Suy Niệm Hằng Ngày

Chúa Nhật tuần II Mùa Phục Sinh năm A – Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 42-47

“Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳnhu cầu từng người.

Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24

Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. – Đáp.

2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Đấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.- Đáp.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Pr 1, 3-9

“Nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Đức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Ga 20,19-31

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ:

– Bài đọc I: Cuộc sống mới thắm tình huynh đệ của các tín hữu cộng đoàn sơ khai.

– Bài đọc II: Nhờ Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta được tái sinh và hưởng gia tài của Thiên Chúa, vì vậy chúng ta hãy vui mừng.

– Bài Phúc Âm: Hai cuộc hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh. Ngài ban cho các môn đệ bình an, niềm vui và đức tin.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Sau tuần bát nhật lễ Phục sinh, có lẽ chúng ta nghĩ rằng thế là xong, chúng ta trở về với cuộc sống đơn điệu nhàm chán. Nghĩ thế là lầm, Chúa Giêsu sống lại không phải chỉ là một biến cố diễn ra một lần rồi hết, nhưng ảnh hưởng đến suốt cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục đào sâu đức tin và tận hưởng niềm vui của đức tin này.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Mặc dù là thành phần của cộng đoàn những người tin, nhưng nhiều khi chúng ta thờ ơ không quan tâm đến những người khác.

– Mặc dù thừa hưởng niềm hy vọng sống động, nhưng đôi khi chúng ta buồn chán, thất vọng.

– Mặc dù được Chúa Thánh Thần tác sinh, nhưng nhiều khi chúng ta lại kém lòng tin.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I: Cv 2,42-47

Cuộc sống thắm tình huynh đệ của cộng đoàn tín hữu sơ khai có những nét sau:

– Một cộng đoàn phượng tự: việc phượng tự này gồm lời giáo huấn của các tông đồ và Thánh lễ (lễ bẻ bánh).

– Một cộng đoàn bác ái: việc bác ái được thể hiện cụ thể bằng việc mọi người tự nguyện để tài sản riêng thành của chung.

– Một cộng đoàn mở cửa: cộng đoàn tín hữu sơ khai không khép kín trong nội bộ, nhưng mở rộng cửa trong việc duy trì liên hệ với đồng bào do thái (họ vẫn lên đền thờ Giêrusalem) và “được mọi người mến thương”.

Kết quả của nếp sống này là ảnh hưởng truyền giáo mạnh: “Số người gia nhập công đoàn ngày càng tăng”.

2. Đáp ca: Tv 117

(Như Chúa Nhật Phục sinh).

3. Bài đọc II: 1 Pr 1,3-9

Lời chúc tụng Thiên Chúa của Thánh Phêrô:

– Lý do của tâm tình chúc tụng là “Ngài cho ta được tái sinh nhờ việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết” (xem thêm cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô về việc tái sinh, Ga 3).

– Chỗ dựa của tâm tình này là niềm vui mà Đức Kitô phục sinh ban cho các tín hữu, một niềm vui vững bền ngay cả giữa những gian nan khốn khó: “Anh em sẽ được vui mừng mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách”.

– Thể hiện bằng một niềm tin vững vàng mặc dù không thấy: “Tuy anh em chưa bao giờ thấy Ngài mà vẫn yêu mến, chưa được giáp mặt nhưng lòng vẫn kính tin”.

Tất cả những điều trên là hoa quả của việc Chúa Giêsu phục sinh.

4. Bài Phúc Âm: Ga 20,19-31

Đoạn Phúc Âm này gồm 2 cuộc hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh:

a/ Cuộc hiện ra thứ nhất:

– Đấng phục sinh mang đến niềm vui và bình an cho các tông đồ.

– Trao sứ mạng ra đi cho các ông

– Ban Thánh Thần cho các ông.

b/ Cuộc hiện ra thứ hai vào 8 ngày sau nhằm củng cố đức tin: Đức tin được nâng lên trình độ cao: tin không phải vì thấy mà vì nghe lời chứng của những người đã tin. Từ nay tín hữu tin không phải vì được tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu mà tin vì lời chứng của các tông đồ.

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Năm thánh 2000, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức tuyên bố Chúa Nhật sau lễ Phục sinh là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương xót. Theo thánh nữ Faustina, chính Chúa Giêsu đã tỏ ra cho nhân loại về kho tàng tình yêu của Ngài luôn được ban phát và nhất là ngày Chúa Nhật trong tuần Bát nhật Phục sinh:

“Ngày đó, các cửa đập Lòng Thương Xót sẽ trào tuôn ân sủng vì được mở ra. Không một linh hồn nào phải sợ sệt khi đến gần Ta, dù tội lỗi của họ đỏ như máu. Lòng Thương Xót của Ta bao la đến nỗi không một trí khôn loài người hay thiên thần nào có thể ước lượng hay dò thấu cho đến muôn đời”….

Ngày của lòng Chúa thương xót, chúng ta cùng họp mặt với các tông đồ trong nhà tiệc ly gặp gỡ Đấng Phục Sinh, được đụng chạm đến vết thương thánh, được lãnh nhận Thánh Thần, được tăng cường niềm tin và sửa đổi con người theo lòng thương xót…

Suy niệm

          Trong nhà tiệc ly, các tông đồ đóng kín vì sợ hãi (x.Ga 20,19): Thầy vừa bị chịu án tử trên thập giá, tinh thần còn đang hoang mang thì các phụ nữ trong nhóm khi đi viếng mộ về đã loan tin “giật gân”: Họ thấy “mộ trống” (Ga 20,1-2) và thấy Thầy sống lại (x. Ga 20,18)… Sự sợ hãi càng tăng bội phần khi nghe dân Do Thái đang lưu truyền nhau “xác ông Giêsu bị các môn đệ ông ấy lấy cắp rồi phao tin Thầy của họ đã sống lại”, tin này do các người lính canh mồ Chúa bị các thầy tư tế mua chuộc tung ra (x. Mt 28,11-15), vì thế các ông luôn sống trong hoang mang, sợ hãi và một số đã bỏ về quê như hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-23).

Đấng Phục Sinh đã hiện diện giữa các môn đệ, các ông còn hoảng hốt hơn vì tưởng là ma (x. Lc 24,36), Ngài đã đưa các vết thương cho các ông xem, chính vết thương đã làm nỗi niềm sợ hãi trở nên vui mừng và hy vọng (x. Ga 20,21; Lc 24,39-40).

Nỗi sợ hãi và mỗi vết thương của nhân gian, mọi nỗi đau của cuộc sống nhân sinh kể từ nay có Đấng Phục Sinh cưu mang, qua Ngài, Thiên Chúa cùng ôm trọn vết thương của chúng ta trong chính thân thể Con Ngài đã mang, Ngài đã chết và cả khi sống lại.

Giữa nỗi sợ hãi, gặp Chúa Phục Sinh, Ngài ban bình an cho các ông: “Bình an cho các con” (Ga 20,19) như Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: “Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con” (Ga 14,27). Bình an phục sinh chiến thắng sợ hãi, sự chết.

Ngài thổi Thần Khí vào các ông (x. Ga 20,22). Thổi Thần Khí vào các ông như xưa kia Thiên Chúa đã thổi Thần Khí tạo sự sống cho vũ trụ và cụ thể cho con người có hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,3; 2,6). Đấng Phục sinh ban Thần Khí vào công trình sáng tạo con người mới được tạo thành từ Phục sinh của Ngài trong sự sống mới như Thánh Phaolô đã nói: “Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

Không có trong nhà tiệc ly lúc Chúa Phục sinh hiện ra, Tôma vẫn sợ hãi vì trước những biến cố Thầy bị kết án, bị giết chết, niềm tin của Tôma vào Thầy bị sụp đổ. Chúa Kitô Phục sinh lại có mặt giữa lòng tin bị thử thách của Tôma, Ngài mời ông chạm đến các thương tích của Ngài và đừng cứng lòng tin nữa. Tâm hồn chai đá được phục sinh, khiến sợ hãi được thay thế bằng bình an. Trong ánh sáng Phục sinh cùng Thần Khí ông thốt lên với niềm tin: “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 20, 28).

Các môn đệ và nhất là tông đồ Tôma là hình ảnh những thử thách, yếu tin của nhân gian trước những đau khổ và sự dữ, lòng sợ hãi luôn ngự trị, lòng tin bị lung lay và trở nên chai cứng. Đức Kitô Phục sinh đã mặc lấy những đau khổ và thương tích của con người, đã tỏ ra tình yêu và lòng thương xót qua các thương tích, chính các thương tích đụng chạm và chữa lành mọi yếu đuối thương tích của chúng ta.

Trước những nỗi sợ hãi và thất vọng, những nghi nan do dự của Kitô hữu, cùng với Tôma, chúng ta cũng tái khám phá tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, khi đến bên Đấng luôn hiện diện bên chúng ta, hiện diện với thân xác huyền diệu như xưa Ngài vẫn vào nhà tiệc ly dù cửa đóng kín (x. Ga 20,19).

Ý lực sống

Đấng Phục Sinh phán với Thánh Faustina: “… cửa đập Lòng Thương Xót sẽ trào tuôn ân sủng vì được mở ra”.

Suy niệm 3 (Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD)

Tình Yêu Cứu Độ

Sau biến cố đau thương của Thầy Chí Thánh Giêsu trên đỉnh đồi Can vê cũng như cái chết tất tưởi và việc mai táng vội vã trong huyệt đá đã khiến cho các phụ nữ một đêm thấp thỏm không ngủ được và đã ra mồ từ sáng sớm để mong được ướp xác Thầy lại cho xứng đáng là nghĩa cử yêu thương.

Giờ phút Đức Giê-su tắt hơi thở, cũng chính là lúc các môn đệ, các phụ nữ và Mẹ của Ngài đã cảm nhận thật sâu lắng về nỗi đau buồn man mác nhớ thương đến dường nào! Sự lo lắng và đau buồn ấy không chỉ nghĩ đến Đức Giê-su mà có lẽ cũng phải nghĩ đến thân phận của kiếp nhân sinh.

Đức Giê-su đã chết! Tất cả nghĩ rằng, những phép lạ làm rạng danh cho ta nay đã kết thúc. Tất cả sự thương mến với mỗi người giờ đây không còn. Niềm vui nơi Thầy Giê-su đã chấm hết.

Nhưng không, chính Ngài đã đi trọn con đường theo lệnh truyền của Chúa Cha và đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,47). Ngài trở thành con đường Cứu độ và lẽ sống cho chúng ta. Ngài trở thành niềm vui cho những ai đang khắc khoải kiếm tìm, không chỉ nơi giây phút thử thách đau buồn hiện tại mà còn niềm hoan lạc của đời sống vĩnh cửu mai sau.

Mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm của tình yêu Cứu độ. Mầu nhiệm của tình thương hải hà trong việc hiến tế làm giá chuộc cho muôn người (x. Mc 10,45). Mầu nhiệm ấy được diễn tả nơi chính Con Một yêu dấu của Chúa Cha, đó chính là Đức Giê-su Chúa chúng ta: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Vì vậy, con người luôn khao khát kiếm tìm chân lý là ơn Cứu độ và Thiên Chúa hằng tìm kiếm con người để ban ơn Cứu độ.

  1. Thiên Chúa trao ban tình yêu Cứu độ

Đức Giê-su Phục sinh đem đến niềm vui tràn ngập cho bà Maria Ma-đa-lê-na và các Phụ nữ yêu mến Ngài, họ đang sống trong sự tuyệt vọng, buồn chán và khổ đau.

Đức Giê-su Phục sinh đồng hành với hai Môn đệ trên con đường EMMAU trong nỗi tuyệt vọng của họ. Chính Đấng Phục sinh đã khai trí mở lòng để họ có thể nhận ra Chúa. Ngài đồng bàn với họ và đọc lời chúc tụng, bẻ bánh. Mắt họ vừa bừng sáng ra và đã nhận ra Thầy sống lại. Lúc này niềm vui vỡ òa, tan biến sự mệt mỏi và buồn chán (x. Lc 24, 25 -32).

Đức Giêsu Phục sinh đem đến cho các Môn đệ sự bình an đích thực khi họ sợ hãi và lo âu trong căn phòng kín. Hãy nhận ra Chúa của mình: Thầy đây, đừng hoảng sợ … Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! (x. Lc 24,38.39). Đừng thất vọng, đừng buồn phiền, đừng đi với Thầy như cách suy nghĩ của chúng con nhưng phải nhận ra niềm vui Cứu độ của Thầy và Thầy ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).

Đức Giê-su Phục sinh đem đến cho chúng ta tình yêu Cứu độ trong mọi thử thách. Nếu các nhân vật trong Tin Mừng có được niềm vui Cứu độ thì cũng cần trải qua con đường đau khổ, tuyệt vọng, chán nản và lo âu. Thử hỏi ai trong cuộc đời chúng ta không một lần đau thương, ai không một lần bi thảm. Nhưng niềm vui Cứu độ chỉ tìm thấy nơi những ai dám hòa quyện mọi biến cố của mình với biến cố khổ đau của Đức Kitô. Ngang qua, đoạn trích của Thư Phaolô gửi cho ông Timôthê như sau: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (2,4). Hay trong sách Isaia đã viết: “Hãy đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6). Thiên Chúa hằng tìm kiếm con người trước, đặc biệt là tội nhân để thi thố tình yêu và ơn Cứu độ.

Cũng như Giakêu trèo lên cây sung để được nhìn thấy Đức Giêsu, nhưng ông không biết trước đó rằng, Thiên Chúa đã tìm kiếm ông. Khi đến nơi, Đức Giêsu ngỏ lời với ông: “Ông Giakêu, xuống ngay đi, bởi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà của ông”. Sự viếng thăm ấy, Ngài đã tuyên bố: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,5.10).

  1. Con người khao khát tình yêu Cứu độ

Dám chắc rằng, khi mỗi người chúng ta tin và phó thác vào Chúa Ki-tô là Thiên Chúa của mình đều được ơn tha tội và ơn tái sinh trong cuộc sống muôn đời: “Trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha mọi tội lỗi” (Cl 1,14). Chính sự mở lòng cho Chúa bước vào mà Người phụ nữ thành Samari được tha tội vì chị đã nhận ra Đức Ki-tô, Đấng sẽ ban cho chị Nước Hằng Sống. Vì thế, chị đã xác tín ra niềm vui Cứu độ: “Tôi biết Đấng Messia, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến” (Ga 4, 25).

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa quyền năng, không cứu chữa con người qua quyền lực của sự dữ, nhưng Ngài chọn con đường thập giá để Cứu độ nhân loại. Thiên Chúa muốn chia sẻ thân phận và kiếp khổ đau nhân sinh để đưa con người lên với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và là niềm vui Cứu độ. Chính tình yêu của Thiên Chúa đã thúc giục Đức Giê-su sẵn sàng hy sinh mạng sống để Cứu độ chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Thánh Phao-lô đã quả quyết: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

Chúa Giêsu có thể làm được tất cả mọi phép lạ mà chúng ta muốn, nhưng Ngài đã không làm và không chiều theo thị hiếu của con người. Chúng ta không thể hiểu Ngài theo ước muốn của mình và lòng tham của người khác, dù biết điều đó hợp ý mình và tốt đẹp đến đâu. Ngài đã không làm theo ý họ nhưng làm theo ý Thiên Chúa, là Cứu độ trần gian trong ý định nhiệm mầu của Chúa Cha.

Biết bao lần trong cuộc đời, chúng ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại im lặng trước nhu cầu của con người ? Không, Thiên Chúa không im lặng nhưng đang hoạt động với con người và ở với thế giới này trong từng biến cố xảy đến. Ước mong mỗi người chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa Kitô Phục Sinh và đón nhận thập giá đời mình như là “thách đố” niềm tin và phó thác trong tay Ngài. “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38). Ngài sẽ mang theo lời tha thứ và ơn chữa lành:“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con chúc tụng, ngợi khen tình yêu và quyền năng của Chúa. Chúa đã khải hoàn toàn thắng sự chết, là dấu chứng cho sự phục sinh của con người, và là niềm tin, lẽ sống của chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn biết nhận ra tình yêu Cứu độ trong mọi biến cố của cuộc đời. Amen!

Suy niệm 4 (song ngữ)

2nd Sunday of Easter
Reading I: Acts 2:42-47
Reading II: 1Peter 1:3-9

Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh
Bài Đọc I: Cv 2,42-47
Bài Đọc II: 1Pr 1,3-9

Gospel
John 20:19-31

19 On the evening of that first day of the week, when the doors were locked, where the disciples were, for fear of the Jews, Jesus came and stood in their midst and said to them, “Peace be with you”.
20 When he had said this, he showed them his hands and his side. The disciples rejoiced when they saw the Lord.
21 (Jesus) said to them again, “Peace be with you. As the Father has sent me, so I send you”.
22 And when he had said this, he breathed on them and said to them, “Receive the holy Spirit.
23 Whose sins you forgive are forgiven them, and whose sins you retain are retained”.
24 Thomas, called Didymus, one of the Twelve, was not with them when Jesus came.
25 So the other disciples said to him, “We have seen the Lord”. But he said to them, “Unless I see the mark of the nails in his hands and put my finger into the nailmarks and put my hand into his side, I will not believe”.
26 Now a week later his disciples were again inside and Thomas was with them. Jesus came, although the doors were locked, and stood in their midst and said, “Peace be with you”.
27 Then he said to Thomas, “Put your finger here and see my hands, and bring your hand and put it into my side, and do not be unbelieving, but believe”.
28 Thomas answered and said to him, “My Lord and my God!”
29 Jesus said to him, “Have you come to believe because you have seen me ? Blessed are those who have not seen and have believed”.
30 Now Jesus did many other signs in the presence of (his) disciples that are not written in this book.
31 But these are written that you may (come to) believe that Jesus is the Messiah, the Son of God, and that through this belief you may have life in his name

Phúc Âm
Gioan 20,19-31

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an!”
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: “Chúc anh em được bình an! Như Chúa đã sai thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến.
25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.
26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an”.
27 Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.
28 Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!
29 Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.
30 Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.
31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Interesting Details

  • This is the end of the Gospel of John. Chapter 21 following this is an appendix or epilogue. The last verse shows the purpose of the gospel: that we can believe in Jesus and have life.
  • The vocation of a patriarch or prophet (Moses, Gideon, Jeremiah, Jesus’ disciples) often has 5 stages. Here is the pattern:
  1. INTRODUCTION: the setting is in a house with locked door;
  2. CONFRONTATION (Jesus appeared), REACTION (disciples are shocked), and REASSURANCE (“Peace be with you”);
  3. COMMISSION: “I send you”;
  4. OBJECTION: by Thomas;
  5. REASSURANCE (Jesus appears again) and SIGN (“examine my hands”).

Chi Tiết Hay

  • Đoạn Phúc Âm này là kết thúc Phúc Âm Thánh Gioan. Chương 21 kế tiếp là phụ trương được thêm vào sau. Câu cuối trong bài tóm lược mục đích của cả cuốn Phúc Âm là chúng ta tin nơi Đức Kitô mà được sự sống.
  • Ơn gọi của một giáo trưởng hoặc một ngôn sứ (Môsê, Gideon, Jeramiah, môn đệ Đức Giêsu) thường trải qua 5 giai đoạn sau đây:
  1. Dẫn Nhập: một căn nhà khóa kín cửa;
  2. Đối Diện: Đức Giêsu hiện ra,Phản Ứng (các môn đệ sửng sốt) và Trấn An (“Bình an cho anh em”);
  3. Sứ Mạng: “Thầy sai anh em”;
  4. Chống Đối: như Thánh Tôma;
  5. Trấn An: (Đức Giêsu hiện ra lần nữa) và Dấu Chỉ (“Hãy xem bàn tay Thầy”).

One Main Point

Jesus returns in his glory, as he has promised. Some other promises are also fulfilled, such as joy (Jn 14:19; Jn 16:16-24) and peace (Jn 14:27).

Một Điểm Chính

Đức Kitô trở lại trong vinh quang như lời đã hứa. Ngài cũng kiện toàn những lời hứa khác như mang lại niềm vui (Gioan 14:19, 16:16-24) và sự bình an (Gioan 14:27).

Reflections

  1. What are the stages or stepping-stones in my following Christ ?
  2. What (or who) has helped me to believe in Jesus and have life ?
  3. Can I be a living Gospel so that others can believe in Jesus and have life ?

Suy Niệm

  1. Khi theo Chúa tôi đã trải qua những giai đoạn và bước tiến nào ?
  2. Những gì hoặc ai ai đã giúp tôi tin nơi Đức Kitô và được sống ?
  3. Tôi có phải là một Phúc Âm sống để người khác tin vào Chúa Giêsu mà được sống ?

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan