Giáo Phận Long Xuyên

Lịch sử giáo phận Long Xuyên (bài 1)

LỊCH SỬ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

Lời mở đầu

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2020), chúng ta cùng nhau nghiên cứu và học hỏi về lịch sử giáo phận để thấy những bước tiến, những khó khăn, những nỗ lực, những hy sinh của các bậc cha ông trong việc sống đạo và truyền đạo. Thấy, biết, hiều, và rồi sẽ sống theo gương cha ông, để đức tin ngày một toả sáng trên vùng đất Cửu Long, nơi giáo phận đã được khai sinh, lớn lên và phát triển.

 Sau đây là loạt bài lịch sử giáo phận Long Xuyên, bao gồm những tài liệu xưa và nay, những bài viết về lịch sử và hoạt động tông đồ của giáo phận, v.v.

Vì thời gian, tài liệu và tra cứu có hạn, xin lượng thứ những sai sót và xin giúp đính chính.

Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

ĐỊA PHẬN LONG XUYÊN 1962 [1] 

Phần I

LỜI CHỦ CHĂN

Trong niên lịch Địa phận 1962, lời của Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ đã nói lên tất cả lòng tin mộ đạo của giáo hữu Long Xuyên cũng như đã bộc lộ những lo lắng của hàng Giáo sĩ trước tình trạng hiện nay của Địa phận.

Ngài nói: “Than ôi! Địa phận Long Xuyên còn đến 47 họ nhánh xa xôi côi cút không linh mục, mà trong hoàn cảnh hiện tại, thỉnh thoảng mới được một lễ Misa (thánh lễ). Thương lắm, Chúa nhật, tựu nhau dưới mái nhà thờ không Chúa, không cha, đọc hết kinh ngày Chúa nhật đến lượt kinh xem lễ thiêng liêng theo kinh chiêm lễ. Khi tới đoạn dâng Máu Thánh Chúa, thì một cái chuông nhỏ rung lên. Mọi người cúi đầu thờ lạy cung kính, hướng lòng về một nhà thờ nào mình quen biết có diễm phúc được lễ Misa thật sự…

“Cảnh cô quạnh thiếu thốn ấy, chủ chăn hèn mọn Địa phận Long Xuyên Chúa nhật nào cũng nhớ đến mà đau lòng, và ước gì ở được nhiều nơi một lúc để sống giữa anh chị em, ban cho hết mọi phép bí tích, mọi ơn lành mà quyền Giám mục có thể ban được! Ước gì chóng thêm số linh mục để cho mỗi họ ít là một cha”.

ĐÂY LONG XUYÊN

Với hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Với những thắng cảnh còn mang nặng dấu lịch sử dân tộc: Hà Tiên, Phú Quốc, Núi Sập, Núi Sam, Gò Óc Eo, Hòn Tre…

Với những nỗ lực mở mang ở các khu dinh điền Cái Sắn, U Minh, Đất Đỏ.

Với một khung cảnh Phật Giáo Hoà Hảo ngày nay còn ảnh hưởng lớn trong dân chúng.

Với dân chúng gồm người Nam, người Bắc, người Khmer, người Chăm với những phong tục khác biệt nhau.

Nhưng với những nỗ lực hy sinh để xây dựng và kiến thiết cho ngày mai, một ngày mai mà chúng ta tin tưởng đầy hứa hẹn.

ĐÂY HẬU GIANG

Đây Hậu Giang! Đây Hậu Giang!

Nhánh sông gắn bó Cửu Long Giang

Phù sa cuộn chảy trong dòng nước

Khói sóng hoà hơi trở xóm làng.

Nói đến miền Hậu Giang là trí óc chúng ta nghĩ ngay đến những cảnh sông nước mênh mông, những kinh rạch chằng chịt, với nước đục ngầu tải từ 400 đến 1.200 triệu thước khối phù sa mỗi năm, bồi đắp non sông đất Việt.

Nói đến miền Hậu Giang là nói đến những vùng bùn lầy, toàn một thứ rừng nước, rừng bần, vẹt, đước, – những thứ cây tự nhiên mọc ở chỗ đồng chua nước mặn, – mỗi ngày tuỳ theo tuần trăng được nước thuỷ triều dâng lên làm ngập che giấu cảnh hoang tàn.

Nơi đây ôm ấp bao bí mật, bao lo sợ, bao khó khăn, bao tranh đấu, bao đau khổ. Đối với những người ở xa, Hậu Giang gợi lại những tên rùng rợn: Cà Mau, Tháp Mười, Cái Sắn, U Minh, Tri Tôn, Tịnh Biên và khơi lại những kỷ niệm thời loạn lạc…

Nhưng miền Hậu Giang kia mang cả một niềm hy vọng ấm no, không phải chỉ cho dân tại chỗ mà còn cho cả miền Nam Việt Nam nữa, vì Hậu Giang cũng còn là cánh đồng bao la những ruộng là ruộng.

Địa lý An Giang và Kiên Giang

An Giang (hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cũ):

Diện tích: 3.832 csv (cây số vuông, tức là km2)

Dân số (1960) 811.431

Việt Nam: 761.397

Việt-Miên: 47.657

Chăm-Mã Lai: 2.206

Hoa kiều: 97 (chưa nhập Việt tịch)

Miên: 63 (chưa nhập Việt tịch)

Kinh tế:

Lúa: 310.020 mẫu tây

Bắp: 2.444 mẫu

Đậu xanh: 2.170 mẫu

Đậu nành: 100 mẫu

Mía: 900 mẫu

Dừa: 200 mẫu

Thuốc lá: 1.030 mẫu

Cây ăn trái: 1.200 mẫu

Bố: 600 mẫu

Tỉnh An Giang còn có hầm đá Núi Sập và Núi Sam.

An Giang cũng là tỉnh có rất nhiều bò: năm 1960, có đến 137.800 con bò.

(Tài liệu theo Địa phương Tạp chí An Giang, xuất bản đầu năm 1961, trang 26).

Kiên Giang (hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên):

Diện tích: 6.828 csv

Dân số (1960): 403.325

Việt Nam: 332.101

Việt-Miên: 67.068

Việt Hoa: 2.867

Hoa kiều: 1.281

Và một ít người ngoại quốc khác.

Kinh tế:

Lúa: 229.000 mẫu

Khoai lang: 1.500 mẫu

Thơm (dứa): 2.215 mẫu

Mía: 800 mẫu

Dừa: 2.500 mẫu

Tại Rạch Giá, có hầm đá vôi và tại Hà Tiên, có nhà máy xi măng đang được kiến thiết.

Ở tại Hà Tiên, còn có sản phẩm địa phương rất nổi tiếng là đồi mồi.

(Tài liệu một phần theo báo Tự Do 14-7-1962, một phần của toà tỉnh Kiên Giang).

Miền Hậu Giang nằm gọn trong một vùng lớn ăn từ hữu ngạn sông Hậu Giang (Sông Cái, sông Sau, sông Ba Thắc) đến duyên hải Nam Hải và vịnh Thái Lan, gồm cách riêng 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, An Xuyên và Ba Xuyên.

Địa phận Long Xuyên gồm 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang cùng với một số đảo, cách riêng Phú Quốc. Cả Địa phận rộng 10.158 cây số vuông (theo niên lịch Địa phận Long Xuyên 1962, trang 276. Theo nhật báo Tự Do, tháng 7-1972: 10.660 csv. Theo Phan Phát Huồn “Việt Nam Giáo sử II trang 37: 11.137 csv) Dân số là 1.214.756 kể cả 93.777 người Công giáo.

Tỉnh An Giang (Long Xuyên và Châu Đốc cũ) về phía đông bắc giáp Kiến Phong; đông giáp Vĩnh Long; đông nam giáp Ba Xuyên (Bạc Liêu); nam tây giáp Kiên Giang; tây bắc giáp Cao Miên. Diện tích 3.832 csv.

Tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá và Hà Tiên) về phía bắc và đông bắc giáp Cao Miên và An Giang; phía đông giáp An Giang và Phong Dinh; phía Nam giáp An Xuyên và Ba Xuyên; phía tây giáp vịnh Thái Lan.

Tỉnh gồm 2 miền riêng biệt: một miền lục địa rộng 6.237 csv và đảo Phú Quốc, rộng chừng 600 csv.

Dân cư trong hai tỉnh An Giang và Kiên Giang đa số sinh sống bằng nông nghiệp. Những đồng ruộng phì nhiêu nhất là ở vùng Rạch Giá đã là nơi tiếp đón từng vạn đồng bào Bắc Việt.

Cảnh đẹp Hậu Giang

Hai tỉnh An Giang và Kiên Giang là những nơi đã ghi lại nhiều trang sử Việt Nam và lúc này còn đóng một vai trọng yếu.

Viếng thăm An Giang, du khách có thể đi thăm đền thờ Thống Chế Thoại Ngọc Hầu ở chân núi Sập và mồ của ông tại Vĩnh Tế (núi Sam). Ông là người đã theo vua Gia Long, đánh đông dẹp bắc. Trước kia ông làm Khâm sai Thống binh Chưởng cơ ở Hà Nội, trấn thủ Lạng Sơn, trấn thủ Định Tường, Thống chế và sau cùng, năm 1819 được cử làm trấn thủ Vĩnh Thanh (Châu Đốc, Long Xuyên, Vĩnh Long). Ông đã đào kinh dài 72 cây số; rộng 20 thước nối Châu Đốc – Hà Tiên. Công việc vĩ đại này, qua những vùng chướng khí, đầy thú dữ như cọp và cá sấu đã làm cho dân phu bị ốm đau chết chóc. Có lần phải huy động đến 30 ngàn người làm việc.

Tại núi Sam (gọi là núi Sam vì giống hình con Sam nằm) có miếu Bà Chúa Xứ, xây cất từ năm 1825. Mỗi năm dân chúng tuôn đến đông đảo làm lễ vía Bà ngày 24, 25 và 26 tháng 4 ÂL.

Cũng tại núi Sam, còn có một ngôi chùa lộng lẫy gọi là Tây An Tự hay chùa Phật Thầy, do Đức Thầy Tây An sáng lập.

Tại quận núi Sập (Long Xuyên), ở gò Óc Eo, nhà khảo cổ Malieret năm 1944 đã tìm ra một thành phố chôn vùi dưới đất. Nơi đây, người ta đã đem ra ánh sáng nhiều bia khắc chữ Phạn, các tượng thần Bà La Môn, Phật, nhiều sọ người và dụng cụ. Người ta còn tìm thấy những đồng tiền vàng có chạm hình hoàng đế La-mã Antonin le Pieux có ghi niên triều thứ 5, tức là 152 sau Chúa Giáng Sinh. Các đồ cổ quý giá này hiện nay được trình bày tại bảo tàng viện Sàigòn.

Giữa đồng bằng mênh mông, du khách quen với chân trời bao la sẽ không khỏi ngạc nhiên nhìn thấy ở xa một cảnh đồi núi. Đó là dãy Thất Sơn với đỉnh núi Cấm cao 716 thước. Mùa nước lớn, vùng Thất Sơn (Bảy Núi) nổi lên giữa biển lúa sạ như những cù lao.

“Bảy núi mây liền chim nhíp cánh

Ba dòng nước chảy cá vênh râu”.

Qua tỉnh Kiên Giang

Du khách còn được sung sướng viếng những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hà Tiên với hang động, hòn Phụ Tử, hòn Chông, Phú Quốc, Châu Nham…

Ở vùng Hà Tiên, người Trung Hoa là những người đến lập nghiệp đầu tiên. Ông Mạc Cửu được Hiền Vương cho đến khai thác Hà Tiên và phong làm Khâm sai Tổng binh.

Lúc ông chết, con ông là Mạc Thiên Tích được Nguyễn Vương phong làm Tổng binh Đại Đô đốc giữ trấn Hà Tiên. Chính ông đã lập những huyện Long Xuyên, Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bắc Liêu – Bà Xàu). Ông đã làm 10 bài thơ ca tụng cảnh đẹp Hà Tiên mà đây là bài Tổng Vịnh:

Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,

Non non, nước nước, gẫm nên xinh.

Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy

Nam Phố, Lũ Khê một mạch xanh

Tiểu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi

Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh

Bình Sơn, Thạch Động là rường cột

Sừng sững muôn năm cũng để dành.

Đọc đến lịch sử Việt Nam, chúng ta cũng nhớ rằng trong thời loạn lạc, Nguyễn Ánh đã trốn ở các vùng hòn Tre, hòn Rái, hòn Chông, Phú Quốc. Năm Ất Tỵ (1785) Chúa kéo binh vào U Minh, xây thành đắp luỹ ở Cạnh Đền, Rọ Ghe, Cái Bát để chống Tây Sơn. Sau 24 năm trốn tránh và tranh đấu, Nguyễn Ánh mới thành công xưng Vương Gia Long, năm Nhâm Tuất (1802).

Ở vùng này cũng xảy ra những trận khốc liệt năm 1862-1867 khi anh hùng Nguyễn Trung Trực chiêu mộ quân sĩ ở hòn Chông để chống Pháp. Sau mấy năm cầm cự, vì thế yếu, ông phải nộp mình để khỏi luỵ đến dân. Ông bị xử tử tại chợ Rạch Giá ngày 27-10-1868.

Những nơi hiểm trở này không lạ gì đã là những nơi có những trang sử rùng rợn, tranh đấu và anh hùng, ngày xưa trong cuộc chinh chiến với Xiêm La và Cao Miên, mới đây với quân đội Pháp và cho cả đến ngày nay nữa.


[1] Trích báo “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” số tháng 9 năm 1962; đã được chỉnh sửa một vài chỗ cho thích hợp.

Nguồn: WGPLX

 

Bài viết liên quan