Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Sáu tuần 17 Thường niên

Tin mừng: Mt 13, 54-58

54Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế ? 55Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao ? 56Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ? “ 57Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi”. 58Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người. Ngài đến với chúng ta trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống. Muốn nhận ra Chúa, chúng ta cần có ánh sáng của niềm tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những kẻ đồng hương đã khước từ Chúa vì họ chỉ nhìn Chúa bằng con mắt tự nhiên. Họ thiếu lòng tin. Vâng, con người tự nhiên là thế đó. Với lối nhìn hẹp hòi, con thường đánh giá người khác qua dáng vẻ bề ngoài, qua tiền bạc, nghề nghiệp, học lực… mà không nhìn thấy giá trị thật bên trong con người họ. Hoặc đối với những người thân, con thường đánh giá thấp, vì con sống theo kiểu “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Và nhiều lúc có thể con đã đánh giá chính Chúa như vậy.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt đức tin cho con để con nhận ra Chúa nơi vẻ bề ngoài khiêm tốn của bí tích Thánh Thể và của Giáo Hội. Xin Chúa mở mắt đức tin cho con, để con có thể nhìn thấy Chúa nơi những người tầm thường nhất. Cũng như những người Na-da-rét, nhiều lúc con đâu ngờ rằng “con người tầm thường” ấy lại là chính Con Thiên Chúa làm người.

Xin Chúa mở mắt đức tin cho con để con nhận biết Chúa vẫn hiện diện với con trong những bất hạnh của cuộc sống. Những khi con gặp rủi ro, những lần con thiếu may mắn, Chúa cùng chia sẻ niềm đau với con. Chính trong những hoàn cảnh éo le ấy, Chúa đến với con thật bất ngờ. Xin Chúa giúp con biết khám phá bóng dáng Chúa trong cuộc đời bình thường, biết lắng nghe tiếng Chúa trong thinh lặng, biết nhìn thấy Chúa nơi bất cứ ai và biết sống với Chúa trong cảnh đen tối nhất của cuộc đời. Amen.

Ghi nhớ: “Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư ? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy ?”

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

1. Đặt trong Sơ đồ chung của thánh Mátthêu: Với 7 dụ ngôn trong phần diễn từ (13,1-52), Mátthêu đã đặt người ta trước một sự lựa chọn dứt khoát có đáp lại lời mời Nước trời hay không. Ai đáp lại thì được kể là môn đệ của Chúa Giêsu. Dần dần những môn đệ này làm thành một cộng đoàn nhỏ, một “Giáo hội phôi thai”.

Sang phần tường thuật (13,53-16,12; từ hôm nay cho đến thứ tư tuần 18), Mátthêu cho thấy Chúa Giêsu huấn luyện từng bước trong cho cộng đoàn Giáo hội này để đưa họ đến đức tin. Radermakers đặt tên cho phần tường thuật này là “hành trình đi đến đức tin của Giáo hội”.

Thực vậy, trong phần này ta thấy rõ cuộc hành trình đi đến đức tin. Hai thuật ngữ được dùng nhiều trong phần này là: TIN và HIỂU.

2. Sau một thời gian hoạt động ở những nơi khác, Chúa Giêsu trở về quê hương Nazarét và giảng dạy trong hội đường. “Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất xứ của Ngài: Vì người ta biết quá rõ cha mẹ anh em Ngài đều là những người quê mùa cho nên người ta không tin Ngài là Đấng Messia. Do người ta không tin nên Chúa Giêsu không làm phép lạ nhiều.

Suy gẫm

1. Những người Nazarét đã ngạc nhiên và thán phục Chúa Giêsu. Họ đã tiến gần đến đức tin. Nhưng rất tiếc hành trình ấy bị chặn lại vì thành kiến. Họ nghĩ: một con người có cha mẹ và anh em là những kẻ nghèo nàn và tầm thường như thế không thể nào là Đấng Messia được.

Có những thành kiến thật vô lý, thế nhưng người ta vẫn để cho những thành kiến vô lý ấy ảnh hưởng đến mình.

Phải chăng nhiều lần tôi cũng đánh giá người khác theo những thành kiến: Anh ấy, chị ấy không thể nào khác được! Con người như thế đó mà làm được cái gì!

2. “Nào ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao ?”: Trong số các thành kiến của chúng ta, có thứ thành kiến quái dị này là “Cha nào con nấy”, cha mẹ dở thì con không thể giỏi, cha mẹ xấu thì con không thể tốt. Đành rằng di truyền cũng ảnh hưởng một phần nào đó, nhưng không phải là tầt cả. Có biết bao nhiêu tấm gương về những đứa con tài giỏi thánh thiện xuất thân từ cha mẹ tầm thường và tội lỗi.

3. Một du khách mới đi Trung Hoa về báo cáo rằng giới trí thứ Trung Hoa tuyên bố: “Không, việc truyền giáo của quý vị không hể bám rễ vào đất nước chúng tôi được đâu, vì các nhà truyền giáo của quý vị mới cầu nguyện chưa hiểu gì đã tuyên bố là đạo của chúng tôi là sai lạc”. Và một người Giáo Hội Đông Phương khác cũng nói: “Các ông muốn chúng tôi bỏ những gì mà chúng tôi tin, và chấp nhận những gì các ông tin”. Đi truyền giáo mà có định kiến thì ở nhà còn hơn.

4. “Ngài không làm nhiều phép lạ ở nơi đó, vì họ chẳng có lòng tin”: Phép lạ chỉ diễn ra vì lòng tin và với lòng tin của con người. “Nếu chúng con có đức tin chỉ bằng hạt cát, chúng con có thể bảo núi này dời xuống biển”.

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu về thăm Nazareth lần thứ hai (Mt 13,54-58)

  1. Khi xong xuôi cuộc truyền giáo ở Galilê, Chúa Giêsu trở về thăm quê hương Nazareth và đến giảng dạy trong Hội đường. ”Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất thân của Ngài: vì người ta biết quá rõ cha mẹ anh em Ngài đều là những người nghèo hèn quê mùa cho nên người ta không tin Ngài là Messia. Do người ta không tin, nên Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ.
  2. “Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm. Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào đền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.
  3. Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?” Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài (Mỗi ngày một tin vui).
  4. Qua bài tường thuật, tác giả Mátthêu muốn nêu bật cung cách và số phận của một vị tiên tri đích thực nơi Chúa Giêsu. Ý tưởng về ngược đãi và ngay cả bách hại được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái. Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống tiên tri trong Cựu ước. Được Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các tiên tri trong Cựu ước không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của một Giêrêmia. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị tiên tri này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.
  5. Tác giả của đoạn Tin mừng hôm nay đã ghi lại một chi tiết đáng chú ý: “Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ không có lòng tin”. Phép lạ chỉ diễn ra vì lòng tin của con người, hay đúng hơn, với lòng tin con người có thể nhận ra phép lạ trong mọi sự và trong từng giây phút cuộc sống. Phép lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện là đã hoá thân làm người và tự đồng hoá với mọi người nhất là với những kẻ thấp hèn bé mọn. Chỉ trong đức tin, con người mới có thể đón nhận phép lạ cả thể ấy.
  6. Truyện: Thần Vit-nu trong tất cả mọi sự

Người ta kể rằng Vit-nu là một trong những vị thần rất được những người theo Ấn giáo thờ kính, những người có niềm tin sâu sắc đều nhận ra thần Vit-nu trong tất cả mọi sự.Một tín đồ kia sống rất siêu thoát, nhưng ông ta lại bị những người khác coi như một người khờ dại. Một hôm, sau khi đi khất thực ở một làng kia, người tín đồ thánh thiện này ra trước cổng làng và ngồi bên vệ đường để ăn những thực phẩm người ta bố thí. Đang lúc ông dùng bữa thì một con chó đói ở đâu chạy tới. Người tín đồ bèn dành đồ ăn của mình cho chó ăn, không mấy chốc người và vật trở nên thân thiện với nhau. Thấy cảnh kỳ lạ, dân chúng trong làng kéo nhau đến xem.

Nhưng một người trong đám đông lên tiếng: “Có gì lạ khiến chúng ta phải mất thì giờ đến xem, người này chỉ là một tên khờ khạo, bởi vì hắn không phân biệt được người với thú vật”.

Nghe thế nhiều người phá lên cười chế giễu.

Người tín đồ thánh thiện ấy điểm tĩnh trả lời: “Tại sao các ngươi lại cười? Các ngươi không thấy rằng Vit-nu đang cho ăn và Vit-nu đang được cho ăn sao? Tại sao các ngươi lại cười, hỡi Vit-nu?”

Nếu có niềm tin thì họ nhận ra thần Vit-nu trong tất cả mọi sự. Vậy tại sao họ không nhận ra Vit-nu nơi một người mà họ cho là khờ dại này.

  1. Truyện: Xin rời bỏ Giáo hội

Một bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục và tuyên bố:

– Con đến cho Đức Cha hay con muốn rời khỏi Giáo hội. Đức Cha nghĩ sao?

Vị Giám mục xin ông cho biết lý do. Ông nói:

– Đức Cha nghĩ coi: Giáo hội có mặt trên trần gian này hơn 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không?

Vị Giám mục bình tĩnh trả lời:

– Bác sĩ nói chí lý. Nhưng bác sĩ cũng hãy nghĩ coi: nước đã xuất hiện trên mặt đất này bao nhiêu triệu năm rồi. Vậy mà sao ngày nào bác sĩ cũng như tôi cứ phải rửa tay?

Nghe thế, vị bác sĩ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo hội nữa.

Vâng! Hãy biết sống kiên trì, nhẫn nại và nhiệt thành để tâm hồn luôn được thanh thản và bình an.

Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đức Giêsu lôi cuốn kẻ khác một cách lạ lùng: Dân chúng, quên ăn, quên uống, quên công việc nhà cửa, say mê đi theo Chúa Giêsu để nghe lời Ngài giảng dạy.

Các bà mẹ ngợi khen ai đã sinh ra được một người con như thế.

Giới trẻ theo Chúa Giêsu và mong được Ngài chỉ cho con đường thăng tiến.

Các em bé ùa chạy đến với Chúa Giêsu và đòi cho được Ngài bồng ẵm và chúc lành.

Nhưng ở quê hương Ngài thì khác hẳn…

Suy niệm

Chúa Giêsu trở về Nadarét quê hương Ngài. Ngày Sabát Ngài vào hội đường, Ngài được mời lên đọc Sách Thánh và cắt nghĩa Kinh Thánh một cách rành mạch, sự khôn ngoan của Ngài làm cho mọi người phải ngạc nhiên: Bởi đâu ông Giêsu được khôn ngoan như vậy. Vì Ngài là người đồng hương với họ, cha Ngài là bác thợ mộc tầm thường và mẹ Ngài là bà nội trợ Maria như bao phụ nữ khác và Ngài đã cùng chơi, cùng học và lớn lên giữa họ. Cho nên với họ, Ngài không thể là vị ngôn sứ được, vì thế họ không tin phục Ngài.

Trước sự cố chấp, không tin vì thành kiến: Ngài cũng là người Nadarét như họ. Vì vậy, Đức Giêsu kết luận: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Chính vì thái độ cứng lòng ấy, nên ở Nadarét Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ…

Sự từ khước Chúa Giêsu ở Nadarét của những người đồng hương là hình ảnh báo trước trong lịch sử vẫn còn tồn tại trong con người mọi thời đại, mọi nơi từ khước Thiên Chúa. Con người hôm nay cứng lòng cố chấp, đang nghe, đang thấy Đức Giêsu qua Giáo hội là thân thể của Ngài, vẫn còn đó những cố chấp, cứng tin, khước từ… là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới mọi thời, mọi nơi những người cố chấp không tin vào Chúa Giêsu. Sự từ khước của con người hôm nay, làm hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến…

Ý lực sống

“Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).

Nguồn: WGPSG

 

 

Bài viết liên quan