Chưa được phân loại

Hạnh các thánh ngày 6.6

THÁNH NOBERTO

Giám mục

Thánh Noberto sinh khoảng năm 1080 tại Xanten Rheimanie, miền hạ lưu sông Rhein, nước Đức, ngài là con út trong một gia đình quí tộc vương giả nên tiến thân rất mau trong các chức vụ của Hội thánh.

image001

Ngay từ nhỏ đã có ý định muốn đi tu, nhưng vì gia đình thuộc dòng tộc vương giả, ngài thường lui tới triều đình nên bị lây nhiều thế tục. Thời còn niên thiếu, Noberto đã sống quá xa lý tưởng. Giàu có, của cải dồi dào sinh hư, lại có bản chất dễ dãi, Noberto lao mình vào những buổi lễ linh đình và những cuộc vui chơi thế gian. Không bao giờ một ý tưởng đứng đắn lại có thể xóa tan được những ảo tưởng ngài nuôi dưỡng trong lòng.

Điều may mắn là khi ham vui như vậy, ngài vẫn không sao nhãng việc học hành. Nhờ vậy, Noberto thông hiểu mọi khoa học, vua Henri V mến chuộng Noberto và thâu dụng vào triều đình. Tuy nhiên Noberto vẫn tiếp tục nếp sống xưa. Biết rằng: chỉ có nhân đức mới mang lại hạnh phúc cho tâm hồn, nhưng Noberto lại yêu chuộng “xiềng xích” và không can đảm bẻ gãy nó.

Một ngày kia Noberto cỡi ngựa đến một làng ở miền Wesphale và dẫn theo một giai nhân đi tìm thú vui. Khi đến giữa đồng cỏ thì một cơn giông tố nổi lên sấm chớp dữ dằn. Khó tìm được nơi trú ngụ, nên Ngài phi ngựa nước rút mong sớm tới đích. Nhưng một cú sét đánh ngay vào chân ngựa. Con vật hoảng hốt hất tung Kỵ sĩ xuống đất. Noberto nằm bất tỉnh tại chỗ như chết trong một giờ. Tỉnh dậy Noberto nghe như có tiếng nói: “Noberto, Ta đã chọn ngươi xây dựng Hội Thánh Ta, nhưng sao ngươi chạy trốn Ta ?”

Ngài thưa lại: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ? Và ngài nghe như có tiếng trả lời: “Hãy bỏ thế gian, sống đời ăn năn thống hối”.

Noberto chỗi dậy trở về nhà, thánh nhân từ bỏ mọi sự, xin vào tu viện và quyết đền bù đời sống đã qua. Ngài trở về Xanten, sống thinh lặng nội tâm, mặc áo nhặm và dành trọn thời gian cho việc suy gẫm cầu nguyện. Từ đó, ngài đã không còn đặt một giới hạn nào cho bậc trọn lành nữa, lúc đó ngài đã 33 tuổi. Sống âm thầm trong suy niệm, cầu nguyện và chay tịnh, ngài đã dành hai năm để thống hối ăn năn dọn mình chịu chức linh mục. Và sau khi được tấn phong, Ngài còn chuẩn bị tâm hồn suốt 40 ngày trước khi dâng Thánh lễ đầu tiên.

Ngài bán hết mọi của cải, phân phát cho người nghèo rồi đi chân không đến xin Đức Giáo Hoàng ban phép cho đi rao giảng Tin Mừng và ngài giảng đặc biệt về lòng sám hối ăn năn. Các bài giảng đánh động lòng người, giúp nhiều người trở lại, nhưng nhất là chính đời sống gương mẫu của Ngài đã tạo nên được nhiều cuộc hối cải lạ lùng, người ta gọi ngài là Gioan Tẩy Giả thứ hai vì ngài ăn chay hãm mình hằng ngày.

Nhưng việc quan trọng Chúa kêu gọi thánh nhân thực hiện, chính lả việc sáng lập một nhà dòng Kinh sĩ (Chanoines réguliers) ở Premontré được gọi là dòng áo trắng, theo bộ luật thánh Âu tinh. Mục đích của dòng là cải tạo hàng giáo sĩ bằng đời sống chung với nhau, bằng đọc kinh nhật tụng, và bằng việc rao giảng Phúc Âm. Năm 1126, Hội thánh đã công nhận dòng của ngài, đồng thời đặt ngài làm Tổng Giám mục Magdburg.

Đức tân giám mục ngoài việc chăm sóc nhà dòng ngài còn phải giảng dạy, cai quản và thánh hóa giáo đoàn, vẫn không giảm bớt khắc khổ, đi chân không, Ngài nỗ lực đổi mới giáo phận với nhiệt tâm của một thánh nhân bậc nhất. Trong nỗ lực ấy, Ngài phải chịu đựng biết bao là khó khăn, người ta tìm cách cản trở đến độ muốn mưu sát ngài, nhưng lòng quả cảm và sự nhẫn nại đã đưa ngài tới thành công. Trong một ít năm, ngài đã sửa lại được những lạm dụng và làm cho mọi chỗ nên đạo đức hơn. Ngài thường nói: “Tôi đã ở trong triều đình, đã rút vào đơn độc, đã được đặt nhiều chức vụ, nhưng tôi đã không tìm thấy được điều gì đẹp hơn là được phụng sự Chúa và thuộc trọn về Ngài”.

Ở vào địa vị tổng giám mục, thánh Noberto từ đây cũng ảnh hưởng tới Giáo hội ngày càng nhiều hơn. Ngài là bạn của thánh Benarđô và đã giúp thánh nhân chống lại giáo hoàng giả Anacletus, Ngài cũng đã thành công trong việc chống lại lạc giáo Tanchelin xúc phạm và chối bỏ sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể.

“Noberto xứng đáng vào sổ những người nhiệt thành đắc lực nhất với công cuộc canh tân do Đức Giáo Hoàng Gregorio VII đề xướng. Quả vậy ngài là người thứ nhất đã muốn lập ra một hàng giáo sĩ vừa chăm lo cuộc sống Tin Mừng vừa nhiệt thành truyền giáo, vừa trong sạch vừa nghèo khó, vừa mặc áo con người mới tức là áo tu sĩ vừa mang trang sức là chính chức linh mục; một hàng giáo sĩ muốn sống theo Kinh Thánh, lấy Đức Kitô làm -thủ lãnh.

Trong tu viện, bắt chước Hội Thánh thời sơ khai. Ngài để các linh mục giữ vai trò các tông đồ và quy tụ nhiều giáo dân nam nữ đến nỗi nhiều người nói rằng, từ thời các tông đồ cho đến nay chưa vị sáng lập nào trong thời gian ngắn đã chinh phục được nhiều người theo gương trọn lành như thế cho Đức Kitô.

Trở thành Tổng Giám mục, ngài kêu gọi anh em cùng dòng đến để làm cho miền Venđê (bên Đức) theo đạo. Ngài ra sức làm cho hàng giáo sĩ ở đó đi vào đường canh tân, không ngại sự xáo trộn và giao động trong dân chúng,..”

Sau bao nhiêu nỗ lực để đổi mới lòng đạo đức trong giáo phận thánh Noberto qua đời vì kiệt sức vào năm 1134 tại giáo phận.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh một vị Giám mục rất nổi danh về đời sống cầu nguyện và lòng nhiệt thành của người mục tử là thánh Noberto. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin Chúa sai những người mục tử vừa ý Chúa đến hướng dẫn chúng con đến nguồn ơn cứu độ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Thánh Phêrô DŨNG, Phêrô THUẦN Và Vinh Sơn DƯƠNG

Giáo dân tử đạo.

 Ngày 6.6.1862, nội trong ngày ấy ba giáo dân bị thiêu sống trong huyện Quỳnh Côi (Thái Bình): Hai ở Lương Mỹ, một ở Mỹ Nhuệ. Họ đã trở nên ngọn đuốc sáng chiếu sáng đức tin như lời Chúa Kitô đã nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế để nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy công việc tốt đẹp anh em làm, mả tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14-16).

image003

Ánh sáng tự nhiên kéo sự chú ý của mọi người, cùng như hữu xạ tự nhiên hương.

Đời sống thánh thiện của người tín hữu tất nhiên ảnh hưởng đến người khác, nhất là gương hy sinh can đảm chịu chết vì Chúa của các thánh tử đạo, đặc biệt của ba vị thánh Phêrô Dũng, Phêrô Thuần và Vinh Sơn Dương.

Các ngài đã chịu thiêu sống, để trở thành ba ngọn đuốc sáng soi cho mọi người nhìn biết tin kính Chúa.

Phêrô Đinh Văn Dũng và Phêrô Đinh Văn Thuần là anh em thúc bá với nhau. Cả hai là tín hữu giáo xứ Trung Đồng, địa phận Trung Đàng ngoài, đã lập gia đình và làm nghề đánh cá. Hai ông đều là giáo hữu nhiệt thành trọng xứ đạo, và là gia trưởng gương mẫu của gia đình, luôn luôn chu toàn bổn phận đối với Chúa, cũng như đối với vợ con và xóm làng.

Năm 1861, vua Tự Đức bắt đạo gắt gao. Do chiếu chỉ “Phân sáp” của nhà vua, mọi người tin theo Chúa đều bị khắc lên má hai chữ “Tả đạo”, bị phân tán vào các làng mạc người ngoại giáo, tài sản bị tịch thu hoặc phá hủy, và phải bước qua Thánh Giá để bỏ đạo. Ai bất tuân sẽ bị bắt, tống giam vào ngục, chịu cực hình cho đến chết.image005

Đầu năm 1862, hai ông Phêrô Dũng và Phêrô Thuần bị bắt tống giam vào ngục Ngọc Chí vì không chịu chối Chúa bỏ đạo. Ở đây, các ông phải mang gông cùm xiềng xích khổ sở ngày đêm. Nhiều lần các ông bị điệu ra công đường tra tấn đánh đập, buộc chà đạp lên Thánh Giá nhưng các ông cương quyết trung thành với Chúa. Các quan thấy cực hình không lay chuyển được lòng tin sắt đá của hai ông nên định dùng tình cảm để khuất phục. Quan cho quân lính dẫn hai ông về thăm vợ con, cố ý cho các ông thấy vợ con sầu buồn than khóc mà xiêu lòng bỏ đạo, trở về đoàn tụ với gia đình.

Nhưng mặc cho vợ con khóc lóc than thở, các ông vẫn bình tĩnh, chẳng những không cảm động xiêu lòng, mà còn khuyên nhủ khích lệ vợ con sẵn sàng chấp nhận cho các ông hy sinh vì Chúa: “Hãy vui lên, chúng tôi được dâng mạng sống vì danh Đức Kitô.

Tháng 4.1862, các quan đày 2 ông đến làng Lương Mỹ, giam ở đấy 2 tháng. Trong hoàn cảnh này ông Phêrô Thuần đã một lần thối chí và nghe lời quan bước qua Thánh giá nhưng sau khi gặp lại các bạn hữu quyết tâm trở lại tuyên xưng đức tin dù đòn vọt tra tấn dã man hơn trước. Nhận thấy việc kéo dài thời gian giam giữ các ông cũng vô ích, các quan kết án thiêu sống hai ông. Và ngày 6.6.1862, hai ông bị nhốt trong một cũi tre chật hẹp và đưa lên giàn hỏa, chịu thiêu cháy để tuyên xưng lòng tin bất khuất nơi Chúa Kitô, làm thành hai ngọn đuốc chiếu sáng cho mọi người nhìn biết tin kính Chúa.

Thi thể các ngài được chôn cất tại chỗ về sau giáo hữu cải về an táng tại sân nhà thờ Đông Phú, quê hương của các ngài.

* * *

Hôm nay cũng là ngày thánh Vinh Sơn Dương tử đạo.

Vinh Sơn Dương sinh năm 1821, tại làng Doãn Trung tỉnh Thái Bình, là giáo dân xứ Kẻ Mèn, địa phận Trung Đàng ngoài. Ông đã có gia đình và ba người con. Ngoài nghề ruộng rẫy, ông còn đảm trách việc thu thuế trong làng, nên quan quân quen biết ông, họ biết rõ ông là người Công giáo nhiệt thành năng nổ trong xứ đạo. Chẳng những ông sống đạo sốt sắng mà còn hăng say rao giảng đạo Chúa cho mọi người. Vì thế khi vua Tự Đức ra chiếu chỉ “Phân sáp” năm 1861, ông bị bắt đày sang làng Mỹ Nhuệ.

ở đây trong suốt 9 tháng bị giam trong ngục, nhiều lần ông bị đưa ra tra tấn đánh đập, cực hình và ô nhục, buộc đạp lên Thánh Giá bỏ đạo. Nhưng ông luôn cương quyết trung thành theo Chúa, thà chết chứ không bao giờ cha đạp lên Thánh Giá Chúa. Thấy khổ hình không lung lay nổi đức tin sắt đá của vị anh hùng, các quan xoay ra khuyên nhủ dụ dỗ, hy vọng sẽ làm cho ngài thay lòng đổi dạ. Song vô ích, ông gác ngoài tai tất cả mọi lời dụ dỗ Ông nhất quyết vui lòng hy sinh mạng sống vì Chúa và vì Đức Tin. Thế là ngày 6.6.1862, ông Vinh Sơn Dương đã chịu thiêu sống để làm chứng cho Chúa.

Đoạn thánh thi kinh sáng phụng vụ các thánh tử đạo cho chúng ta cái nhìn của Giáo hội về chứng tá oanh liệt của các chứng nhân đức tin:

Đường thẳng về quê thật,

Thế gian bách hại nhưng đã thẳng

Thể xác đớn đau vẫn coi thường

Cái chết oai hùng con đường thẳng

Khải hoàn thiên quốc chính quê hương.

image007

Thái độ kiên cường đó không chỉ dành cho hàng giáo sĩ mà ngay cả những người giáo hữu nghèo hèn chất phác như trường hợp các ông Phêrô Dũng, Phêrô Thuần, và Vinh Sơn Dương không hề sợ hãi nao núng khi sắp chịu chết vì danh Chúa Kitô, các ngài nằm xuống nhưng danh tánh các ngài còn lưu truyền mãi mãi.

Đức Thánh Cha Piô XII đã phong Chân phước cho các ông Phêrô Dũng, Phêrô Thuần, và Vinh Sơn Dương ngày 29.4.1951. Và ngày 19.6.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển Thánh.

Bài viết liên quan