Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Ba tuần 18 Thường niên

BÀI ĐỌC I: Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22

“Vì tội lỗi ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy. Nhưng Ta sẽ đem Giacóp về nhà xếp”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: Ngươi hãy chép vào sách mọi lời Ta đã phán với ngươi”.

Vì Thiên Chúa phán rằng: “Nơi giập gãy của ngươi đã bất trị, thương tích ngươi làm độc quá đỗi. Không ai đoái thương băng bó cho ngươi: không có thuốc hay chữa ngươi bình phục. Mọi kẻ yêu ngươi đã bỏ quên ngươi, không tìm kiếm ngươi nữa, vì Ta đã đánh ngươi bị thương như kẻ thù sửa phạt ngươi nặng nề, vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, tội lỗi của ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy”.

Chúa phán thế này: “Đây Ta đem những kẻ trong nhà xếp Giacóp bị bắt trở về gia cư họ, Ta sẽ xót thương. Thành sẽ được xây lại trên nơi cao của nó, đền thờ sẽ được trùng tu theo trật tự của nó. Thế là sẽ vang lên lời ca tụng và tiếng reo mừng. Ta sẽ làm cho nó thêm nhiều, và nó sẽ không bị hạ nhục. Con cái nó sẽ được như xưa; trước mặt Ta, cộng đồng nó sẽ đứng vững. Ta sẽ hỏi thăm mọi người áp bức nó. Thủ lãnh nó sẽ bởi nó mà ra; vua chúa nó sẽ từ trong nó mà lên. Ta sẽ cho nó triều yết và nó sẽ đến gần Ta, vì thật ra có ai dám liều mạng đến gần Ta ? -Chúa phán như thế-. Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23

Đáp: Chúa tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang xán lạn (c. 17).

Xướng:

1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn. Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. – Đáp.

2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Đáp.

3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Chúa ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. – Đáp.

Tin mừng: Mt 15,1-2.10-14

Khi ấy có những luật sĩ và biệt phái từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu mà nói: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân ? Vì họ không rửa tay khi dùng bữa”.

Và Người gọi dân chúng lại mà bảo: “Các ngươi hãy nghe và hãy hiểu lấy: Không phải cái gì vào trong miệng mà làm cho người ta ra dơ nhớp đâu, nhưng cái từ miệng phát xuất ra cái đó mới làm cho người ta ra dơ nhớp”.

Bấy giờ các môn đệ của Người tiến lại thưa với Người rằng: “Thầy có biết các người biệt phái lấy làm chướng tai khi nghe Thầy nói lời đó không ?” Người đáp lại rằng: “Tất cả cây nào Cha Ta trên trời đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Các con hãy để mặc chúng: chúng là những người mù dẫn dắt những người mù. Mù mà dẫn mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố”.

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa đi trên mặt biển (Mt 14,22-33)

  1. Sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu bảo các môn đệ xuống thuyền để sang bờ bên kia. Còn Người thì lên núi cầu nguyện. Thuyền các ông ra giữa biển, bỗng gió lớn nổi lên… Lúc gần sáng, Chúa đi trên mặt nước đến với các môn đệ. Các ông thấy Người thì hoảng sợ tưởng là ma. Người bảo: “Thầy đây, đừng sợ!” Nhưng Phêrô cũng còn hoài nghi nên thưa: “Nếu thật là Thầy, xin cho con đi trên nước mà đến với Thầy”. Chúa bảo ông đi. Nhưng đi một đỗi, ông thấy sóng gió thì sợ nên bị chìm xuống. Ông hoảng hốt xin Chúa cứu giúp. Chúa liền giơ tay nắm lấy ông và trách sao ông kém lòng tin, nếu ông tin Chúa vững vàng thì ông khỏi bị chìm trong nước. Các môn đệ thấy vậy thì tin thật Người là Con Thiên Chúa.
  2. Qua biến cố Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ trong cơn giông tố, chúng ta cần có một số suy nghĩ:

– Đối với Chúa: Việc này không có gì khó khăn, và đối với chúng ta, cũng chẳng có gì là khó hiểu, vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng vũ trụ, chính Ngài cầm quyền trên mọi định luật vật lý, nên việc Chúa đi trên sóng nước không có gì phản khoa học hay vô lý, nhưng lại minh chứng uy quyền Thiên Chúa của Ngài. Các môn đệ hôm ấy nhận thấy tỏ tường: Chúa có quyền trên sóng biển, đi trên sóng nước, truyền cho chúng yên lặng, vì thế, lòng tin của các môn đệ càng gia tăng.

– Đối với chúng ta: Lòng tin của chúng ta còn quá yếu kém, nên chúng ta cần phải cầu xin Chúa rất nhiều. Đứng trước cuộc đời đầy đau khổ, chúng ta chẳng khác nào con thuyền bập bềnh trên mặt biển đầy sóng gió. Chúa vẫn có ở đó và chờ đợi để đưa cánh tay đỡ lấy chúng ta. Đứng trước khổ đau của đồng loại, chúng ta lại được Chúa sử dụng như những chiếc phao ,để cho bao nhiêu người khác được cứu thoát.

– Đối với Giáo hội: Giáo hội được tượng trưng như con thuyền. Thuyền gặp bão, Giáo hội Chúa gặp thử thách, nhưng Chúa Giêsu không để cho các Tông đồ một mình chống lại với bão táp, không thể để cho Giáo hội một mình gặp thử thách: “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa muốn cho các Tông đồ luôn kiên trì trong đức tin, đừng lo sợ mê man. Chúa đến với các Tông đồ, Chúa đến với Giáo hội trong cơn thử thách. Chúng ta hãy để cho Chúa đến với chúng ta và hiện diện với chúng ta mãi mãi.

  1. Chúng ta hãy coi Chúa Giêsu giáo dục đức tin cho Phêrô và các Tông đồ: ban đầu Ngài để cho các Tông đồ bị bão biển doạ (cũng như để Phêrô bị chìm xuống). Khi các ông sợ, các ông nghĩ tới Chúa. Cuối cùng Ngài ra tay cứu giúp. Kết quả là các ông tin vào Ngài: “Thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.

Thánh Phêrô Đamianô viết: ”Giữa cuộc đời sóng gió, Chúa Giêsu vẫn ở bên ta, dù ta không thấy. Sự hoài nghi làm ta sợ hãi và chìm xuống biển sâu; còn lòng tin sẽ giúp ta nhận ra Chúa và bước đi trong bình an”.

Việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ và Người cho Phêrô đi trên mặt nước giúp chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống. Trong mọi khó khăn thử thách, Người luôn ở bên ta, chỉ có điều là chúng ta có đức tin đủ mạnh và lòng yêu mến đủ lớn, để có thể mau mắn nhận ra và kêu xin Người cứu giúp hay không mà thôi.

  1. Trong cuộc sống, nơi xã hội hôm nay luôn có những bất trắc. Nào là chuyện “cá lớn nuốt cá bé’, hay “ma cũ bắt nạt ma mới” hoặc “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Một xã hội như thế, người ta lấy thước đo để đánh giá vấn đề, sự kiện… dựa vào quyền và tiền… Vì thế, không lạ gì vẫn còn đó tình trạng áp bức, bất công với người lương thiện và thấp cổ bé miệng!

Đứng trước tình trạng ấy, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu ?”, “Ngài có thực sự hiện hữu không ?”; “Nếu có, tại sao lại có chuyện con người thay Trời hành đạo như vậy”.

Sự kiện Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ và việc cho ông Phêrô đi trên mặt nước đến với Ngài giúp chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn còn đó trong cuộc đời. Mọi khó khăn thử thách, Ngài luôn có mặt, chỉ có điều chúng ta có một đức tin đủ mạnh để vượt qua mọi mọi khó khăn và có đủ độ nhạy bén để nhận ra Ngài hay không mà thôi!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta bài học: nếu có niềm tin vào Chúa trong sự khiêm tốn thì sẽ được Chúa thương (Ngọc Biển).

  1. Truyện: Hãy bám chặt vào Ta

Có người kể: Tối qua, tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng một luồng sáng xuất hiện; và Chúa Giêsu hiện ra mỉm cười và nói: “Con hãy ngồi trên tấm thảm này với Ta”.

Lòng tràn đầy vui sướng, tôi làm theo ý Ngài. Tấm thảm từ từ bay bổng lên không trung đưa theo Chúa Giêsu và tôi ngồi trên đó. Tôi mỉm cười, lòng đầy vui sướng và tự nhủ: thật không còn gì hạnh phúc cho bằng được ở gần bên Chúa.

Một lúc sau, tôi quay nhìn Chúa Giêsu để tỏ bày niềm vui: nhưng tim tôi bắt đầu đập mạnh vì Ngài không còn bận tâm gì đến tôi nữa, bởi lẽ Ngài đang chăm chủ rút từng sợi chỉ của tấm thảm thả cho nó bay lơ lửng ở trên không trung. Hết sợ chỉ này đến sợi chỉ khác từ từ bay lên theo gió. Chân tay tôi bắt đầu run lên vì hoảng sợ, thế mà Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ. Sau cùng tôi kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa làm gì thế ? Chúa không thấy là chẳng còn mấy chốc nữa tấm thảm sẽ tan tành hay sao ?”

Chúa Giêsu mỉm cười nắm tay tôi và nói: Sao con nhát đảm và kém tin thế ? Hãy bám chặt vào Ta, con sẽ không sợ gì, dù có bị tước đoạt mọi sự, cả đến sợi chỉ cuối cùng đi nữa”.

Chúa Giêsu vừa dứt lời, thì quả thực sợi chỉ cuối cùng của tấm thảm cũng bị rút đi luôn và tôi giật mình thức giấc.

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

 Câu chuyện

Một viên sĩ quan người Anh được phái đến phục vụ ở một xứ xa quê nhà. Ông cùng gia đình xuống tàu vượt biển để đi đến nơi được bổ nhiệm.

Tàu rời bến được vài ngày thì biển động mạnh, một cơn bão kinh khủng ập đến làm thuyền có nguy cơ bị đắm. Sự lo lắng nỗi sợ hãi xâm chiếm tất cả mọi người trên con tàu. Vợ của viên sĩ quan là người tỏ ra lo sợ hơn cả. Trái với phản ứng sợ hãi của vợ, ông là một quân nhân nhiều phen đối diện với trận địa sinh tử trong gang tấc nên tỏ ra rất bình tĩnh. Hơn nữa, ông là người có đức tin mạnh mẽ xác tín vào Thiên Chúa.

Thái độ bình tĩnh của vị sĩ quan bị bà xem như một biểu lộ sự thiếu lo lắng, yêu thương đối với bà và con cái. Sau khi nói vài lời ngắn gọn với vợ, ông rời căn phòng, nhưng liền sau đó ông quay trở lại với thanh kiếm trên tay. Với ánh mắt thảm não, ông tiến về phía người vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Lúc đầu bà này sợ tái mặt, nhưng sau đó bỗng bà cười lớn tiếng, không hề tỏ vẻ sợ hãi.

– Làm sao em có thể cười khi em cảm thấy mũi nhọn của lưỡi kiếm trên ngực em ? Em không sợ sao ? – Viên sĩ quan hỏi.

– Làm sao em sợ được – Bà trả lời, – khi em thấy lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người thương em.

– Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Chúa là Cha – Người hằng yêu mến anh ?.

Suy niệm

Vâng lời Thầy, các môn đệ vượt biển, vượt biển đã vất vả vì phải chèo chống, thì cuồng phong lại nổi lên. Cuồng phong chỉ muốn nhấn chìm, chỉ muốn tiêu diệt tất cả trong lòng biển, cuồng phong là biểu tượng cho tất cả những gì ngăn cản con người tiến bước trong hành trình đức tin. Các môn đệ phải nỗ lực để băng qua biển, chống chọi lại cuồng phong là biểu tượng của Giáo hội nói chung, của mỗi người chúng ta nói riêng khi đương đầu với mọi thế lực muốn tiêu diệt chúng ta. Giữa trung tâm của sóng biển cuồng phong, Thầy đang đi trên mặt biển đến với các ông, nhưng do bóng đêm bao phủ, cuồng phong đe dọa khiến cho các môn đệ lầm tưởng Chúa là ma và kêu lên: “Ma kìa!” Chúng ta cũng đã từng lầm tưởng sự hiện diện ân cần, chia sẻ của Chúa trong cuộc sống.

Từ hình ảnh bình an ban đầu của Phêrô khi bước chân đến với Chúa cho đến khi sóng gió nổi lên làm cho ông sợ hãi, gợi cho chúng ta hành trình đức tin luôn vững bước và tín thác. Như ngôn sứ Êlia khởi sự nói lời Thiên Chúa, mọi việc thật tốt đẹp: Tỏ hiện thần uy của Thiên Chúa. Sau đó bị săn đuổi trong sa mạc, ông kiệt lực chán nản, xin cho mình được chết (x. 1V 18.19,1-8). Ông ẩn mình trong một hốc đá ở núi Khorép, mệt mỏi và đói lả, muốn được chết để thoát khỏi cảnh gian nan. Và kìa, Thiên Chúa đã hiện ra đàm đạo với ông trong cơn gió hiu hiu, sự bình an đã trở lại với tâm hồn ông (x. 1V 19,9a.11-13a). Các tông đồ cũng khởi sự với phép lạ bánh hóa nhiều với sự ân cần của Thiên Chúa đối với dân Ngài, rồi Phêrô cũng vậy, ban đầu ông bước ra khỏi thuyền, nhìn và nhắm hướng đi thẳng tới Chúa Giêsu nên ông đi dễ dàng trên sóng nước. Nhưng khi nổi gió, bão táp ập đến, ông nhìn quanh sợ hãi kêu lớn: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Thật khó cho ông khi phải đối mặt với nghịch cảnh.

Ngài giơ tay cứu ông khỏi cơn phẫn nộ của trùng dương và biến ông thành hoa tiêu đem con thuyền Giáo hội ra khỏi cơn bão tố. Hình ảnh đó cũng gợi cách riêng cho mỗi người chúng ta: Ngài bên cạnh tôi và bạn, cứu chúng ta giữa trung tâm bão tố và dẫn dắt chúng ta thêm vững bước.

Ðức Giêsu nói với ông Phêrô: “Sao lại hoài nghi ?” (Mt 14:31). Lời này cũng nói với mỗi người chúng ta hôm nay khi chúng ta đứng trước gian nan của cuộc đời. Chúng ta hoài nghi vào tình yêu của Thiên Chúa khi nghĩ rằng Ngài bỏ rơi mình. Chính vì hoài nghi, chúng ta đang chìm đắm giữa nỗi lo thất vọng mặc cho sóng gió cuốn đi…

“Sau cơn mưa trời lại sáng”, hành trình vượt biển đầy sóng gió kết thúc trong tĩnh vì “gió lặng” (Mt 14:32) sau khi “chiếc thuyền bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14:24). Chiếc thuyền trên đó có ông Phêrô và các môn đệ là hình ảnh về một Giáo hội nói chung đang bập bềnh trên sóng nước của trần gian và của mọi người chúng ta nói riêng trước những gian nan khốn khó của cuộc đời làm ta yếu tin, nghi ngờ. Và con thuyền ấy đang phải chống chọi lại những trận cuồng phong và quyền lực của sự dữ. Vị Thầy của các ông không có mặt trong khoang thuyền: Các ông chờ đợi Người xuất hiện vào lúc đêm tàn…

Ý lực sống

“Xin cứu lấy con… Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông” (Mt 14,31).

Nguồn: WGPSG

 

 

 

Bài viết liên quan