Chưa được phân loại

Thánh RAYMUNDO (ngày 19.6)

Thánh RAYMUNDO

Viện phụ.

image001

Raymundo là con một gia đình quý tộc Onesti, sinh năm 906, tại Ravenna, nước Ý. Lúc còn nhỏ, Ngài bắt chước cha là Bá tước Sergio sống sa hoa phóng túng không nghĩ gì đến đạo hạnh. Nhưng đôi lúc ngài cũng biết hồi tâm suy nghĩ về cuộc đời ngắn ngủi, nhất là thấy quanh mình có những người sống đạo đức thánh thiện thì đem lòng mến mộ.

Và một biến cố khiến thánh nhân quyết định tương lai đời ngài: Năm 20 tuổi, một hôm ngài chứng kiến tận mắt người cha gây gổ giành phần đất với người bà con và đã dùng gươm giết chết người đó. Thánh nhân thấy vậy thì ngán ngẩm cuộc đời, chỉ vì chút lợi lộc vật chất mà người ta đã giết hại nhau không chút thương tiếc ! Thế là ngài xin vào dòng Biển đức sống cuộc đời hy sinh hãm mình, cầu nguyện, quyết chí suốt đời làm tôi Chúa. Cảm kích vì mẫu gương của con, Bá tước Sergio sám hội và cố gắng đền tội.

Sau 7 năm tu luyện ở đây, thánh nhân còn muốn sống khổ hạnh hơn nữa, nên xin vào sa mạc sống với vị ẩn sĩ cao niên tên là Marinô. Hàng ngày, thầy trò chuyên tâm cầu nguyện, ăn chay, đánh tội. Vị ẩn sĩ bắt ngài học thuộc lòng các thánh vịnh và đọc mỗi ngày. Mỗi lần ngài đọc sai hay lo ra, ông dùng roi đánh vào đầu phía bên tai trái ngài, và lần nào ông cũng đánh một phía bên đó mãi, đến nỗi ngài cảm thấy lỗ tai bên trái hầu như điếc, nên năn nỉ thầy: “Thưa thầy, từ nay nếu thầy có đánh con thì xin thầy đánh phía bên phải. Vì nếu thầy cứ đánh phía bện trái thì sợ lỗ tai trái con sẽ điếc”. Marino thầm cảm phục và kính trọng môn đệ mình.

Thánh nhân muốn chịu khổ hình hàng ngày như thế để hãm mình đền tội. Và ngài muốn cho nhiều người cũng chia sẻ đời sống khổ hạnh với Ngài, nên năm 988, ngài trở về Ý, đi đó đây rao giảng, mời gọi mọi người sống hy sinh khắc khổ. Xây nhiều nhà thờ, thiết lập các tu viện và các trung tâm ẩn tu trong sa mạc. Và năm 1012, ngài tìm được một nơi thanh vắng trong dãy Apennins, ngài mơ thấy một cái thang bắc lên trời, có các tu sĩ lên xuống. Lãnh chúa miền này cho ngài cánh đồng Maldoli, ngài thành lập tu viện Camalduli ở miền trung nước Ý, đó là khởi đầu của dòng Camaldulense do ngài sáng lập. Đây là dòng tu liên kết đời sống khổ hạnh với nếp sống cộng đoàn mà thánh Biển Đức đã thiết lập.

Thánh Phêrô Đamianô kể lại cuộc sống thánh thiện của ngài trong tu viện như sau  “Raymundo đã cư ngụ ba năm trong địa giới tỉnh Parentina. Năm thứ nhất, ngài đã xây dựng một tu viện và đặt viện phụ các tu sĩ ở đó. Hai năm sau, ngài sống ẩn mình hoàn toàn, ơn Chúa đưa ngài lên đỉnh trọn lành đến nỗi dưới ơn Thánh Thần linh ứng, ngài biết trước nhiều việc hậu lai và có những tia sáng sâu sắc về trí tuệ để hiểu biết nhiều việc trong Cựu và Tân ước.

Quả thật, ngài năng được ơn chiêm niệm cao sâu thu hút đến độ nước mắt chảy ra và lòng trí mến Chúa nồng nàn khiến ngài kêu lên : “Ôi Giêsu chí thánh, chí ái là mật ngon ngọt của con, là khát vọng khôn tả, là êm dịu của các thánh, là hoan lạc của các Thiên Thần”. Ngài còn kêu nhiều lời khác tương tự như thế. Dưới sức thúc đẩy của Thánh Thần, ngài thốt ra một cách líu tíu, chúng tôi không biết dùng lời lẽ loài người nào để diễn tả ra được…”

Thánh Phêrô Đamianô kể lại cái chết của ngài: “Một ngày kia, thân thể ngài đã mất dần sức lực và trở nên kiệt quệ vì bệnh tật gia tăng. Lúc mặt trời gần lặn ngài bảo 2 anh em giúp ngài về nghỉ, đóng cửa lại và chỉ được vào sáng hôm sau để cùng ngài đọc kinh sách. Nhưng sợ ngài sắp lâm chung nên họ chỉ ra cách bất đắc dĩ. Họ ở như thế một chút rồi cố ý lắng nghe, thấy mọi sự quá yên tĩnh, đoán biết sự việc đã xảy ra, họ đẩy cửa chạy vào, thắp đèn và thấy thân thể ngài nằm im ở đó còn linh hồn ngài đã lên trời. Ngài nằm như một viên ngọc trời bị bỏ lại ở đó, để rồi sẽ được long trọng đưa lên đặt trong kho vua cả trời đất”.

Thánh nhân qua đời ngày 19.6.1027, hưởng thọ 120 tuổi, mà hơn 90 năm sống trong khổ chế hy sinh. Sau 439 năm, xác ngài còn nguyên vẹn và được đặt trong nhà thờ của dòng ở Fabriano.

Chúa đã dùng thánh Raymundo để canh tân đời sống ẩn tu trong Hội Thánh. Xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình mà theo chân Đức Kitô, hầu đạt tới hạnh phúc nước trời.

Bài viết liên quan