Giáo Hội Việt Nam

Giáo hội Công Giáo dấn thân trong sứ mạng Giáo dục

“Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai”. Đó là xác quyết của các vị mục tử trong Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) năm 2007. Điều đó cũng nói lên tầm quan trọng của Giáo dục cho sự phát triển của nhân loại nói chung, cách riêng đối với đất nước Việt Nam mà Giáo Hội Công Giáo luôn dấn thân trong sứ mạng giáo dục của mình.

Thánh Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã chỉ rõ mục tiêu sứ mạng giáo dục của Giáo hội Công giáo:

“Trong mọi nhu cầu vật chất và tinh thần, nhân vị của mỗi người nằm ngay trong giáo huấn của Chúa Giêsu: Vì thế, sự thăng tiến con người nhân bản là mục tiêu của giáo dục công giáo”.

Thật thế, Giáo dục Công giáo khởi đi từ con người sư phạm và giáo huấn của Chúa Kitô, Giáo Hội nhận lãnh và tiếp tục nhiệm vụ Giáo dục trong tổng thể sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Ngay từ thuở khai sinh, Giáo Hội Công giáo luôn muốn cống hiến cho mọi công dân, nhất là người trẻ thuộc mọi dân, mọi nước không phân biệt tôn giáo, một nền giáo dục đầy đủ để phát huy con người toàn diện dựa trên các giá trị Tin Mừng.

I. Giáo dục Công Giáo theo dòng lịch sử

Theo lối nhìn của giáo dục, khởi từ công trình tạo dựng và theo suốt toàn bộ lịch sử cứu độ, là tiến trình Thiên Chúa giáo dục con người. Tiến trình ấy hiện vẫn còn đang tiếp diễn sống động trong suốt dòng lịch sử của con người, nơi mỗi người, cách riêng Giáo hội Công giáo, cho đến ngày cánh chung.

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa dạy dỗ nghiêm minh, kiên nhẫn và giàu lòng xót thương:

Thiên Chúa giáo dục dân Người như người cha sửa dạy con được hiểu trong bối cảnh văn hóa giáo dục ở Israel: Con cái phải lắng nghe lời cha mẹ dạy bảo (x. Cn 23,22) nếu không sẽ bị phạt (x. Cn 30,17; Đnl 21,18-21). Như thế, sửa phạt là điều cần thiết trong giáo dục (x. Hc 22,6; 30,1-13; Cn 23,13). Và Thiên Chúa là Cha của Israel nên Người cũng sửa phạt con là dân khi sai quấy (x. Đnl 8,5; Cn 3,12; Hc 30,1-2.12-13). Tuy nhiên, Người đánh xong rồi lại xót thương (x. Hs 11,8-9; Gr 31,9.20; Tv 103,13-14).

Thiên Chúa luôn tỏ ra là nhà giáo dục kiên nhẫn và trung thành với ý định của mình. Tuy nhiên, giáo dục vẫn luôn là một nghệ thuật khó khăn vì “tâm trí trẻ con vốn dại khờ” (Cn 22,15). Quả thế, Israel như con trẻ dại khờ đã nhiều lần ngỗ nghịch bởi sự bất trung (x. Lv 26,15; Gs 22,16; 2 Sb 12,2; 36,14; Ed 20,27; Đn 9,7), tôn thờ ngẫu tượng (x. Lv 26,30; 2V 17,12; 2 Sb 24,18; Ed 14,3; 16,36; 20,31; Hs 4,17; 8,4; 11,2; Mk 1,5), chạy theo thần ngoại bang (x. 1 Sm 7,3; Gr 32,29; Am 5,26; Ml 2,11). Những bài học của Giavê Thiên Chúa là cách thức làm cho dân nhận ra lỗi lầm và quay về với tình thương mà Người đã đặt trên Israel[1].

Sứ mạng làm thầy trong Tân Ước được Chúa Giêsu hoàn thiện trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, việc đầu tiên là Ngài quy tụ các môn đệ chung quanh Ngài (x. Mt 4,12-23; Mc 3,16-18; Ga 1,35- 51.), Ngài dạy dỗ và cho các học trò “học việc cùng Thầy”. Như thế sứ mạng giáo dục là khởi đầu và là nền tảng của việc Cứu độ và loan báo Tin Mừng vốn là nhiệm vụ của Giáo Hội Chúa Kitô. Kinh Thánh cho thấy, Thầy Giêsu có một đường lối sư phạm rất khác với các bậc thầy thời đó: Ngài yêu thương và đối xử với học trò như bạn hữu (x. Ga 15,9-17); sống và đồng hành với các môn đệ, cũng như giúp họ trưởng thành một cách tiệm tiến (x. Lc 24,13-35). Bằng yêu thương nhẫn nại (x. Ga 20,19-31), Thầy Giêsu dạy dỗ tận tâm, Ngài biết rõ tính tình, phẩm chất, những điểm mạnh điểm yếu của từng học trò (x. Mt 26,30-35; Mc 14,26-31). Ngài là một người thầy nhân hậu và bao dung (x. Lc 15,1-32). Tri thức uyên thâm nhưng cũng là người gần gũi với dân chúng, nên dân chúng theo Ngài rất đông để lắng nghe giáo huấn của Ngài…(x. Mc 1,45; 6,33-34.). Chúng ta có thể tóm tắt đường lối sư phạm của Ngài quy chiếu về tình thương, uốn nắn giúp học trò trưởng thành… như là một căn tính của đường lối giáo dục Công Giáo sau này.

Khi các môn đệ trưởng thành, Thầy Giêsu sai các học trò này tiếp tục sứ mạng của Ngài theo lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15.). Vâng theo lệnh truyền của Thầy, các Tông đồ đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cứu độ (x. Mc 16,20). Sứ mạng ra đi loan báo đã mở đầu một thời kỳ mới của Giáo Hội. Các người thầy mới luôn theo gương Thầy Giêsu như xác định của thánh Phaolô: “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu” (Cl 2,7). Các Tông đồ là những người thầy mới trong bước đường loan báo Tin Mừng cũng tập hợp các học trò thuộc thế hệ mới, dạy dỗ cho các môn sinh nên người, và nhất là có sự trưởng thành để đảm trách sứ vụ trong tương lai như Thầy Giêsu đã đón nhận và dạy dỗ các ông. Kinh Thánh cho thấy Phêrô ít ra có môn đệ là Marcô, Phaolô có nhiều học trò như Titô, Timôthê, Luca. Gioan có các học trò nổi tiếng là Polycarpo (69-156), Papias (khoảng 70-155), Clemente ( ?-101), Ignace (67-110). Irénée (130-200) là môn đệ của Polycarpo và Papias. Origène (185-254) là môn sinh của Clément tại Alexandrie (150 – 215).

Trong Giáo Hội, sứ mạng giáo dục luôn được tiếp nối như thế… Giữa những khó khăn thăng trầm do 300 năm đầu bị bách hại, Giáo Hội vẫn trung tín với sứ mạng loan báo Tin Mừng và những cách đào tạo con người theo tinh thần của Thầy Giêsu, do các Tông đồ để lại, nối tiếp các Tông đồ là các Tông phụ (thế kỷ I – đầu thế kỷ II, Tông phụ là “là Giáo phụ thời Tông đồ vì truyền thống cho là các ông được chính các Tông đồ giảng dạy), tiếp theo là các Giáo phụ (thế kỷ II đến thế kỷ VII).

Khởi đầu từ thế kỷ VI, khi Giáo hội bước ra khỏi thời bách hại vào giai đoạn an bình (từ thế kỷ IV), Giáo hội Công giáo ở Âu châu tự do loan báo Tin Mừng và có các sáng kiến mới: Sứ mạng dạy dỗ đã phát triển những lớp học mà sau đó được gọi là grammar schools (gốc tích của mô hình các trường trung học ngày nay)[2].

Vào thế kỷ VI, các Đan viện của Dòng Biển Đức do thánh Bênêđictô (Biển Đức, Benoit) sáng lập phát triển khắp nơi. Các Đan viện góp phần quan trọng trong việc khai hoang ruộng đất, phát triển tri thức ở châu Âu. Mặc dù các đan sĩ tìm nơi hoang vắng lập Đan viện, xa làng mạc để tu, nhưng vì đời sống thánh thiện các ngài, với khả năng trí thức các mặt, dân chúng kéo đến nương nhờ và được dạy dỗ, dần dần biến thành ngôi làng với dân cư đông đúc chung quanh Đan viện. Và như vậy, không mấy chốc, đất đai, kinh tế, trí thức châu Âu được dồi dào phong phú. Đan viện trở nên trung tâm học vấn, trí thức, khai hóa.

Dòng Biển Đức dù là dòng tu chiêm niệm, nhưng trải qua 15 thế kỷ, Dòng luôn có những hoạt động tông đồ liên quan đến xứ đạo, trường học… Cho nên, dòng Biển Đức đã lan tràn khắp châu Âu và có thể nói nền văn minh của châu Âu đã là nền văn minh Biển Đức về nhiều phương diện: Học thức, văn hóa, canh nông, kỹ thuật. Không lạ gì, khi có đan sĩ Biển Đức hiện diện trong các trường học với sứ vụ giáo hóa, mở mang kiến thức đạo đời:

“Việc giảng dạy, giáo dục thanh thiếu niên nơi các trường công lập cũng đã được nhiều Đan viện đảm nhận…”[3]

Từ thế kỷ XI-XV (cuối thời trung cổ ở châu Âu), tiên phong trong sứ mạng giáo dục, phát triển trí tuệ, Giáo Hội thành lập các Đại học Công Giáo như là cái nôi trí thức. Các trường Đại học Công Giáo đầu tiên gồm Bologna – Bắc Ý (1088), Paris (khoảng 1150, sau đó ít lâu có tên là Sorbonne) ở Pháp, Oxford – Anh (do các sinh viên từ Sorbonne trở về sáng lập năm 1167), Salerno – Nam Ý (1173), Vicenza – Đông Bắc Ý (1204), Cambridge – Anh (1209), Salamanca – Tây Ban Nha (1218-1219), Montpellier – Nam Pháp (1220), Padua – Bắc Ý (1222), Naples – Nam Ý (1224), và Vercelli – Bắc Ý (1228), Toulouse – Nam Pháp (1229) Đại học Orléans – Bắc Pháp (1306). Giữa thế kỷ XV (hơn 70 năm trước cuộc Cải Cách Tin lành), Âu châu đã có hơn 50 trường Đại học Công Giáo. Có thể nói sự đóng góp nổi bật cho nền giáo dục nhân loại từ nền Văn minh Công Giáo là sự phát triển hệ thống Đại học, từ đó phát triển mô hình Đại học trên toàn thế giới như các Đại học của hiện tại.

Ngày hôm nay, do hoàn cảnh lịch sử, nhiều trường Đại học vừa nói trên dù không còn là Đại học Công giáo như Đại học Oxford, Sorbonne, vẫn cho thấy các dấu hiệu thành lập của Công giáo – như những hình tứ giác theo kiểu các tu viện, lối kiến trúc Gothic và nhiều nhà nguyện…

Từ thế kỷ XV, Giáo hội Công giáo với bản in đầu tiên là Kinh Thánh đã sản sinh dạng in ấn di động, rất ích lợi cho ngành giáo dục trong suốt dòng lịch sử của nhân loại.

Hiện nay, ở các quốc gia, ngoài hệ thống giáo dục công lập, hệ thống giáo dục Công Giáo vẫn cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nhất là các Đại học Công Giáo, như ở Mỹ có nhiều Đại học Công giáo nổi tiếng: Notre Dame, Fordham, Boston College, Loyola… Ở Pháp có các Viện Đại học Công giáo uy tín: Học viện Công giáo Paris, Học viện Công giáo Toulouse, Học Viện Công giáo Lille, Học Viện Công giáo Lyon, Đại học Công giáo Anger.

Các nước châu Á không có nhiều tín hữu Công giáo nhưng cũng có sự hiện hữu trường học Công Giáo, có những Đại học Công Giáo danh tiếng:

Giáo Hội Nhật có 514 ngàn tín hữu trên dân số 126 triệu người (khoảng 0,4%)[4], nhưng rất có uy tín về mặt xã hội, một phần là vì có nhiều cơ sở giáo dục, từ Nhà trẻ đến Đại học, trong đó có 13 trường Đại học Công giáo, nổi tiếng nhất là Đại học Sophia thuộc Dòng Tên ở Tokyo (trên 11.600 sinh viên), Đại học Nanza…

Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc có 328 trung tâm giáo dục các cấp cùng 49 trung tâm đặc biệt trên khắp Hàn Quốc do Giáo hội Công giáo điều hành hoặc sở hữu, với 221.020 học sinh, sinh viên[5], trong đó có 10 Đại học Công Giáo[6], các Đại học danh tiếng như Đại học Công Giáo Daegu, Đại học Công Giáo Hàn quốc…

Ở Ấn Độ, Công Giáo với gần 25 triệu tín đồ, chiếm 3% tổng dân số[7], có 25.000 trường Phổ thông, Trung cấp và Đại học Công Giáo do Giáo Hội thiết lập[8].

Indonesia với 90% dân số theo Hồi giáo tại một đất nước hơn 260 triệu người, Giáo hội Công Giáo thiểu số với hơn 8 triệu tín hữu, tỉ lệ 3% toàn dân[9] cũng có hệ thống giáo dục Công Giáo trong đó có Đại học Công giáo Parahyangan là Đại học đầu tiên của đất nước này, Đại học Atma Java… Các trường Công Giáo ở Indonesia luôn có được một danh tiếng tuyệt vời và các sinh viên Hồi Giáo cũng theo học tại các trường này[10].

Thái Lan là một đất nước Phật Giáo tổng dân số 66,7 triệu dân, Công Giáo chiếm một con số rất nhỏ, chỉ có 0,1%, Giáo Hội Công Giáo có hệ thống giáo dục khoảng 300 trường học[11], có Đại học Assumption danh tiếng hàng đầu ở Thái Lan với hơn 1.300 giảng viên đến từ các nơi trên thế giới.

Theo thống kê năm 2018, Giáo hội Công giáo điều hành 72.826 trường mẫu giáo với 7.313.370 học sinh; 96.573 trường tiểu học với 35.125.124 học sinh; 47.862 trường trung học cơ sở với 19.956.347 học sinh. Giáo hội cũng chăm sóc cho 2.509.457 học sinh trung học phổ thông, và 3.049.548 sinh viên đại học[12].

Văn minh Công Giáo đã góp phần đáng kể vào việc tầm tra khoa học và vẽ bản đồ của trái đất, do Giáo Hội Công Giáo khích lệ những nhà thám hiểm thế giới vĩ đại như Marco Polo (1254-1324), Hoàng tử Henry the Navigator (1394-1460), Bartolomeu Dias (1450- 1500), Christopher Columbus (1451-1506) và Ferdinand Magellan (1480-1521)[13].

   – Marco Polo cùng cha (Niccolò) và chú (Maffeo) là những người châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc (nơi mà Marco Polo gọi là Katai) bằng Con đường tơ lụa cũng như đến thăm vị khả hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt.

   – Hoàng tử Henry the Navigator bảo trợ các cuộc viễn chinh khám phá bờ biển Tây Phi. ông có thuê các nhà bản đồ học lập bản đồ vùng biển Mauritanie (khu vực Tây Phi) sau các chuyến du hành…

   – Bartolomeu Dias là một nhà hàng hải tiêu biểu của Kỷ nguyên Khám phá. Ông là người châu Âu đầu tiên vượt qua điểm cực nam của châu Phi. Sau chuyến hành trình này, ông vượt qua Ấn Độ Dương đi tới Ấn Độ.

   – Christopher Columbus với những chuyến vượt Đại Tây Dương đã mở ra những cuộc thám hiểm châu Mỹ.

   – Ferdinand Magellan với chuyến đi đầu tiên bằng đường biển của con người từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và là chuyến đi đầu tiên băng qua Thái Bình Dương. Chuyến đi này cũng đánh dấu sự kiện con người lần đầu tiên đi vòng quanh trái đất thành công.

Chúng ta đều biết nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật. và cả kiến trúc [người Mỹ định nghĩa “Kiến trúc là nghệ thuật và khoa học thiết kế.”]) có vai trò rất quan trọng đối với con người: làm nội tâm sâu sắc hơn, triết lý sống hài hòa hơn, phát triển nhân bản toàn diện hơn. Giáo Hội Công Giáo đóng góp cách đặc biệt vào các lãnh vực nghệ thuật này:

Các công trình kiến trúc, tác phẩm hội họa và điêu khắc của Michelangelo (1475-1564), của Leonardo da Vinci (1452-1519) và của Raphael (1483-1520) luôn được người đời ca tụng… Nhất là những tác phẩm hội họa của các ông cho đến nay là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Các thể loại âm nhạc mà hầu như phần lớn, hoặc toàn bộ đều bắt nguồn từ nền văn minh Công giáo bao gồm các bài thánh ca, các thể loại diễn xướng và nhạc kịch opera… của các nhà soạn nhạc như Johann Pachelbel (1653-1706), Antonio Lucio Vivaldi (1678- 1741), Johann Sebastian Bach (1685-1750), Handel George Frideric (1685-1759), Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791), Franz Joseph Haydn (1732-1809), Ludwig van Beethoven (1770-1827), Franz Peter Schubert (1797-1828), Jakob Ludwig Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847), Franz Liszt (1811-1886), và Giuseppe Fortunino Francesco Verdi (1813-1901) là những nhạc cổ điển được ngưỡng mộ nhất mọi thời đại…

Giáo Hội cũng phát minh ra hệ thống chữ nổi Braille dành cho người mù[14], nhờ đó giáo dục sâu rộng đến anh chị em khiếm thị.

Giáo Hội Chúa Kitô dù mục đích tối hậu là loan báo Tin Mừng cứu rỗi, nhưng đi đến đâu, các vị thừa sai luôn lập các trường học, trước tiên là để giáo dục, giúp người dân xóa nạn mù chữ mở mang kiến thức. Chúng ta thấy rõ ràng ở các nước châu Mỹ, châu Phi và châu Á, ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, bên cạnh nhà thờ bao giờ cũng có các trường học (xem thống kê ở mục II). Trong Giáo Hội Công Giáo có các hội dòng chuyên lo về Giáo dục: Dòng Don Bosco đang phục vụ trên 130 quốc gia, trong đó có Việt Nam[15], dòng La San có mặt tại hơn 80 quốc gia trong đó có Việt Nam[16], dòng Tên mở trường học ở 122 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới cũng có mặt ở Việt Nam[17].

Nhiều hội dòng quốc tế như dòng Phaolô, Đức Bà truyền giáo, Vinh Sơn… và địa phương như Mến Thánh Giá, Mân Côi, Thánh Tâm Huế, Thánh Gia Long Xuyên… dấn thân trong lãnh vực giáo dục: trường học các cấp, cô nhi viện…

Nỗ lực trong sứ mạng giáo dục của Giáo Hội Công Giáo ở khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh như là tuyên ngôn:

“Giáo Hội chính là người Mẹ “săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần thế, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục”[18].

Dù là hệ thống Giáo dục Công giáo, nhưng các trường không chỉ đón nhận người tín hữu, với những kinh nghiệm và khả năng trí thức, Giáo dục Công giáo đón nhận tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo để góp phần phát triển, thăng tiến con người như Thông điệp Phát triển các dân tộc xác quyết:

“Để có thể là chân thật, sự phát triển phải là toàn diện, nghĩa là thăng tiến mọi con người và toàn bộ con người”[19].

Với thời gian khá lâu dấn thân trong lãnh vực giáo dục của Giáo hội Công giáo, Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM.VN (2013 -2016) khẳng định trong Vatican Insider ngày 11.07.2014, luôn góp phần xây dựng mọi xã hội – nơi có sự hiện diện của Giáo Hội:

“Giáo Hội Công Giáo có thể mang lại triết lý và kinh nghiệm giáo dục của mình để giáo dục người ta trở nên những con người có trách nhiệm, vì lợi ích của toàn thể xã hội”[20].

Quy chiếu vào xã hội và môi trường giáo dục ở Việt Nam, đang cần mọi thành phần trong xã hội đóng góp để canh tân giáo dục, Đức cố Tổng Giám Mục Chủ tịch HĐGM. VN (2013-2016) khẳng định khả năng đóng góp của Giáo Hội Công Giáo:

“Chúng tôi tin chắc. Nó sẽ đánh dấu một bước tiến triển quan trọng vì ích chung của đất nước, một dấu hy vọng to lớn cho một tương lai tươi sáng hơn đối với Việt Nam”[21].

Không chỉ ở Việt Nam, chính vì sự dấn thân Giáo Hội luôn có chỗ đứng trong nền giáo dục của bất kỳ thể chế xã hội nào…

Chúng ta cùng gẫm lại hành trình lịch sử của Giáo dục Công Giáo tại Việt Nam và hướng đi tới tương lai.

II. Giáo dục Công Giáo tại Việt Nam

Ngay khi đến Việt Nam loan báo Tin Mừng, các thừa sai (những nhà truyền giáo) dùng mẫu tự Latin ghép thành chữ Việt, làm cho tiếng Việt dễ đọc, dễ viết, xóa nạn mù chữ góp phần cho việc dễ dàng chuyển tải các bài học trong truyền giáo và giáo dục. Linh mục (Lm) Francisco de Pina (1585-1625) đã đặt nền tảng cho công trình chữ Việt, tiếp theo các thừa sai bồi đắp và Lm. Alexandre de Rhodes (1591-1660) học trò của Lm. Pina về tiếng Việt, đã có công hoàn thành chữ Quốc ngữ Việt Nam.

Khi không còn bách hại đạo kể từ thế kỷ XIX, các dòng tu nam nữ chuyên lo về giáo dục đến phục vụ tại Việt Nam. Dòng nữ tu thánh Phaolô (Saint Paul) là một trong những dòng tu hiện diện sớm nhất, năm 1860 các nữ tu đến Sài Gòn với mục đích giáo dục và chăm sóc bệnh nhân. Dòng La San cũng được mời đến 6 năm sau đó (1866), các trường Dòng được hình thành để đáp ứng nhu cầu phát triển tri thức cho người dân bản xứ. Năm 1924 dòng Đức Bà Truyền Giáo đến Phát Diệm mở trường. Năm 1928 dòng Nữ Tử Bác Ái đến Sài Gòn chăm lo cho công tác giáo dục và bác ái. Năm 1935 dòng Đức Bà Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh đến Việt Nam và lập nhà ở Đà Lạt cùng với trường học…

Cho đến trước thập niên 1950 khi Hàng Giáo Phẩm Việt Nam chưa chính thức thành hình, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) đã thiết lập và phát triển hệ thống giáo dục Công Giáo khắp mọi miền.

Đất nước bị chia đôi sau Hiệp định Genève năm 1954, các cơ sở giáo dục của GHCGVN tại miền Bắc bị tịch thu, hoạt động giáo dục Công Giáo bị ngưng hoạt động. Ngược lại tại miền Nam, nền giáo dục Công Giáo phát triển mạnh nhờ lực lượng trí thức khắp nơi dồn về (du học về, từ Bắc di cư vào Nam):

Bảng tổng kết tình hình Giáo Hội Việt Nam vào năm 1962-1963 (Hàng Giáo Phẩm Việt Nam thành lập 1960) cho ta thấy hoạt động của Giáo Hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế và xã hội rất lớn […] Giáo Hội Việt Nam lúc đó có 93 trường Trung học với 60.412 học sinh, 1.122 trường Tiểu học với 234.749 học sinh, 58 Cô Nhi viện nuôi 6.616 trẻ, …”, đặc biệt mở ra các đại học như Viện Đại học Đà Lạt, Đại học Thành Nhân (Dòng La San), Đại học Minh Đức (ngành y khoa)… [22], góp phần trực tiếp phát triển con người, đất nước và xã hội Việt Nam.

Các trường học không chỉ đào tạo tín hữu Công Giáo nhưng mở cho toàn dân, như Viện Đại học Công Giáo Đà Lạt theo thống kê cho đến tháng 4/1973: sinh viên Phật Giáo có tỉ lệ 45,45%, cao hơn cả sinh viên Công Giáo 41,11%, và số sinh viên không tôn giáo là 15,63%. Sinh viên có niềm tin theo tín ngưỡng cổ truyền như Khổng Giáo 5,3% trong tổng số sinh viên 3.475 sinh viên của toàn Viện Đại học Công Giáo Đà Lạt… Thống kê này cũng toát lên tinh thần liên tôn và dung hợp rất đậm đà nhân bản, dù có hay không có tôn giáo.

Ngày 29/3/1961, nhân lễ tốt nghiệp khóa I của khoa Sư phạm – Viện Đại học Công Giáo Đà Lạt, Đức Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục, lúc bấy giờ đang là Chưởng Ấn Viện Đại học Công Giáo Đà Lạt, đã phát biểu:

“Ở bất cứ đâu, Giáo Hội Công Giáo đã từng góp phần giáo dục thanh thiếu niên. Trên khắp lãnh thổ Việt Nam thân yêu của chúng ta, từ Bắc chí Nam, từ làng quê đến thành thị, các trường Trung Tiểu học được Công Giáo bảo trợ đang hoạt động hăng hái. Rất nhiều cựu học sinh của những trường này đang phục vụ dân tộc chúng ta trong nhiều lãnh vực hoạt động khác nhau. Nhưng Đất Nước vào giai đoạn phát triển mới cần có những nhân sự được huấn luyện đầy đủ để có thể đáp ứng với những đòi hỏi mới…”[23] .

Có các trường Trung học danh tiếng mà cho đến hôm nay khi nhắc lại tên vẫn làm cho những người trong môi trường giáo dục miền Nam vẫn nhớ mãi như: Taberd do các sư huynh Lasan dạy, Nguyễn Bá Tòng, Bùi Thị Xuân do các linh mục địa phận tổ chức, Trường Saint-Paul (đường Tôn Đức Thắng hiện nay) do các nữ tu Thánh Phaolô Chartres dạy, trường Regina Mundi do các nữ Kinh sĩ Thánh Augustinô, trường Regina Pacis do các nữ tu Bác Ái Thánh Vinh Sơn tổ chức, trường Thánh Tô Ma (do linh mục dòng Đa Minh). trường Notre Dame, trường Bosco ở Thủ Đức. Trường Couvent des Oiseaux và Trí Đức ở Đà Lạt; Trường Pellerin, Thiên Hựu (Providence) Jeanne d’Arc ở Huế; các trường Gagellin và Trinh Vương ở Qui Nhơn; Nha Trang có trường La San (trên đồi La Salle)… Các nhân tài đất nước xuất thân phần lớn từ những ngôi trường này, bên cạnh đó cũng có những trường Công lập nổi danh như Petrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương, Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm, Quốc Học Huế.

Theo thống kê năm 1969, Giáo hội Công giáo ở miền Nam Việt Nam đã sở hữu 226 trường trung học, 1030 trường tiểu học, cô nhi viện… [24]

Kể từ năm 1975, đất nước thống nhất quốc hữu hóa các cơ sở giáo dục, GHCGVN bị đặt bên lề trong việc giáo dục các thế hệ của dân tộc. Việc độc quyền giáo dục đã khiến cho nền giáo dục và khoa học của ta đang xuống dốc, như lời nhận định của giáo sư Hoàng Tụy dù cách đây đã lâu nhưng vẫn còn có tính thời sự cho đến hôm nay:

“Khoa học và giáo dục xuống cấp… Chỉ trừ một số quan chức có thói quen ở đâu và lúc nào cũng nhìn thấy thành tựu, luôn luôn lạc quan ngay cả bên bờ vực thất bại – còn ngoài ra, bất cứ ai là nhà giáo, nhà khoa học, là công dân có ý thức trách nhiệm, đều không thể dửng dưng trước tình hình bất bình thường nghiêm trọng của giáo dục và khoa học kéo dài mấy thập kỷ nay.”[25]

Đến nay, Giáo dục Việt Nam vẫn luôn loay hoay tìm lối đi…

Mãi đến năm 2001 trở về sau này, một số trường tư được mở do, tự đầu tư hoặc điều hành bởi nước ngoài. Riêng các tôn giáo, dù là của Việt Nam vẫn chưa chính thức tổ chức, điều hành một trường học, nghĩa là trong lĩnh vực giáo dục chỉ mở cửa cho người ngoài nhưng người nhà “có đạo”vẫn bị bỏ ra bên ngoài.

Trước vận mệnh nền giáo dục trên quê hương Mẹ bên bờ vực thẳm, sau 33 năm bị gạt ra bên lề, Giáo Hội Việt Nam nhận định trong Thư chung năm 2007:

“Ý thức sứ mạng quan trọng đối với tương lai Giáo Hội và tiền đồ dân tộc, Giáo Hội Việt Nam muốn dấn thân trong sự nghiệp giáo dục để thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô cho mọi người cách hiệu quả và thiết thực hơn. Trong tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi những người có trách nhiệm giáo dục và mọi Kitô hữu Việt Nam hãy chú trọng hơn nữa đến sứ mạng cao cả này, một sứ mạng mang nhiều đặc tính biệt loại so với nền giáo dục xã hội trần thế”[26].

Tiếp theo trong Thư mục vụ năm 2010, có tựa đề Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, Giáo Hội Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đóng góp vào việc phát triển đất nước trong lãnh vực giáo dục, một lãnh vực quan trọng để uốn nắn giới trẻ và lương tâm của họ (Thư mục vụ năm 2010 của HĐGMVN).

Các tôn giáo ở Việt Nam dù vẫn bị gạt ra bên ngoài trong lĩnh vực giáo dục, nhưng GHCGVN vẫn luôn muốn góp phần mình vào công tác giáo dục mọi thế hệ như lời dạy của Giáo Hội Mẹ:

“Công Đồng còn khuyên nhủ các con cái Giáo Hội hãy quảng đại hoạt động trong mọi lãnh vực giáo dục, nhất là để có thể sớm đem lại những lợi ích của một nền giáo dục và giáo huấn xứng hợp cho mọi người ở khắp nơi trên toàn thế giới”[27].

Giáo Hội Việt Nam dù bị loại ra khỏi lãnh vực giáo dục học đường ở mọi cấp và các cơ sở giáo dục đều bị lấy mất…, vẫn có sự dấn thân theo cách của Giáo hội Mẹ từ cả ngàn năm: “hạt giống âm thầm” qua các Lưu xá: từ nhiều năm nay có các Lưu xá, Nhà Nội trú do các nam nữ tu sĩ hoặc các giáo xứ tổ chức như một mái ấm, dù không được phép chính thức nhưng hợp pháp với tên gọi “nhà trọ” cho sinh viên nghèo. Theo thống kê của Ban Giáo dục Công Giáo Tổng Giáo phận Sài Gòn, chung quanh Sài Gòn có 58 Lưu xá sinh viên. Trong những “mái ấm” đó, các linh mục tu sĩ bằng những phương pháp sư phạm đã thông truyền cho các em những bài học nhân bản, đạo đức, kỹ năng sống. Tất cả nỗ lực dấn thân với mô hình Lưu xá theo lời khuyến khích của Công đồng Vatican II:

“Thành lập ngay tại các Đại học không Công Giáo những cư xá và trung tâm sinh viên Công Giáo, ở đó, các linh mục, tu sĩ, giáo dân được tuyển chọn và huấn luyện kỹ, sẽ thường xuyên giúp đỡ giới trẻ sinh viên về tu đức và trí thức”[28].

Năm 2010, với quyết tâm dấn thân trong môi trường giáo dục theo khả năng, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tái lập lại Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo. Tuy không có cơ sở giáo dục (trừ các dòng tu nữ được phép mở các trường Mẫu giáo, vài giáo phận và vài dòng tu nam có trường Dạy nghề, trường Tình thương), nhưng Giáo Hội luôn dấn thân với nhiều ban ngành khác nhau.

Các thư mục vụ của Đức cha chủ tịch Ủy ban Giáo dục vào dịp năm học mới, vào ngày Nhà giáo 20.11, Noel, dịp Tết, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa Vọng như một sự chỉ dẫn và đồng hành với giáo chức, với giới trẻ học đường… Nhờ các thư mục vụ của Đức cha chủ tịch Ủy Ban Giáo dục, giới trẻ học đường và các giáo chức cảm thấy mình được Giáo Hội quan tâm dẫn dắt, đó là một trong những cách thức “Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ để thông truyền đức tin” (Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII).

Kể từ khi có Ủy Ban Giáo dục Công giáo bao gồm các ban nghiên cứu chuyên biệt, Ủy Ban Giáo dục Công giáo có các kế hoạch được dự phóng cho tương lai, bắt đầu có những nỗ lực nhỏ bé xây dựng từ hôm nay…, phác thảo hướng đi: đóng góp, gắn bó và làm cho Giáo hội được hiện diện trong xã hội ngày nay qua vai trò chứng nhân trong môi trường học đường. Nhất là với các giáo chức Công giáo, âm thầm đem Chúa đến với mọi đối tượng qua cách thức giảng dạy để có thể tiếp cận với học sinh – sinh viên hoặc bằng cung cách lãnh đạo thân thiện, giảng dạy tận tình… như hướng dẫn của Giáo Hội qua tuyên ngôn giáo dục của Công đồng Vatican II:

“Phận vụ các giáo viên đang thi hành chính là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta, đồng thời là sự phục vụ chính đáng cho xã hội”[29].

Đáng kể nhất là tổ chức các Hội thảo khoa học về giáo dục, các khóa học bồi dưỡng, giúp ích cho các nhà giáo không phân biệt tôn giáo trong sứ vụ đào tạo con người.

Các Ban Giáo dục của Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, Xuân Lộc… năng động trong các hoạt động đồng hành giáo chức và sinh viên học sinh.

Đặc biệt, Học viện Công giáo Việt Nam chính thức được thành lập khi Chính Phủ Việt Nam cấp giấy phép vào ngày 8.8.2015 và Sắc lệnh thành lập HVCGVN của Tòa Thánh ký ngày 14.9.2015, đáp ứng sự mong chờ từ lâu của Giáo Hội Việt Nam. Học Viện Công giáo Việt Nam là một Đại học mang “căn tính” Công giáo. Hiện nay, trong điều kiện cho phép, trước hết HVCGVN chỉ thành lập Phân khoa Thần học và năm học 2019-2020 chuẩn bị trong học kỳ II khai giảng ngành mục vụ với chuyên ngành Đào tạo nhân sự Mục vụ, chuyên ngành văn hóa xã hội. Nhưng trong tương lai, khi hội đủ điều kiện và khi Giáo hội được phép góp mặt rộng rãi hơn trong lãnh vực đào tạo trí thức, Học viện sẽ xây dựng các ngành đào tạo khác đóng góp vào công cuộc phát triển của Đất nước và Xã hội.

Trường Trung cấp nghề Hòa Bình thuộc giáo phận Xuân Lộc, được thành lập ngày 09.6.2008 và chính thức hoạt động ngày 20.12.2012. Đến năm 2017, trường được quyết định nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc, đầu tiên tuyển sinh hệ cao đẳng đào tạo các ngành về kỹ thuật nơi các giáo phận chung quanh như: Phú Cường, Sài Gòn, Đà Lạt, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết, Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Lời dạy của Giáo Hội Mẹ, như một quyết tâm cho các vị mục tử Việt Nam tái dấn thân trong lãnh vực giáo dục:

“Là Mẹ và là Thầy, Giáo hội Công giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn” [30].

Qua sự dấn thân trong sứ mạng Giáo dục, Giáo hội Công giáo ở khắp nơi trực tiếp xây dựng tình liên đới giữa các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia, vốn là điều cấp bách trong xã hội toàn cầu hóa hôm nay, như Thư Chung năm 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo nhấn mạnh:

“Con người sống trong xã hội không phải là một ốc đảo, nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như ưu sầu. Xã hội tính là một nét nổi bật của con người. Giáo dục Kitô giáo góp phần cổ võ tình liên đới, làm cho con người có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm đối với xã hội và công ích, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp an bình” [31].

Ý thức tiền đồ của dân tộc, tương lai của Giáo Hội, Hội Thánh tại Việt Nam muốn dấn thân trong lĩnh vực giáo dục theo khả năng của mình như là cách thức loan báo Tin Mừng cho mọi người, xây dựng đất nước, cách hiệu quả và thiết thực hơn…

“… dẫu phải đối diện với nhiều giới hạn và khó khăn, Giáo Hội Việt Nam vẫn kiên trì tìm cách thực hiện sứ vụ giáo dục vốn gắn liền với sứ vụ Phúc Âm hóa đã được Chúa Giêsu trao lại…” [32].

Chúng ta hy vọng với Luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay, các tôn giáo nói chung, và Giáo hội Công Giáo cách đặc biệt sẽ được góp sức không hạn chế vào các lĩnh vực nhất là lĩnh vực giáo dục, Giáo hội đã có truyền thống và kinh nghiệm sâu sắc.

Thật thế, Giáo hội Việt Nam trong sứ mạng giáo dục như người đi gieo giống: “mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,6).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 116 (Tháng 01 & 02, năm 2020)


[1] Gioan Phê Ny Ngân Giang OP, “Sư Phạm Của Thiên Chúa, Nền Tảng Giáo Dục Kitô Giáo”, http://daminhvn.net

[2] Will Spens (Chairman), Secondary education with special reference to grammar schools and technical high schools(1938). London: HM Stationery Office.

[3] Tuyên Ngôn đại hội toàn Dòng Xi-tô, sđd., số 13, và số 24 đến 27

[4] “Tìm hiểu về các Giáo hội tại Á châu: lịch sử và hiện tình tôn giáo”, http://conggiao.info

[5] “Thống kê về Giáo Hội Hàn Quốc trước chuvến thăm của ĐTC Phanxicô”, https://dongten.net/

[6] “Danh sách Tất cả các trường Công giáo ở Hàn Quốc”, http://korea.net.vn

[7] “Các tôn giáo lớn tại Ấn Độ”, https://trithuc.itrithuc.vn

[8] “25.000 trường học Công Giáo Ấn Độ đóng cửa để phản đối bạo lực ở Orissa”, http://m.vietcatholic.net

[9] “Giáo hội Indonesia, những cơ hội và thách đố”, https://www.vaticannews.va

[10] ”Giáo hội Indonesia, những cơ hội và thách đố”, https://www.vaticannews.va

[11] ”Thái Lan: Các trường học Công Giáo chú trọng giáo dục và tâm linh.”, http://btgcp.gov.vn

[12] Catholic Church Statistics, Agenzia Fides – 21 October 2018.

[13] ”Những công trình mà Giáo Hội cống hiến cho nhân loại”,VietCatholic News. Ngày 17 tháng 5 năm 2011. Andrew Pinsent, “What the Church has given the world” (Catholic Herald), https://catholicherald.co.uk

[14] ”Những công trình mà Giáo Hội cống hiến cho nhân loại”,VietCatholic News. Ngày 17 tháng 5 năm 2011. Andrew Pinsent, “What the Church has given the world” (Catholic Herald), https://catholicherald.co.uk

[15] ”Don Bosco Vĩnh Long: Hiện diện và phát triển”, http://conggiao.info

[16] ”Năm Thánh La San kỷ niệm 300 năm thánh nhân qua đời”, https://www.vaticannews.va/vi.html

[17] ”Giới thiệu Dòng Tên”, https://dongten.net/

[18] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, Lời mở đầu.

[19] Thông điệp Phát triển các dân tộc, số 15.

[20] Vatican Insider, http://vaticaninsider.lastampa.it

[21] Vatican Insider, http://vaticaninsider.lastampa.it

[22] Hoa Hạ fsc, Giáo dục Công Giáo tại Việt Nam – Nhìn lại một chặng đường)

[23] Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm, Viện Đại học Đà Lạt, Giữa Lòng Dân Tộc Việt Nam 1957-1975 (Bản bổ sung lần I), 2.2008.

[24] Giáo Hội Công Giáo Việt Nam – Niên giám 2004, Nxb Tôn giáo 2004.

[25] Hoàng Tụy, “Một số vấn đề khoa học và giáo dục: Góc nhìn trong cuộc”, Thời đại mới – Tạp chí nghiên cứu & thảo luận, số 6 – Tháng 11.2005.

[26] Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam Về Giáo Dục Kitô Giáo.

[27] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 1.

[28] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 10.

[29] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 8.

[30] Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam về Giáo dục Kitô Giáo, số 32.

[31] Thư Chung 2007 của HĐGM Việt Nam về Giáo dục Kitô Giáo, số 34.

[32] Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, “Giáo hội và sứ vụ giáo dục”, Hiệp Thông số 87 của HĐGM Việt Nam.

Nguồn: WHĐGMVN

 

Bài viết liên quan