Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Hai tuần Bát Nhật Phục Sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 14. 22-32

“Thiên Chúa đã cho Đức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe những lời này:

“Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ, mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng, Đavít đã nói về Người rằng:

‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi tràn đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa’.

“Hỡi anh em, xin cho phép tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Đavít rằng: ngài đã băng hà, đã được an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người không bị huỷ diệt. Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: “Ngài là chúa tể con. Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”. – Đáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. – Đáp.

3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ: ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát. – Đáp.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! – Đáp.

“Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa,
rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”. (Mt 28,10)

Tin Mừng: Mt 28,8-15

8 Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. 9 Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. 10 Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”.

11 Đang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn 13 và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. 14 Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. 15 Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Thánh Mátthêu thuật lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng Phục Sinh:

1. (Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống. Gặp Thiên Thần, Thiên Thần cho hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ cùng bảo họ Chúa Giêsu chờ họ tại Galilê). Trong tâm trạng vừa sợ vừa vui mừng, các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ.

Tâm trạng sợ hãi: không phải là sợ hãi, mà là nỗi sợ tôn giáo, tâm trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt và hoạt động. Vậy các bà “sợ” nghĩa là các bà ý thức Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.

Vui mừng: vì Thầy mình đã sống lại.

2. Đang khi các bà chạy đi báo tin thì Chúa Giêsu hiện ra. Câu đầu tiên của Ngài là “đừng sợ”. Rồi Ngài lặp lại lời Thiên Thần: Hãy đi báo tin cho các môn đệ, bảo họ rằng Ngài chờ họ ở Galilê.

“Đừng sợ”: Trong Thánh Kinh, từ Cựu Ước tới Tân Ước, khi hiện ra với loài người, Thiên Chúa (hay Thiên Thần) đều nói “đừng sợ” (x. St 15,1 26,24 46,3; Tl 6,23; Lc 1,12.30 2,10; Mt 14,27…). Nếu như “sợ” là tâm trạng của con người khi biết mình đang ở trước mặt Thiên Chúa vì thấy mình bất xứng, thì lời nói “đừng sợ” có nghĩa là Thiên Chúa tự xóa khoảng cách giữa Ngài với loài người; hơn nữa, Thiên Chúa đem lại cho loài người sự bình an và vui mừng.

Khi nói về các môn đệ, Chúa Giêsu gọi họ là “anh em”: sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã nâng mối liên hệ giữa Ngài với các môn đệ lên một bậc: họ trở thành anh em của Ngài.

3. Phản ứng của giới thượng tế và kì lão: đút tiền cho bọn lính canh để mua chuộc họ xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu sống lại.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. “Đừng sợ”: từ nỗi “sợ hãi” trong lúc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, các bà đã chuyển sang “kính sợ” khi nhận thấy quyền năng Thiên Chúa. Lòng “kính sợ” đi kèm với nỗi “hớn hở vui mừng”. Khi ta thực sự tin vào quyền năng Chúa, ta sẽ không còn “sợ hãi” bất cứ điều gì nữa, thậm chí còn có thể “hớn hở vui mừng” trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.

2. Một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ông nghĩ về thân phận mình và cảm thấy chán chường. Ông ném bó củi xuống và than vãn: “cuộc sống cơ cực quá, không thể chịu nổi nữa! Ước gì thần chết rước tôi đi!”.

Vừa nói xong thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói: “Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều gì ?”. Ông già kinh sợ nói: “Ngài có thể giúp tôi đặt bó củi này lên vai không ?” (Góp nhặt).

3. Chúa Giêsu Phục Sinh đã gọi các môn đệ là “anh em” của Ngài: sự Phục Sinh của Chúa đã cứu chuộc tội lỗi của loài người, ban lại cho loài người quyền làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu.

4. Một giáo viên cấp II đang vào sổ hai cậu học sinh mới chuyển trường. Cô thấy tên họ của chúng giống nhau, dáng người và quần áo như nhau nên hỏi:

– Hai anh em sinh đôi phải không ?.

– Không.

Rồi cô đọc thấy ngày tháng năm sinh của chúng chỉ cách nhau sáu tháng. Cô lại hỏi:

– Hai anh em họ phải không ?.

– Không, chúng em là anh em ruột.

– Ồ, cô nghĩ có sự nhầm lẫn trong việc ghi ngày sinh của các em. Hai anh em về nói mẹ ghi lại ngày sinh của mình rồi đưa lại cho cô vào sáng mai nhé ?

– Tại sao vậy ?

– Bởi vì nếu hai anh em không sinh đôi mà lại là anh em ruột, thì Nam không thể lớn hơn Tâm có sáu tháng.

Hai cậu nhìn nhau. Rồi Nam quay lại, mỉm cười nói với cô giáo: “Nhưng em không phải là người lớn hơn; vì cô biết đó, một trong hai chúng em là con nuôi. Nhưng chúng em không biết ai là con nuôi”. (Góp nhặt).

5. “Phúc Âm hôm nay đề cập tới hai thái độ khác nhau trước biến cố Phục Sinh: Một là của các phụ nữ, một là của nhóm lính canh. Đối diện với ngôi mộ trống, các phụ nữ nhận ra dấu chỉ của Tin Mừng Chúa Phục Sinh và khởi điểm cho niềm hy vọng. Tuy lo âu nhưng họ cũng vui mừng vội vã đi báo tin cho các môn đệ. Còn đối với nhóm lính canhngôi mộ trống đã không là khởi điểm của sự tìm kiếm và tin tưởng, mà còn khiến họ xa rời niềm tin, chỉ vì sợ hãi và vì chút lợi lộc…

Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng Chúa Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này… Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội và đi ngược lại với Phúc Âm, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô và về Giáo Hội” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

6. Tình yêu đã chiến thắng; Sự thật đã lên ngôi.

Bạn và tôi hãy xóa đi hận thù, tranh chấp; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được Phục Sinh nơi Ngài.

Ước gì niềm vui của Đấng Phục Sinh tràn ngập trong con, để con đem sinh khí cho người tuyệt vọng, đem nụ cười cho kẻ khóc than, làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người, xây thiên đàng ngay trần thế hôm nay. (Ephata, Ban mục vụ giới trẻ TpHCM).

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một câu chuyện dụ ngôn cổ kể lại rằng: Có bốn người đàn ông cùng đi xuyên qua một khu rừng. Bất thình lình có một bức tường cao cản bước đường của họ. Tò mò, họ làm một cái thang để nhìn xem cái gì ở sau bức tường đó. Người thứ nhất trèo lên tới đỉnh thang nhìn qua, bỗng anh la lên thích thú… Cũng giống như vậy với phản ứng của người thứ hai và ba… Còn người thứ tư khi lên đến đỉnh thang, anh mỉm cười vì nhìn thấy những khung cảnh thật tuyệt vời: một khu vườn xanh tươi phì nhiêu, với những cây trĩu quả đủ các loại, dòng suối trong mát đầy cá bơi lội, và những thú hoang dã cùng những súc vật nuôi dạo chung quanh suối và khu vườn xanh tươi. Đứng trước cảnh xuân xanh tuyệt vời đó, anh bị cám dỗ không nói ra với ai, chỉ muốn hưởng thụ một mình như ba người bạn trước. Nhưng anh nghĩ đến gia đình, bạn bè, hàng xóm và quay trở về để chia sẻ với họ niềm vui mà anh đã khám phá…

Suy niệm

Đức Kitô Phục sinh Halléluia… Cả bốn Tin Mừng và sách Công vụ tông đồ đều trình bày biến cố Đức Giêsu Phục sinh hiện ra (Mt 28,9-20; Mc 16,1-19; Lc 24,13-53; Ga 20,11-23; Cv 1,6-11).

Sự kiện Phục sinh được sáng tỏ qua các chứng từ: Tảng đá được lăn ra, ngôi mộ trống, thiên thần loan báo… Một biến cố đưa đến hai thái độ, hai hậu quả đối nghịch:

Các phụ nữ sau khi thăm mồ Chúa vui mừng hân hoan ra đi loan Tin Mừng Phục sinh biểu lộ tâm tình của Maria trong Ca tiếp niên Phục sinh reo vui:

…Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống

và vinh quang của Đấng Phục sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Đức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh…

Thật thế, các môn đệ và những người theo Ngài, đang ủ rũ héo tàn vì Thầy mình vừa qua đời tang thương như một tử tội, cái chết của Ngài tựa như mùa đông băng tuyết giết chết niềm tin. Chúa Giêsu sống lại như mùa xuân về nơi tâm hồn các ngài…

Trong lúc đó Tin Mừng Phục sinh làm các tư tế, hàng niên trưởng và quân lính lo sợ trốn chạy lui vào chỗ kín để bàn bạc chống lại tin vui Phục sinh trong sự cố chấp…

Sự Phục sinh đem niềm vui cho những người tin. Với kẻ không tin, biến cố phục sinh càng làm cho họ thất vọng ê chề như người bị bệnh mắt không thể tiếp nhận được ánh sáng huy hoàng rực rỡ của ban mai.

Thật thế, nếu chúng ta tin và gắn chặt với Ðức Giêsu Phục sinh, thật hạnh phúc tuyệt vời cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta từ chối Tin Mừng Ðức Giêsu, chúng ta sống trong sự bất hạnh của sự cố chấp trong thất vọng.

Ý lực sống

“Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng” (1Cr 15,54).

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan