Kinh Truyền Tin

Đừng sợ làm chứng tá

Lễ Thăng Thiên cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, dù lên trời để ngự trong vinh quang Chúa Cha, vẫn luôn luôn ở giữa chúng ta: và từ nơi ấy phát sinh sức mạnh, niềm vui và sự kiên tâm của chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như thế trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng được truyền hình trực tiếp tại Thư Viện Dinh Tông Tòa.

Khởi đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay, chúng ta mừng trọng thể lễ Chúa Thăng Thiên. Đoạn Kinh thánh hôm nay (x. Mt 28,16-20) cho chúng ta thấy các Tông đồ tụ họp tại Galilê, “trên ngọn núi mà Chúa Giêsu đã chỉ cho họ” (c. 16). Tại đây, diễn ra cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Phục sinh với các môn đệ của Người.

Và Đức Thánh Cha chỉ ra những biến cố mà Thầy Giêsu đã thực hiện trên núi trong suốt hành trình dương thế của Người:

Trên núi, Chúa Giêsu đã công bố các mối phúc (x. Mt 5,1-12); trên núi, Chúa Giêsu đã nghỉ ngơi để cầu nguyện (x. Mt 14:23); và ở đó, Người đón tiếp đám đông dân chúng và chữa lành những người bệnh tật (x. Mt 15:29). Nhưng lần này, trên núi, không còn là Vị Tôn Sư dạy dỗ, hành động và chữa lành nữa, mà chính Người yêu cầu các môn đệ rao giảng và hành động. Người giao phó cho họ nhiệm vụ tiếp tục công việc của mình.

Ngài trao phó cho họ sứ mạng đến với muôn dân. Người nói: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em” (c. 19-20). Nội dung của sứ mạng được giao phó cho các Tông đồ là: loan truyền, rửa tội, chỉ dạy và bước đi trên con đường của Thầy Chí Thánh, nghĩa là Tin Mừng sự sống. Sứ điệp cứu độ này trước hết muốn nói đến việc làm chứng. Không làm chứng, người ta không thể loan báo được điều gì. Sứ điệp này cũng dành cho tất cả chúng ta, những môn đệ ngày nay, những người được kêu gọi giải thích về đức tin của chính mình. Đứng trước nhiệm vụ thách đố như thế, chúng ta nghĩ về những yếu đuối của chúng ta, chúng ta cảm thấy bất xứng, cũng giống như điều mà chắc chắn các Tông Đồ đã cảm thấy. Nhưng chúng ta không được nản lòng, chúng ta cần nhớ những lời thầy Giêsu nói với chúng ta trước khi Người lên trời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (c. 20).

Lời hứa này đảm bảo với chúng ta sự hiện diện liên tục và đầy an ủi của thầy Giêsu giữa chúng ta. Nhưng chúng ta nhận ra sự hiện diện này như thế nào đây? Nhờ Thánh Thần của Người, Đấng dẫn dắt Giáo hội bước đi trong lịch sử như là người bạn đồng hành của tất cả mọi người. Thần khí ấy, được gửi bởi Chúa Kitô và Chúa Cha, hoạt động để xóa bỏ tội lỗi và thánh hóa tất cả những ai hối cải, mở lòng tin tưởng vào món quà của Người. Với lời hứa ở cùng chúng ta cho đến tận thế, Chúa Giêsu bắt đầu cách hiện diện trong cách thế như là Đấng Phục sinh: một sự hiện diện được tỏ lộ trong Lời, trong các Bí tích, trong những hành động liên lỉ và bề trong của Chúa Thánh Thần. Lễ Thăng Thiên cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, dù lên trời để ngự trong vinh quang Chúa Cha, vẫn luôn luôn ở giữa chúng ta: và từ nơi ấy phát sinh sức mạnh, niềm vui và sự kiên tâm của chúng ta.

Xin Đức Trinh Nữ Maria che chở và đồng hành trên những bước đường của chúng ta. Từ nơi Mẹ, chúng ta học được sự ngọt ngào và can đảm để trở nên những nhân chứng của Chúa Kitô Phục Sinh giữa lòng thế giới.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

 

Bài viết liên quan