Chưa được phân loại

KINH THÁNH CỰU ƯỚC TỔNG QUÁT (chương 3 & 4)

           CHƯƠNG III    TÌNH LIÊN ĐỚI TRONG BỘ LẠC VÀ VIỆC ĐÒI NỢ MÁU

Mối liên hệ huyết thống dù thực hay giả thiết, cũng tạo nên tình liên đới giữa những người cùng bộ lạc với nhau. Đây là một tình cảm rất mạnh và vẫn tồn tại lâu dài cho mãi tới thời định cư. Cái vinh và cái nhục của một người cũng là cái vinh và cái nhục của cả tập thể. Lời chúc dữ cho một người gây ảnh hưởng cho cả tập thể, và tội lỗi của cha mẹ bị Chúa phạt trên con cháu tới thế hệ thứ tư (Xh 20,5). Cả gia đình được vinh dự nhờ có người gia trưởng can trường, trái lại vì một lỗi lầm của người gia trưởng mà cả nhà sẽ bị phạt (2Sm 21,1).

Biểu hiện đặc biệt của tình liên đới là bổn phận của tập thể phải che chở bảo vệ những phần tử yếu kém và bị ức hiếp của mình. Do đó có tục lệ go’él. Một đòi buộc khắt khe nhất của tục go’él là phải đòi nợ máu. Nghĩa là nếu một người trong bộ lạc bị giết thì bộ lạc phải giết kẻ gây ra nợ máu ấy hoặc giết một người khác trong gia đình hắn. Nếu kẻ sát nhân là người trong bộ lạc thì không đòi nợ máu mà chỉ bị trừng phạt hoặc bị trục xuất. Ban đầu thì bổn phận đòi nợ máu thuộc về mọi người trong bộ lạc, nhưng về sau thì thu hẹp về những người trong gia đình hoặc gia tộc nạn nhân mà thôi. Và để tránh cảnh giết qua giết lại lan tràn, người ta cũng tìm cách thay việc đòi nợ máu bằng một hình thức bồi thường cho gia đình nạn nhân, nếu gia đình nạn nhân không nhận thì cũng bị bóc buộc phải miễn cưỡng nhận.

Một thí dụ trong Thánh kinh là trường hợp của Lamek (St 4,23-24) : Lamek đã nói :

“Vì bị thương, ta giết một người. Ta trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Cain có được báo thù gấp bảy, thì Lamek gấp bảy với bảy mươi”.

Lamek là cháu chắt của Cain, mà Cain là người bị phạt phải sống lang thang trong sa mạc. Cain mang trên trán một “dấu hiệu”. Đây không phải là dấu chỉ người mang nó bị phạt, mà là dấu cho biết người mang nó thuộc về một bộ lạc có truyền thống trả thù khủng khiếp. Câu chuyện này cho thấy lý do của tục đòi nợ máu. Đây không phải chỉ là đền bù công bằng “nam thế nam, nữ thế nữ” như kinh Coran sau này đã đề ra mà chính là một cách hạn chế đổ máu : trong một xã hội không có quyền lực trung ương kiểm soát thì người ta có thể trả thù nhau tràn lan, đưa đến tình trạng “oán oán chất chồng”. Vì thế việc ấn định phải trả thù như thế nào và được trả thù tới mức độ nào có tác dụng giới hạn sự trả thù đó.

Tục lệ này vẫn tiếp tục trong thời định cư. Chẳng hạn Joab đã giết Abner (2Sm 2,22-23). Nhưng tới thời ấy (định cư) thì đã có luật pháp và luật pháp cố gắng kềm hãm việc báo thù bằng cách đưa ra những chỉ thị của công lý. Luật về các thành tị nạn (Ds 35,9-34) thừa nhận quyền báo thù nhưng kiểm soát nó bằng một phiên xử trước đó để ấn định mức tội của kẻ sát nhân và loại trừ trường hợp giết người vì vô ý. Nhưng luật pháp Israel lại không chấp nhận việc bồi thường bằng tiền, điều này có lý do tôn giáo : vì máu nạn nhân đã bị đổ ra đã tục hoá lãnh thổ mà Yahvé ngự trị, nên máu nó phải được đền bằng máu của kẻ gây ra (Ds 35,31-34).

Như đã nói, tục đòi nợ máu không thi hành trong nội bộ một bộ lạc.

            CHƯƠNG IV     NHỮNG BIẾN ĐỔI TỔ CHỨC BỘ LẠC NƠI DÂN ISRAEL

Trên đây chúng ta đã dùng những hình thức của tổ chức đời du mục để so sánh giúp hiểu được tổ chức sinh hoạt sơ khai nơi dân Israel. Tuy nhiên cần lưu ý rằng dân Israel không rập khuôn sát với những hình thức tổ chức như ta đã thấy. Những trình thuật về các tổ phụ cho ta thấy người ta lưu ý đến gia đình và gia tộc hơn là bộ lạc, những trình thuật thời kỳ sa mạc và thời chinh phục Canaan lưu ý đến “toàn thể Israel” hơn là bộ lạc. Thời kỳ thuận lợi cho ta nghiên cứu hơn cả là thời các thẩm phán vì thời đó các bộ lạc sống mạnh. Nhưng ngay cả thời đó các bộ lạc Israel cũng không có những cá nhân làm trưởng bộ lạc, quyền hành nằm trong tay các vị kỳ lão, khi đó gia tộc, mispahah (chứ không phải gia đình hoặc bộ lạc) mới là đơn vị xã hội bền vững nhất. Điều này cho thấy tổ chức bộ lạc bắt đầu tan biến để bước vào thời kỳ định cư : bộ lạc dần dần trở thành một đơn vị lãnh thổ. Trong thánh thi của Débora (Tl 5,17) ta thấy bộ lạc không còn tự gọi tên theo tên của ông tổ mình nữa mà gọi bằng tên của địa phương. Thí dụ bộ lạc Galaad. Rồi đến thời quân chủ chính khuôn khổ lãnh thổ mà bộ lạc cư ngụ cũng sẽ lại thay đồi. Do những thay đổi như thế người ta mặc dù vẫn còn nhớ mình thuộc về bộ lạc nào, nhưng cái mà người ta gắn bó hơn chính là gia tộc, gia tộc mới là đơn vị xã hội bền vững tồn tại qua bao thay đổi. Trong khuôn khổ của nếp sống định cư, gia tộc được thể hiện qua thôn làng. Thôn làng trở nên quan trọng. Do đó trong nhiều bảng phổ hệ trong sách Sử ký người ta ghi tên làng thay vì tên các ông tổ.

Bài viết liên quan