Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Hai tuần 2 Mùa Chay

BÀI ĐỌC I: Đn 9, 4b-10

“Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác”.

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Đấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con. Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội cùng Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 78, 8. 9. 11 và 13

Đáp: Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội (Tv 102, 10a).

Xướng: 1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! – Đáp.

2) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. – Đáp.

3) Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời; đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa. – Đáp.

Tin Mừng: Lc 6,36-38

36 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. 37 Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. 38 Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”

“Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ”. (Lc 6,37)

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

1. Bài đọc Cựu Ước trích sách Đaniel là một lời cầu nguyện sám hối. Sách Bài đọc Phụng vụ tóm lược ý nghĩa lời cầu nguyện này trong một câu: “Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác”.

2. Bài trích Phúc Âm ghi những điều Chúa dạy: Nhân từ, đừng xét đoán và kết án, tha thứ, biết cho đi. Đặc biệt Chúa Giêsu nói rằng tuỳ cách ta đối xử với người khác như thế nào mà ta sẽ được Thiên Chúa đối xử như thế đó

– Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ

– Đừng xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án

– Hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ

– Hãy cho thì sẽ cho lại các con

Các động từ ở vế thứ hai ở thể thụ động, hàm ý chính Thiên Chúa là Đấng tác nhân chủ động.

3. Đọc bài trích Phúc Âm chung với bài Cựu Ước, ta thấy Giáo Hội muốn dạy rằng: phương cách để chúng ta được Chúa tha thứ là hãy sống nhân từ, không xét đoán, tha thứ và cho đi.

B- Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Sám hối không phải chỉ là tâm tình hối hận vì những tội đã phạm, mà còn là làm việc lành để đền bù tội lỗi. Những việc lành đó được Chúa Giêsu chỉ rõ trong bài Phúc Âm này: Nhân từ, rộng lượng (không xét đoán và kết án), tha thứ, biết cho đi.

2. Trong những việc lành vừa kể, Chúa Giêsu nói nhiều hơn về việc cho đi, Ta biết cho thì Chúa sẽ cho lại. Chúa dùng hình ảnh cái đấu: nếu ta đong cho người ta bằng cái đấu nhỏ hoặc cái đấu thiếu thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu nhỏ hoặc thiếu y như vậy. Ngược lại nếu ta đong cho người ta bằng đấu to thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu to hơn gấp bội, lại còn dằn, còn lắc và đầy tràn nữa.

3. Một người nọ thật giàu muốn gì cũng có. Tuy vậy ông không thấy hạnh phúc vì ông chỉ nhận được những cái nhìn soi bói, coi thường và khinh miệt của người khác. Ông tìm đến hỏi một người nổi tiếng khôn ngoan: “Tại sao người ta lại coi thường và khinh miệt tôi cho tôi là kẻ keo kiệt bủn xỉn ? Người ta đâu biết rằng sau khi chết, tôi sẽ hiến tất cả gia tài của tôi cho người nghèo và cho công việc từ thiện”. Để trả lời, nhà khôn ngoan kể cho ông một câu chuyện nhỏ như sau: một chú heo than thở cùng chị bò cái: “Tôi cũng như chị, chúng ta cống hiến thịt mình cho loài người. Thế mà tại sao họ thân thiện với chị mà xa lánh tôi ?” Ngẫm nghĩ giây lát, chị bò cái trả lời: “Thịt chúng ta chỉ cống hiến cho loài người khi chúng ta chết. Còn bây giờ họ quý mến tôi hơn có lẽ tại tôi hiến cho họ sữa lúc tôi còn sống đấy chăng”. (Trích “Món quà giáng sinh”)

4. Thầy giáo: “Tâm, bây giờ thầy nói cho em ghi nhớ phương châm này: Cho có phúc hơn nhận” .

– Em đã biết điều đó, vì là phương châm trong nghề của Ba em.

– Ồ, thật tuyệt vời! Ông ấy làm nghề gì ?

– Võ sĩ. (Góp nhặt)

5. Đang đi dạo, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một người ngồi trên ghế mà cuốc vườn. Tôi nghĩ: “Quá lười biếng!”. Nhưng đột nhiên tôi thấy đôi nạng dựa ở ghế của anh. Thì ra anh vẫn làm việc dù bị tật nguyền.

Bài học tôi học được về sự phán đoán nông nổi vẫn khắc ghi trong tôi cho đến hôm nay: thánh giá của người khác đôi khi là do cái nhìn hạn hẹp của ta (Góp nhặt)

6. Tha thứ giống như cái gì ? Giống như mùi hương mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát (Góp nhặt).

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Xénophon, nhà triết lý Hy Lạp sống vào giữa thế kỷ thứ V trước Công nguyên đã kể câu chuyện ngụ ngôn về xét đoán:

“Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị (túi): Một cái đằng trước và một cái đằng sau. Cái bị đằng sau chứa đựng tất cả cái xấu của chính con người mình, còn cái bị đằng trước thì đầy rẫy những cái xấu của người khác. Do đó, con người khó mà thấy được những thiếu sót của mình, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy những khuyết điểm của người khác”.

          Suy niệm

Đức Giêsu dạy bài học về lòng nhân từ và bác ái: Đừng xét đoán, đừng lên án. Vì chỉ một mình Thiên Chúa có quyền xét đoán. Hãy tha thứ, hãy cho đi.

  • Tha thứ là đỉnh cao của lòng vị tha Kitô giáo mà Chúa Giêsu đã đề nghị: Yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho người hại mình. Chính Ngài trên thập giá đã sống đỉnh cao yêu thương này và làm gương cho chúng ta khi Ngài đối xử với những kẻ giết mình bằng lời cầu nguyện với Chúa Cha và cũng là di chúc cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).

Chúa Giêsu còn nhấn mạnh tha thứ là điều kiện để được thứ tha như Ngài đã dạy chúng ta cầu nguyện mỗi ngày: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).

  • Hãy cho đi: Vì Thiên Chúa nhân từ, và giàu tình thương. Chúng ta càng biết mở lòng mình ra với Thiên Chúa, đến với tha nhân thì càng nhận được nhiều hồng ân hơn chúng ta mong đợi đến từ Thiên Chúa như Đức Giêsu khẳng định: “Hãy cho thì sẽ cho lại các con; Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!” (Lc 6,38).

Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì chưa thực hiện được lời Chúa dạy và giúp chúng con luôn sống nhân từ và quảng đại như Chúa: Quảng đại mở lòng mình ra mà chia sẻ chân thành.

Ý lực sống

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).

WGPSG

 

Bài viết liên quan