Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Năm tuần 6 Phục sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 18, 1-8

“Ngài cư trú và làm việc tại nhà họ, và giảng trong hội đường”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô rời Athêna đi Côrintô; ngài gặp một người Do-thái tên là Aquila, quê ở Pontô, vừa từ đất Ý-đại-lợi đến làm một với vợ là Priscilla (bởi vì vua Clauđiô đã ra lệnh trục xuất mọi người Do-thái khỏi Roma); Phaolô đến gặp họ. Và vì chung một nghề, nên ngài cư trú và làm việc tại nhà họ: họ làm nghề dệt bố để làm nhà lều. Mỗi ngày Sabbat, ngài đến tranh luận tại hội đường, nêu danh Chúa Giêsu, thuyết phục người Do-thái và Hy-lạp.

Khi Sila và Timôthêu từ Macêđônia đến, Phaolô chỉ chuyên lo việc giảng dạy, minh chứng cho người Do-thái biết Chúa Giêsu là Đức Kitô. Nhưng họ công kích và lăng mạ Ngài, nên ngài dũ áo nói với họ: “Máu các ngươi đổ trên đầu các ngươi. Phần tôi, tôi vô can, từ đây, tôi sẽ đến với dân ngoại”.

Ngài ra khỏi chỗ đó, vào nhà một người kia tên là Titô Giustô có lòng kính sợ Chúa, nhà ông ở bên cạnh hội đường. Bấy giờ Crispô trưởng hội đường, và cả nhà ông tin theo Chúa; nhiều người Corintô nghe giảng, cũng tin theo và chịu phép rửa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Đáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. – Đáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.

Tin Mừng: Ga 16,16-20

16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”.

17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’ ?” 18 Vậy các ông nói: “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” 19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.

Suy niệm (Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã trở thành ý nghĩa cho thời gian. Thời gian có Ngài hiện diện là thời gian của niềm vui. Vì vậy, thời gian của người tín hữu sẽ trở thành u buồn nếu vắng bóng Người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời con được dệt thành từ bao nhiêu biến cố. Mỗi sự việc xảy ra tạo nên những tâm trạng khác nhau. Có lúc con cảm thấy thật dễ chịu sung sướng vì cuộc đời hợp ý con. Nhưng rất nhiều khi con chán nản, thời gian sao nặng nề căng thẳng quá.

Tuy nhiên, lạy Chúa Giêsu, khi con sống trong tình yêu Chúa, thì thời gian con sống trở thành nhẹ nhàng hạnh phúc. Vì lúc ấy con sống trong tình mến Chúa, và lòng yêu mến ấy sẽ hóa giải tất cả. Bất cứ lúc nào Chúa cũng vẫn hiện diện trong cuộc đời con, nhưng nhiều lúc con đã khước từ lời mời gọi yêu thương của Chúa để đi theo những mời mọc của ma quỷ và thế gian. Lúc đó, cuộc sống của con vắng bóng Chúa và mất đi niềm vui hạnh phúc. Cuộc đời trở nên vô nghĩa.

Ngày xưa, Chúa đã trở thành niềm vui và sự nâng đỡ ủi an cho các môn đệ. Vì thế, khi vắng bóng Chúa, các ông đã buông xuôi thất vọng. Hôm nay, Chúa đã phục sinh và vẫn hiện diện trong cuộc đời con, giúp con biết luôn tìm sống theo thánh ý của Chúa, như một niềm vui tràn đầy trong tâm hồn. Và mặc dù bề ngoài con thiếu thốn hoặc mất mát tất cả, nhưng tâm hồn con vẫn có Chúa hiện diện, thì con tin rằng con vẫn còn tất cả, cuộc đời vẫn reo vui phấn khởi và tràn đầy ý nghĩa. Amen.

Ghi nhớ : “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Đề tài giáo lý thứ 14: Về những buồn vui của đời Kitô hữu:

Chúa Giêsu nói tới lúc Ngài ra đi: “Một ít nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa chúng con sẽ thấy Thầy”

Ngài cũng nói tâm trạng các môn đệ sau khi Ngài ra đi: “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. “Chúng con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn chúng con sẽ biến thành niềm vui”: Chỉ khi nào ở trên trời thì chúng ta mới có thể hoàn toàn vui thôi, còn bao lâu còn ở trần gian thì vui buồn lẫn lộn. Và những vui buồn ở đời nay có những tính chất khác nhau và những hậu quả khác nhau.

– có nhiều cái vui không trọn vẹn, như lời một bản thánh ca lấy ý từ sách Giảng viên: “Hoa nào không phai tàn, trăng nào không khuyết, ngày nào mà không có đêm, yến tiệc nào không có lúc tàn ?”

– có những niềm vui chẳng mấy chốc lại biến thành nỗi buồn. Đó là những thứ vui tội lỗi. Thí dụ cái vui của thằng con hoang đàng trong sách Tin Mừng: Khi nó đang ngụp lặn trong những cuộc trụy lạc thì nó vui, khi nó còn tiền thì nó vui, nhưng sau khi cuộc trụy lạc đã tàn và khi tiền hết, nó rơi vào một sự trống rỗng, một nỗi buồn mênh mông.

– có những cái buồn cứ càng ngày càng buồn thêm, không dứt. Đó là cái buồn do hậu quả của một việc làm sai quấy. Thí dụ như cái buồn của Giuđa vì đã phản bội, đã bán đứng Thầy mình. Giuđa buồn đến nỗi phải đi thắt cổ chết. Hay như nỗi buồn của những người ở trong hỏa ngục: họ phải buồn muôn đời muôn kiếp vì họ biết rằng họ đã mất Chúa muôn kiếp muôn đời.

– Nhưng điều đáng chú ý hơn cả trong bài Tin Mừng này, là Chúa Giêsu nói đến thứ buồn sẽ biến thành niềm vui. “Ít lâu nữa chúng con sẽ không trông thấy Thầy”. Đó là cái buồn vì không được thấy Chúa. Ngày xưa các môn đệ suốt ba năm được ở gần bên Chúa, thế rồi Chúa ra đi về với Chúa Cha, các ông không thấy Chúa nữa nên các ông buồn. Còn đối với chúng ta, đó là cái buồn sám hối: khi chúng ta phạm tội mà còn biết sám hối thì chúng ta buồn bởi vì biết rằng tội làm mình mất Chúa, làm mình xa Chúa. “Nhưng rồi ít lâu nữa chúng con sẽ lại thấy Thầy… Chúng con sẽ buồn nhưng nỗi buồn của chúng con sẽ biến thành niềm vui”: Trong trường hợp các môn đệ, nỗi buồn xa Chúa đã biến thành niềm vui khi các ông gặp lại Chúa phục sinh. Còn đôùi với chúng ta, nỗi buồn sám hối sau khi chúng ta phạm tội sẽ biến thành niềm vui được tha thứ. Như phần sau của chuyện đứa con hoang đàng lúc nó trở về: cha nó vui mừng vì, như ông nói, “con ta đã mất nay lại tìm thấy, đã chết nay sống lại”; chính nó vui mừng vì được cha tha thứ, được Cha cho trở lại mái ấm gia đình, trả lại cho nó thân phận làm con, cho nó đeo nhẫn, mang giày, mặc áo tốt.

Không phải cái vui nào ta cũng nên tìm kiếm, và không phải cái buồn nào ta cũng tránh xa:

. Đối với những thứ vui chóng tàn, chúng ta đừng quá bám víu vào, để khi nó tàn thì chúng ta không bị thất vọng.

. Đối với những thứ vui mà chẳng mấy chốc sẽ biến thành nỗi buồn, ta cũng đừng nên mất công tìm kiếm.

. Có những việc làm sẽ để lại hậu quả là một nỗi buồn dai dẳng, chúng ta đừng bao giờ làm.

. Nhưng chúng ta hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn đề sám hối ăn năn, buồn để quay gót trở về với Chúa. Có thể nói đây là nỗi buồn thánh vì nỗi buồn này sẽ biến thành niềm vui.

2. “Anh em sẽ lo buồn. nhưng nỗi buồn anh em sẽ trở thành niềm vui”

Đã hơn 3 tháng rồi mà những đứa trẻ của tôi vẫn không tiếp thu gì; chúng chỉ biết được mỗi chữ “o” và chữ “e”. Nhưng làm sao trách được khi cả ngày chúng phải lao vào những đống rác để nhặt từng bao nilon, những mảnh nhựa hay chai lọ bể; chúng đâu còn giờ để nghĩ đến bài học nữa.

Tôi nản quá và muốn bỏ dạy, cứ theo đà này thì tốn mất vài ba năm chúng mới biết đọc chữ. Tôi lại phí sức đổ thời gian vào một việc mà tôi không làm được. Tôi xuôi tay, và không biết cách giải quyết.

Tôi không thể nghỉ được, những đôi mắt háo hức đang chờ đợi tôi, những bàn tay đen đứa đang níu áo tôi. Chúng thương tôi và cần nơi tôi một Tình Yêu, cái mà chúng thiếu thốn nhất.

Lạy Chúa, Giê-su Phục Sinh xin ở lại trong con để niềm vui Phục Sinh của Ngài làm động lực giúp con chu toàn nhiệm vụ của mình, hăng hái tiếp tục con đường đã chọn. (Epphata)

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào tuần thánh năm 1980, Đài Phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô nước Áo. Cô phát biểu: “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”.

Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích: “Không ai có thể nói cho tôi biết chắc một trăm phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa”.

Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi: “Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này ?”.

  Cô gái mỉm cười nói: “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi” (Trích “Món quà giáng sinh”).

Suy niệm

Trước viễn cảnh cuộc khổ nạn, Ðức Giêsu báo cho các môn đệ sự ra đi của Ngài làm cho các ông lo buồn. Sự lo buồn nơi các tông đồ thật dễ hiểu vì đây là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách người Thầy yêu mến. Các ông lo vì Người đã nói đến sự thương khó mà Ngài đã ba lần báo trước (x. Mt 16,21; 17,22-23; 20,18-19) và bây giờ là gần kề: “Một ít nữa… các con sẽ không thấy Thầy”. Vì người ta sẽ bắt Ngài, giết trên thập tự rồi chôn vùi trong mồ và các ông không thể thấy Ngài được nữa!

Vì thế Ðức Giêsu nói: “Anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Trước cái chết trên thập giá của Ðức Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì sự thất bại của Thầy, còn thế gian hân hoan vì tưởng rằng mình đã chiến thắng. Nhưng “ngày thứ ba Người sẽ sống lại” và sự chết sẽ không làm chủ được Ngài.

Cho nên, Ngài nhấn mạnh: “Rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, “một ít nữa” này rõ ràng là “ngày thứ ba”. Chiến thắng của thế gian không phải là chiến thắng cuối cùng và thất bại của Ðức Giêsu cũng không phải là thất bại sau hết. Nơi tận cùng của cái chết là bắt đầu đi vào cuộc sống và chiến thắng vĩnh cửu: Ngài toàn thắng tội lỗi, sự chết và phục sinh vinh quang.

Với sự hiện diện của Ðức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ sống niềm vui vô bờ bến: Nước mắt trở nên tiếng cười… Chỉ sau khi Chúa Phục sinh hiện ra với các ông, “các ông vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20) thì đúng như lời Chúa đã nói trước: “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn… nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui… Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,21-22). Các ông cảm nghiệm sâu xa sự sống đời đời và được hưởng sự sống đó do Đấng Phục Sinh mang lại.

Giữa những đau khổ lớn lao của cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhờ tin vào Đấng đã chết và phục sinh, sẽ tìm thấy niềm vui. Những đau khổ tham dự vào mầu nhiệm thập giá với Chúa Kitô, dẫn tới niềm vui phục sinh, niềm vui đích thực sẽ không thể mất đi và cũng không bao giờ tàn lụi: Đó chính là niềm vui vì được sống, được sống đời đời do Chúa Phục Sinh mang lai…

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,

 mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”

 (Tv 125,5).

Ý lực sống

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24b).

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan