Giáo Phận Long Xuyên

Lịch sử giáo phận Long Xuyên (bài 2)

ĐỊA PHẬN LONG XUYÊN 1962 [1]

Phần II

ĐẠO GIÁO

Ngoài 93.777 người Công giáo, còn số nhiu tín đồ các tôn giáo khác như Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hồi Giáo và nhất là Phật Giáo Hoà Hảo.

Tại tỉnh Kiên Giang, những người Việt gốc Khmer đa số theo Phật giáo. Trong toàn tỉnh, có đến 44 chùa Phật giáo, cách riêng hai ngôi chùa lớn là Tam Bảo Tự và Thập Phương tự.

Đạo Tin Lành cũng có một số tín đồ lối 5.000 người thuộc 3 chi hội Rạch Giá, Kiến Tân và Kiến Bình.

Tín đồ Cao Đài thuộc nhiều phái, cách riêng phái Tây Ninh, Đạo truyền bá trong tỉnh từ Cù Lao Tây đã 25 năm nhưng không đáng kể là bao.

Ở tại Châu Phú, An Giang, 1.876 người thuộc dân Chăm và Mã Lai, mang tên là “Chăm Châu Giang” thờ Muhammad ông tổ Hồi Giáo. Họ có nhà giảng hình tròn và mỗi ngày lạy trời 5 buổi (5g30; 14g; 16g30; 19g30; 20g). Mỗi năm họ thường gởi phái đoàn hành hương Mecca. Họ theo những thói tục riêng, đọc sách tiếng Ả-rập. Tại Châu Giang, họ có 2 ngôi chùa lớn đẹp và kiến trúc tân kỳ.

Nhưng ở vùng này, Phật Giáo Hoà Hảo là tôn giáo hùng mạnh nhất, cách riêng ở tỉnh An Giang. Phật Giáo Hoà Hảo, tuy được Đức Huỳnh Phú Sổ sáng lập, nhưng cũng đã tách ra nhiều phái.

Đi qua các nơi, chúng ta có thể nhận xét được tinh thần của họ vẫn còn hùng mạnh. Những ngôi chùa, những lá cờ nâu duy nhất, cuộc kiệu trên sông đều nhắc cho chúng ta biết rằng, ở nơi đây, người Phật Giáo Hoà Hảo chiếm 80% dân số.

ĐOÀN CHIÊN NHỎ

Lịch sử ghi lại: Dưới đời Mạc Thiên Tích làm Tổng binh Đại Đô đốc (1735-1780) giữ trấn Hà Tiên, ông có xây đắp thành vuông đặt tên là Phương Thành ở Kiên Giang. Hà Tiên dưới sự cai trị của ông đã trở nên phồn thịnh và được gọi là Tiểu Quảng Châu. Tàu ngoại quốc vào được hải cảng và các “cố đạo” đã xuống bờ để khởi sự cuộc truyền bá Phúc Âm.

Dưới đời Minh Mạng, người Công giáo đã đến tị nạn ở Cái Đôi, Cù Lao Giêng (1778), Bò Ót (1779). Vùng Năng Gù cũng đã trở nên phồn thịnh nhờ sự khai thác của nhóm người Công giáo mới đến. Tại An Giang, Á Thánh Lê Văn Phụng đã hy sinh tính mạng để nêu gương trung kiên với đức tin.

Qua những năm chiến tranh 1945-1954, người Công giáo Địa phận Long Xuyên cũng phải can đảm lắm mới giữ vững được lòng trung thành với Giáo Hội, vì xung quanh họ bao nhiêu khó khăn bao bọc.

Tại An Giang, đạo Công giáo chỉ có 6% đang khi đạo Phật Giáo Hoà Hảo chiếm đến 80% dân số. Đạo Cao Đài có 3% và các đạo khác, kể cả Phật giáo chỉ có 11%.

Tại Kiên Giang, ngoài những số người Công giáo đã có tại chỗ, đồng bào Công giáo trong các khu dinh điền Cái Sắn, lên đến 47.000 người.

Trong toàn địa phận, có 67 nhà thờ

Phần nhiều là những ngôi thánh đường nhỏ, trừ ra một ít nhà thờ ở các họ lớn như Cù Lao Giêng, Bò Ót, Năng Gù. Ngôi nhà thờ Chánh Toà hiện nay là một nhà thờ nhỏ chỉ đủ chỗ cho chừng 300 người. Nhà thờ Chánh Toà tương lai với chiếc nền vừa nhô lên khỏi đất ở ngay ngã đường vào châu thành đã tốn 1.600.000đ mà hơn một năm nay vẫn còn là nơi cỏ mọc um tùm với những cọng sắt cong queo như đang đợi chờ những tấm lòng hảo tâm muốn giúp cho địa phận Long Xuyên mau có một nhà thờ Chánh Toà xứng đáng. Nhà thờ Cái Vòm, ở một nơi đông dân nhưng cũng vì nạn thiếu tiền mà phải bỏ dở để chờ đợi…

Số linh mục hiện nay là 102

Trong số ấy, có 22 linh mục người địa phương, còn lại là các linh mục di cư thuộc 11 địa phận khác như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hoá…

Hiện nay công cuộc lớn lao nhất mà Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ quan tâm đến là do cho địa phận có một Tiểu chủng viện để kịp thời dọn cho địa phận những linh mục tương lai. Tiểu chủng viện đã được thành lập ở Châu Đốc trong một ngôi nhà mua lại, có thể dung nạp 200 chủng sinh. Giáo quyền địa phận đang dự tính xây một chủng viện mới tại chính châu thành Long Xuyên.

Các Linh mục – ngoài các vị đã già yếu và một số khác hiện đang du học ngoại quốc, hay phụ trách Chủng viện, – không đủ để coi sóc các họ, như lời Đức cha đã nói trên kia. Nhìn lên bản đồ tình hình địa phận treo tại Toà Giám Mục, chúng tôi thấy rất nhiều quận không có nhà thờ như Kiên Lương, Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn hay có nhà thờ mà không có cha như ở quận Kiến An. Các linh mục phải coi những xứ lớn. Cha Sở Hoà Hưng một mình lo cho 2.812 bổn đạo, Cha Sở và cha phó Năng Gù phải coi đến 5.700 bổn đạo.

Một nỗi lo lắng không nhỏ của hàng giáo sĩ địa phận Long Xuyên là việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên nam nữ.

Về ngành trung học, tỉnh An Giang có hai trung học công lập với 3.942 học sinh; 5 trung học bán công lập với 2.723 học sinh, và 8 trường tư thục với 1.051 học sinh.

Về ngành tiểu học, số trường trong toàn tỉnh là 372 trường: 236 trường công lập, 3 trường bán công, 119 tư thục, 14 trường của Hoa kiều. Số học sinh là 85.848.

Nếu chúng ta không quên rằng việc di chuyển trong các vùng này rất khó khăn, thường bằng thuyền hay ca-nô, – nhất là trong các tháng mưa, chúng ta sẽ hiểu được tất cả những sự khó khăn, nhọc mệt của các linh mục phải di chuyển từ họ này sang họ khác để làm lễ các ngày Chúa nhật và ban các phép bí tích chứ chưa nói đến việc truyền giáo.

Các dòng tu trong địa phận cũng rất ít. Ngoài một tu viện của dòng Phanxicô vừa thành lập tại Cù Lao Giêng, Địa phận Long Xuyên từ năm 1876 đã được các chị em dòng Chúa Quan Phòng giúp đỡ trong rất nhiều công cuộc như giáo dục các trẻ em, thi hành bác ái trong các cô nhi viện, nhà dục anh, bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà dưỡng lão, phòng phát thuốc. Hiện nay dòng chị em Chúa Quan Phòng có thể gọi được là một trong những dòng tu thịnh vượng nhất trong nước, với hơn 400 nữ tu và 70 tập sinh.

Giáo dục

Trong tỉnh Kiên Giang, năm 1958 có 5 trường trung học với trên 1.000 học sinh và 90 trường tiểu học.

Sự hiện diện của Công giáo trong ngành giáo dục còn rất ít oi. Phần nhiều mỗi địa sở đều có trường sơ học, do các chị dòng Chúa Quan Phòng phụ trách, nhưng về ngành tiểu học và trung học, sự thiếu sót rất là rõ rệt. Trong cả địa phận chỉ có 2 trường trung học Công giáo. Cha Sở Long Xuyên đang dự định xây cất một trường trung học lớn tại Châu Thành Long Xuyên nhưng công cuộc còn chưa hoàn thành.

Đời sống Công giáo trong địa phận có thể nói được là hùng mạnh nhất ở các họ cũ như Bò Ót, Năng Gù, Cù Lao Giêng, Châu Đốc… và ở vùng dinh điền Cái Sắn.

Họ Cù Lao Giêng

Đã có từ năm 1778, khi người Công giáo trốn cơn bách hại dưới đời Minh Mạng di cư đến đây. Ngày trước chủng viện cũng ở nơi đây. Ngày nay chỉ còn nhà dòng các cha Phanxicô thành lập nơi chủng viện đã bị tàn phá năm 1954. Ở đây cũng có nhà dòng của các bà Chúa Quan Phòng, cô nhi viện và dưỡng lão.

Họ Bò Ót

Cũng được thành lập trong một trường hợp tương tự như ở Cù Lao Giêng, vào năm 1779. Trong nhà xứ Bò Ót, chúng ta thấy được bản danh sách của 19 cha bổn sở, kể từ cha Daumont (1883-1888). Họ Bò Ót vẫn có tiếng là một họ đạo đức và qua thời kỳ đen tối đã nêu cao gương trung thành trong đức tin.

Họ Năng Gù

Trên đường Long Xuyên-Châu Đốc, chúng ta còn gặp một họ lớn khác: Họ Năng Gù. Tiếng Năng Gù gốc ngữ Cao Miên là Neng-Cù có nghĩa là sừng bò. Hiện nay họ Năng Gù thuộc xã Bình Thuỷ, dân số là 14.500 người. Trong 4 ấp của xã Bình Thuỷ, hai ấp Bình Hoà và Bình Phú toàn lương, ấp Bình Quới có vài chục gia đình Công giáo, và ấp Bình An hoàn toàn Công giáo.

Các bổn đạo đầu tiên của Năng Gù gốc ở Cái Mơn và Cao Lãnh. Năm bảy gia đình trốn bách hại đến đây sống bằng nghề chài lưới. Buổi đầu họ năng được cha Giacôbê đến thăm. Chỉ đến năm 1.870, cha Joseph Valour (cha Cửu) và cha Joli (cha Lý) mới đến lập họ và xây nhà thờ. Ngôi nhà thờ hiện nay là thánh đường lớn nhất trong địa phận Long Xuyên, kiến trúc Gôtíc do cha Adolf Unterleidner và Louis Collot xây và được Đức cha Jean Claude Boucher, Giám mục địa phận Nam Vang khánh thành ngày 18-2-1920[2], dâng kính thánh Giuse. Cha Collot đã làm Cha Sở ở đây trong 40 năm. Chính Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện cũng làm Cha Sở ở đây.

Tại chính Long Xuyên, số bổn đạo cũng chỉ trên dưới 3.000 người. Nhưng thành phố nhộn nhịp đầy nhựa sống này lúc này và nhất là trong tương lai sẽ là trung tâm của địa phận.

Cái Sắn

Nói đến những trung tâm đời sống công giáo của địa phận Long Xuyên mà không nói đến các khu dinh điền thì thật là thiếu sót.

Tên các địa điểm dinh điền không còn lạ đối với chúng ta nữa: Cái Sắn I, Cái Sắn II, U Minh, Cây Dừa, Đất Đỏ.

Dinh điền Cái Sắn I được chính thức thành lập ngày 21-1-1956, rộng 26.000 mẫu tây và là nơi định cư cho 9.800 gia đình gồm 45.302 người Bắc, đa số là Công giáo (kể tháng 7-1956).

Dinh điền Cái Sắn II chính thức thành lập ngày 1-6-1957, rộng 4.000 mẫu tây, có 2.500 gia đình, đa số là người Công giáo Bùi Chu và Nam Định.

Tại U Minh Thượng, khu khai khẩn rộng 1.300 mẫu tây gồm 2 khu: Khu A được 194 gia đình Công giáo gốc Trà Vinh và Vĩnh Long; khu B được 294 gia đình đa số là kiều bào từ Cao Miên về nước.

Tại Phú Quốc, dinh điền Cây Dừa được 900 mẫu tây. 92% số người định cư là Công giáo. Vùng Đất Đỏ, 2.500 mẫu tây, có 258 người, đa số Công giáo quê quán ở Nghệ An.

Thấy những con số ấy, chúng ta nhận xét ngay được rằng người Công giáo di cư đã chiếm gần 2/3 tổng số giáo dân địa phận Long Xuyên. Công việc lập nghiệp ở một vùng bùn lầy không có phương tiện giao thông gì khác ngoài ra thuyền và ca-nô cũng đủ cho chúng ta thấy rằng việc mở mang đang còn đòi hỏi nhiều công, nhiều thì giờ, nhiều của, và rất nhiều hy sinh lao nhọc.

NIỀM TIN Ở NGÀY MAI

Ở một nơi xa xôi, thiếu phương tiện, giữa một dân chúng với cố tục cách biệt như Khmer, Chăm Châu Giang, hay với niềm tin khác biệt như Phật giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài, Hồi giáo, Tin Lành, địa phận Long Xuyên phải xây dựng kiến thiết từ vật chất đến tinh thần.

Nhưng, với số giáo dân đông đảo; 93.777, với 102 linh mục tận tuỵ với công việc tông đồ đòi hỏi nhiều hy sinh anh hùng, với 61 đại chủng sinh và 198 tiểu chủng sinh, với một dòng nữ các bà Chúa Quan Phòng đã có công lớn với địa phận từ lâu năm và vẫn tiếp tục thâu lượm nhiều kết quả mỹ quan trong việc giáo dục trẻ con và từ thiện, địa phận Long Xuyên, như cánh đồng phù sa miền Hậu Giang, đang chờ đón mùa gặt tương lai phong phú để “Chúa Kitô ở trong anh em – Christus in Vobis” như khẩu hiệu của Vị Chủ Chăn tiên khởi.

Nguồn: WGPLX.

 


[1] Trích báo “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” số tháng 9 năm 1962; đã được chỉnh sửa một vài chỗ cho thích hợp.

[2] Theo dòng chữ ghi trên mặt tiền nhà thờ Năng Gù thì ngày khánh thành là 08 tháng 02 năm 1920.

 

Bài viết liên quan