Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Tư Tuần Thánh

BÀI ĐỌC I: Is 50, 4-9a

“Tôi đã không che mặt tránh những người chửi mắng, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải thẹn thùng”.

(Bài ca thứ ba của người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Đấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi ?

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 68, 8-10. 21bcd-22. 31 và 33-34

Đáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, đây là lúc biểu lộ tình thương (c. 14c-b).

Xướng: 1) Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người con cùng một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con. – Đáp.

2) Con mong chờ người cảm thương, nhưng không có, mong chờ người an ủi, nhưng chẳng thấy đâu. Cơm con ăn, chúng pha mật đắng, con khát, thì chúng cho uống dấm chua. – Đáp.

3) Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Ngài bị bắt cầm tù. – Đáp.

“Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người,
nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người,
thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24)

Tin Mừng: Mt 26,14-25

14 Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế 15 và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông ?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. 16 Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

17 Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu ?” 18 Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. 19 Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.

20 Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. 21 Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. 22 Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không ?” 23 Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. 24 Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”

25 Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng ?” Chúa đáp: “Đúng như con nói”.

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Đoạn Phúc Âm hôm nay cho ta thấy tấm lòng của Chúa Giêsu trước việc Giuđa phản bội:

Ngài đau buồn: “Kẻ giơ tay cùng chấm đĩa với Thầy, đó chính là kẻ nộp Thầy”. “Cùng chấm đĩa” đó là hình ảnh của người rất thân trong gia đình. Thực ra không phải một mình Giuđa cùng chấm đĩa, mà tất cả 12 môn đệ. Nhưng bị bán đứng bởi người thân là một điều rất đau lòng.

Ngài tiếc xót: “khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn”. Các nhà chú giải bảo đừng dựa vào câu này để nói Chúa Giêsu nguyền rủa Giuđa. Thực ra Ngài đang nói theo giọng điệu của những bài ai ca. Chúa Giêsu than tiếc vì môn đệ mình đã đi vào con đường tội lỗi.

Ngài vẫn tôn trọng: vừa trả lời thẳng cho Giuđa biết hắn là kẻ phản bội, vừa kín đáo không nói lớn kẻo người khác biết lòng dạ hắn.

B- Suy gẫm (…Nẩy mầm)

1. Ta hãy suy gẫm về con đường của Giuđa: Hắn được Chúa yêu thương gọi làm môn đệ, chọn làm tông đồ; hắn còn được Chúa tín nhiệm giao giữ tiền; nhưng đồng tiền đã dần dần khống chế hắn (Xem bài Phúc Âm ngày thứ hai: “Y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những thứ người ta bỏ vào quỹ chung” – Ga 12,6); Chúa Giêsu đã nhiều lần tế nhị đánh thức lương tâm hắn, nhưng hắn cũng không hồi tâm. Cuối cùng hắn đã đi ra lao mình vào bóng đêm.

Không ai phạm tội trọng trong một sớm một chiều. Phạm tội là cả một quá trình từ nhẹ tới nặng, do để mình bị khống chế bởi những giá trị trên thế gian, do bưng tai bịt mắt trước những tiếng nhắc nhở âm thầm của Chúa.

2. Tự do là một món quà vô cùng quý giá Chúa ban cho, nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề và là một con dao hai lưỡi nguy hiểm. Xin giúp con biết sử dụng tự do.

3. Chúa rất thương Giuđa và Chúa cũng toàn năng, nhưng Chúa không thể ngăn cản Giuđa phạm tội. Bởi thế, nếu tôi chỉ cầu nguyện “Xin Chúa gìn giữ con khỏi phạm tội” thì chưa đủ. Thánh Augustinô, người được mệnh danh là “Tiến sĩ dạy về ơn sủng” đã viết “Khi tạo dựng con, Chúa không cần hỏi ý con. Khi muốn thánh hóa con, Chúa cần con góp sức của con”.

4. Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên, anh quên vặn chiếc đồng hồ trước khi đi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp:

– Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.

– Nó vô dụng là tại vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp.

Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không sử dụng đến. (Góp nhặt)

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Dân gian ai cũng biết đến tên Giuđa, người mệnh danh tiêu biểu cho những kẻ phản bội, cứ nghe nói ai là Giuđa thì sẽ hiểu ngay có ý nói đó là kẻ phản bội.

Giuđa là một trong mười hai môn đệ thân tín của Đức Giêsu, được trao trách nhiệm thủ quỹ cho nhóm Mười hai tông đồ (x. Mt 26,14-16; Mc 14,10-11; Lc 22,3-6). Giuđa phản bội Thầy mình để lấy “30 đồng bạc“ do các luật sĩ và kinh sư trả, vì giới cầm quyền Do Thái giáo muốn bắt và giết Ngài.

Giuđa đã chỉ điểm Thầy mình bằng một nụ hôn (x. Mt 26,47-49 ; Mc 14,43-45; Lc 22,47-48). Nụ hôn này cũng là tiêu biểu cho những nụ hôn giả dối, phản bội…

Suy niệm

Giuđa với những toan tính, những mưu kế phản bội Thầy. Bên cạnh, Ðức Giêsu biết sự thật phũ phàng: Người môn đệ sẽ bội phản: “Kẻ chấm cùng đĩa với Thầy sẽ nộp Thầy”(Mt 26,23). Ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41,9).

Dù bị bội phản, nhưng Ngài vẫn trong kế hoạch yêu thương: Chuẩn bị mừng lễ Vượt qua sau hết với các môn đệ thân yêu, hành vi yêu thương của Thầy vẫn đầy tràn qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể – bí tích của tình yêu để lại lương thực tình yêu cho muôn đời.

Nơi các môn đệ kẻ thì phản bội, người thì chối Thầy, kẻ bỏ Thầy trốn chạy. Còn Thầy Giêsu vẫn luôn một mực trung tín. Hình ảnh của Giuđa nhắc nhở ta đừng biến mình thành kẻ phản bội nhưng học nơi thầy Giêsu vẫn tín trung, vẫn yêu thương.

Qua mọi thời, Đức Giêsu luôn hứng chịu lấy sự bội phản của con người ở mọi thời đại, nỗi đau gây ra bởi sự phản bội của mọi thời đại, và Người chịu đựng nỗi đớn đau của lịch sử cho đến kết cục cay đắng, mầu nhiệm bội phản xuyên thời gian…

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường đánh mất chính mình để tình nguyện làm kẻ nô lệ cho tiền bạc, danh vọng…

Xin Chúa giúp chúng ta tỉnh thức trỗi dậy bằng sự trung tín và yêu thương. Chỉ khi yêu thương, chúng ta mới thực sự là môn đệ trung tín của Chúa Kitô.

Ý lực sống

“Ở đâu tội lỗi đã lan trànở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan