Giáo Hội Toàn Cầu

Thông điệp Phục sinh trong thời kỳ âu lo Của Đức Hồng Y chủ tịch FABC

Thông điệp Phục sinh trong thời kỳ âu lo
Của Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon, Myanmar
(Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu – FABC)

Kính gởi các Hiền huynh trong Chúa Kitô 

Chúc mừng lễ Phục sinh! 

Hãy để niềm hy vọng của Chúa phục sinh tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi. Hãy hoan hỉ reo mừng “Alleluia! Đức Giêsu đã sống lại!” Phục sinh là niềm tin của chúng ta, phục sinh là hy vọng của chúng ta. Hơn bao giờ hết, trong năm 2020 này, chúng ta cần niềm tin và hy vọng.

Đúng vậy – đây là những ngày đen tối – một đám mây khổng lồ và ngột ngạt của sợ hãi và lo lắng nhấn chìm toàn bộ nhân loại. Niềm hy vọng của toàn thể nhân loại bị bóp nghẹt bởi bóng đêm tuyệt vọng mang tên COVID, giống với “Đêm Tối của Linh Hồn” mà các thánh như thánh Gioan Thánh Giá, đã trải nghiệm. Đây là những thời điểm khó khăn, là những thời điểm bất thường, là những giai đoạn đức tin trong đó những điều chắc chắn và hy vọng của chúng ta đối với tương lai, sự nhận biết về Thiên Chúa và thậm chí ngay cả đức tin của chúng ta cũng bị lu mờ. Nửa triệu người bị nhiễm bệnh, hơn 22.000 người đã chết và 200 quốc gia bị ảnh hưởng. Tại Ý, 63 linh mục và hơn 20 bác sĩ đã hy sinh trong khi phục vụ những người nhiễm bệnh. Bốn kỵ sĩ trong sách Khải Huyền dường như đã đến.

Tuy nhiên, chúng ta hân hoan công bố “Alleluia! Đức Giêsu đã sống lại!”

COVID-19 gần như là Con đường Thập giá cho nhân loại. Hàng ngàn người đã bị đóng đinh vào cái chết tàn khốc bởi con virus không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ở nhiều quốc gia, hàng ngàn người đã đi trên con đường Thập giá đau thương. Chúng ta cầu nguyện cho hàng ngàn người nhiễm bệnh đang bước đi trên con đường Thập giá của họ, được củng cố bởi niềm tin tưởng rằng Thập giá kết thúc trong Phục sinh.

Vì vậy, bất chấp mọi thử thách, chúng ta hãy vui mừng hò reo “Alleluia! Đức Giêsu đã sống lại!”

Nhưng COVID-19 thách thức đức tin của chúng ta. Giáo hội Công giáo là sự hiệp thông. Trong mỗi thánh lễ chúng ta vui mừng thân ái họp nhau để khẳng định và cử hành sự hiệp thông của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng sự hiệp thông, ấy vậy mà vào lúc khủng hoảng này, dường như chúng ta để cho mình bị cô lập. Dường như là nghịch lý, khi giữ khoảng cách với nhau có nghĩa là chúng ta thực sự quan tâm đến nhau, bởi lẽ chúng ta muốn ngăn virus chết người lây lan.

Thực tế đau đớn nhất là các nhà thờ bị đóng cửa. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã từng nói rằng Giáo hội phải giống như một “bệnh viện dã chiến”, có sẵn cho những con người suy nhược và thương tích cần được Mẹ Giáo Hội chạm đến và chữa lành. Tuy nhiên, những nơi chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa, những nơi chúng ta khóc thầm vì khổ đau cũng như những nơi chúng ta tìm kiếm tình người giờ đã bị đóng cửa. Tòa thánh Vatican vẫn còn đóng cửa. Ở nhiều nước, việc Rước lễ, Bí tích Thánh Thể, đã bị dừng lại. Những gì chiến tranh và khủng bố không thể làm, thì con virus vô hình lại đạt được chẳng chút khó khăn.

Điều này thật đau đớn. Đây là ngày “thứ Bảy Tuần Thánh” kéo dài, khi Giáo hội chờ đợi giữa dấu hiệu của sự chết. Là “Thứ bảy Tuần Thánh” khi Giáo Hội “ngưng cử hành Bí tích Thánh Thể” để suy niệm về cuộc vượt qua của Chúa và chờ đợi sự phục sinh của Người.

Chúng ta, những tín hữu Công giáo và toàn thể nhân loại, chờ đợi với niềm hy vọng rằng Thứ Bảy Tuần Thánh này sẽ kết thúc với lễ Phục sinh khải hoàn. Mọi đêm dài tối tăm đều sẽ kết thúc với ánh bình minh. Sự dữ có thời gian hạn định còn sự lành thì không. Giáo hội là nơi tạo ra niềm hy vọng của Chúa. Vì thế, với niềm vui và hy vọng hay nói: “Alleluia! Đức Giêsu đã sống lại!”

Cùng với Thánh Vịnh gia, chúng ta hãy hy vọng hát lên trong những lúc khó khăn này:

Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa? Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao. (TV 27, 1.5)

Trước đây nhân loại và Giáo hội đã từng lội qua những thung lũng đầy nước mắt: những cơn ôn dịch khác nhau được đề cập trong Kinh thánh, cơn dịch đen thời Trung cổ với nửa dân số châu Âu thiệt mạng và gần nửa số người của Giáo Hội đã hy sinh mạng sống, ‘Cúm’ Tây Ban Nha đã lấy đi hơn 50 triệu người trên thế giới. Bây giờ cũng thế, đâu có gì là mới.

COVID-19 sẽ không để lại điều gì bất biến. Thần chết này, giống như ấn thứ bảy của Sách Khải Huyền, mang đến một thông điệp gây đảo lộn. Không có gì sẽ lại như cũ. Cách chúng ta thờ phượng, cách chúng ta liên hệ với nhau, cách chúng ta làm việc, tất cả sẽ thay đổi. Chúng ta đang ở buổi bình minh của một ý thức mới, một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ về cuộc sống của chúng ta như là một gia đình nhân loại trong một thế giới mong manh. Sự cách ly xã hội có nguy cơ mang đến chứng hoang tưởng xã hội, đó là nỗi sợ anh chị em của tôi. Thay vào đó, chúng ta phải nhấn mạnh rằng các biện pháp này được phát sinh và dẫn đến các hình thức liên kết mới.

COVID-19, virus vô hình, đã dạy con người những bài học sống còn: các quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất đã kiêu căng dự trữ vũ khí hạt nhân và vũ khí nay phải quỳ gối trước một con virus. Các thế lực trên thế giới ngạo mạn phủ nhận tất cả các quyền lực siêu việt, đã khiêm nhường học biết rằng cuộc sống thì mong manh và tất cả chúng ta đều cần đến nhau. Hơn bất cứ điều gì, tất cả các quyền lực có thể học được cách thừa nhận sự hiện diện của một Đấng Quyền Năng vượt trên tất cả. Với nỗi đau khôn tả, nhiều quốc gia nhận ra rằng họ có nhiều binh lính để giết chóc hơn là có nhiều bác sĩ để cứu sống. Chính nhân loại đang trên đường Thập giá. Ước mong Thánh giá này dẫn dắt tất cả các quốc gia thiêu hủy thù hận và chiến tranh và, đúng hơn, thấy được sự phục sinh trong tình liên đới nhân loại. Bây giờ là lúc Giáo hội đồng hành với thế giới trong sự phục sinh này cho nền công lý và tình liên đới nhân loại.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, đau buồn sâu sắc trước sự khổ đau của con người và việc đóng cửa các nhà thờ, đã chẩn đoán vấn đề của nhân loại hôm nay trong trong huấn từ phép lành Urbi et Orbi của ngài :

“Khi chiều xuống” (Mc 4:35). Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe bắt đầu như vậy. Suốt nhiều tuần nay đã là buổi chiều. Bóng tối dày đặc phủ xuống trên các quảng trường, đường phố và thành thị của chúng ta; nó chiếm hữu cuộc sống chúng ta, lấp đầy mọi thứ bằng một sự im lặng chát tai và một sự trống rỗng thê lương, làm tê liệt mọi sự khi nó đi qua; Chúng ta cảm thấy điều ấy trong không khí, chúng ta nhận thấy nó trong cử chỉ, ánh mắt của mọi người. Chúng ta cảm thấy lo sợ và lạc lối. Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị cơn bão hung bạo dập vùi.

Đức Thánh Cha thúc giục: vận mệnh của chúng ta gắn chặt với nhau. Đó là sứ điệp của lễ Phục sinh:

Chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được mời gọi cùng nhau chèo chống, mỗi người cần an ủi người khác. Tất cả chúng ta đều ở trên chiếc thuyền này. Như các môn đệ đồng thanh lo lắng nói: “Chúng ta chết mất” (Mc 4, 38), chúng ta cũng đã nhận ra rằng chúng ta không thể tiếp tục nghĩ về bản thân mình, nhưng chỉ cùng với nhau chúng ta mới có thể làm điều này.

Hãy để lễ Phục Sinh mới được sinh ra trong thế giới mới của tình liên đới và tình yêu nhân loại!

Vì vậy, chúng ta hãy nói với niềm hy vọng và hãy công bố từ trên mái nhà: “Alleluia – Đức Giêsu thực sự phục sinh!”

Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng chuyển ngữ
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN

Bài viết liên quan