Bài đọc 1Hc 3,2-6.12-14

Ai kính sợ Đức Chúa thì hiếu thảo với cha mẹ.

Bài trích sách Huấn ca.

2Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái,
cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.
3Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
4ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
5Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
6Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
12Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già ;
bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.
13Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,
chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.
14Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,
và sẽ đền bù tội lỗi cho con.
 

Đáp caTv 127,1-2.3.4-5 (Đ. c.1)

Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.

1Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.2Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.

Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.

3Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái ;
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.

Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.

4Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.5Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh.

Đ.Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.

Bài đọc 2Cl 3,12-21

Đời sống gia đình theo tinh thần của Chúa.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

12 Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. 13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. 14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. 15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.

16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. 17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. 19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. 20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. 21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.

Tin mừng: Mt 2,13-15.19-23

13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”

14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.

15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, 20 báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.”

21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.

22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, 23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Với lòng thành tín của người cha nuôi, Thánh Giuse đã chẳng quản ngại trời đông giá rét, đêm tối đường xa. Người vội vã đem Hài Nhi và mẹ người trốn sang Ai Cập.

Hình ảnh người cha hiền, người chồng trung tín luôn yêu thương bảo vệ gia đình của Thánh Giuse phản ánh tính tuyệt vời của Thiên Chúa, của Ðức Giêsu đối với Giáo Hội, đối với nhân loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng hôm nay, mẫu gương của Thánh Giuse dạy cho chúng con: Tất cả vì hạnh phúc gia đình, và tuân hành ý Chúa. Xin cho các bậc gia trưởng, các vị hiền mẫu và những người con luôn chu toàn vai trò của mình. Gia đình hạnh phúc, Thiên Chúa được vinh danh, xã hội luôn an bình. Amen.

Ghi nhớ“Hãy đem Con Trẻ và mẹ Người trốn sang Ai-cập”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ:

– Bài đọc I: Ai kính sợ Chúa thì thảo kính cha mẹ.

– Đáp ca: Kẻ kính sợ Chúa thì được hưởng hạnh phúc gia đình.

– Phúc Âm: Gương Thánh Giuse gia trưởng.

– Bài đọc II: Sống hòa thuận trong gia đình.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Lễ Thánh Gia hôm nay rất có ý nghĩa đối với người Việt Nam chúng ta vốn coi trọng gia đình và các giá trị gia đình.

Lời Chúa hôm nay tuy chưa liệt kê đầy đủ mọi đức tính phải có trong cuộc sống gia đình, nhưng những đức tính được đề cập tới đều rất quan trọng.

Trong Thánh lễ đặc biệt này, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận giáo huấn của Lời Chúa, và tha thiết cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng ta xây dựng gia đình mình theo gương mẫu Thánh gia Nadarét.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta đã thiếu sót rất nhiều trong bổn phận làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con, làm anh chị em trong gia đình.

– Chúng ta đã cố gắng rất nhiều để lo cho gia đình về phương diện vật chất, nhưng chưa cố gắng đủ để lo cho gia đình về phương diện tinh thần và đạo đức.

– Gia đình chúng ta chưa là một nắm men, một hạt muối, một ngọn đèn sáng trong khu xóm.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Hc 3,2-14):

Đoạn sách Huấn Ca này đặc biệt nhấn mạnh đến bổn phận con cái phải thảo kính cha mẹ.

Nền tảng của việc thảo kính cha mẹ là chính ý muốn của Thiên Chúa: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái, quyền lợi người mẹ Ngài củng cố trên đàn con”.

Thảo kính cha mẹ sinh ra rất nhiều ơn ích:

– đền bù tội lỗi, thu được một kho tàng, làm cho cha mẹ vui, sống lâu

– khi cầu xin sẽ được Thiên Chúa nhậm lời

– sau này đến lượt mình có con cái thì sẽ được chúng hiếu thảo

2. Đáp ca (Tv 127):

Tác giả Tv 127 coi việc kính sợ Chúa là nguồn mọi hạnh phúc gia đình:

– những lao công khó nhọc sẽ sinh kết quả

– được vợ hiền con ngoan

– hạnh phúc suốt đời

3. Phúc Âm (Mt 2,13-15.19-23):

Trong bức tranh vẽ cảnh gia đình Nadarét, có hai nét đáng lưu ý hơn cả:

a/ Vai trò nổi bật của người gia trưởng: vai người mẹ Maria và người con Giêsu đều mờ nhạt để làm nổi bật hẳn lên vai người gia trưởng Giuse. Người gia trưởng này tuy âm thầm nhưng rất tận tuỵ lo lắng chăm sóc mọi người trong gia đình. à Một gia đình hợp nhất quanh người gia trưởng.

b/ Nhưng bên trên vai trò người gia trưởng, còn một vai khác quan trọng hơn, đó là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa dẫn dắt cuộc sống gia đình Nadarét qua đại diện của Ngài là gia trưởng Giuse. à Thiên Chúa là gia trưởng tối cao của gia đình.

4. Bài đọc II (Cl 3,12-21):

Thánh Phaolô liệt kê những đức tính phải có trong cuộc sống gia đình: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.

Trong các đức tính ấy, Thánh Phaolô đặc biệt lưu ý đến việc tha thứ cho nhau. Ngài kêu gọi các phần tử trong gia đình hãy tha thứ cho nhau theo gương và theo mức độ của chính Chúa Giêsu: “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau”.

Và để có thể thực hiện các đức tính ấy, phải có một nhân đức làm nền, đó là đức yêu thương.

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Câu chuyện

Một cha sở già kia có nhiều kinh nghiệm thường khuyên các đôi tân hôn như sau: “Khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã, các con hãy nói với nhau: “Để sáng mai rồi hãy gây gổ”.Sáng hôm sau các con sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gổ chút nào. Khi các con sắp có chuyện cãi vã, chúng con hãy ngậm hoài một ngụm nước lạnh cho đến khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác. Làm như thế các con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình (Trích “Phúc”).

Suy niệm

Gia đình Thánh gia Nadarét nên gương mẫu mực cho mọi gia đình trên thế gian, cho mọi nền văn hóa như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Gia đình Thánh gia Nadarét thật sự là “nguyên mẫu” cho tất cả các gia đình Kitô hữu được hiệp nhất trong Bí tích Hôn nhân. Gia đình này được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Hy lễ Tạ ơn, được mọi người thực thi ơn gọi đặc biệt và sứ vụ trở nên một tế bào sống động không chỉ cho xã hội nhưng còn của Giáo hội, đó là dấu chỉ và là phương tiện hợp nhất cho toàn nhân loại” (Bài giảng Lễ Thánh gia năm 2006).

Gia đình Giuse, Maria và Hài nhi Giêsu đối diện mọi gian nan trong cơn khốn khó sự truy bức của Hêrôđê bạo chúa. Vượt mọi sóng gió, Thánh gia trọn vẹn trở về Nadarét.Trước những hiểm nguy đe doạ tính mạng Hài nhi Giêsu, thánh Giuse và Đức Maria đã lập tức đưa Con lên đường rời khỏi quê hương yêu dấu, đến tị nạn nơi vùng đất Ai Cập, nơi đôi vợ chồng trẻ này gian nan vất vả cùng bao nỗi lo lắng đầy nơi tâm hồn, nhưng Giuse và Maria luôn đi trong thánh ý Thiên Chúa như thuở ban đầu Giuse đã tuân hành khi đón Maria về nhà mình (x. Mt 1,18-25). Còn Đức Maria vẫn giữ vững niềm tin với trọn xác hồn, suy niệm mọi biến cố đã xảy ra như một lòng xác tín vào Thiên Chúa như ngài đã đáp với sứ thần Gabriel: Xin vâng (x. Lc 1,26-38).

Tin Mừng hôm nay, đưa chúng ta cảm nghiệm sự thật trọng tâm của gia đình chính là “Hài nhi”- trung tâm cho mọi quyết định, mọi lựa chọn, mọi hành vi của gia đình. Vì Hài nhi Giêsu, Giuse và Maria cất bước lánh nạn sang Ai Cập. Hình ảnh đó mời gọi mỗi thành viên gia đình từ bỏ mọi quyền lợi bản thân để bao bọc con trẻ.Chính “Hài Nhi” khi được đón nhận với tình yêu thương quảng đại đã làm triển nở cách hài hòa và bền vững mái ấm gia đình. Sự từ bỏ lớn nhất đó, là hòa mình vào tình yêu cho nhau. Vợ hòa chồng thuận thương yêu nhau làm cho gia đình hạnh phúc, môi trường gieo giống tình thương cho con cái và gặt hái trên nhân cách của chúng:Vợ chồng là nghĩa tào khang

Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui

Sinh con mới ra thân người

Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

Lời dạy của thánh Phaolô: “Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3,19). Ngài khuyên các thành viên trong gia đình: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại… chịu đựng và tha thứ… và trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).

Ngày hôm nay, hơn lúc nào hết, gia đình đang bị đe dọa từ nhiều phía: những trào lưu xã hội đề cao sự tuyệt đối cá nhân đe dọa hạnh phúc gia đình, những khó khăn xuất phát từ nội tại khác biệt của mỗi thành viên làm cho gia đình thiếu hiệp nhất. Tất cả như đang họa lên hình ảnh gia đình Thánh Gia đang cơn bách hại giữa đời sống thường ngày.

Sự bền vững không chỉ nhờ sự nỗ lực của con người mà còn trong sự thánh hóa của Thiên Chúa, như Maria và Giuse đã luôn bước đi trong Thiên ý. Một Thiên ý diễn tả sự kết hiệp giữa con người và Thiên Chúa, trong chính Thiên Chúa giữa các thành viên trong gia đình với nhau như lời mời gọi của Chúa Giêsu sống lưu lại trong tình yêu của Ngài và cùng chia sẻ với gia đình: “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em; hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).Bí quyết để một gia đình tràn ngập hạnh phúc là như Thầy trao cho nhau tình yêu “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Ý lực sống

“Tình yêu giữa cha và mẹ là nguồn gốc lớn lao cho cuộc sống an toàn của con cái và cũng dạy con cái về vẻ đẹp của tình yêu chung thuỷ và bền vững” (ĐGH Bênêđictô XVI).

Nguồn: WGPSG

Bài viết liên quan