Suy Niệm Hằng Ngày

Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ

BÀI ĐỌC I: Cv 12, 1-11

“Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ

Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Đến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: “Hãy chỗi dậy mau”. Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: “Hãy thắt lưng và mang giày vào”. Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: “Hãy khoác áo vào mà theo ta”. Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: “Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 4, 6-8. 17-18

“Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 16,13-19

13 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. 15 Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?” 16 Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

17 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. 19 Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội trên nền tảng là thánh Phêrô. Chúa cũng trao cho từng người Kitô hữu sứ mạng trở thành viên đá sống động xây nên tòa nhà Giáo Hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước khi trao trách nhiệm cho thánh Phêrô, Chúa đã muốn ngài khám phá ra Chúa là ai. Và Chúa rất hài lòng khi chính miệng ngài nói lên điều chất chứa trong tim: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Và Chúa đã tin tưởng giao trách nhiệm cho ngài.

Chúa đã đặt nền móng Giáo Hội trên nền tảng thánh Phêrô. Con cũng được Chúa tin tưởng và giao cho sứ mạng xây dựng Giáo Hội. Chúa muốn con trở thành một viên đá sống động và kiên vững. Xin Chúa cho con lòng tin vững mạnh như đá.

Nhưng Chúa ơi, viên đá tâm hồn cũng đang cần được trau chuốt mài dũa các góc cạnh sắc bén để có thể ăn khớp với những viên đá khác nằm cạnh. Tâm hồn con cần loại bỏ đi những phần thừa của tội lỗi và tật xấu. Tâm hồn con cần đục bỏ đi tính ích kỷ, khi chỉ nghĩ đến mình, để sẵn sàng hòa hợp với các tâm hồn khác. Khi đẽo gọt như thế chắc chắn sẽ đau đớn. Nhưng con sẵn sàng hy sinh chính mình để góp phần nhỏ bé trong việc xây dựng Giáo Hội. Tòa nhà Giáo Hội vẫn còn dang dở. Con có nhiệm vụ hoàn thành bằng đời sống đức tin, trang bị bằng ơn thánh Chúa và cần tô điểm thêm đẹp bằng đời sống bác ái yêu thương.

Xin giúp con biết bắt chước thánh Phêrô luôn nhiệt tâm trong công trình xây dựng Giáo Hội, và luôn luôn biết liên kết với anh em con, để tất cả chúng con trở thành một tòa nhà kiên cố không gì phá đổ được. Amen.

Ghi nhớ : “Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Đoạn này cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu:

1. Mức độ của dân chúng: nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một tiên tri thôi.

2. Mức độ của Phêrô: được ơn Chúa soi sáng, Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa (cc. 21-23)

3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ: hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào:

– Coi Ngài là một tiên tri. Do đó tôi chỉ liên hệ với Ngài để xin ơn ?

– Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ ?

– Sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài ?

2. Chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá: khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ bị quay nhìn về các biến cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin kitô trong từng phút giây cuộc sống. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

3. Ngày kia, hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quí nhất. Các nghệ sĩ Ai cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.

Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, hoàng đế cho trưng bày các tác phẩm tranh giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và Ai cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi hoàng đế nhìn vào ông thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đoạt giải nhất trong cuộc thi đó.

Sứ mệnh căn bản của mỗi Kitô hữu là hoạ lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.

Lạy Chúa, xin cho con biết kiên nhẫn đục đẽo tâm hồn và cuộc sống con để dung nhan Ngài giãi sáng qua mọi hành vi của đời sống con. (Hosanna)

4. Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16)

Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao vấn đề, biết bao chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề cần sự can thiệp của tôi: kỷ luật trong lớp học, dàn hoà một cuộc cãi nhau hay một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo… Tôi chỉ biết suy nghĩ cách giải quyết này đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng. Vì chúng chỉ lẩn quẩn trong đầu tôi mà không thể đi tới hành động.

Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng khi chối Chúa 3 lần, ông đã không dám dấn thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết!

Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Người, để con mạnh dạn tuyên xưng Chúa bằng chính hành động của con. (Hosanna)

5. “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cho Giáo Hội.

Khi xưa Chúa nói với Phêrô “Anh là Tảng Đá”. Hôm nay nghe lại đoạn Phúc Âm này tôi cảm thấy như Chúa nói với tôi.

Mỗi viên đá đều góp phần tạo nên nền móng cho ngôi nhà. Bé nhỏ, yếu hèn và bất lực, tôi lo sợ viên đá của mình có lúc sẽ vỡ tan. Đó là lúc tôi đánh mất chính mình trong bổn phận hằng ngày.

Lạy Chúa, xin cho con được vững vàng và can đảm hơn, để con thực sự là viên đá hữu dụng trong tay Chúa (Hosanna)

Suy niệm 2: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Thánh Phêrô lúc đầu có tên là Simon, làm nghề đánh cá và đã có gia đình. Ngài được Chúa Giêsu gọi đi theo Người trong một lần đánh cá ở trên biển. Ngài đã đại diện các môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Mt 16,16) được Chúa đặt đứng đầu nhóm Mười Hai. Ngài là một trong bốn môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu (x. Mt 4,18-22) được tham dự hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa… Trong những lúc khó khăn nguy khốn, vì yếu lòng tin ngài đã chối Chúa ba lần nhưng đã quay trở lại và làm cho đức tin của Giáo hội phát triển mạnh tại Giêrusalem, sau khi Chúa về trời. Ngài tử đạo khoảng năm 64-67.

Thánh Phaolô, trước đây là một biệt phái, sau khi bị Chúa làm cho ngã ngựa và làm mù lòa trên đường Đamas khi đang bách hại đạo Chúa. Ngài đã được Chúa chọn làm tông đồ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Ngài thành lập nhiều cộng đoàn cũng như viết thư thăm hỏi, giải quyết những vấn đề của cộng đoàn mà ngài không thể tới được. Ngài tử đạo năm 67 tại Rôma.

Noi gương hai thánh tông đồ, chúng ta gắn kết cuộc đời mình với Đức Kitô để kín múc nơi Người nguồn sức mạnh tình yêu, hầu chia sẻ cho mọi người và sống chứng nhân Tin Mừng.

Câu chuyện

Trong mọi công trình xây dựng, các chuyên gia đều chú trọng đến nền móng và trụ cột nâng đỡ toàn bộ kiến trúc của công trình.

Trong ngôi nhà Giáo hội cũng vậy, chúng ta là những viên gạch để xây dựng lên và đã được Thiên Chúa kiến thiết với nền móng vững chắc từ “đá tảng niềm tin Phêrô và cột trụ bền vững nhiệt thành Phaolô”. Hai vị được nhìn nhận như là nền móng và trụ cột của công trình Giáo hội Chúa giữa trần gian. Trong kinh tiền tụng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, Giáo hội đã long trọng tuyên bố: ”Thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Israel, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân”.

Suy niệm

Phêrô và Phaolô hai tính khí, hai nhân cách khác nhau: Một người xuất thân từ dân chài, thật thà chất phác nhưng đôi phần nóng nảy. Một người xuất thân là một trí thức trẻ học rộng tài cao thuộc đẳng cấp biệt phái và là công dân của Rôma. Cả hai có kinh nghiệm sống và gặp gỡ Thiên Chúa theo lịch sử riêng của mỗi người và được Thiên Chúa chiếm hữu biến đổi để trở nên đá tảng và trụ cột của Giáo hội.

Phêrô: Quá khứ là dân chài lưới với chiếc thuyền nhỏ rong ruổi khắp hồ Tibériat đã trở nên kẻ chài lưới người theo ý muốn của Thiên Chúa, hôm nay là hoa tiêu trên chiếc tàu Giáo hội xuôi ngược đại dương trần gian. Phêrô đã được Chúa Giêsu biến đổi từ một con người tầm thường có lịch sử với những đặc điểm bình thường như bao người khác. Đó là Phêrô của sự tính toán: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì ?” (Mt 19,27). Sự tính toán của con người ấy đã khiến ông ngăn cản bước đi cứu chuộc nhân loại của Đức Kitô và bị Ngài quở mắng: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23b); Phêrô của nóng nảy, của yếu đuối, của phản bội: Chối Thầy ba lần (x. Lc 22,54-62). Kinh nghiệm được tha thứ khiến ông trở nên biết chia sẻ lòng thương xót của Chúa với anh em như Chúa Giêsu đã nói: “Phần con, hỡi Phêrô, sau khi đã trở lại, con hãy củng cố các anh em của con” (Lc 22,32). Nhưng cũng Phêrô đầy ơn Chúa xác tín tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Trước niềm tin sắt son này, Phêrô được Chúa đặt làm nền tảng Giáo hội: “Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy, và cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18); Phêrô tín thác hoàn toàn vào Đức Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Phêrô gắn bó với tình yêu của Thầy trên hết: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15.16.17); Phêrô của sự cương quyết thuộc về Thiên Chúa và chỉ vâng lời và làm chứng về Ngài: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta… về những sự kiện đó (Đức Kitô đã sống lại), chúng tôi xin làm chứng…”. (Cv 5,29.32). Ngài đã làm chứng cho đến chết bằng cái chết bị đóng đinh ngược trên đồi Vaticăn.

Phaolô hôm qua còn ghét và truy bắt “tà đạo Kitô”, Phaolô, một tay bách hại đạo khét tiếng như chính ông đã nhìn nhận (Gl 1,13), và là người tuân giữ nghiêm ngặt luật Do Thái (Gl 1,14). Phaolô còn liên quan trực tiếp đến vụ án ném đá đến chết của Stêphanô, phó tế tử đạo tiên khởi (Cv 7,59). Phaolô của ngày hôm nay lại càng nổi tiếng hơn bao giờ hết vì là người nhiệt thành yêu mến và truyền bá Đức Kitô và sẵn sàng chết cho niềm tin đó. Thánh Phaolô xác tín niềm tin của mình vào Đức Kitô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm 1,12), tin và loan báo Đức Kitô là lẽ sống của Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng” (1Cr 9,16) và chính ông để tình yêu Đức Kitô chiếm hữu “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14), Phaolô chỉ sống vì Đức Kitô và trở nên một với Đức Kitô: “Không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Trong Ngài, Phaolô gắn bó với tình yêu Thiên Chúa không gì có thể chia ly: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39). Những bước chân của Phaolô là bước chân gieo hạt giống Tin Mừng cho anh em dân ngoại như là ơn gọi đặc biệt của ông (Gl 1,16). Phaolô chứng nhân Tin Mừng Chúa Kitô cho đến khi đầu ông rơi, máu ông đổ vì Tin Mừng ở ngoài thành Rôma.

Phêrô và Phaolô, hai người hai tính khí, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội theo thánh ‎ý quan phòng của Thiên Chúa. Thanh gươm ngày nào của Phaolô giơ cao bách hại đạo Chúa nay thế bằng Tin Mừng cứu độ giương cao để không ngừng khai quang truyền giáo cho Đức Kitô. Giọt nước mắt thống hối chân thành vì đã phản bội Thầy của Phêrô xưa và chìa khóa nước Trời được Chúa trao cho ông luôn hiện diện và mở toang nước Trời cho những ai chân thành sám hối.

Noi gương như Phêrô, người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sự sám hối sau khi phản bội Thầy; như Phaolô nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài…, và chỉ một lần ngã ngựa đớn đau, ông đã gặp gỡ Ngài và đời ông biến đổi theo thánh ý Thiên Chúa và trở nên mạnh mẽ trong đức tin.

Ý lực sống

“… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan