Phụng Vụ Chư Thánh

Ngày 18/10: Thánh Luca – Tác giả sách Tin Mừng

Lễ kính

12700 St. Luca

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Luca tác giả sách Tin Mừng được mừng kính ngày 18 tháng 10 hợp với các niên lịch Byzantin, Syria và Hiêrônimô. Ngày lễ này ở phương Đông gọi là Sinh nhật thánh Luca Tác giả sách Tin Mừng, đã được đưa vào phương Tây ở thế kỷ IX và vào Rôma năm 866.

Theo truyền thống, thánh Luca người gốc Syria, có thể là Antiochia, nơi đây ngài làm nghề thầy thuốc (xem Cl 4, 14: Người anh em chúng tôi là Lu-ca, thầy thuốc). Ngài là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, khoảng năm 49, khi thánh tông đồ đem ngài theo từ Troas đến Philíp, và từ Philíp đến Giêrusalem. Ngài còn ở lại với thánh Phaolô ở Rôma, trong những ngày cuối đời của thánh tông đồ (xem 2 Tm 4, 11). Sau khi thánh Phaolô tử đạo, ngài bỏ Rôma và người ta mất dấu vết của ngài. Theo Gaudence de Brescia thì ngài đi truyền giáo ở Achia, Patras với thánh André; còn theo thánh Hiêrônimô thì ngài đến Béotia, và trở thành giám mục thành Thèbes. Người ta không biết gì chắc chắn về cái chết của ngài. Theo một truyền thống xưa (Gaudence), có thể ngài đã chịu tử đạo với thánh André ở Patras (Hi Lạp), hưởng thọ 84 tuổi.

Thánh Luca được tôn kính như bổn mạng của các thầy thuốc và họa sĩ, vì người ta cho rằng ngài là tác giả một bức chân dung Đức Mẹ, được kính ở nhà thờ Đức Bà Cả, Rôma. Chắc hẳn đây chỉ là một truyền thuyết. Thực ra, những bức tranh đẹp nhất của ngài là ở trong những trang sách Tin Mừng của ngài.

Khoa vẽ hình thánh thường trình bày ngài khi thì đứng chung với ba tác giả Tin Mừng khác, bên cạnh là một con bò mộng có cánh, biểu tượng của ngài; khi thì vẽ ngài đang viết sách Tin Mừng (tiểu ảnh trong sách Phúc Âm của Egbert, Trève), hay ngài đang vẽ Chúa Kitô trên thập giá (Zurbarán, Madrid). Nguời ta cũng vẽ ngài đang hoạ bức chân dung Đức Mẹ (Van den Weyden, Boston), hay đang chỉ về Đức Mẹ (El Greco, Tolède).

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày nhắc lại rằng Thiên Chúa đã chọn thánh Luca “để mạc khải cho những người nghèo khó mầu nhiệm tình yêu của Người, qua việc rao giảng và viết sách Tin Mừng của thánh Luca.” Thực vậy, qua những dụ ngôn và tường thuật, Tin Mừng của ngài mạc khải dung mạo nhân từ của Thiên Chúa và tỏ lộ Chúa Giêsu như bạn của các người thu thuế và tội lỗi (15,2). Vì thế thi hào Đantê diễn tả thánh Lu-ca như “Scriba mansuetudinis Christi,” (Văn sĩ của của Chúa Kitô nhân từ). Đức Kitô đến trước tiên là vì những người nghèo mà Người tuyên bố là có phúc (6, 20): Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó . . . Và Người công bố trong hội đường ở Nazareth “Thần Khí Chúa ngự trên tôi . . . Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (4, 18). Cũng như Đức Maria hát trong bài Magnificat: “Đấng Toàn Năng nâng cao những người khiêm nhường, và ban của đầy dư cho người đói khát” (1, 49.52-53).

Cũng trong lời nguyện này, chúng ta xin Chúa ban cho các tín hữu được “tâm đầu ý hợp.” Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca thích mô tả cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem như chỉ có một lòng một trí (1, 14). Các tín hữu đầu tiên tập hợp chung tại một nơi (2,1), chuyên cần trong tình hiệp thông huynh đệ (2,42), họ sống hiệp nhất với nhau và chia sẻ cho nhau tất cả những gì họ có (2,44). Sau cùng, lời nguyện kết thúc bằng việc nài xin ơn cứu độ cho “mọi dân tộc trên thế giới.” Thực vậy, thánh Luca chứng minh rõ ràng tính phổ quát của Tin Mừng, trong sách Công vụ, nhất là qua lời rao giảng và sứ mạng của thánh Phaolô, vị tông đồ đã đem Tin Mừng tới tận Rôma, giữa lòng Đế Quốc Rôma.

Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta xin sự “chữa lành và vinh quang”. Cũng thế, bài đọc Tin Mừng của ngày lễ vẽ lại cho chúng ta cảnh Chúa Giêsu sai nhiều môn đệ đi truyền giáo, đặc biệt Người nói: “Các con vào thành nào . . . hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng: Triều đại Thiên Chúa đã rất gần anh em” (Lc 10, 9). Về “vinh quang”, phụng vụ rõ ràng lấy ý tưởng của thánh Phaolô: “Chính vì thế mà Thiên Chúa đã kêu gọi anh em nhờ Tin Mừng, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (2 Tx 2, 14; xem Điệp ca 2 giờ Kinh Sáng). Chúa Giêsu kêu gọi các tín hữu chia sẻ vinh quang với Người, trong cùng một sự sống thần linh, được Chúa Thánh Thần là nguồn hoan lạc làm cho sinh động: “Còn các môn đệ mới gia nhập thì được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13, 52).

Lời Nguyện sau hiệp lễ khích lệ chúng ta “tin vững vàng hơn vào Tin Mừng mà thánh Luca đã truyền lại cho chúng ta”. Tâm điểm của Tin Mừng –quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin (Rm 1,16)–, có Chúa Giêsu, Lời cuối cùng và hoàn hảo của Thiên Chúa, nơi cư ngụ của Thánh Thần mà Người đổ xuống trên các tông đồ. Thánh Luca muốn chứng tỏ rằng Tin Mừng được nhắm tới và loan báo cho toàn thế giới. Là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong một phần của các hành trình truyền giáo và trong những giờ phút cuối cuộc đời của thánh Tông đồ (xem 2 Tm 4, 9), bản thân ngài đã rao giảng trước khi viết thành sách. Và ngài cho thấy Chúa Giêsu, sau khi sai mười hai môn đệ, còn sai nhiều môn đệ khác đi truyền giáo (Lc 10). Các bản văn thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ mừng việc loan báo Lời này: Đẹp thay bước chân người sứ giả trên những ngọn đồi loan tin hòa bình, người sứ giả loan Tin Mừng cứu độ (Ca Nhập lễ). Con cái ngươi sẽ rao truyền vinh quang của triều đại ngươi, loan báo cho mọi người những chiến công của ngươi, vinh quang và vẻ huy hoàng của triều đại ngươi . . . (Tv 144). “Hãy tường thuật cho muôn dân vinh quang của Chúa, cho muôn nước những kỳ công của Người.” (Xướng đáp bài đọc Kinh Chiều).

Bài giảng của thánh Gregoire Cả được đề nghị trong Phụng vụ giờ Kinh Sách kể lại một đoạn rất hợp thời hôm nay: “Bây giờ chúng ta hãy nghe Người (Chúa Giêsu) nói với các môn đệ mà Người sai đi rao giảng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ sai thợ gặt tới đồng lúa Người.” Thợ gặt thì ít đang khi lúa chín đầy đồng. Chúng ta không thể không lặp lại lời này mà không cảm thấy chua xót.

Kinh nguyện là một trong những chủ đề ưa thích của thánh Luca. Tin Mừng ngài trình bày Chúa Giêsu như người thờ phượng tuyệt hảo, luôn luôn cầu nguyện và trò chuyện với Cha (3, 21; 5, 16; 6, 12; 9, 28-29; 11, 1; 22, 40-46; 23, 46). Cũng vậy, sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ ở Giêrusalem, “tất cả đều một lòng một trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy phụ nữ, trong số đó có Đức Ma-ri-a, mẹ Chúa Giê-su” (Cv 1, 14). Thánh Luca dành cho Đức Mẹ một chỗ đứng quan trọng.

Các chủ đề ưa thích khác của thánh Luca là lòng thương xót, Thập giá và sự từ bỏ, nhưng nhất là niềm vui. Hồng Y Martini viết: “Thánh Luca sử dụng 5 động từ khác nhau để diễn tả niềm vui trong 27 đoạn khác nhau của Tin Mừng ngài. Chúng ta có một ví dụ cảm động về đề tài này ở chương 15” gồm các dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền tìm lại được và đứa con hoang đàng.

Enzo Lodi

Bài viết liên quan