Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Ba tuần 2 Phục sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 4, 32-37

“Họ một lòng một ý với nhau”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Ông Giuse, người mà các tông đồ đặt tên là Barnabê (nghĩa là con sự an ủi), một thầy tư tế, quê ở Cyprô, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền đặt dưới chân các tông đồ.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Đáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai. Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. – Đáp.

2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. – Đáp.

3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. – Đáp.

Tin Mừng: Ga 3,7b-15

7 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.

9 Nicôđêmô hỏi lại rằng: “Việc ấy xảy ra thế nào được ?” 10 Chúa Giêsu đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao ? 11 Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được ? 13 Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. 14 Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, 15 để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu tiếp tục đối thoại với Nicôđêmô về việc tái sinh. Đại ý bài Phúc Âm hôm nay: “Sinh lại như thế nào”.

Nicôđêmô hỏi: “Việc ấy xảy ra thế nào được ?”

Chúa Giêsu lại trả lời nhờ tác động của Thánh Linh (“Gió muốn thổi đâu thì thổi…mọi kẻ sinh bởi Thánh Linh cũng vậy”) và nhờ tin vào Chúa Giêsu (“không ai lên trời được ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời”).

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. “Tái sinh là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình”. (Mỗi ngày một tin vui)

2. Mục sư Rober Fangum, trong một cuốn sách được sếp vào loại best seller (bán chạy nhất), đã viết: “những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ”. Ông kể ra những bài học vỡ lòng quý giá khi còn ở nhà trẻ như sau:

Hãy chia sẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đứng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.

Lấy đâu thì trả đó, dọp dẹp những gì mình bày ra, nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.

Biết ngạc nhiên trước mầu nhiệm của cuộc sống.

Chính Chúa Giêsu cũng dạy: “Nếu các con không nên giống như trẻ nhỏ, chúng con không được vào Nước trời”. (Trích “Chờ đợi Chúa”)

3. Thực ra biết bao nhiêu lần tôi muốn sinh lại thành con người mới, nhưng lực bất tòng tâm. Đó bởi vì việc sinh lại không chỉ bởi do sức riêng của tôi mà còn phải nhờ ơn Chúa.

4. “Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”.

Chuyện kể về hai cậu bé người Ấn độ, một theo đạo Hinđu và một theo đạo Công giáo. Cậu bé theo đạo Hinđu thì luôn tìm cách chê bai Thiên Chúa của cậu bé Công giáo. Một ngày kia, cậu bé theo đạo Hinđu lại nói: “Thiên Chúa của tôi thì quyền thế, mạnh mẽ, giàu có, chứ đâu nào như Thiên Chúa của bạn ?”

Cậu bé Công giáo lắng nghe và ôn tồn đáp lại: “Nhưng Thiên Chúa của bạn thì không chết cho bạn còn Thiên Chúa của tôi thì chết cho tôi!”.

Lạy Chúa, Chúa đã chết và sống lại, để từ đây con không còn chết vì lối sống ích kỉ, kiêu căng thường gây ra chiến tranh. Nhưng được sống dồi dào nhờ biết cho đi, cảm thông và tha thứ. Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa đã chết và sống lại vì con. (Epphata)

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Phi trường quốc tế Pensylvania là một trong những sân bay lớn nhất, hiện đại nhất trong các sân bay của Hoa Kỳ. Cách sân bay chỉ khoảng một cây số có một ngôi thánh đường nằm đúng vào cuối phi đạo. Đây là một trong những phi đạo nhộn nhịp đón nhiều chuyến bay nhất.

Sợ tháp chuông có thể gây nguy hiểm cho các máy bay mỗi lần đáp xuống đường bay, toàn thể giáo dân ở đây đã đồng lòng quyết định sẽ đặt trên đỉnh tháp chuông một bóng đèn neon lớn bằng hình cây thánh giá. Từ đó, mỗi lần chuẩn bị đáp xuống đường bay vào ban đêm, các phi công đều dựa vào ánh sáng tỏa ra từ cây thánh giá như thể đó là một ngọn hải đăng chỉ đường cho các con tàu cập bến an toàn.

Suy niệm

Chúa Kitô được giương cao, đã được loan báo trước bằng hình ảnh của rắn đồng trong sa mạc, để ai bị rắn lửa cắn mà nhìn lên đó thì được cứu khỏi chết (x. Ds 21,9tt). Nicôđêmô đàm đạo, biết và tin vào Chúa Kitô, Đấng Chúa Cha sai đến, là người Con đã được Chúa Cha ban cho thế gian vì yêu thương, ngõ hầu thế gian được cứu độ… Ai không tin vào Đức Kitô, đó là tự kết án chính mình, vì tự tách rời khỏi nguồn sống: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,17-18).

Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha khi nhìn lên Chúa Kitô, Đấng được giương cao và tin vào.

Người tin được thông phần sự sống của Thiên Chúa, và bước vào một cuộc sống mới. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma quỷ. Giữa đêm tăm tối của cuộc đời, người tin nhận ra ánh sáng tình thương của Thiên Chúa và bước tới, nhưng nếu khép kín lòng sẽ mãi là con cái bóng tối như Chúa Giêsu đã nói: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu”(Ga 3,19).

Chiêm ngắm Đấng được giương cao, tác động chúng ta tin vào hành trình của Đức Kitô ở trần gian: Sứ mạng của Đức Giêsu đến thế gian là giáo hóa con người: Ngài đến để cải hóa người tội lỗi (x. Mt 9,13; Lc 5,32), làm cho tội nhân tin vào Ngài và nên thánh thiện (x. Rm 6,22), hơn thế nữa, giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi (x. Mt 1,21; Mc 2,17; Rm 6,6.18; Dt 9,26b; 1Ga 1,7b). Ngài còn có quyền tha tội (Mt 9,5-6; Mt 26,28; Cv 10,43; Cl 1,14), và ban ơn cứu rỗi (x. Lc 19,9; Ga 4,42; Cv 4,12; 13,23). Nhưng Ngài cải hóa và cứu độ con người bằng đức tin: “Ai tin thì sẽ được cứu độ” (Mc 16,16; x. Cv 16,3) khi chiêm ngắm Đấng được giương cao: Giương cao để chết cho nhân loại, nhưng giương cao bên hữu Chúa Cha trong mầu nhiệm phục sinh.

Tin vào con Thiên Chúa – Đấng giương cao chết treo trên thập tự, Đấng đã được giương cao bên hữu Chúa Cha qua phục sinh, như là nội dung của giao ước mới: sự sống đời đời của Thiên Chúa được trao ban như Đức Giêsu xác định với Nicôđêmô trong buổi gặp gỡ mạc khải về niềm tin vào Con Người, Đấng được giương cao: “Ai tin vào Con Người thì được sống muôn đời”, “Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án”. Chính trong niềm tin vào Đấng được giương cao, sau này thánh Phaolô tuyên tín: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa”.

Ý lực sống

Đấng được giương cao – treo thập tự,
Trần gian cứu độ, được nhờ Người,
Ai tin sức sống muôn đời có,
Giương cao cùng với Đấng Phục Sinh.

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan