Chưa được phân loại

KINH THÁNH CỰU ƯỚC TỔNG QUÁT (chương 1&2)

PHẦN I     NẾP SỐNG DU MỤC VÀ NHỮNG HÌNH THỨC TỒN TẠI CỦA NÓ TỔ CHỨC BỘ LẠC

Tổ tiên của người Israel và chính người Israel trong buổi đầu lịch sử của họ, đã sống một cuộc đời du mục hoặc bán du mục. Sau này khi họ đã chuyển sang nếp sống định cư những nét của đời du mục vẫn còn tồn tại. Vì thế muốn hiểu biết về bối cảnh của Cựu ước, chúng ta phải lưu ý trước tiên đến nếp sống du mục buổi đầu của dân Israel.

Những người Israel đã sống đời du mục hoặc bán du mục một khoảng thời gian ở sa mạc. Nếp sống này đòi hỏi phải có những cách thức tổ chức, những cơ cấu xã hội và những tục lệ riêng biệt. Chẳng hạn như sống trong sa mạc thì đơn vị xã hội phải vừa tương đối hạn hẹp nhưng cũng vừa đủ mạnh để bảo vệ an ni

nh, từ đó phát sinh hình thức bộ lạc; sống trong sa mạc thì khi cá nhân có một việc gì đó phải tạm rời nhóm mình ra đi thì rất cần được những nhóm khác trên lộ trình người ấy đi tận tình đón tiếp và giúp đỡ, đó là nền tảng của những tập tục về hiếu khách; và sau cùng sống trong sa mạc là nơi chẳng có cảnh sát và toà án để phân xử theo lẽ công bình, thì những người cùng nhóm phải liên đới nhau trong tội cũng như trong việc xử tội, đấy là nội dung chính của tục lệ báo thù. Chúng ta sẽ xem xét đến 3 điểm vừa kể, vì đó là những điểm tiêu biểu nhất của nếp sống du mục.

       CHƯƠNG I    TỔ CHỨC BỘ LẠC

1) Cơ chế của các bộ lạc :

Bộ lạc là một nhóm tự quản tự trị gồm một số gia đình nhìn nhận mình xuất phát từ một ông tổ chung. Tên gọi của bộ lạc là tên hoặc tên riêng của ông tổ, thường thêm kiểu nói “con của…” ở phía trước, nhưng có khi cũng không cần thêm như vậy. Thí dụ bộ lạc “Israel”, bộ lạc “Giuđa”… hoặc bộ lạc “con của Israel”, bộ lạc “con của Giuđa”… thay vì chữ “con” có thể dùng chữ “nhà” (với nghĩa là gia đình, dòng tộc). Thí dụ “nhà của Israel”, “nhà Giuse” v.v…

Dây liên hệ những người cùng bộ lạc với nhau là liên hệ huyết thống, hoặc thực hoặc chỉ là giả thiết. Những người cùng bộ lạc coi nhau như “anh em”. Theo nghĩa rộng, ta thấy Đavit đã nói với các kỳ lão trong cùng bộ lạc Giuđa của ông như sau “các người là anh em của tôi, cùng thịt cùng xương với tôi” (2V 19,13). Mỗi bộ lạc đều có những truyền thống về ông tổ của mình. Những truyền thống này không hẳn luôn luôn đúng sự thật nhưng điều này không quan trọng, quan trọng là mỗi người nghĩ rằng mình có cùng dòng máu với những người khác trong bộ lạc. Họ cũng nghĩ rằng các bộ lạc trong miền đều có bà con với nhau. Bởi đó có thể vẽ một cây phổ hệ chung cho tất cả các bộ lạc sống chung trong sa mạc.

Mà sở dĩ có thể làm một bản phổ hệ chung cho tất cả các bộ lạc trong cùng một miền sa mạc là vì ngoài liên hệ huyết thống cũng còn rất nhiều yếu tố khác khiến tạo thành một bộ lạc. Xét trên bình diện nhóm thì có khi một số gia đình kết giao, kết hợp với nhau, có khi những nhóm yếu bị cuốn hút vào những nhóm mạnh hơn, có khi nhiều nhóm yếu kết hợp với nhau để thành một nhóm lớn hơn, mạnh hơn hầu đương đầu với những cuộc tấn công của kẻ thù. Còn trên bình diện các cá nhân thì cá nhân có thể nhập vào bộ lạc bằng nhiều cách như được một gia đình nhận làm con nuôi, hoặc được các kỳ lão hay chính vị trưởng bộ lạc cho phép gia nhập.

Nhưng dù gia nhập bằng cách nào đi nữa, vẫn có một nguyên tắc phải giữ, đó là người mới gia nhập phải gắn bó “bằng tên và bằng máu” với bộ lạc, nghĩa là phải nhận ông tổ của bộ lạc là ông tổ của mình, phải xem bộ lạc là gốc của mình và sau này có kết hôn thì phải kết hôn với người trong bộ lạc. Nếu là trường hợp gia nhập của cả một gia tộc thì quá trình gia nhập chậm hơn nhưng cũng dẫn đến cùng một kết quả và những “người dưng” ấy cũng được coi là cùng một dòng máu với nhau.

Những bộ lạc Israel cũng không ra khỏi lề thói chung đó và cũng thu nhận nhiều nhóm người có nguồn gốc khác nhau. Chẳng hạn như bộ lạc Giuđa đã thu nhận những người còn sót lại của bộ lạc Simêôn, những người thuộc dòng họ Caleb và Yerahmel (xem Ds 32,12 St 15,19 36,11 Gs 15,13). Những sự hoà nhập như thế xảy ra thường xuyên, nhất là trong những thời kỳ đầu. Bởi vật trong thuật ngữ “12 bộ lạc” thế nào cũng có một phần nào đó là nhân tạo và do người ta đã hệ thống hoá lại. Nhưng ta cũng không biết là nhân tạo và hệ thống hoá đến mức nào. Trong các văn bản Thánh kinh số lượng và thứ tự các bộ lạc Israel không giống nhau, đôi khi ngay tên của bộ lạc cũng còn khác nhau. Điều này chứng tỏ rằng đã có một quá trình sắp xếp trước khi người ta đi đến được một bảng liệt kê 12 bộ lạc của Israel như ta thấy ngày nay.

2) Sự tập họp, phân chia và biến mất của các bộ lạc :

Có khi những bộ lạc nhỏ tập họp lại với nhau để chống lại với những bộ lạc lân cận mạnh hơn. Nhưng cũng có khi một bộ lạc quá đông tự chia thành những bộ lạc nhỏ hơn. Những bộ lạc mới này (mới tập họp thành một bộ lạc lớn, hoặc mới chia thành những bộ lạc nhỏ) có quyền tự trị riêng, nhưng vẫn giữ tình nghĩa bà con với bộ lạc gốc, và thỉnh thoảng kết hợp lại trong những hoàn cảnh đặc biệt như thiên cư hoặc chiến tranh, và khi đó tất cả các bộ lạc liên kết ấy nhìn nhận một lãnh tụ chung do tất cả hoặc do đa số đồng ý. Các bộ lạc Israel cũng làm như vậy trong thời còn ở sa mạc và trong thời chinh phục đất Canaan. Đến thời đã định cư rồi, Israel cũng còn làm thế trong thời kỳ các thẩm phán. Có người đã so sánh hệ thống tổ chức 12 bộ lạc Israel với thể chế Liên thành bên Hy Lạp (Amphietionie), là thể chế liên kết một số đô thị lại với nhau quanh một trung tâm là một đền thờ nào đó. Về hình thức thì so sánh này đúng, nhưng còn nhiều điểm không đúng, chẳng hạn 12 bộ lạc Israel không phải được cai trị bởi một cơ chế lâu bền, và tổ chức của họ cũng chẳng đạt thành một hiệu quả chính trị như thể chế Liên thành. Liên minh 12 bộ lạc này chú trọng trước hết là về mặt tôn giáo : họ kết hợp nhau quanh Đền thờ và Khám giao ước là vì tình cảm huyết thống và nhất là vì có cùng một niềm tin và Yahvé (Gs 24).

Ngược lại khi một nhóm quá đông không thể sống chung được và không thể cùng sử dụng chung nhau những đồng cỏ được thì tách ra thành hai nhóm độc lập. Thí dụ như Abraham và Lot đã chia tay nhau (St 13,5-13). Tuy nhiên bổn phận bà con vẫn còn, nên khi Lot bị 4 vị tiểu vương bắt, Abraham đã đến tiếp cứu (St 14,12-16).

Rồi có khi một bộ lạc đã không tăng thêm mà còn từ từ giảm đi và cuối cùng biến mất hẳn. Chẳng hạn như trường hợp bộ lạc Ruben (so sánh St 49,3-4 với Đnl 33,6), bộ lạc Simêon (St 34,25-30 49,5-7) số còn lại nhập vào bộ lạc Giuđa (Gs 19,1-9)…

3) Việc tổ chức và quản trị bộ lạc :

Bộ lạc có một tổ chức nội bộ, cũng dựa trên liên hệ huyết thống. Đơn vị căn bản là gia đình, “ahel” nhiều gia đình làm thành một gia tộc, gọi là hamuleh hoặc ashireh và nhiều gia tộc làm thành một bộ lạc, gọi là qabileh. Đó là tổ chức của bộ lạc Árập. Người Israel cũng có tổ chức tương tự. Căn bản là bêt’ab (nhà cha) tức là gia đình, gồm có chẳng những cha mẹ con cái mà còn cả dâu rễ cùng với những đứa con mà chúng sinh ra và các tôi tớ. Nhiều gia đình làm thành một gia tộc, mispahah sống gần nhau, họp mặt với nhau trong những cuộc lễ tôn giáo và những bữa ăn tế lễ (1Sm 20,6.29). Chính gia tộc đảm nhiệm bổn phận báo thù nợ máu. Gia tộc được cai quản bởi những trưởng gia đình được gọi là zeqénim hoặc kỳ lão (anciens). Trong thời chiến gia tộc cũng có một lực lượng chiến đấu khoảng 1.000 người dưới quyền chỉ huy của một thủ lãnh gọi là sar. Các gia tộc họp thành một bộ lạc, gọi là sébèt hoặc mattèh (hai chữ này cũng có nghĩa là “cây gậy” chỉ huy và vương trượng). Toàn bộ lạc chịu sự lãnh đạo của một lãnh tụ chung.

Nơi dân Árập vị chỉ huy toàn bộ lạc được gọi là sheikh. Vị này điều khiển bộ lạc trong sự liên kết thống nhất với các chủ gia đình. Quyền chỉ huy này thường thuộc luôn về một gia đình (cha truyền con nối) nhưng không hẳn là giao cho người trưởng nam. Lý do là người trưởng bộ lạc phải có những giá trị cá nhân nổi bật như : sáng suốt, can đảm, quản đại… và giàu có. Thật khó mà nói được dân Israel có vai trò sheikh như thế không và nếu có thì được gọi bằng gì trong tiếng của họ. Nhưng có lẽ đó là nasi. Đó là tên được đặt cho các trưởng bộ lạc Israel trong thời sa mạc (Ds 7,2).

4) Lãnh thổ của bộ lạc – chiến tranh và razzia :

Mỗi bộ lạc đều có một lãnh thổ được nhìn nhận. Trong phần lãnh thổ đó, đất canh tác thì được coi là thuộc quyền tư hữu, còn đồng cỏ thì thuộc công hữu. Ranh giới lãnh thổ không rõ ràng nên trong hoàn cảnh các bộ lạc giao hảo tốt với nhau thì một vài vùng đất tốt được sử dụng qua lại chung nhau; nhưng bộ lạc nào chiếm hữu trước thì có quyền đặt điều kiện cho bộ lạc sau muốn xin cùng sử dụng.

Nhưng tình trạng không rõ rệt này cũng dẫn đến những tranh chấp, nhất là về các giếng nước. Mọi người trong sa mạc đều biết giếng nào thuộc nhóm nào, thế nhưng có khi các nhóm giành nhau và những người chăn cừu đánh nhau. Thí dụ người của Abraham đã cãi nhau với người của Lot (St 13,7). Cũng có những tranh chấp về đồng cỏ. Nếu những cuộc tranh chấp ấy không được dàn xếp êm thắm thì đưa đến chiến tranh. Chiến tranh do sheikh quyết định và mọi người trong bộ lạc phải theo. Chiến lợi phẩm thì được đem chia cho các chiến sĩ, nhưng người chỉ huy được hưởng phần chia đặc biệt hơn. Phần đặc biệt này ngày xưa được định là 1/4 trên tổng số chiến lợi phẩm, sau này thì để tuỳ ý người chỉ huy. Trong thời Đavit chiến lợi phẩm sau khi đã dành phần riêng cho vị chỉ huy thì được chia hai : một nửa cho các chiến sĩ và một nửa cho những người ở hậu phương (1Sm 30,20-25).

Mỗi bộ lạc Árập có tiếng hô chiến đấu và quân kỳ riêng. Họ còn mang ra trận một chiếc kiệu gọi là utfa. Thời sau này thì họ không kiệu trống không nhưng xưa kia thì trên kiệu có một thiếu nữ đẹp nhất bộ lạc, nhằm khích lệ tinh thần chiến sĩ. Dân Israel cũng có tiếng hô chiến đấu riêng gọi là teru’ah (Ds 10,5.9 31,6 Tl 7,20-21 17,20-52). Thay vì quân kỳ họ manbg Hòm bia giao ước ra trận (1Sm 4,3-11). Hòm bia giao ước này gợi lên hình ảnh những chiếc kiệu trận của dân Árập.

Khi nhiều bộ lạc liên minh với nhau thì họ nhất trí chọn chung một quân hiệu. Quân hiệu của liên minh Israel là : Yahvé-Nissi (Yahvé là hiệu kỳ của chúng ta) (Xh 17,15).

Razzia không giống như kiểu chiến tranh thông thường. Nó không nhằm giết chóc mà chỉ nhằm chiếm chiến lợi phẩm và sau đó rút lui an toàn. Người ta sử dụng toàn là lạc đà chạy nhanh và ngựa rặt giống. Razzia có những qui định rõ ràng. Trong lịch sử Israel không có những razzia đúng nghĩa, chỉ có những hình thức tương tự, chẳng hạn như những trận xung kích của quân Madian trên lạc đà vào thời các thẩm phán (Tl 6,3-6); trong một khuôn khổ nhỏ hơn thì có những trận đột kích của Đavit vào miền Négeb trong thời gian ông đang lưu trú nơi dân Philitinh (1Sm 27,8-11).

        CHƯƠNG II        LUẬT VỀ HIẾU KHÁCH VÀ TỊ NẠN

Như đã nói, hiếu khách là một nhu cầu cần thiết trong cuộc sống ở sa mạc đến nỗi nó trở thành một nhân đức và là một trong những nhân đức được quý chuộng nhất đối với các dân du mục. Khách được coi như cái gì thánh thiêng, và người ta giành nhau tiếp khách. Thông thường thì vinh dự này được dành cho sheikh, người khách có quyền hưởng sự tiếp rước này trong vòng 3 ngày. Và khi họ rời nhà ra đi thì lại còn được tiếp tục bảo vệ trên một đoạn đường nào đó dài ngắn tuỳ theo thói tục của bộ lạc chủ : ở một số bộ lạc thì đoạn đường này là “cho đến khi muối mà khách đã ăn ra khỏi bụng của họ”; ở một số bộ lạc thì thời gian bảo vệ ấy là thêm 3 ngày nữa và trong một bán kính 150km.

Ta có thể tìm thấy một số thí dụ trong Cựu ước : Abraham đã nồng nhiệt tiếp rước 3 người của Thiên Chúa tại Mambré (St 18,1-8); Laban lăng xăng đón tiếp người đầy tớ của Abraham (St 24,28-32) : hai câu chuyện sau đây còn cho thấy tình cảm hiếu khách đi xa đến đâu : một là chuyện ông Lot tiếp đón 2 thiên sứ Sodoma (St 19,1-8) và hai là chuyện tội ác tại Gibéa (Tl 19,16-24). Lot và cụ già ở Gibéa sẵn sàng hi sinh danh dự các con gái mình để bảo vệ khách, mà lý do chỉ vì những vị khách này đã đến ngụ dưới mái nhà của họ.

Luật tị nạn cũng là một hệ luận khác của nếp sống du mục. Trong hoàn cảnh xã hội thời du mục, người ta không quan niệm nỗi tình cảnh của một cá nhân lang thang đơn độc mà không có chỗ nương nhờ. Nếu một kẻ nào đó vì đã giết người hoặc đã phạm một tội trọng nào đó mà bị trục xuất khỏi bộ lạc mình, hay nếu người ấy tự ý rời bỏ bộ lạc mình vì bất cứ lý do nào đó, thì người ấy phải tìm trú ẩn nơi một bộ lạc khác. Dân Árập gọi người ấy là djâr, còn người Israel thời Cựu ước gọi là gér. Bộ lạc chủ nhà có bổn phận bảo vệ người ấy, bênh vực người ấy chống với kẻ thù và lo đòi nợ máu cho người ấy. Dân Israel còn dành một số thành thị để cho những người tị nạn ấy ở.

Bài viết liên quan