con người thời đại hôm nay.

[xii] Đức Hồng Y Dario Castrillón Chủ Tịch Bộ Giáo Sĩ khuyên các linh mục tu sĩ: “Hãy tránh những chướng ngại của chủ trương duy hoạt động. Nếu không được tưới gội đầy đủ bằng Lời Chúa và bằng sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, sẽ trở nên khô cằn cỗi”.

[xiii] Đề cương học hỏi về Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, Chương I, Thực tại Việt Nam.

[xiv] Nền văn hoá vô tín và dửng dưng tôn giáo.Đề cương học hỏi về Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, Đề tài 4: Giáo Hội Việt Nam đang tiến bước trong lịch sử. Mục 4.2: “Giáo Hội chống lại trào lưu tục hoá và chủ nghĩa vô tín”. Chủ nghĩa tục hoá mang đặc tính lấy con người làm trung tâm và đề nghị một kiểu tâm linh chủ quan không được thiết lập trên bất cứ mặc khải liên hệ với lịch sử. Thứ tình cảm này tự phủ nhận chiều kích lịch sử của mạc khải và tính ngôi vị của Thiên Chúa.

Công đồng Vaticanô II qua Hiến chế Gaudium et Spes, các số 19-22 đã cho ta thấy rõ những nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa vô thần, làm cho các tín hữu xa lìa Giáo Hội, xa lìa đức tin Kitô Giáo.

Chủ nghĩa vô tín thì có nhiều hình thức khác nhau. Theo Công đồng, “có người phủ nhận Thiên Chúa cách tỏ tường, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì về Thiên Chúa. Có người cứu xét vấn đề Thiên Chúa theo một phương pháp làm cho vấn đề đó xem ra thiếu hẳn ý nghĩa. Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm một cách vô lý, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự bằng khoa học này, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên như vô nghĩa; những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa. Có người hình dung một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng đến nỗi Thiên Chúa mà họ bài xích không phải là Thiên Chúa của Phúc âm. Cả vấn đề Thiên Chúa cũng không hề được đặt ra bởi vì xem ra họ không cảm thấy áy náy gì về tôn giáo cũng như không thấy tại sao lại phải bận tâm về vấn đề đó. Ngoài ra, chủ nghĩa vô thần nhiều lúc phát sinh hoặc do sự phản kháng mãnh liệt chống lại sự dữ trong thế gian hoặc do nhận định sai lầm cho một số giá trị của con người là tuyệt đối đến nỗi lấy chúng thay thế cho chính Thiên Chúa. Ngay cả nền văn minh hiện đại nhiều lúc có thể làm cho người ta khó đến với Thiên Chúa hơn, không phải tự nó, nhưng vì nó quá bám víu vào những thực tại trần gian… Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” (GS 19).

[xv] Đức Hồng Y người Slovac, bài phỏng vấn đăng trên báo Osservatore Romano, ngày 8/11/2007.

[xvi] Cha Timothy Radcliffe, OP: Bề Trên là người lãnh đạo. Nhưng tôi thấy trong Hội Thánh, chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Giêsu Kitô, còn chúng ta đây nam cũng như nữ tu sĩ, chúng ta đều là những môn đệ, thi hành quyền bính để phục vụ. Lãnh đạo là người làm công việc phục vụ ân sủng của Thiên Chúa.

[xvii] Nguyên tác là “Le Bon Supérieur”, người dịch: Đa Minh Trần Thái Đỉnh, 1920.

[xviii] Lời của Cha Timothy Radcliffe, OP: Tu sĩ là người không biết lịch sử cuộc đời mình. Đa số con người đều có những sự nghiệp, và lịch sử bản thân của họ được kiến thiết xoay quanh những sự nghiệp đó. Họ leo lên những nấc thang của con đường tiến thân. Người lính Binh nhì mong lên Trung sĩ, anh Đại úy mơ trở thành ông Tướng, cô giáo ôm mộng có ngày lãnh chức Hiệu trưởng. Nhưng tu sĩ thì lại không có sự nghiệp.

“Đức Giêsu đặt bản thân của Người vào tay những môn đệ mong manh yếu đuối của Người. Thiên Chúa dám đem chính mình làm quà tặng cho những kẻ sắp phản bội Người, sắp chối và bỏ rơi Người. Trong đời tu chúng ta cũng đón lấy cùng một nguy cơ như thế. Chúng ta tin tưởng những người anh chị em mong manh yếu đuối, không biết anh chị em sắp làm gì cho chúng ta.

[xix] Trong Hiệp hội Đời Tu tổ chức tại Québec, Canada từ ngày 5-9/6/2008.

[xx] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói với các nữ tu Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979: “Cuộc sống của các chị em quan trọng hơn bao giờ hết, sự hiến thân trọn vẹn của các chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đề cao quá mức những thực tại vật chất và đánh mất dần ý thức về thần linh. Hỡi các nữ tu thân mến, các chị đã dấn thân vào các tu viện để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống cho. Các chị là chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay. Với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong giáo Hội và con người ngày nay”.

[xxi]X. Đời Tu Ơn Gọi và Đặc Sủng, nguyên tác: “Theologia de la Vida Religiosa” Phần II. Tiếng gọi đặc biệt của Thiên Chúa: Viễn tượng thần học. Nội dung ơn gọi: “Mỗi câu chuyện ơn gọi trong Kinh Thánh đều nhắm tới một sứ vụ, việc kêu gọi không chỉ ám tàng sứ vụ nhưng còn bao hàm một nếp sống đặc biệt…”

[xxii]Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội Dòng (directives sur la formation dans les institus religieux) số 8, do Thánh Bộ các Hội Dòng sống đời thánh hiến và các Tu Hội hoạt động tông đồ, đăng trên báo Osservatore Romano 2/3/1990.

[xxiii] 1) Ngày 31/5/1956, Văn kiện Sedes Sapientiae về đào tạo hàng giáo sĩ; 2) Công đồng Vaticanô II: Hiến chế Tín Lý về Hội Thánh: Lumen Gentium; 3) Sắc lệnh Perfectae Caritatis, về canh tân đời sống tu trì; 4) Năm 1969, Huấn thị Renovationis Causam, về canh tân đời sống tu trì; 5) Ngày 21/6/1971, Tông huấn Evangelica Testificatio về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hiện nay. Tông huấn thật hữu ích cho những nhà đào tạo, nhấn mạnh đến những yếu tố nội tâm của đời sống tu trì ; 6) Ngày 14/5/1978, Văn kiện Mutuae Relationes, những chỉ dẫn về mối tương quan hỗ tương giữa Giám mục và các tu sĩ trong hội Thánh; 7) Ngày 2/2/1990 Văn kiện Potissimum Institutioni, hướng dẫn về đào tạo trong các Hội Dòng; 8) Ngày 25/5/1992, Tông huấn Pastores Dabo Vobis về đào tạo các linh mục trong hoàn cảnh hiện nay; 9) Ngày 15/1/1994, Văn kiện Congregavit Nos In Unum Christi Amor, đời sống huynh đệ trong cộng đoàn; 10) Ngày 25/3/1996, Văn kiện Vita Consecrata, về đời sống thánh hiến.

[xxiv] Gioan PhaolÔ II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, các số 34-40.

[xxv] Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 35.

[xxvi] Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 36.

[xxvii] Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 38.

Bài viết liên quan