Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Sáu tuần 2 Mùa Chay

BÀI ĐỌC I: St 37, 3-4. 12-13a. 17b-28

“Này thằng chiêm bao đến kia rồi, anh em hãy lại đây, chúng ta bắt giết nó”.

Trích sách Sáng Thế.

Israel mến thương Giuse hơn mọi đứa con khác, vì ông sinh ra Giuse trong lúc tuổi già. Ông may cho Giuse một chiếc áo nhiều mầu. Các anh của Giuse thấy cha mình thương Giuse hơn mọi đứa con, nên sinh lòng ghen ghét và không thể nói chuyện thân mật với Giuse.

Khi các anh Giuse đi chăn những đoàn chiên của cha mình tại Sikem, thì Israel nói với Giuse: “Có phải các anh con đang chăn chiên ở Sikem không ? Con hãy lại đây, cha sai con đi tìm các anh con”.

Giuse đi tìm các anh mình và gặp các anh tại Đôtain. Khi các anh thấy Giuse từ đằng xa tiến lại gần, họ liền âm mưu tìm cách giết Giuse. Họ nói với nhau rằng: “Này thằng chiêm bao đến kia rồi, anh em hãy lại đây, chúng ta bắt giết nó, ném xác nó xuống một cái giếng cạn và nói nó bị thú dữ ăn thịt, rồi xem các điềm chiêm bao của nó sẽ ra sao ?”

Ruben nghe nói thế, liền định cứu Giuse khỏi tay anh em, nên nói rằng: “Chúng ta đừng giết nó, đừng làm đổ máu, song ném nó xuống giếng nơi hoang vu này, và như thế, tay các em không phải vấy máu”. Ruben nói như thế, vì có ý muốn cứu Giuse khỏi tay các anh em, để đem Giuse về cho cha mình. Khi Giuse vừa đến gần, các anh liền cởi áo dài Giuse đang mặc, và bắt ném xuống giếng cạn.

Đang khi các ông ngồi ăn bánh, thì thấy một đoàn người Ismael từ Galaad tiến về Ai-cập, các con lạc đà của họ chở đầy hương liệu, nhựa thơm và dầu thơm. Giuđa nói với các anh em rằng: “Chúng ta giết em chúng ta và giấu máu nó đi, thì có ích lợi gì ? Tốt hơn là chúng ta đem bán nó cho người Ismael và tay chúng ta không phải vấy máu, vì Giuse là em ruột thịt chúng ta”. Các anh em nghe theo lời Giuđa, nên khi các người lái buôn từ Mađian đi ngang qua đó, các ông kéo Giuse lên khỏi giếng và đem bán cho các người Ismael với giá hai mươi đồng bạc, và họ dẫn Giuse sang Ai-cập.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 16-17. 18-19. 20-21

Đáp: Các ngươi hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm (c. 5a).

Xướng: 1) Chúa đã gọi cảnh cơ hàn về trên đất nước, và rút đi mọi sự nâng đỡ bằng cơm bánh. Ngài đã sai một người đi trước họ: Giuse đã bị bán để làm nô lệ. – Đáp.

 2) Thiên hạ đã lấy xiềng để trói chân người, và cổ người bị cột bằng xích sắt, cho tới khi ứng nghiệm lời tiên đoán của người, lời của Chúa đã biện minh cho người. – Đáp.

 3) Vua đã sai cởi trói cho người, Chúa của chư dân cũng đã giải phóng người. Vua đã tôn người làm chủ của mình, và làm chúa trên toàn diện lãnh thổ. – Đáp.

Tin Mừng: Mt 21,33-43.45-46

33 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. 34 Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. 35 Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. 36 Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. 37 Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. 38 Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Đứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. 39 Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. 40 Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào ? 41 Các ông trả lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”. 42 Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:

“‘Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta’ ? 43 Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

45 Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. 46 Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri.

“Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc;
đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta”. (Mt 21,42)

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.

1. Bài đọc Cựu Ước kể chuyện tổ phụ Giuse bị các anh ganh ghét nên bán đi cho các lái buôn. Giuse trở thành nô lệ (Phần sau của chuyện Giuse kể tiếp là sau này Giuse lên chức tể tướng nước Ai cập và đã cứu cả gia đình mình khỏi nạn đói).

2. Qua dụ ngôn những thợ vườn nho ác ôn, Chúa Giêsu nói Ngài chính là Giuse mới, bị dân mình giết chết, nhưng lại là Đấng cứu rỗi muôn dân. ”Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc”.

B- Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Lòng ganh ghét đã khiến các con Giacóp coi đứa em ruột của mình là kẻ thù. Lòng ganh ghét cũng khiến các thượng tế và kỳ lão Do Thái giết chết Đấng Messia mà toàn dân mong đợi bấy lâu nay. Dù chiếc xe đã ngã, nhưng vết xe cũ vẫn luôn có người theo. Tôi có như vậy không ?

2. Giuse đã lấy ơn để trả oán. Chúa Giêsu đã lấy cái chết để cứu chuộc cả những người hành hạ Ngài. ”Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc”. Xin Chúa giúp ta cách “báo thù” tuyệt vời ấy.

3. Một hoàng đế Trung Hoa muốn chiếm đất của kẻ thù và tiêu diệt họ. Nhưng ít lâu sau, thần dân thấy nhà vua đi lại, ăn uống với kẻ thù trước kia.

– Chẳng phải ngài đã từng nói là sẽ tiêu diệt hết kẻ thù ?

– Đúng, ta đã tiêu diệt hết kẻ thù, vì ta đã biến họ thành bạn bè của ta.

4. Cái nhìn của Chúa khác cái nhìn của loài người. Khả năng của Chúa cũng tuyệt vời hơn khả năng loài người. Viên đá mà “những người thợ xây” – tức loài người chúng ta – coi là đồ bỏ đi, thì Thiên Chúa có thể biến thành tảng đá góc tường. Thí dụ viên đá Phêrô đã 3 lấn chối Chúa, viên đá Phaolô và biến cố trên đường Đamát, viên đá Augustinô… Nhiều anh chị em tôi cũng có thể là những viên đá như thế, vậy tôi hãy khoan dung… Ngay cả tôi cũng có thể là như thế, nên tôi hãy trông cậy.

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có người chủ vườn nho “ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Anh rất quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm ?” (Is 5,4). Với sự chăm sóc ân cần cho vườn nho, anh mong những cây nho thân yêu của mình sinh ra những trái nho ngon ngọt. Đó là hình ảnh vườn nho được chăm sóc, mà ngôn sứ Isaia đã phác họa để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn”- Israel rất ân cần chu đáo.

Tuy nhiên dân Israel được chăm sóc ân cần vẫn bạc tình bạc nghĩa, như một vườn nho chỉ sinh trái dại… Ngôn sứ Isaia đã chỉ rõ ràng: “Vườn nho đó chính là nhà Israel; Cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, chính là người xứ Giuđa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5,7), Thiên Chúa thất vọng về vườn nho của mình…

Suy niệm

Với dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho”, Đức Giêsu chỉ đích danh các thượng tế và kỳ lão. Họ là những người được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăm sóc vườn nho. Nhưng thay vì mang hoa lợi về cho chủ là Thiên Chúa, họ lại muốn chiếm đoạt hoa lợi ấy cho mình. Vì thế, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến là các ngôn sứ đều bị họ giết chết. Ngay người con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu cũng bị họ đóng đinh và treo Người trên cây thập giá.

Vườn nho mà Thiên Chúa trao cho dân Israel, được trao lại cho mọi dân tộc, và từ nay Thiên Chúa chăm sóc cho tất cả mọi dân nước: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi”. Trong Tân ước, mọi người, mọi dân tộc đều được mời gọi đi làm và ở trong vườn nho (x. Mt 20,1-16a). Dân nước này sẽ được làm thành bởi mọi kẻ sẽ sinh hoa trái của nước Trời, nghĩa là những kẻ, khi tiếp nhận Người Con, sẽ tụ họp quanh Người để làm nên dân mới của Thiên Chúa (x. Rm 9,25; 1Pr 2,10).

Dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho” có tính cách lịch sử: Nghĩa là diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ, thái độ của họ với chính Chúa. Dụ ngôn cũng mang tính cách tiên tri: Nơi con người thời đại đang và sẽ đến đối xử với Thiên Chúa, và những tá điền vườn nho là hình ảnh của các giới lãnh đạo Do Thái nhưng cũng chỉ trực diện mỗi chúng ta ngày hôm nay, những người trong giao ước mới, được mời gọi đi làm vườn nho. Chúng ta là những tá điền được Chúa trao phó trách nhiệm trông coi vườn nho và làm phát sinh hoa lợi. Những gì ta đang có chính là hoa lợi từ vườn nho.

Tự tước lấy hoa trái của Thiên Chúa, muốn mình định đoạt tất cả, loại Thiên Chúa trong cuộc đời mình, chính là hình ảnh những tá điền bất lương của ngày hôm nay, con người vẫn đang đi vào vết xe đổ của lịch sử: Khi chúng ta chọn lựa cho mình một cách sống tự mình là chủ định đoạt “vườn nho” mà không cần biết Đấng làm chủ vườn nho, chúng ta muốn tước đoạt của “thừa tự” của Đấng làm Con Thiên Chúa. Chúng ta đang phác họa lại hình ảnh nguyên tổ trong Vườn Địa Đàng xưa: Muốn lấy cái “biết” của Thiên Chúa qua hành động hái và ăn trái “hiểu biết” theo ý đồ của Satan, để có vinh quang bằng Đấng Tạo Hóa. Nhưng, sự “biết” không thấy, lại bị tước đoạt Vườn Địa Đàng được trao phó. Những tá điền vườn nho cũng vậy, khi giết con thừa tự, vườn nho không những không được hưởng, mà còn bị chủ vườn nho lấy lại giao cho các tá điền khác.

Hôm nay, tôi và bạn là người tá điền làm vườn nho được Thiên Chúa ký thác. Ước chi chúng ta luôn ý thức trách nhiệm mình là tá điền chuyên chăm trong vườn nho của Chúa. Tá điền biết cộng tác xây dựng công trình vườn nho cho vinh quang Thiên Chúa…

Ý lực sống

“Hãy đi vào vườn nho của tôi… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21-23).

WGPSG

 

 

Bài viết liên quan