Hội Dòng

LỜI CHÂN TÌNH

Thấm thoát một năm đã trôi qua, nhìn lại, tôi có vài những suy nghĩ để cùng tiếp bước cuộc hành trình còn lại của 4 năm trách vụ.

Khởi đầu là lời thề hứa trên sách Thánh: không đi ngược với đức tin, với Giáo Hội và chu toàn bổn phận trong trách vụ được trao ban. Vâng đúng như thế, người lãnh đạo phải có sự tiên quyết theo đường lối của Thiên Chúa, của Giáo Hội và của Hội Dòng mình đang lãnh trách vụ.

 Một năm đã qua với những thành công và thử thách:

 Thành công

 Nói về thành công thì chẳng có gì đáng phải nói, bởi tất cả là sự đóng góp của nhiều con người, nhất là những anh em cùng sống trong một chí hướng, cùng nhau xây dựng đạo đức, con người và nơi chốn. Những lời kinh nguyện hàng ngày của từng trái tim đều ước muốn như thế, trong sâu thẳm tâm hồn của từng thành viên biết được điều mình đang mong muốn gì và phải làm gì; ngoài ra còn có những thành phần ngoại biên họ vẫn âm thầm cầu nguyện và mong cho hội Dòng này được phát triển trên toàn phương diện, họ đã hy sinh tiêu xài để góp nhặt tạo nên những viên đá, viên gạch xây nên một tòa nhà sao cho nhà Dòng khang trang và đủ tiên nghi cho việc phụng tự và giáo dục. Họ cầu nguyện hàng ngày để nhà Dòng có nhiều những chiến sĩ của Chúa Kitô sẵn sàng bước ra mặt trận là người loan báo Tin Mừng thực sự, bởi nhiều những cạm bẫy “thế gian” đang sẵn sàng rình, chờ và nuốt chửng nếu như người loan báo không vững chải trong sứ mệnh của mình, vâng họ cầu nguyện nhiều lắm cho chúng ta.

Như vậy, nhìn qua một năm bản thân tôi chẳng là gì mà kể công !.

 Thử thách

 Thử thách không phải là một đề tài, mà là một thực tại trong cuộc sống, ông bà thường nói : “lớn thử thách lớn, nhỏ thử thách nhỏ”. Ngẫm thì rất đúng, vì trước đây khi tôi chưa là gì cả, thì cuộc sống thật vô lo “ai sao tôi vậy”, từ từ khi có trí khôn một chút, bắt đầu cũng nhom nhem có những nỗi lo cho cuộc đời, và khi tôi thật sự khôn lớn, những nỗi lo lại càng nhiều hơn, đôi lúc phải run sợ, nhất là khi được giao một trách nhiệm nào đó, tôi lo không biết tôi có làm được không, lo vì khả năng còn quá non trẻ, học vấn còn thua nhiều người … nhiều lắm, đó cũng là những thử thách nỗi lo của cuộc đời, chắc ai cũng phải trải nghiệm.

Bây giờ, sau một năm lãng trách nhiệm cao cả, có nhiều người điện thoại chúc mừng, có nhiều người đòi “khao”, cũng có người cho rằng đó là một vinh quang …Đối với bản thân tôi, cho đến bây giờ, tôi không nghĩ như vậy, và nhiều khi còn phải lo gấp bội phần!.

Cái lo thứ nhất tôi có thực sự xứng đáng hay không, bởi Thầy chí Thánh có nói : “Ai làm lớn phải là người phục vụ trước đã” chính Thầy đã rửa chân cho các đệ tử của Thầy, (hành vi rửa chân cho người khác là hành vi của người đầy tớ rửa chân cho ông chủ), nằm vắt tay lên trán, nhiều lúc cũng muốn thoái lui, bởi mình không thể làm như Thầy Giêsu. Đây cũng là một thử thách lớn phải vượt lên chính mình để trở thành đầy tớ cho anh em.

Thử thách lớn hơn nữa chính là “quyền”. Thời đại hôm nay, nếu dùng quyền để cai trị ắt sẽ hỏng việc, nhưng nếu không có quyền thì làm sao thi hành sứ vụ!? Có một tu sĩ kia tâm sự rằng: “muốn thành công thì phải có độc tài, muốn là người tài thì phải có quyết đoán”.

 Đức Giáo Hoàng Phanxicô có đường hướng phục vụ hoàn toàn khác với những Giáo Hoàng trước cả về tư tưởng, cách sống và hoạt động. Theo tờ báo Le Figaro gọi  là “ fenomena”(hiện tượng phi thường) đó là phong cách gần gũi giản dị, dễ gần dân chúng của vị tân Giáo hoàng. Báo chí đã dành nhiều bài để nói về Giáo hoàng Phanxicô không đi xe Limousine mới, biển số ưu tiên của Vatican mà vẫn đi chiếc xe cũ, vẫn ở căn nhà trọ Santa Matta và trực tiếp trả tiền trọ chứ không phải ở biệt thự cao cấp dành cho Giáo hoàng trong Tòa thánh Vatican. Như vậy Giáo hoàng Phanxicô vẫn giữ phong cách sống đạm bạc như hồi còn làm Tổng Giám mục Buenos Aires ở Argentina, ngài vẫn ở trong khu nhà chung cư 2 phòng, tự đốt lò sưởi trong mùa đông chứ không dùng điều hòa, không ở biệt thự của Tổng Giám mục, vẫn đi xe bus hàng ngày và tự nấu ăn lấy. Tại Buenos Aires có khu ổ chuột, ngài vẫn đến đây với họ nên khi ngài lên ngôi Giáo hoàng, họ gọi ngài là “Papa Villero” (Giáo hoàng ổ chuột). Ngài trực tiếp gọi điện thoại cho người đặt báo ở quê xin cắt báo hàng ngày hay gọi điện cho Trung tâm trẻ mồ côi ở Argentina rằng lễ Noel năm nay vì không thể về vui chung với các trẻ em như thường lệ vì bận việc ở Vatican. Ngài cũng gọi điện báo cho bạn bè và gia đình ở Argentian là không nên đi Italia để dự lễ tấn phong của mình, để tiền đó mà ủng hộ các trẻ em khuyết tật…Ngày lễ tấn phong Giáo hoàng, ngài từ chối đội vương miện, đeo nhẫn vàng, đi giày đỏ như các vị tiền nhiệm mà vẫn dùng trang phục cũ, chỉ khác chiếc khăn choàng trắng trên vai. Lễ Rửa chân năm 2013, ngài quỳ gối hôn chân cho 12 thanh thiếu niên ở nhà tù Casal del Marmo, Italia hay ôm hôn người bị u bướu gây xúc động cho báo giới.

                220 Papal audience, St. Peter's Square, Vatican City, Rome, Italy - 06 Nov 2013

Khi dự Ngày giới trẻ ở Rio Janeiro, Brazil, ngài cũng không ngồi xe chống đạn làm an ninh lo lắng, để có cơ hội được bắt tay với nhiều người. Ngài ủng hộ 3,6 triệu euro tiền thiếu hụt khi Ban tổ chức Ngày giới trẻ ở Brazil báo lại. Dư luận cũng lo lắng, sẽ có khó xử giữa Giáo hoàng đương nhiệm và vị đã nghỉ hưu, nhưng xem chừng điều đó đã không xảy ra. Hai vị vẫn tôn trọng và yêu quý lẫn nhau. Khi chưa đăng quang, Hồng y Brazil, Clausisco Hummes, bạn ngài đã nói: “Đừng quên người nghèo nhé” và ngài đã nhớ ngay vị thánh nghèo khó nên nhận danh hiệu Giáo hoàng là Phanxicô.  Ngày sinh nhật lần thứ 77 của ngài, ngài chọn cách dùng bữa tối với một số người vô gia cư ở Rôma. Nhưng chính sự gần gũi, giản đơn của ngài đã ghi điểm trong dân chúng. Tạp chí Esquire, chuyên về thời trang đã chọn ngài làm nhân vật thời trang nhất trong năm 2013. Ngài đã vượt lên trên cả các nghệ sĩ điện ảnh Holywood lấp lánh thời trang hàng hiệu.

Chắc chắn giáo hoàng Phanxicô phải vượt rào của nhiều chống đối để thể hiện sự quyết đoán hành động như thế, một việc khó chứ không phải dễ.  Chính vì vậy, Ngài cũng bị soi mói, chỉ trích. Ông Ruch Limbaugh- một nhà bình luận chính trị Italia viết: “Thật đáng buồn về vị Giáo hoàng này làm cho chúng ta thấy rõ ràng rằng, ông ta không biết gì về những điều khi ông ta nói đến chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Đây là chủ nghĩa Macxít tinh ròng thoát ra từ miệng Giáo hoàng”.

Đối với tôi chỉ 4 năm, việc thực hiện được hay không được tất cả là sự phó thác, và hy vọng những bất hòa, chống  đối ganh tỵ … là những thử thách và chông gai tôi phải vượt qua để cho “nước Cha trị đến”.

Louis G  Nhung fsf.

Bài viết liên quan