Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Ba tuần 12 Thường niên

BÀI ĐỌC I:   2 V 19, 9b-11. 14-21. 31-35a. 36

“Ta sẽ che chở và cứu thành này vì danh Ta cùng vì Đavít”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong các ngày ấy, Sennakêrib, vua dân Assyria, đã phái các sứ giả đến với vua Êdêkia và dặn rằng: “Các ngươi hãy nói với Êdêkia, vua Giuđa như thế này: ‘Chớ để Thiên Chúa, mà vua tin cậy, mê hoặc vua nghĩ rằng: Thành Giêrusalem sẽ không bị lọt vào tay vua dân Assyria. Vì chưng chính đức vua đã nghe biết những gì các vua Assyria đã làm khắp mọi nơi, đã tàn phá các nơi đó thế nào. Có lẽ nào một mình vua sẽ thoát khỏi ?’“. Vua Êdêkia đã nhận và đọc thư do các sứ giả trao cho, vua lên đền thờ Chúa, trải bức thư đó ra trước mặt Chúa, và cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, Đấng ngự trên các Vệ Binh thần, chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa các vua trên mặt đất, Chúa đã dựng nên trời đất, xin lắng tai nghe; lạy Chúa, xin mở mắt nhìn xem. Chúa hãy nghe các lời vua Sennakêrib đã gửi đến, để lăng mạ Chúa hằng sống của chúng con. Lạy Chúa, quả thật các vua dân Assyria đã huỷ diệt các dân và đất đai chúng, đã vất các tượng thần của chúng vào lửa: vì các tượng thần đó không phải là Chúa, song là sản phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, nên bị họ huỷ diệt. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cứu chúng con khỏi tay vua Sennakêrib, để mọi vương quốc hoàn cầu biết rằng: chỉ có mình Chúa là Thiên Chúa”.

Vậy Isaia con trai Amos sai người đến tâu vua Êdêkia rằng: “Đây là những điều Chúa là Thiên Chúa Israel phán: Ta đã nghe các điều ngươi cầu xin Ta về Sennakêrib, vua dân Assyria. Đây là lời Thiên Chúa phán về vua ấy: Trinh nữ Sion khinh chê và cười ngạo ngươi; thiếu nữ Giêrusalem chế diễu sau lưng ngươi. Từ Giêrusalem sẽ còn lại một số người, và từ núi Sion sẽ có một số người được cứu thoát: Đó là điều mà lòng nhiệt thành của Chúa các đạo binh sẽ thực hiện. Bởi thế, Chúa phán những điều này về vua dân Assyria: Vua sẽ không vào được thành này, sẽ chẳng bắn được một mũi tên nào vào thành, chẳng dùng thuẫn mà vây hãm thành, chẳng đắp lũy quanh thành: vua tới lối nào thì sẽ về lối ấy, và sẽ không vào được thành này, đó là lời sấm của Chúa. Ta sẽ che chở và cứu thành này, vì danh Ta cùng vì Đavít tôi tớ Ta”.

Chính đêm ấy, thiên thần Chúa đến giết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Assyria. Sennakêrib, vua dân Assyria, trở về và ở lại thành Ninivê. 

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 10-11

Đáp: Thiên Chúa kiên thủ thành của Người tới muôn đời (c. 9d).

Xướng:

1) Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, là niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu. – Đáp.

2) Núi Sion là cùng kiệt Phương Bắc, là thành trì của Đức Đại Đế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Người, tự chứng tỏ Người là an toàn chiến luỹ. – Đáp.

3) Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh. – Đáp.

Tin mừng: Mt 7,6.12-14

6 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con. 12 “Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy. 13 “Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; 14 cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Điều ta muốn người khác làm cho mình thì ta hãy làm cho họ. Đó là cửa hẹp và đường chật mà ta phải đi vào để gặp được sự sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn sống hạnh phúc viên mãn vì Chúa hoàn toàn sống cho Chúa Cha và cho chúng con. Chúa Cha cũng hạnh phúc viên mãn vì hoàn toàn trao ban chính mình cho Chúa và cho chúng con. Chúa cho con hiểu rằng hạnh phúc hệ tại cuộc sống quên mình và biết sống vì người khác.

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng muốn coi mình là trung tâm, ai cũng muốn sống cho mình, ai cũng muốn người khác hy sinh cho mình, mà chẳng bao giờ muốn sống cho người khác và hy sinh cho người khác. Chính vì thế nhân loại chẳng bao giờ gặp được hạnh phúc đích thực và lâu bền.

Chúa dạy con phải biết làm cho người khác điều mà con muốn họ làm cho con. Xin Chúa giúp con đi bước trước. Xin Chúa dạy con biết yêu mến và an ủi người khác hơn là mong được họ yêu mến và an ủi, biết giúp đỡ quan tâm và tế nhị với họ hơn là được họ giúp đỡ, quan tâm. Con mong được người khác tha thứ cảm thông, thì xin Chúa giúp con biết quảng đại tha thứ và cảm thông trước. Và sau đó Chúa sẽ cho con nhận lại tất cả.

Lạy Chúa, hạnh phúc của con là làm sao cho người khác được hạnh phúc. Con sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc khi chỉ biết chờ đợi người khác hầu hạ khen tụng con, nhưng trái lại hạnh phúc sẽ bắt đầu khi con biết sống cho người khác. Điều này ngược với tính ích kỷ của con. Xin Chúa giúp con biết hy sinh đi vào cửa hẹp và con đường chật như chính Chúa đã dạy và làm gương cho con. Amen.

Ghi nhớ : Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta.

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Đoạn Phúc Âm này gồm 3 giáo huấn:

1. “Đừng lấy của Thánh mà vất cho chó, đừng vất ngọc trai trước mặt heo”. Nhóm CGKPV giải thích như sau: “Chúa muốn nói rằng không được trình bày những điều cao siêu Thánh thiện cho những kẻ không đủ khả năng tiếp thu, mục đích là tôn trọng sự linh thánh và tránh không để cho người ta xúc phạm”.

2. “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con thì chính các con hãy làm cho người ta như thế”.

3. “Các con hãy vào (Nước trời) bằng cửa hẹp”.

B. Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con thì chính các con hãy làm cho người ta như thế”. Chuyện có thật sau đây minh họa rất tốt cho lời khuyên này:

Một hôm, người phụ nữ đến thăm một người bạn và tình cờ đọc được một câu rất ngông dán trên tủ lạnh nhà người ấy: “Hãy thực thi sự tử tế một cách càn dở và những cử chỉ đẹp một cách vô nghĩa”. Bà chép câu này đem về nhà dán ở nhà mình và quyết làm theo. Chồng bà, một giáo viên, thấy câu đó cũng thích và đem chép lên bảng trong lớp học. Một học sinh cũng thấy hay nên chép về cho cha mình. Ông này là biên tập viên của một nhật báo địa phương nên ông lại đưa lên báo. Chẳng mấy chốc, câu nói như vết dầu loang đã lan rộng nhiêu nơi tại nước Mỹ và đã thúc đẩy được nhiều cử chỉ đẹp rất “vô nghĩa”. Thí dụ tại Chicago, một buổi sáng có một thiếu nữ tự động đến từng nhà của những người hàng xóm và cào tuyết trước gara đậu xe giúp họ; tại Saint Louis, một người đàn ông bình thường rất cau có nhưng một hôm ông ra đường bị một chiếc xe khác quệt trầy xe ông, ông thò đầu ra khỏi xe, mỉm cười nói “không có gì đâu”; tại San Francisco, một người đàn ông dừng xe để đóng thuế qua cầu San Francisco chẳng những cho xe mình mà còn cho cả dãy xe phía sau. (Trích “Chờ đợi Chúa”)

2. “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua lối đó. Còn cửa hẹp vào đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”. (Mt 7,13-14).

Mọi người cho rằng tôi “không bình thường” khi có ý định bỏ Thành phố lên Đà Lạt học.

Mà cũng đúng thôi, bỏ Thành phố lên “núi”, xa gia đình, không họ hàng, không bạn bè… Tôi suy nghĩ thật nhiều và cuối cùng cũng quyết định ra đi.

Cuộc sống thành thị đầy hứa hẹn, nhưng tôi muốn chọn cho mình một con đường, mà ở đó mình dễ gặp lại mình, gặp lại anh em, quê hương và đồng loại. Đó là con đường của Chúa Giêsu. Và tôi nguyện là khách lữ hành tìm theo dấu chân Người.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra rằng ở cuối con đường hẹp và chông gai này là chính Chúa dang tay đón chờ con. (Hosanna).

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Khuôn vàng thước ngọc (Mt 7,6.12-14)

  1. Chúa Giêsu đưa ra khuôn vàng thước ngọc về bổn phận của mọi người đối với tha nhân. Sự độc đáo nơi nguyên tắc của Ngài: không chỉ không làm những điều tiêu cực, mà còn phải làm những điều tích cực, điều tốt cho anh em, nghĩa là sống bác ái, cho đi với tất cả với lòng quảng đại và yêu mến.

Qua hình ảnh con đường hẹp, cửa hẹp, Chúa Giêsu dạy ta phải khước từ những quyến rũ bất chính của cuộc sống để được vào Nước trời. Muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải phấn đấu với chính mình và đi trên con đường Ngài đã đi, đó là con đường khổ giá.

  1. Chớ phạm thánh: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé anh em”. Với lời dạy này Chúa Giêsu, trước hết, được hiểu là Bí tích không thể phát bừa bãi cho kẻ không tin và không có ý ngay lành. Lời này cũng là một sự nhắc nhở cho chúng ta sự cẩn trọng đối với đồ thánh, nơi thánh và tất cả những gì liên quan tới phụng tự. Vì những gì dành cho việc phụng thờ Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh thì cần được trân trọng và gìn giữ. Đặc biệt, mọi Kitô hữu luôn ý thức mình đã được hiến thánh khi chịu các Bí tích, thì hãy luôn giữ mình trong sạch để xứng đáng là nơi thánh cho Thiên Chúa ngự, và xứng đáng đến tham dự cử hành các mầu nhiệm thánh trong đạo (Hiền Lâm).
  2. Khuôn vàng thước ngọc. Trước Chúa Giêsu, sách Tôbia cũng đã viết: “Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15). Khổng Tử cũng trả lời cho một đệ tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì con không muốn thì đừng làm cho người ta. Triết gia Aristote cũng dạy: “Đừng làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận”.

Tuy nhiên, các hiền nhân xưa chỉ nói theo mặt tiêu cực. Còn Chúa Giêsu khuyên bảo theo cách tích cực: “Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì chính các ngươi hãy làm cho họ trước”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của Kitô giáo và là “kim chỉ nam” cho những ai theo Chúa. Thật vậy, đừng làm điều ác mà thôi thì chưa đủ, nhưng chỉ khi nào mọi người bắt tay làm điều thiện, làm điều mình muốn người khác làm cho mình, lúc đó xã hội mời hy vọng tốt đẹp được (Hiền Lâm).

  1. Phải đi qua cửa hẹp. Có những con đường chẳng ai muốn đi, bởi vì nó chật hẹp, đầy chông gai. Bởi vì thường người ta muốn đi trên những con đường thênh thang, êm ái, muốn hưởng thụ một cuộc sống đầy tiện nghi, thoải mái. Biết bao nhiêu phát minh khoa học kỹ thuật đều nhằm thỏa mãn khát vọng đó. Thế mà Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta con đường hẹp, con đường ít người muốn đi: “Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 6,14).

Cửa hẹp và đường chật chẳng ai thích đi, trừ phi họ được Thiên Chúa dẫn vào. Thời Xuất hành, nếu dân Israel không trải qua cảnh cùng cực bên Ai cập, làm sao họ chịu vào sa mạc để tìm về Đất hứa? Kể cả Chúa Giêsu, Ngài cũng từng được Thần khí dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1), Ngài cũng xin Chúa Cha cất cho Ngài khỏi chén đắng (Mt 26,42) (5 phút Lời Chúa).

  1. Phải cộng tác với Chúa. Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự cố gắng nỗ lực. Cũng vậy để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực hoàn thiện bằng đời sống đạo đức càng phải trổi vượt hơn gấp bội. Thật thế, Thiên Chúa chuẩn bị cho ta ơn cứu độ, dọn sẵn cho ta Nước trời, nhưng Thiên Chúa muốn con người cộng tác để đạt cùng đích ấy, như thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên ta Ngài không cần ta, nhưng để cứu chuộc ta Ngài cần ta cộng tác”.

Dĩ nhiên để đạt tới ơn cứu độ và hưởng Nước trời không phải chỉ do sức riêng chúng ta tự nỗ lực, nhưng cần đến sự trợ giúp của Ơn Chúa (khác với tự thân nỗ lực giải thoát trong Phật giáo). Việc đi qua cửa hẹp chính là sự hy sinh mỗi ngày, vừa dành thời gian cho Chúa để được trợ lực, vừa thực hành sống đạo đức và bác ái giữa đời.

  1. Truyện: Trên bước đường chông gai

Năm 1796, chiến tranh giữa Pháp và liên minh Ý-Áo, Đại tướng Bonaparte của Pháp đã đưa quân đội đến một địa điểm, có cây cầu bắc qua trận tuyến của địch.

Khi trận chiến đã đến hồi quyết định, Bonaparte hô quân tiến qua cầu, nhưng không một ai qua! Bonaparte xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn, chân bước qua cầu, miệng hô to:

– Ai yêu tổ quốc thì theo ta.

Lịch sử kể lại rằng, lúc đó trên cầu người ta chỉ thấy có mình ông với lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của địch quân. Rất may sau đó có cậu bé 13 tuổi đánh trống thúc quân, hai tay đập mạnh vào trống, chân bước qua cầu theo đại tướng, quân sĩ thấy vậy liền tràn qua cầu. Bonaparte toàn thắng và chấm dứt chiến tranh.

8 năm sau, Bonaparte đã là hoàng đế Napoléon, trở lại chỗ cũ, có lễ nghi nghinh tiếp rất long trọng. Napoléon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện ở trong quân đoàn tại đó. Hỏi đến Vidal thì cậu đã xin nghỉ phép để về đưa đám tang mẹ. Napoléon bãi bỏ tất cả nghi lễ quân đội, đi thẳng đến làng của Vidal, theo sau đám tang đến tận huyệt, đọc bài điếu văn rồi đi bộ cùng Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoléon đáp:

– Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên con đường đau khổ, con cho ta theo con, cho có bạn!

Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có một khách bộ hành phải đi qua một cái làng để đến một nơi mà ông ta không biết đích xác còn bao xa nữa thì mới tới được. Dọc đường ông ta gặp một bác tiều phu, liền dừng lại hỏi xem khoảng bao lâu nữa thì tới nơi mình muốn tới. Bác tiều phu nhìn ông khách rồi đáp ngay: “Tôi không biết”.

Nghe thế, ông khách vội bước đi và nghĩ rằng người nhà quê đó không biết thật, chứ không phải khó tính khó nết. Nhưng khi vừa mới đi được vài bước thì bác tiều phu gọi với theo: “Này ông ơi, ông đi độ 15 phút nữa thì tới nơi đó”. Ngạc nhiên, ông khách quay trở lại hỏi bác tiều phu: “Tại sao khi nãy hỏi bác, bác trả lời không biết  ?”. Bác tiều phu thông cảm đáp: “Lúc ông hỏi tôi, ông chưa hành động nên chưa thấy bước đi của ông dài hay ngắn, mau hay chậm thì làm sao tôi có thể trả lời cho ông rõ ràng được”.

Suy niệm

Chúa Giêsu trình bày giáo huấn của Ngài với ba ý khác nhau:

“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo”… Người Do Thái coi heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại. Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh của thánh hay ngọc trai để nói về Tin Mừng nước Trời. Tin Mừng có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo từ dân ngoại. Ngay cả nơi người Do Thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (x. Mt 10,17). Sách Điđakhê vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai, nhấn mạnh thêm coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa, từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ.

Đức Giêsu đưa ra khuôn vàng thước ngọc về bổn phận của người tin vào Ngài: Luôn làm những điều tích cực, điều tốt cho anh em với tất cả lòng quảng đại và yêu mến. Cựu ước dạy: “Đừng làm cho người khác những điều chính mình không thích” (Tb 4,16). Giáo huấn của Chúa Giêsu mang tính cách tích cực hơn: “Hãy làm cho người ta trước”. Muốn người khác giúp đỡ, thì chính mình cũng phải giúp đỡ cho người khác.

Qua hình ảnh con đường hẹp, cửa hẹp. Ðức Giêsu dạy ta cần phải luôn cố gắng, phấn đấu hết sức để được vào nước Chúa. Ngài nói phải phấn đấu bước qua: “Hãy đi qua cửa hẹp”. Ngài nhấn mạnh: “Cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14). Qua cửa hẹp, phải cố gắng, phải chiến đấu không ngừng để về quê Trời. Cho nên, Tin Mừng nói đến hình ảnh: “Chỉ những ai mạnh sức mới chiếm được nước Trời” (Mt 11,12; Lc 16,16).

Xin cho chúng ta luôn gìn giữ ơn thánh được trao ban qua Lời Chúa và Thánh Thể, đó là sức mạnh để chúng ta cùng nhau đi trên con đường mà Đức Giêsu đã đi – con đường hẹp, khó đi – con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống – con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.

Ý lực sống

“Các con hãy vào qua cửa hẹp… cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp” (Mt 7,13-14)

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan