Hồn ma có thật hay không?
Sau Đệ nhị Thế chiến, Winston Churchill nói ông đã có một trải nghiệm kỳ lạ trong chuyến thăm Nhà Trắng.
Sau khi ngâm mình trong bồn tắm, hút xì gà và nhâm nhi một ly whisky Scotch, ông bước qua căn phòng ngủ kế bên.
Tại đây, ông bắt gặp hồn ma của Tổng thống Abraham Lincoln.
Không chút bối rối dù đang trần như nhộng, ông nói: “Xin chào buổi tối, Ngài Tổng thống. Có vẻ như ngài đã bắt gặp tôi vào một thời điểm không thuận tiện”.
Linh hồn này đã mỉm cười và biến mất.
Câu chuyện trên đưa Churchill vào danh sách những người tin vào hiện tượng siêu nhiên.
Alan Turing, một nhà khoa học máy tính người Anh, tin vào ngoại cảm, trong lúc nhà viết truyện trinh thám Arthur Conan Doyle từng đối thoại với ma.
Cả ba người đàn ông này đều là những người sắc sảo, thông minh, tuy nhiên họ vẫn tin vào điều tưởng như không có thật.
Thế nhưng họ không phải là thiểu số: Các khảo sát gần đây cho thấy 3/4 người Mỹ tin vào hiện tượng siêu nhiên và gần 1/5 nói họ từng nhìn thấy ma.
Nhiều nhà tâm lý học đã bị lôi cuốn trước sự mê tín này và tìm cách lý giải chúng.
Một số hiện tượng siêu nhiên bắt nguồn từ các khuyết điểm trong não.
Nhiều người nói họ đã nhìn thấy các vật thể vô hình di chuyển trong không trung. Tuy nhiên qua xét nghiệm, những người này đều bị tổn thương vùng xử lý hình ảnh trong não.
Một số dạng của bệnh động kinh có thể khiến người ta có cảm giác như ai đó đang bám theo mình trong bóng tối.
Trong vài trường hợp khác, những ảo giác về hình ảnh có thể đánh lừa não bộ và tạo hiện tượng siêu nhiên.
Ví dụ như một bác sỹ trẻ người Ý thuật lại khi thức dậy vào buổi sáng, ông nhìn vào gương và chợt thấy một ông già đang nhìn lại mình.
Qua nghiên cứu, vị bác sỹ này nhận ra ảo giác này là điều thường thấy khi bạn nhìn vào hình phản chiếu của mình trong môi trường không có đủ ánh sáng.
Bộ não khi đó không có đủ thông tin để khắc hoạ toàn bộ nét mặt của bạn và vì vậy, nó tìm cách tự điền các chi tiết khiếm khuyết, dù những chi tiết này không đúng với thực tế.
Như vậy, khi sự mệt mỏi kết hợp với những yếu tố như chất kích thích, chất cồn hay ánh sáng có thể dẫn đến những hiện tượng siêu nhiên như trong trường hợp của Churchill.
Tấm khiên bảo vệ
Các nhà tâm lý học từ lâu đã nghi rằng niềm tin vào hiện tượng siêu nhiên được sử dụng như là tấm khiên bảo vệ con người khỏi sự thật nghiệt ngã trong cuộc sống.
Khi những điều bất hạnh xảy ra, như chết chóc, thiên tai hay thất nghiệp, não bộ chúng ta thường lùng sục khắp nơi để tìm kiếm câu trả lời.
“Nếu điều đó không tìm đến chúng ta, thì chúng ta cũng tự tìm đến nó bằng cách nối những kết cấu quanh mình, cho dù chúng không tồn tại”, Jennifer Whitson, từ Đại hoc Texas, nói.
Thuyết nhân dạng cũng là một trong những cách mà não bộ của chúng ta xử lý một sự kiện, Adam Waytz, từ Đại học Northwwestern ở Illinois, nói.
Ví dụ như khi chúng ta nghĩ rằng một thần linh nào đó đang gây ra bão tố, hoặc bệnh dịch, thay vì thừa nhận rằng chúng ta không thể kiểm soát điều đó. Hoặc khi một nhánh cây đập vào cửa sổ, bạn nghĩ rằng một linh hồn nào đó đang gọi mình.
“Chúng ta tin vào ma quỷ, vì chúng ta không muốn nghĩ rằng vũ trụ là sự kết hợp của những điều ngẫu nhiên”, Waytz nói.
Điều này càng trở nên phổ biến hơn khi chúng ta cảm thấy không thể kiểm soát cuộc đời mình.
Nhưng khuôn mặt ẩn náu
Nhà nghiên cứu Tapani Riekki, từ Đại học Helsinki ở Phần Lan, gần đã thực hiện một số thử nghiệm, trong đó yêu cầu người tình nguyện xem các hình ảnh động, trong lúc dùng máy quét theo dõi hoạt động trong não của họ.
Ông phát hiện ra những người tin vào hiện tượng siêu nhiên thường cho rằng có một mục đích và ý nghĩa nào đó đằng sau chuyển động của các vật thể.
Điều này thể hiện qua sự hoạt động mạnh mẽ hơn trong vùng của não bộ chịu trách nhiệm đặt giả thiết và lý giải các sự kiện xung quanh.
Ông Riekki cũng nhận thấy những người tin vào hiện tương siêu nhiên thường nhìn thấy những khuôn mặt ẩn đằng sau những bức ảnh bình thường.
Bên cạnh đó, Riekki còn chỉ ra rằng những người mê tín thường khó gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực hơn những người khác.
Một nghiên cứu khác thì nói họ thường tự tin vào quyết định của mình, dù chúng dựa trên những thông tin mơ hồ.
Nghiên cứu của Whitson cho thấy rất dễ để tin vào những hiện tượng kỳ lạ khi chúng ta cảm thấy lạc lõng.
Tuy nhiên một nghiên cứu gần đây của bà chỉ ra rằng ngay cả khi một hy vọng tích cực nào đó cũng có thể hướng con người đến niềm tin vào những điều siêu nhiên.
Bà cho rằng hy vọng đôi lúc cũng chỉ là điều không chắc chắn và nó khiến bạn đặt nghi vấn về tương lai. Trong khi đó, những cảm xúc như giận dữ lại khiến bạn chắc chắn về sự đúng đắn của mình.
“Rất dễ để nghĩ rằng bạn là người có đầy đủ lý trí. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng vào một lúc nào đó, chúng ta sẽ phạm phải những lỗi lầm khiến chúng ta cảm thấy như mình không hoàn toàn kiểm soát cuộc đời mình,” Whitson nói.
“Chúng ta cần sẵn sàng để xem xét mọi giả định một cách thấu đáo hơn”.
Churchill, Turing hay Conan Doyle cho chúng ta thấy rằng ngay cả những khối óc xuất chúng đôi lúc cũng tin vào những điều viển vông
(nguồn: BBC vietnam)