Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Tư tuần 9 Thường niên – ngày 03/06: Thánh Carôlô Lwanga và các bạn, tử đạo

BÀI ĐỌC I: 2 Tm 1, 1-3. 6-12

“Con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa trong con qua việc đặt tay của cha”.

Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timôthêu.

Phaolô, tông đồ của Đức Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa, thể theo lời hứa ban sự sống trong Đức Giêsu Kitô, gởi lời hỏi thăm Timôthêu, người con yêu dấu. Nguyện chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu Kitô, Chúng chúng ta, ở cùng con. Cha cảm tạ ơn Thiên Chúa, Đấng cha phụng thờ như tổ tiên cha đã làm, với một lương tâm trong sạch, ngày đêm cha luôn luôn nhớ đến con, khi cha cầu nguyện. Vì thế, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần trí nhát sợ, mà là thần trí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con, con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Đức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng. Cha đã được đặt làm kẻ rao giảng, làm tông đồ và làm thầy dạy các dân ngoại. Cũng do đó, cha phải chịu những thử thách này, nhưng cha không hổ thẹn, vì cha biết cha tin vào Đấng nào, và cha chắc chắn rằng Người có quyền phép gìn giữ kho tàng của cha cho đến ngày đó.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 122, 1-2a. 2bcd

Đáp: Lạy Chúa, con ngước mắt nhìn lên Chúa (c. 1a).

Xướng:

1) Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở cõi cao xanhKìa, như mắt những người nam tôi tớ nhìn vào tay các vị chủ ông. – Đáp.

2) Như mắt của những người tỳ nữ nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn vào Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Ngài thương xót chúng tôi. – Đáp.

Tin mừng: Mc 12,18-27

18 Khi ấy, có ít người phái Sa đốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: 19 “Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. 20 Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. 21 Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, 22 và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. 23 Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào  ? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ”.

24 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao  ? 25 Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. 26 Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp”. 27 Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc”.

  • Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Thiên Chúa dựng nên ta để sống, không những sống trong cuộc đời hiện tại, mà còn để sống mãi mãi sau khi sống lại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa Hằng Sống và là nguồn mạch sự sống. Con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban sự sống cho con. Không những con chỉ sống ngắn ngủi vài chục năm trên cõi đời này, mà con tin Chúa sẽ còn cho con được sống lại để sống mãi mãi bên Chúa.

Lạy Chúa, ai cũng muốn sống và khao khát được sống mãi. Chúng con lập gia đình là để có con cái nối dài sự sống của mình. Luật Mô-sê dạy em phải lấy vợ của anh đã chết mà không để lại con cái, cũng là để có con cái nối dài sự sống. Chúng con biết mình sẽ phải chết nhưng vẫn khao khát được kéo dài sự sống. Chúa là Thiên Chúa kẻ sống, chính Chúa đã đặt vào lòng con nỗi khao khát ấy, và chính Chúa đáp ứng nỗi khát vọng ấy bằng cách cho con sẽ được sống lại với Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, con không muốn đời con chấm dứt với cái chết, nhưng trong đời sống thường ngày, con lại thường lao mình vào cái chết. Xin Chúa giúp con giữ gìn sức khoẻ thể xác bằng cách tránh ăn uống quá độ, tránh nghiện ngập say sưa hoặc chơi bời hưởng thụ. Con cũng xin Chúa cho mỗi người biết tôn trọng sự sống của những người già cả tật nguyền, nhất là sự sống của con người đang chờ ngày sinh ra.

Và trên hết, xin Chúa cho con biết quý trọng sự sống của linh hồn bằng cách giữ mình sạch tội, tuân giữ Lời Chúa và siêng năng rước Chúa Giêsu vào lòng. Như vậy, con tin rằng con sẽ được sống đời đời bên Chúa. Amen.

Ghi nhớ : “Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống”.

  • Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

1. Những đối thủ mà hôm nay Chúa Giêsu phải gặp là những người Sa đốc, giới Tư tế. Vì họ không tin có việc kẻ chết sống lại nên đặt ra một câu chuyện (một phụ nữ lấy 7 anh em trai theo tục lệ “thế huynh”) để cho thấy sống lại là một sự lố bịch.

2. Trả lời họ Chúa Giêsu không những chứng minh có việc sống lại, mà còn cho biết cuộc sống sau khi sống lại sẽ như thế nào:

– Không giống như sống hiện tại, cho nên không cần lưu truyền nói giống và bởi thế không cần có vợ chồng.

– Cuộc sống ấy “giống như các thiên thần”: Nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài việc yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Những người phái Sa đốc tuy là Tư tế nhưng không quan tâm đến những việc đạo đức cho bằng tới những đặc quyền đặc lợi của họ. Để bảo vệ những đặt quyền đặc lợi ấy, họ sẵn sàng ủng hộ bất cứ chế độ nào đang cầm quyền, cho dù đó là chính quyền đế quốc Rôma đang xâm lược đất nước họ.

Họ không tin sự sống lại và không tin đời sau là phải, bởi vì ai càng coi trọng đời này và những giá trị đời này thì càng coi nhẹ đời sau và các giá trị đời sau. Càng thiên về xáx thịt thì càng yếu về tinh thần.

2. Cuộc sống đời này chỉ là chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, vốn là cuộc sống thật. Mà sống thật là sống “Như các thiên thần” nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài việc yêu mến và phựng thờ Thiên Chúa. Xin Chúa giúp con càng ngày càng bớt sống cho vật chất thế gian, để thêm sống vì Chúa và cho Chúa.

3. Thiên Chúa không để con người sống mãi mãi tong cuộc sống tại thế này, bởi vì còn có một cuộc sống đáng quý hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả gấp bội phần so với sự sống, sức khỏe và mọi thứ của cải trên thế gian. Sống thật tức là dệt nên cuộc sống vĩnh cửu ấy qua từng khoảng khắc trong cuộc sống tại thế.

4. “Quả vậy khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng cò lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời”. (Máccô 12,25)

Lời Chúa hôm nay như choáng ngợp lòng con.

Con cảm thấy lòng mình mở ra cho vô hạn và bước đi trên con đường thênh thang, con đường một chiều dẫn đến sự sống, sự sống tràn dầy và mãi mãi.

Từ đó, con cảm nhận rằng: con bất toàn nhưng đời đời là nhịp nối đưa con đến hoàn thiện. Những cố gắng hôn nay sẽ theo con trên con đường đến đích. Những ước mơ nhỏ bé là mầm phóng cho những dự tính lớn lao. Những gặp gỡ yêu thương sẽ có ngày tái ngộ.

Lạy Chúa, xin cho niềm hy vọng ấy chiếu sáng cuộc đời con. (Hosanna)

  • Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Có sự sống lại chăng (Mc 12,18-27)

  1. Câu trả lời của Chúa Giêsu trước vấn nạn kẻ chết sống lại của nhóm Sađốc cho thấy, cái nhìn của họ về cuộc sống đời sau còn quá hạn hẹp. Họ không hiểu ý nghĩa của sự phục sinh hàm chứa trong câu Kinh thánh: Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ, Người là Thiên Chúa của kẻ sống. Nếu tin Thiên Chúa hằng hữu, thì phải tin con người có cuộc sống đời sau. Họ không chấp nhận sự kiện con người sẽ sống lại, vì họ không chịu tìm hiểu Kinh thánh.
  2. Tin mừng hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên của Chúa Giêsu và nhóm Sađốc. Những người Sađốc thuộc về hàng tư tế quí tộc. Về mặt chính kiến, họ theo bọn xâm lược. Về mặt tôn giáo, họ rất bảo thủ. Đối với họ, lề luật phải tuân theo chỉ có trong năm cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh thánh. Họ phi bác mọi giáo thuyết xuất hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí giả giảng dạy, chẳng hạn việc kẻ chết sống lại. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên, khi họ tấn công Chúa Giêsu về vấn đề này.
  3. Nhóm Sađốc đã tranh luận với Chúa Giêsu về sự sống lại. Để chế nhạo sự sống lại, nhóm Sađốc bịa ra câu chuyện tưởng tượng là có 7 anh em trai, người thứ nhất kết bạn, nhưng chết mà không trối hậu, người thứ hai lấy người góa phụ đó, rồi cũng chết không con, người thứ ba cũng vậy. Cả 7 người lấy người vợ góa đó đều chết cả và đều không có con, thế thì ngày sống lại, người góa phụ đó sẽ là vợ của ai?

          Đáp lại, Chúa Giêsu đã mạc khải một chân lý tràn trề hy vọng: Sau cuộc sống trần gian chóng qua này con người sẽ được phục sinh, được biến đổi thành như các thiên thần và vẫn tiếp tục sống. Đó là nền tảng của giá trị con người. Giá trị ấy được Chúa Giêsu nêu bật khi nói: “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống”.

          Thiên Chúa muốn con người được sống và sống dồi dào, tức là được tham dự sự sống vĩnh cửu của Ngài. Sự sống ấy chính là lời đáp cho những khắc khoải, khát vọng không ngừng của con người. Chính vì thế mà sự sống lại trong ngày sau hết phải là sức đẩy của đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo.

  1. Cuộc sống đời này chỉ là chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, vốn là cuộc sống thật. Mà sống thật là sống “như các thiên thần”, nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa không để cho con người sống mãi trong cuộc sống tại thế này, bởi vì còn có một cuộc sống đáng quí hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả gấp bội phần so với sự sống, sức khỏe và mọi thứ của cải trên thế gian. Sống thật chính là dệt nên cuộc sống vĩnh cửu ấy qua từng khoảnh khắc trong cuộc sống tại thế.
  2. Kiểu nói “giống như các thiên thần” có ý khẳng định rằng: việc kẻ chết sống lại không phải là trở lại đời sống trần thế, nhưng là một sự tái tạo dựng, không thể tưởng tượng được, một biến đổi tận căn của hữu thể nhân linh. Giáo huấn này dạy về tình trạng của những kẻ sống lại được kết thúc bằng sự khẳng định: “Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,36), điều này làm cho họ sinh ra trong tình trạng thiên quốc, là tình trạng của các thiên thần (St 6,2).
  3. Truyện: Suy nghĩ của một bào thai

          Một bác sĩ sản khoa nọ đã viết nên một câu chuyện rất hay. Chuyện kể rằng: một lần nọ, bác sĩ ấy đã thử nói chuyện với một bào thai. Bác sĩ nói:

          – Bào thai ơi, thời gian trong bụng mẹ chỉ là giai đoạn sửa soạn, cuộc đời thực sự sẽ đến sau này trên trần thế. Đó là một cuộc đời mà ngươi chưa biết và không thể tưởng tượng ra được.

          Nghe vậy, bào thai phản ứng:

          – Thôi ông đừng có nói chuyện mê tín dị đoan. Cuộc đời trong bụng mẹ tôi là cuộc đời duy nhất mà tôi biết được lúc này, ngoài ra không còn cuộc đời nào khác. Một cuộc sống ở nơi nào khác chỉ là điều bịa đặt của những kẻ cuồng tín.

          Nhưng, suy nghĩ một hồi, bào thai tự thắc mắc:

          – À, nhưng mà tôi sẽ có mắt ở trên mặt. Để làm chi nhỉ? Ở đây đâu có gì để nhìn? Tôi sẽ có chân, nhưng tôi không có đủ chỗ để duỗi người ra, vậy có chân để làm gì đây? Và tại sao tôi lại phải có tay? Có tay để cứ khoanh mãi như thế này mãi ư? Tay sẽ làm phiền tôi và mẹ tôi. Sự tăng trưởng của tôi trong lòng mẹ sẽ thật vô nghĩa, nếu như sau này không có một cuộc đời với ánh sáng, màu sắc và nhiều điều khác nữa để tôi nhìn ngắm. Không gian mà cuộc đời khác của tôi sẽ sống, chắc là vĩ đại lắm nhỉ? Chắc là tôi phải đi thật nhiều, nên tôi mới cần có đôi chân? Chắc là tôi phải làm việc nhiều và chiến đấu cam go lắm, nên tôi mới cần có đôi tay? Bác sĩ nói đúng đấy! Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi.

 Chắc chắn phải có một cuộc đời khác nữa trên trần thế ở bên ngoài bụng mẹ tôi! Vâng, chúng ta đang sống trong trần gian và niềm tin Chúa muốn dạy ta hôm nay là: Chắc chắn có một cuộc đời khác nữa sau cuộc sống trên trần thế này.

  • Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đại tá David Marcus bị chết trong trận chiến ở Israel tháng 6 năm 1948. Trong bóp (ví) của ông, người ta thấy một tấm thẻ ghi lại những lời thi vị hóa cái chết như sau:

“Tôi đang đứng trên bờ biển. Bên cạnh tôi con tàu đang trương buồm trắng phất phơ trong gió sớm hướng về đại dương. Con tàu trông thật đẹp và mạnh mẽ. Tôi đứng nhìn theo nó cho đến khi nó chỉ còn là một dải mây trắng nơi trời và nước hòa lẫn với nhau. Lúc đó có người đứng cạnh tôi thốt lên: “Kìa, con tàu biến mất rồi!” – Biến đi đâu  ? – Biến khỏi tầm mắt tôi, thế thôi! Nó vẫn là cột buồm, là vỏ tàu rộng lớn như lúc nó rời cạnh tôi và cũng vẫn đủ khả năng mang hàng hóa tươi sống đến nơi đã định. Kích thước con tàu chỉ giảm đi trong ánh nhìn của tôi chứ không phải nơi chính nó. Và ngay lúc đó tiếng người cạnh tôi vang lên: “Kìa! Nó biến mất rồi” thì lại có nhiều tiếng khác ở chân trời đằng kia vang lên đầy hoan hỉ: “Kìa! Nó đến rồi” Và đó chính là lúc chết (M. Link).

Suy niệm

Đối với Thiên Chúa mọi người đều luôn sống và sự chết trần gian chỉ là một sự chuyển tiếp… sang sự sống mới, tươi hơn, sáng hơn.

Nhóm Sađốc là những người có học thức, hầu hết là giàu có và có địa vị cao quý, nhóm này không tin có sự sống lại (x. Lc 20,27) chất vấn Chúa về sự Phục sinh. Họ trích sách Đệ Nhị Luật: “Khi anh em ở chung cùng nhau và một người của chúng chết đi mà không con, vợ của người chết sẽ không được thuộc về chồng khác ngoài nhà. Một anh em của chồng sẽ nhập phòng với nó và lấy nó làm vợ và giữ nghĩa anh em chồng với nó. Và con trai đầu lòng sinh ra sẽ lưu danh người anh em đã chết. Và như vậy tên nó sẽ không bị xoá khỏi Israel” (Đnl 25,5-6). Khi trích dẫn đoạn sách Đệ Nhị Luật trên và đã nhân số anh em ruột buộc phải lần lượt lấy người vợ goá đó, lên tới bảy người: “Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ!”. Sự việc được nêu ra có ý ép buộc Đức Giêsu phải từ chối tin vào sự sống lại mà họ đã chủ trương, để tránh tình trạng vô luân một vợ bảy chồng!.

Đức Kitô tuyên bố: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.

Nhóm Sađốc vốn là những vị học thức cao, họ dùng lý trí của mình dựa trên thực tại ở đời này để cắt nghĩa và phủ nhận sự tồn tại của Phục sinh. Họ dùng trí óc hạn hẹp mà họ vốn tự hào là trí thức, là lãnh đạo để giới hạn mầu nhiệm Phục sinh mà chính Ba Ngôi Thiên Chúa đồng tham dự để chuộc con người từ tội lỗi, từ cõi chết. Dù là những bậc uyên thâm, trí thức nhưng dựa trên sự lý luận giới hạn, họ đã đóng khuôn niềm tin trong cõi đời ngắn ngủi và không tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Thật thế, chỉ nguyên sự kiện thân xác Phục sinh của Đức Kitô đã xuyên qua ngôi nhà đóng kín cửa đến với các Tông đồ (Ga 20,19-20), cho ta thấy thực tại Phục sinh không thể giải thích được bằng cách suy luận giới hạn của con người như nhóm Sađốc lý luận. Thực tại Phục sinh thế nào được Chúa Giêsu gói gọn bằng một giải thích: “Được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,36).

Nan giải về việc sống lại được đặt ra chính lúc Chúa Giêsu đang tiến lên Giêrusalem, nơi đó Ngài sẽ đi qua cái chết, mà những người Sađốc chủ trương chết là hết. Nhưng Ngài lên Giêrusalem không phải chỉ để chết, mà để được “rước lên trời” (Lc 9,51). Trong ba lần loan báo về cuộc thương khó, hai lần Đức Giêsu nói rất rõ Người sẽ bị giết nhưng ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy (Lc 9,22) và Người sẽ sống lại (Lc 18,33). Sự Phục sinh của Ðức Giêsu là trung tâm của thông điệp Kitô giáo – không có sự kiện này thì đức tin của chúng ta trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta cũng trống rỗng (1Cr 15,13-14). Thánh Phaolô khẳng định rằng Ðức Kitô Phục sinh “mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,20).

Đặt trong mầu nhiệm Phục sinh, sự khẳng định của Chúa Giêsu về Thiên Chúa hằng sống trong hành trình tiến về Giêrusalem là giải đáp cho niềm tin sống lại. Niềm tin đó mà Đấng Hằng Sống đang bị chất vấn và bị ép công nhận quyền năng của sự chết: “chết là hết”. Chính trong lúc này, Đấng đó đang tiến về Giêrusalem để đi vào cõi chết, nhưng từ cõi chết Đấng Hằng Sống đó Phục sinh và mở đường cho tất cả nhân loại Phục sinh với Ngài như thánh Phaolô đã tuyên xưng: “Vì nếu chúng ta tin rằng Ðức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Ðức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Ðức Giêsu” (1Tx 4,14).

Ý lực sống

“Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ không chết bao giờ,
cả những ai tin vào Người Con thì được sống muôn đời” (Ga 11,25-26).

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan