Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Ba tuần 11 Thường niên

BÀI ĐỌC I: 1 V 21, 17-29

“Ngươi đã làm cho Israel phạm tội”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

(Sau khi Naboth chết), có lời Chúa phán cùng ông Êlia, người miền Thesbê rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy, xuống gặp Acáp, vua Israel, ở thành Samaria: này Acáp đang xuống vườn nho của Naboth để chiếm lấy. Ngươi sẽ nói với ông ấy rằng: ‘Đây lời Chúa phán: Ngươi đã giết, lại còn chiếm đoạt’. Sau đó ngươi nói tiếp: ‘Đây là lời Chúa phán: Những con chó đã liếm máu Naboth tại đâu, thì cũng sẽ liếm máu ngươi tại đó’. Acáp liền nói với Êlia: “Ông coi tôi là thù địch của ông sao ?” Êlia đáp: “Đúng thế, vì vua đã liều mình làm điều gian ác trước mặt Chúa. Này Ta sẽ giáng hoạ trên ngươi, sẽ làm cho ngươi tuyệt tự; Ta sẽ giết tất cả con trai của nhà Acáp, bất kể sang hèn trong dân Israel. Ta sẽ cho dòng dõi ngươi ra giống như dòng dõi Giêroboam, con của Nabat, và như dòng dõi của Baasa con của Ahia, vì ngươi đã hành động để chọc giận Ta, và làm cho Israel phạm tội”. Còn về Giêzabel, Chúa phán rằng: “Chó sẽ ăn thịt Giêzabel ở cánh đồng Giêzrơel. Acáp chết trong thành, sẽ bị chó ăn thịt; nếu chết ngoài đồng, thì sẽ bị chim trời rỉa ăn”. Chẳng có ai giống như Acáp, đã liều mình làm điều gian ác trước mặt Chúa, bởi vì Giêzabel, vợ vua đã xúi giục. Vua đã trở nên quái gở, đến nỗi chạy theo các tà thần mà người Amorrhe đã làm ra, họ là những người Chúa đã tiêu diệt trước mặt con cái Israel.

Khi Acáp nghe những lời này, mặc áo nhặm, ăn chay, vấn bao bố mà ngủ và ăn ở khiêm nhường. Có lời Chúa phán với Êlia người Thesbê rằng: “Ngươi có thấy Acáp hạ mình trước mặt Ta không ? Vì Acáp đã hạ mình trước mặt Ta, Ta sẽ không giáng hoạ xuống trong đời ông ta, nhưng trong đời con ông ta, Ta sẽ giáng hoạ trên nhà ông ấy”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 11 và 16

Đáp: Xin xót thương, lạy Chúa, vì chúng con đã phạm tội.

Hoặc đọc: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi; xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. – Đáp.

2) Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa. – Đáp.

3) Xin ngoảnh mặt đi, đừng nhìn tội lỗi, và tẩy xoá mọi điều gian ác của con. Xin cứu gỡ con khỏi đền nợ máu, ôi lạy Chúa là Chúa cứu độ con, lưỡi con sẽ ca ngợi đức công minh Chúa. – Đáp.

Tin mừng: Mt 5,43-48

43 Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: ‘Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù’. 44 Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: 45 để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.

46 Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì  ? Các người thu thuế không làm thế ư  ? 47 Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn  ? Những người ngoại giáo không làm như thế ư  ? 48 Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Là người môn đệ Chúa Giêsu, ta yêu thương cả kẻ thù, vì ta phải bắt chước lòng quảng đại của Cha trên trời và phải có lòng yêu thương hơn những người khác.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha là tình yêu. Con cảm tạ Cha đã yêu thương con. Nhiều lúc con đã phạm tội chống lại Cha, tự đặt mình làm kẻ thù của Cha. Nhưng dù vậy, Cha cũng vẫn một lòng yêu thương con, tha thứ cho con, vẫn hằng tiếp tục ban phát muôn vàn hồng ân xuống trên con. Cả những người chưa hề biết Cha, cả bao nhiêu người cố tình chối bỏ Cha, cả muôn vàn người tội lỗi bất chính, Cha vẫn yêu thương họ, vẫn cho mặt trời soi sáng và cho mưa xuống trên họ.

Tình yêu của Cha luôn đi bước trước, luôn quên mình, luôn quảng đại. Chúa Giêsu cũng yêu thương với một tình yêu như vậy. Người tha thứ cho kẻ giết mình, Người cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, Người yêu thương kẻ giết mình.

Lạy Cha, Cha đã thông chia tình yêu ấy cho con. Xin dạy con biết quên mình để yêu thương cả kẻ thù, biết cầu nguyện cho kẻ làm hại con, biết quảng đại với kẻ ích kỷ với con, biết làm ơn cho kẻ chơi xấu con, biết vui vẻ với những kẻ mắng chửi hoặc dửng dưng với con, biết nói tốt cho kẻ nói xấu con.

Xin cho con biết sống trong tình yêu, để con sống trong hạnh phúc. Những lúc con để bụng để dạ giữ lòng hận thù, con cũng chẳng sung sướng gì, mà chính là con tự đày đọa mình. Ích kỷ phát sinh ích kỷ, hận thù lôi kéo hận thù, gian ác sinh ra gian ác. Hận thù như loài vi khuẩn sinh sản thật nhiều, ăn sâu vào lòng mỗi người chúng con và phá hoại hạnh phúc chúng con.

Lạy Cha, xin cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái của Cha, xứng đáng với danh hiệu làm môn đệ Chúa Giêsu. Amen.

Ghi nhớ : “Các ngươi hãy yêu thương thù địch”.

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Hôm nay Chúa Giêsu dạy cách đối xử với kẻ thù ghét mình:

– Khuynh hướng tự nhiên là ghét kẻ thù ghét mình.

– Cựu Ước cũng không có khoản luật nào dạy yêu thương kẻ thù.

– Còn Chúa Giêsu dạy:

a/ Hãy yêu thương kẻ thù.
b/ Hãy làm ơn cho kẻ thù.
c/ Hãy cầu nguyện cho họ.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Phim ảnh thường kể những chuyện báo thù, coi việc báo thù là bổn phận thiêng liêng: con báo thù cho cha, chồng báo thù cho vợ, anh em báo thù cho nhau, bạn bè báo thù cho nhau nhưng gần đây ngay cả những phim mang nội dung báo thù ấy cũng dẫn đến một ý tưởng kết thúc là bạo thù không giải quyết được vấn đề, càng báo thù thì hận thù càng gia tăng chồng chất. Nghĩa là lương tri con người đã ý thức được rằng báo thù không phải là nhiệm vụ thiêng liêng nhưng là một thảm họa.

2. Trong ngôn ngữ của Kitô hữu không nên có tiếng “kẻ thù của mình”, vì Kitô hữu không được thù ai cả; chỉ có tiếng “những kẻ thù ghét mình” thôi. Và sứ mạng của Kitô hữu là cải hóa những người ấy.

Chúa Giêsu dạy ta 3 cấp độ đối xử với họ: yêu thương, làm ơn, cầu nguyện. Nếu ta chưa yêu thương được thì cố gắng lấy ơn báo oán. Nếu như vẫn chưa làm thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.

3. Có hai người kia đều bị bắn tên. Người thứ nhất bình tĩnh và nhẹ nhàng nhổ mũi tên ra, băng bó vết thương, và ngày sau khỏi hẳn. Người thứ hai tức giận nhổ mũi tên ra nhưng cầm lấy đâm túi bụi vào mình mẩy của mình, đã thế khi gặp người thân anh còn đâm họ bị thương nữa.

Mũi tên chính là lời công kích của kẻ khác. Người khôn cư xử như người thứ nhất, nghe xong bỏ đi. Kẻ dại cư xử như người thứ hai cứ lập đi lập lại lời công kích đó và còn thuật lại cho người thân, làm cho bản thân mình và người thân thêm đau đớn vô ích.

4. “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Có lẽ bạn và tôi đã có lần cảm nghiệm được niềm vui và nỗi đau của sự tha thứ và được tha thứ.

Thật vậy chỉ một thoáng vô tình tôi đã có thể trở nên một đối tượng xấu xa trong cái nhìn của tha nhân. Tâm hồn tôi sẽ ra sao khi bị nhìn bằng đôi mắt lạnh lùng, xa cách, khinh bỉ  ? Có lần tôi cũng đã nhìn tha nhân bằng đôi mắt ấy.

Chỉ trong sự tha thứ, tôi mới có thể họa lại nơi bản thân mình cái nhìn “cảm hóa” của Đức Kitô. Một cái nhìn không chỉ dừng lại ở việc giao hòa, mà còn đi sâu vào lòng người, xóa tan mọi ấn tượng, mặc cảm tội lỗi nơi họ. Một cái nhìn tha thứ đến mức tuyệt đối: “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn quảng đại. Một quả tim tràn đầy yêu thương, một cái nhìn khoan dung nhân hậu; để con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất, tha thứ thay cho kết án, yêu thương thay cho hận thù, đem niềm vui nâng đỡ cho hy vọng, xóa tan nỗi buồn tuyệt vọng đơn côi, và để trong mọi nơi mọi lúc cả trong lúc nhục nhã đớn đau vì tha nhân, con vẫn bình tĩnh can đảm và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). (Hosanna)

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hãy yêu kẻ thù (Mt 5,43-48)

  1. Theo cách cư xử thông thường của người đời thì “yêu bạn ghét thù”. Nhưng đối với chúng ta, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải noi gương Chúa nhân lành, khoan dung, đại lượng với hết mọi người. Ngài cho mặt trời mọc lên và mưa xuống cho người lành cũng như kẻ dữ. Chúng ta là con cái Chúa, là môn đệ Chúa, chúng ta phải làm như Chúa, chúng ta phải yêu thương giúp đỡ, cầu nguyện, chẳng những cho thân nhân bạn hữu mà cho hết mọi người, kể cả những kẻ nghịch người thù, những kẻ làm khổ làm hại chúng ta.
  2. “Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chính Ngài đã yêu thương khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Ý tưởng ấy rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa. Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

Là những môn đệ Chúa, chúng ta được mời gọi đứng về phía bất bạo động. Tuy nhiên, đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ khí và hận thù… Chúng ta phải cố gắng dùng điều tốt nhất để đáp lại điều xấu nhất.

  1. “Hãy yêu kẻ thù”. Ai cũng bảo là không thể. Đó là vì ta theo thói quen. Để đối tượng qui định tình cảm. Gặp người tốt thì ta quí. Gặp người dễ thương thì ta thương. Người làm ơn cho ta thì ta biết ơn và quí trọng. Gặp người xấu thì ta lánh xa. Gặp người khó thương thì ta chối từ. Đó chẳng có gì lạ. Nhưng đó là để cho đối tượng qui định tình cảm của mình. Ta đâu có chủ động, vì ta không có nền tảng. Phải có nền tảng tình yêu ở nơi Chúa. Phải có tình yêu từ trong trái tim mình. Khi đó ta sẽ yêu bất chấp ngoại cảnh thế nào. Vẫn yêu bất chấp người đối diện là thế nào. Vẫn yêu bất chấp người khác có làm gì cho ta, dù tốt, dù xấu.

Như thế yêu kẻ thù là có thể. Ta không yêu để đáp lại kẻ thù. Nhưng ta yêu vì tình yêu đầy trong trái tim ta. Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Trong Ngài chỉ có yêu thương: như mặt trời, như cơn mưa, không phân biệt (Tgm Ngô Quang Kiệt).

  1. Hãy yêu kẻ thù”. Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đằng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ”. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con, đời con sang cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù cho tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hóa giải, mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.

Truyện: Nelson Mandela, một nhà hoạt động cách mạng Nam Phi, từng bị giam giữ và bị xúc phạm trong suốt 27 năm. Đến khi ông trở thành Tổng thống Nam Phi, ông đã mời 3 người cai ngục từng canh giữ ông trong thời gian tại chốn lao tù đến gặp mặt. Khi Mandela đứng dậy cung kính chào 3 vị cai tù này thì mọi người có mặt và trên toàn thế giới đều phải tĩnh lặng. Ông nói: “Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng: nếu không thể để nỗi đau của riêng mình và oán giận ở lại đàng sau, thì tôi vẫn là còn ở trong lao tù”.

  1. Người Kitô hữu không thể trốn tránh con đường chông gai, để chọn những lối đi bằng phẳng êm mát. Nhưng họ phải can đảm tiến tới để đạp gãy chông gai ghen ghét, san bằng sỏi đá hận thù, dõi theo ánh sáng của Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và tha thứ cho những kẻ giết hại mình.
  2. Truyện: Lấy thiện báo ác

Thời Xuân Thu chiến quốc, nước Sở và nước Lương có chung biên giới đều trồng dưa. Người bên nước Lương, vun xới chăm chỉ nên dưa tốt quả nhiều. Người bên nước Sở lười, làm biếng tưới nên dưa xấu quả ít. Quan huyện sở tại nước Sở thấy vậy thì lấy làm tức giận lắm. Những người trồng dưa bên Sở thấy vậy cũng đem lòng ghen ghét, tối tối lẻn sang nhổ cây, bứt lá làm cho dưa bên nước Lương đang tốt tươi bỗng trở nên héo hon, xơ xác. Những người trồng dưa bên nước Lương rình biết, bèn trình báo lên quan sở tại của mình và cũng rắp tâm sang phá dưa bên Sở để trả thù. Nhưng quan sở tại của nước Lương là người thâm trầm, liền can ngăn và bảo: “Nếu lấy ác mà xử lại thì chỉ là cách gây thù chuốc oán, gieo mầm loạn lạc binh đao, cho nên thay vì trả thù, ta cứ lẳng lặng sang tưới dưa cho họ, đó mới là thiện chí”.

Một thời gian sau, dưa bên nước Sở xanh tốt, quả nhiều. Dân nước Sở lấy làm lạ, họ để ý rình rập mới hay người bên nước Lương sang tưới dưa cho mình. Biết được điều đó, Quan bản địa có ý thẹn.

Việc đó đến tai vua Sở, vua Sở lấy làm xấu hổ và nghĩ rằng ngoài cái tội phá hoại dưa của người, chắc còn những việc khác gây oán thù. Vua Sở bèn xuống chiếu trách cứ quan huyện, khuyến cáo dân chúng nước Sở, rồi viết thư sai sứ giả sang nước Lương xin lỗi, tỏ lòng hiếu hoà bang giao.

Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Lịch sử đã từng ghi lại rất nhiều sự kiện về những tù binh chiến tranh ở Việt Nam luôn được đối xử tử tế, được mở đường hiếu sinh, được cấp đầy đủ quân trang khi trở về nước. Ví dụ như cách hành xử vị tha của quân chiến thắng Lam Sơn với quân Minh kẻ thù bại trận: Theo lời cố vấn của Nguyễn Trãi, tha thứ cho kẻ thù, vua Đại Việt là Lê Thái Tổ còn cung cấp cho họ lương thực và những phương tiện di chuyển như ngựa, thuyền để trở về đất nước họ.

Suy niệm

Đức Giêsu Kitô đến hoàn thiện Lề Luật, với cách hành xử yêu thương dứt khoát và hoàn hảo như Chúa Cha vượt lên trên sự yêu ghét thông thường. Ngài cho thấy tình yêu là trung tâm. Ngài giảng dạy và đã sống yêu thương để nêu gương cho chúng ta: Tha thứ cho kẻ ghét mình và làm ơn cho kẻ thù mình. Theo suy nghĩ tự nhiên của con người, cách hành xử đó xem ra không thể có đối với kẻ thù. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biến nó thành cái có thể để nên hoàn thiện như Chúa Cha và chính Ngài đã sống trước tiên khi tha thứ cho những kẻ giết mình, trên thập giá Ngài đã cầu nguyện thống thiết cho kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Trước đó Ngài cũng dạy: “Anh em hãy làm ơn cho kẻ oán ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, cầu cho kẻ nhục mạ mình” (Lc 6,27-28). Lời mời gọi của Đấng đã yêu thương tha thứ gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay hãy tha thứ để tôn vinh đỉnh cao của sự yêu thương, làm cử chỉ anh hùng, vượt lên trên tình cảm tự nhiên yêu bạn ghét thù, để bước cuộc sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời mà Đức Kitô mời gọi: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

Lời dạy yêu thương tha thứ của Chúa Giêsu làm thăng hoa lòng khoan dung, vị tha của truyền thống Việt Nam qua câu tục ngữ: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, người Việt không những vị tha với nhau như tục ngữ có câu: “Chín bỏ làm mười”, mà còn vị tha với cả kẻ thù.

Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh: “Trả thù, báo oán là thường tình của mọi người; mà không thích giết người là bản tâm của người nhân” (Quân trung từ mệnh tập). Vị anh hùng dân tộc đã gây ý thức cho nhân dân Đại Việt: Có những nhu cầu làm người cao cả, trọng đại và lâu bền hơn. Nhu cầu báo thù sẽ bùng lên và vụt tắt như ngọn lửa rơm. Nhu cầu tha thứ xây dựng hòa bình “thêm bạn bớt thù” như người đời thường nói, xây dựng bình an bản thân và cộng đồng. Tổng thống Abraham Lincoln nói với mọi người: “Với thái độ thân thiện, tôi đã loại được kẻ thù và biến họ thành bạn của tôi”. Thật thế, sự quảng đại tha thứ đi bước trước trong tình yêu sẽ giúp cho chính bản thân của chúng ta thư thái an bình và có nhiều bạn hữu như câu châm ngôn dạy: “Gieo tha thứ gặt bình an” đạt tới sự hòa giải và được tha thứ mọi lỗi lầm như Đức Kitô dạy trong kinh Lạy Cha: “Xin tha thứ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Ý lực sống

“Có nhiều cách thức để làm việc bố thí, giúp ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, nhưng không có cách nào cao cả hơn là cách chúng ta tha thứ thật lòng cho người anh em đã xúc phạm đến ta” (Thánh Augustinô).

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan