Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Tư tuần Bát Nhật Phục Sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 3, 1-10

“Có cái này tôi cho anh, là nhân danh Đức Giêsu, anh hãy đứng dậy mà đi”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vào giờ thứ chín, là giờ cầu nguyện, Phêrô và Gioan lên đền thờ. Lúc bấy giờ có một anh què từ lúc mới sinh, hằng ngày được người ta khiêng đến cửa đền thờ, gọi là Cửa Đẹp, để xin những người vào đền thờ bố thí cho. Khi thấy Phêrô và Gioan tiến vào đền thờ, anh liền xin bố thí. Phêrô và Gioan nhìn anh và nói: “Anh hãy nhìn chúng tôi”. Anh ngước mắt chăm chú nhìn hai ngài, mong sẽ được hai ngài cho cái gì. Nhưng Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!” Rồi Phêrô nắm tay mặt anh mà kéo dậy, tức thì mắt cá và bàn chân anh trở nên cứng cát; anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được; anh cùng hai ngài tiến vào đền thờ, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa, và dân chúng đều thấy anh đi và ngợi khen Chúa. Họ nhận ra anh chính là kẻ ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp đền thờ, nên họ bỡ ngỡ sửng sốt về việc xảy đến cho anh.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9

Đáp: Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Ngài, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Ngài, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. – Đáp.

2) Hãy tự hào vì danh thánh của Ngài, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. – Đáp.

3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. – Đáp.

4) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. – Đáp.

Tin Mừng: Lc 24,13-35

13 Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. 14 Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. 15 Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, 16 nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. 17 Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy ?” 18 Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. 19 Chúa hỏi: “Việc gì thế ?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. 20 Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. 22 Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. 23 Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. 24 Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.

25 Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! 26Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao ?” 27 Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. 28 Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. 29 Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

30 Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. 31 Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. 32 Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư ?” 33 Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. 34 Các vị đó bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. 35 Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Sau Thánh sử Matthêu và Gioan đã tường thuật bài Phúc Âm hai ngày trước, bài Phúc Âm hôm nay đến phiên thánh Thánh Luca tường thuật. Phúc Âm Luca được gọi là “Phúc Âm của người môn đệ”, nên Luca tường thuật tác động việc Chúa Giêsu chết và sống lại nơi các môn đệ.

1. Có hai môn đệ, nhưng Luca chỉ nêu tên một người là Clêôpha, người kia không tên, có lẽ Luca muốn độc giả hiểu người vô danh ấy là bất cứ môn đệ nào, độc giả có thể coi mình chính là người môn đệ ấy và chia xẻ cảm nghiệm của người môn đệ ấy.

2. Cái chết của Chúa Giêsu đã khiến người môn đệ hoang mang, bỏ cuộc hành trình theo Chúa để trở về quê.

3. Nhưng Chúa Giêsu phục sinh không bỏ họ. Ngài vẫn đồng hành với họ dù họ không nhận ra Ngài.

4. Chúa Giêsu dùng Thánh Kinh và việc “bẻ bánh” (Hy lễ Tạ ơn, Bí tích Thánh Thể) để làm sống lại niềm tin nơi họ.

Ý chính của tường thuật này: Chúa Giêsu phục sinh vẫn đang sống, Ngài ở kề bên chúng ta, Ngài vẫn đồng hành với chúng ta. Hai nơi thuận tiện nhất để ta nhận ra Ngài là Thánh Kinh và Thánh lễ.

B. Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Khi không nêu tên người môn đệ kia, Thánh Luca muốn ta hiểu rằng mỗi người chúng ta cũng có thể là người môn đệ ấy, nên cũng có thể chia xẻ cảm nghiệm của môn đệ ấy về Chúa Giêsu phục sinh: Chúa Giêsu phục sinh vẫn đang sống và đang đồng hành với chúng ta trong hành trình đời ta mặc dù con mắt xác thịt của ta không nhận ra Ngài. Những nơi ưu tiên ta có thể gặp thấy Ngài là Thánh Kinh và Thánh lễ.

2. “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Một lời rất hay, ta có thể dùng làm lời cầu nguyện mỗi khi cảm thấy cảnh đời như màn đêm tăm tối đang phủ dần xuống chúng ta.

3. Muốn đọc Thánh Kinh với một tâm hồn cháy bừng lên, ta hãy đọc với Chúa Giêsu Kitô.

Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích:

Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại tới 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó (United Presbyterian).

4. “Để làm sống lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có 3 yếu tố: Thánh Kinh, bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin… Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta cần kiểm điểm lại xem chúng ta có thái độ nào đối với Lời Chúa, chúng ta sống bí tích Thánh Thể ra sao, chúng ta hợp nhất với cộng đoàn tuyên xưng đức tin thế nào” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

5. Tôi rất quý bạn bè. Chỉ mong sao bạn được hạnh phúc: Những gì có thể làm cho bạn vui hơn được một chút, là tôi nguyện cố gắng. Nhưng trước nỗi buồn chán, thất vọng của bạn, tôi thật lúng túng, vụng về có khi cũng “xìu” luôn.

Hôm nay, Thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu Phục sinh là người bạn tuyệt vời.

Hai môn đệ trên đường Emmau cũng là những người bạn của Chúa. Họ đang chán chường, thất vọng, buông xuôi tất cả. Thế mà Chúa đã giúp họ vui mừng chỗi dậy, quay lại Giêrusalem… Thất vọng thành hy vọng tràn trề.

Chúa Giêsu đã làm gì ?

Ngài đến và cùng đi với họ. Gợi cho họ thổ lộ nỗi lòng và giải thích Kinh Thánh cho họ nghe, cảm thông, đồng bàn với họ. Chia sẻ cơm bánh với họ. Ngài đã đồng hành với ho trong vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của họ.

Lạy Chúa, xin cho con là người bạn tốt lành của anh em, bằng cách đồng hành với họ trên mọi nẻo đường cuộc sống. (Epphata)

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

          Cộng đoàn Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris trong đệ nhị thế chiến. Ban đầu quy tụ những người đầu tiên là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích, nói chung là tất cả những người thiếu thốn, khốn khó trong cuộc sống hằng ngày… Đấng sáng lập là cha Phêrô (Pierre), là một nhân vật sau này đầu thế kỷ XXI được nhân dân Pháp yêu mến nhất trong các nhân vật nổi bật của nước Pháp. Cha Phêrô thường nói với những người mới đặt chân đến cộng đoàn: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn mình trở thành hữu ích cho người khác. Đó là sự khích lệ mà cha Phêrô luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng, một cái nhìn rất nhân bản, khuyến khích mọi người bất hạnh luôn vươn lên trong cuộc sống…

Hơn cả một ý nghĩa nhân bản, khi cha Phêrô đặt tên Emmaus cho cộng đoàn, ngài và cộng đoàn nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục sinh: Nhận ra Chúa đồng hành với môn sinh trên đường Emmaus. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ trong con đường Emmaus cuộc đời. Cha Phêrô và các anh em cộng sự đã tìm gặp Đấng Phục Sinh trong lữ hành cuộc đời, như hai môn đệ trên đường Emmaus, đó là tất cả hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống, nhưng vẫn thăng tiến bước về Giêrusalem với niềm hân hoan Chúa Phục Sinh hiện diện…

Suy niệm

          Sau ngày Sabát, nghĩa là ngày thứ ba từ khi Chúa Giêsu chịu chết, hai môn đệ trong nhóm 72 của Ngài, trong tâm trạng buồn rầu chán nản vì niềm tin vào Thầy bị dập tắt, họ đã rời bỏ Giêrusalem về lại quê hương là một làng mang tên Emmaus. Bản văn Tin Mừng xác định cụ thể Emmaus là một ngôi làng cách Giêrusalem về phía tây bắc khoảng 60 dặm, dặm – đơn vị đo lường của Hy Lạp cổ (stadious – một dặm = 192m), khoảng cách đó có thể ước lượng với đơn vị đo lường hiện đại là khoảng 11,5 cây số.

Trên đường về Emmaus, Đức Giêsu Phục Sinh đã đến bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Ngài. Thấy họ buồn rầu vì cái chết gây xôn xao của Thầy mà họ tin là Đấng Mêssia, Chúa đã giải thích cho họ, dựa theo Kinh Thánh, rằng Đấng Mêssia phải chịu đau khổ và chết để đi vào vinh quang. Sau đó, theo lời nài nỉ của hai môn đệ, Ngài cùng vào nhà với các ông. Ngài ngồi vào bàn, đọc lời chúc lành trên bánh, bẻ ra và trao cho các ông. Chính lúc ấy, hai môn đệ mới nhận ra Thầy, nhưng Ngài đã biến mất, để lại cho họ sự ngỡ ngàng trước tấm bánh được bẻ ra, dấu chỉ của sự hiện diện. Lập tức hai người đã trở về Giêrusalem loan báo Chúa Phục sinh mà họ đã thấy và thuật lại tất cả điều đã xảy cho các môn đệ.

Đường Emmaus của các môn đệ tượng trưng cuộc lữ hành của chúng ta trên dương thế. Tâm trạng của các ông là hình ảnh điển hình cho những kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng đức tin của mỗi người chúng ta đối diện hằng ngày làm cho chúng ta mệt mỏi thất vọng và bào mòn niềm tin. Nhưng trên đường cuộc sống, giữa những thử thách khủng hoảng, Chúa Giêsu đến bên cạnh và giúp cho các môn đệ thanh luyện đức tin trong ý nghĩa của các Lời Kinh Thánh quy về Đấng Thiên Sai – Giêsu.

Toàn bộ diễn tiến của trình thuật lại đường Emmaus, chúng ta nhận thấy phác hoạ cuộc sống hàng ngày với trung tâm điểm là thánh lễ. Cuộc lữ hành của hai môn đệ, Chúa đến và dẫn đưa các ông vào thánh lễ trung tâm điểm của cuộc đời mà Ngài luôn hiện diện: Tin mừng Luca nhấn mạnh các ông lắng nghe Tin Mừng: “Đoạn Người bắt đầu từ Môisê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người”. Sau đó Ngài cử hành Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho hai ông” (Lc 22,19-20. Chúa Giêsu đã làm những cử chỉ như trong bữa tối cuối cùng lập ra bí tích Thánh Thể và truyền cử hành cho đến ngày tận thế chính là thánh lễ hằng ngày. Chúng ta thông hiệp vào bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Trong thánh lễ giữa cuộc đời chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô Phục sinh giữa chúng ta.

Giữa những bước đi thăng trầm của cuộc đời, chúng ta xin cùng Chúa rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chiều về, ngày sắp tàn là lúc bóng đêm buông xuống, và sự dữ cùng bóng tối hoành hành; thế lực bóng tối mà chúng con phải chiến đấu. Xin Chúa luôn ở lại với chúng con trên đường đời đầy chông gai và thử thách. Xin Chúa lưu lại với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “biết trỗi dậy” và “hồi sinh”.

Chúa Phục sinh hiện diện trên đường Emmaus, là niềm tin chúng ta cần phải bám lấy, tín thác trong hành trình của cuộc đời. Dù đang sầu khổ, thất vọng vì những mất mát ê chề trong cuộc sống. Dù đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần. Dù đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi… Bám vào Chúa đang hiện diện một cách huyền nhiệm.

Ý lực sống

“Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh” (Tv 15,11a).

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan