Thông Tin

Nhật Bản: Ngày kính trọng người cao niên

Image copyrightAFP
Image captionTừ năm 2003 trở về trước (1966), Ngày Kính trọng Người cao niên được chọn là 15/09 hàng năm.

Tại Nhật Bản ngày thứ Hai trong tuần thứ ba của tháng Chín được chọn là Ngày Kính trọng Người cao niên, hay Keiro no Hi (敬老の日). Năm nay ngày này rơi vào 21/09.

Đây là ngày để tạ ơn vì những đóng góp của người cao tuổi cho xã hội và cũng là để mừng họ sống lâu.

Vào ngày này, tại nhiều nơi người ta tổ chức các buổi tụ tập ca múa hát để vui cùng người có tuổi và trẻ em được dạy làm các quà lưu niệm thủ công cho ông bà và các cụ trong gia đình.

Nhật là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới với đàn ông là 80 và đàn bà là 87 tuổi.

Vào năm ngoái thống kê cho thấy Nhật có khoảng 33 triệu người từ 65 tuổi trở lên.

Nhật là một trong những nước đầu tiên trên hành tinh này trải nghiệm cả việc dân số bị giảm và dân số bị lão hóa. Và thực trạng này có tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của xã hội.

Image copyrightGETTY IMAGES
Image captionDân số Nhật bị giảm và bị lão hóa cùng lúc.

Về kinh tế người già có thu nhập cố định, khiến món nợ quốc gia ở mức kỷ lục vì chi phí an sinh xã hội tăng.

Dân số lão hóa nhanh cũng làm thay đổi tới GDP của Nhật. Xét về chính trị thì dân số đóng vai trò lớn cho nền dân chủ bởi giới trẻ sẽ hỏi vì sao phải bỏ phiếu khi số phiếu của người có tuổi áp đảo lá phiếu của họ.

Do đó việc dân số giảm và lão hóa cùng lúc Hơn nữa tại Nhật Bản lại càng thiếu ít người có thể chăm sóc cho người lớn tuổi trong gia đình như cha mẹ hay ông bà.

Với cấu trúc dân số hiện nay thì mỗi người già có khoảng bốn người có thể chăm sóc họ. Tuy nhiên với thay đổi dân số hiện nay thì trong 20 năm nữa chỉ có một người chăm sóc một người mà thôi.

Tặng quà

Image captionDoanh nhân William Saito đặt cược vào công ty công nghệ cao chăm sóc cho người cao niên.

Doanh nhân William Saito, chuyên đầu tư vào các công ty mới khởi nghiệp, nói rằng hiện có nhiều công trình nghiên cứu để chăm sóc người cao tuổi tốt hơn với số người chăm sóc ít hơn thông qua thuốc men, máy móc tự động.

“Do đó là nhà đầu tư tôi đang nhắm tới lĩnh vực này vì không phải chỉ có Nhật là nơi cần bởi 10-20 năm nữa sẽ đến lượt các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, tây Âu hay Hoa Kỳ.

“Nhật Bản phải đương đầu trước 20 năm về lĩnh vực này, đó là thực tế khó khăn và chúng tôi đã vượt qua khó khăn một mức nào đó, và chúng tôi đã gây dựng được kiến thức trong lĩnh vực này và đó sẽ là thứ có thể xuất khẩu lớn nhất cho thế giới”, ông Saito nói.

Trở lại với Ngày Kính trọng Người Cao niên, trước đây theo lệ cứ ai đến tuổi 100 sẽ được nhà nước tặng một chiếc đĩa bạc làm kỷ niệm. Tập tục này được bắt đầu từ năm 1963 khi Nhật lúc đó chỉ có 153 người thọ tới 100 tuổi nhận đĩa.

Nhưng nay Nhật ngày càng có nhiều người chạm ngưỡng 100 tuổi, do đó chính phủ đang phải tính xem có hình thức quà tặng nào đỡ tốn kém hơn.

Image copyrightAP
Image captionNgười có tuổi tham gia vào nhiều lĩnh vực trong xã hội tại Nhật Bản.

Đơn giản vì với mỗi đĩa có giá khoảng 64 USD, 29.357 người thọ 100 tuổi vào năm 2014 đã làm chính phủ tốn tới 2.1 triệu USD.

Thống kê chính phủ Nhật ước tính 39.000 người sẽ chạm ngưỡng 100 tuổi vào năm 2018 và chính phủ đang cân nhắc giải pháp một dạng quà tặng nào khác hoặc thậm chí chỉ một lá thư chúc mừng.

Thế nhưng ít nhất là vào lúc này, nếu bạn đi ăn ở nhà hàng cùng người cao niên thì gần như chắc chắn họ sẽ tranh quyền thanh toán hóa đơn ăn vì đa số họ có thu nhập đều và khá cao, và văn hóa Nhật hiếm khi người có tuổi để người nhỏ tuổi hơn trả tiền ăn trong nhà hàng.

Nguyễn Hoàng

(bbc.com)

Bài viết liên quan