Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Bảy tuần 2 Mùa Chay

BÀI ĐỌC I: Mk 7, 14-15. 18-20

“Chúa ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển”.

Trích sách Tiên tri Mikha.

Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Chúa, sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, xin tỏ cho chúng con thấy những việc lạ lùng.

Có Chúa nào giống như Chúa là Đấng dẹp tan mọi bất công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa ? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa và cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

 2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.

 3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa điều oan trái chúng tôi. – Đáp.

 4) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Đáp.

Tin Mừng: Lc 15,1-3.11-32

1 Khi ấy, tất cả các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

11 Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy’. 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 ”Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’

31 Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’”.

Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng:
“Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha”… (Lc 15,18-19)

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng nhân từ thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với người tội lỗi:

1. Bài đọc 1 có câu: “Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển”.

2. Hình ảnh người Cha trong bài Tin Mừng minh hoạ rất sống động tấm lòng nhân từ bao la đến độ không thể ngờ của Thiên Chúa.

3. Bởi đó, câu xướng trước bài Tin Mừng mời gọi người tội lỗi hãy an tâm quay về với tình thương tha thứ của Chúa, vì “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”.

B- Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. Nhà truyền giáo T.R. Stevenson ở Thượng hải kể: một thương gia giầu có ở Quảng đông có hai con trai, người con lớn thường kết bè tụ đảng với bọn bất lương phá phách làng xóm. Một lần, quá túng, hắn dẫn cả một băng về cướp ngay tại nhà mình. Khi tội hắn bị lộ, người cha cho người đến nói với hắn: nếu biết đường cải tà qui chánh thì sẽ được tha. Người nhắn còn bảo đây là lần gia ân cuối cùng của ông chủ. Hắn chầm chậm đứng lên và quay về nhà cha. Một bữa tiệc đón tiếp xem ra cũng vui vẻ, nhưng trong dĩa thức ăn của hắn có bỏ thuốc độc. Hắn chết ngay đêm đó, nhưng người cha không bị ra toà vì theo luật Trung hoa, cha có quyền giết con. Từ câu chuyện này, các nhà truyền giáo thường đem đối chiếu với đoạn 15 Tin Mừng thánh Luca.

2. Dụ ngôn này giống như một bộ tranh gồm 3 bức. Bức nào cũng đáng ta chiêm ngưỡng:

– Hãy nhìn bức tranh người cha, và chiêm ngưỡng tấm lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa.

– Hãy nhìn bức tranh đứa em, để suy nghĩ về con đường hư đốn của kẻ tội lỗi và con đường trở về của kẻ sám hối.

– Hãy nhìn bức tranh người anh, để thấy cõi lòng “người công chính” có thể trở nên hẹp hòi như thế nào.

3. Một bà già thường đến gõ cửa phòng Cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, Cha xứ bảo: “Lần sau, nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất ?’, sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.

– Thưa Cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

– Thế bà có hỏi Ngài không ?

– Thưa có chứ.

Cha xứ bắt đầu hồi hộp:

– Bà hỏi thế nào ?

– Thì con hỏi y như Cha đã bảo: “Cha xứ con có tội gì nặng nhất ?”

Cha xứ càng hồi hộp thêm:

– Vậy Chúa có trả lời không ?

– Có chứ.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:

– Chúa nói sao ?

– Chúa nói: “Ta đã quên hết rồi”

Cha xứ thở phào nhẹ nhỏm (Kể theo Đức Cha Px NVT)

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Danh họa Rembrandt, người Hà Lan, vào thế kỷ thứ XVII là một thanh niên kiêu hãnh, tự hào về tài năng. Anh làm ra nhiều tiền, nhưng cũng phung phí nhiều và cuối cùng mất hết tất cả.

Tiếp theo giai đoạn thành công và giàu có ngắn ngủi ấy là một chuỗi những thất bại, tai họa và phiền muộn: Năm 1635, người con trai của ông tên là Prubertus qua đời; ba năm sau đến lượt người con gái đầu tiên của ông là Cornelia cũng ra đi, hai năm sau đó, chính người vợ của ông cũng từ giã cõi đời. Ông phải sống cảnh gà trống nuôi con với một đứa con trai là Titô vừa mới được chín tháng tuổi. Sau khi vợ chết, ông toàn gặp khổ đau và thử thách, cuộc tình bất hạnh với bà vú nuôi của Titô đã để lại cho ông thêm hai đứa con khác. Trong những năm sau đó, mặc dù các nhà sưu tầm và giới phê bình nghệ thuật nhìn nhận tài năng của ông, nhưng tiếng tăm của ông đã bắt đầu đi xuống. Ông đã nhìn lại bản thân và cuộc đời để rồi ký thác cái nhìn về cuộc sống đầy sóng gió của mình trong bức tranh nổi tiếng “Người con hoang đàng”.

Suy niệm

Dụ ngôn người con hoang đàng, hay còn gọi là dụ ngôn ba cha con vì ba nhân vật trong dụ ngôn: Cha, con cả và con thứ hoang đàng hoặc gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu làm nổi bật trái tim của người cha: Một trái tim nhân hậu, bao dung tha thứ và tràn đầy yêu thương. Đức Giêsu qua hình ảnh người cha, Ngài mạc khải Thiên Chúa – một người Cha luôn bao dung như lời tuyên bố của ngôn sứ Hôsê: “Chúa vẫn trung thành tiếp tục thương yêu người bất trung” (Hs 14,5). Người con thứ bất trung, bất hiếu lấy tài sản ra đi hoang đàng ăn chơi, bỏ cha già ở nhà, nhưng cha vẫn mong mỏi đứa con trở về.

Người em lạm dụng tình thương, tự cắt bỏ cung lòng yêu thương của cha, của gia đình ra đi hoang đàng sống theo ý mình. Khi rơi xuống tận đáy cặn bã của cuộc đời, trong sự hoang tàn không sức sống và nghèo đói, nghèo hơn cả thân nô lệ, anh trở về xin lỗi mong được nương nhờ nơi nhà cha trong thân phận người làm công, nhưng hơn cả mong đợi, từ sự sám hối, anh được sống trong cảm nghiệm lòng thương của cha.

Người con cả hờn dỗi trách cha vì đón tiếp em về trong niềm vui vô bờ với tiệc mừng và sự đối xử bao dung của cha dành cho đứa em hoang đàng. Anh tự hào về phẩm hạnh của mình, anh sống bên cha trong ân tình của cha mà vẫn không khám phá và cảm nghiệm tình yêu. Vì thế, dù sống bên cha mà sống như người nô lệ không ý thức địa vị là con. Như nhận định của thánh Ambrôisiô: Anh là “biểu tượng của những tâm hồn khi tin vào sự trung thành, yêu và dành hết với những sự việc bên ngoài nhưng xa lạ tinh thần của Thiên Chúa”. Cho nên, dù tất cả là của anh nhưng anh không cảm nghiệm được mình đang có. Thánh Gioan Kim Khẩu suy diễn lời của cha nói với anh “tất cả của cha là của con” bằng lời diễn giải: “Bầu trời là của con, đất đai là của con… Giáo hội, bàn thờ, của lễ hiến dâng, thiên thần, tông đồ, tử đạo, hiện tại, tương lai, sự phục sinh, vĩnh cửu, tất cả là của con. Cha đã không hề lấy cẩm bào của con mà mặc cho em. Cha cũng không lấy gì của con để cho em. Nhưng khi chúng ta nhìn thấy một người chết sống lại, niềm vui thật vô bờ, và người này chính là con cha”. Với người anh cả, đứa em hoang đàng – con của cha, cũng là em của anh, nhưng anh chẳng tình nghĩa gì với cậu em trai, đã không biết chia sẻ niềm vui của cha… anh dù bên cha, nhưng vẫn nhạt nhòa không có tình yêu trong tim.

Một người cắt nguồn tình yêu cha, ra đi sống hoang đàng, nay quay về. Một người sống bên cha, nhưng tinh thần lại xa cách. Anh cả cũng cần mang tinh thần quay về khám phá lại tình yêu sống bên cha… Cả hai mang hình ảnh của mỗi người chúng ta ngày hôm nay hoang tàng đời mình, hay sống thánh thiện phẩm hạnh nhưng lại khô héo tình yêu trong tâm hồn.

Cả hai người con cả và thứ đều cần trở về trong tâm tình sám hối. Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống. Trở về trọn vẹn để được sống lại trong cung lòng thương xót của Chúa như người con thứ. Trở về để khám phá và sống trọn vẹn tình yêu cha, như người anh cả cần khám phá.

Ý lực sống

“Sự hối cải là một lời cầu nguyện, những người ăn năn sám hối sẽ thấy lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ những thực tại tuyệt vời” (Thánh Gioan Kim Khẩu)

WGPSG

 

Bài viết liên quan