Suy Niệm Hằng Ngày

Thứ Năm tuần 15 Thường niên

BÀI ĐỌC I: Is 26, 7-9. 12. 16-19

“Hỡi những kẻ nằm trong tro bụi, hãy thức dậy và hãy nhảy mừng”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đường lối người công chính thì ngay thẳng, Chúa ban cho bằng phẳng đường nẻo của người công chính. Lạy Chúa, chúng con cậy trông Chúa trong đường xét xử của Chúa. Thánh danh và sự kính nhớ Chúa là sự ước mong của tâm hồn. Ban đêm hồn con khát khao Chúa, và sớm mai khi thức dậy, lòng trí con hướng về Chúa. Từ khi Chúa thực hiện việc xét xử ở trần gian, thì người dương thế học biết sự công chính.

Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con ơn bình an, vì mọi việc chúng con làm, đều do Chúa làm cho chúng con.

Lạy Chúa, trong cơn hoạn nạn, chúng con đã tìm kiếm Chúa, và trong khi Chúa sửa dạy, chúng con kêu van đến Chúa. Lạy Chúa, trước tôn nhan Chúa, chúng con khác nào như đàn bà mang thai sắp sinh, kêu la đau đớn. Chúng con cưu mang, chúng con đau đớn như phải sinh con.

Chúng con không mang lại sự cứu độ cho trần gian, và không còn người sinh ra trên trần gian. Người chết của Chúa sẽ được sống, các xác chết của con sẽ sống lại. Hỡi những kẻ nằm trong tro bụi, hãy thức dậy và nhảy mừng, vì sương Chúa là sương ánh sáng, và trái đất sẽ làm tái sinh u tối.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 101, 13-14ab và 15. 16-18. 19-21

Đáp: Từ trời cao xanh Chúa đã quan sát địa cầu (c. 20b).

Xướng:

1) Phần Chúa, lạy Chúa, đời đời còn mãi và danh Ngài tồn tại đời nọ tới đời kia. Xin Ngài đứng lên, thương xót Sion, nay là thời để Ngài quan tâm phù trợ. Các bầy tôi ưa thích tường hoa móng đá, và ngậm ngùi thương đống gạch tro hoang tàn. – Đáp.

2) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Ngài xuất hiện trong vinh quang xán lạn; Ngài sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. – Đáp.

3) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã ngó xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Đáp.

Tin mừng: Mt 11,28-30

28 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. 29 Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. 30 Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy mang lấy ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Người giữa cuộc sống khổ ải trần gian.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có những lúc con gặp sự chẳng lành, những lo lắng khổ đau. Có lúc người thân nhất cũng không hiểu và thông cảm với con, lòng con chán chường thất vọng. Lúc đó, Chúa nhìn thấy và mời gọi con đến nương tựa vào Chúa. Chúa đến chia sẻ cuộc sống với con, Chúa đem bình an và sự vững tin cho con giữa cảnh đời đen trắng, tối tăm. Con cảm nhận tình yêu thương Chúa muôn đời. Xin đừng để con bao giờ quên chạy đến cậy nhờ lòng yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, từ lúc mở mắt chào đời cho đến hơi thở cuối cùng, con được nhiều người nâng đỡ ủi an như cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn hữu… Nhưng sự nâng đỡ ấy còn nhiều giới hạn, và thường ngắn ngủi mau qua. Chỉ nơi Chúa con mới tìm được sức nâng đỡ lâu dài và niềm an ủi vô tận, vì tình thương Chúa vô bờ và tồn tại đến muôn đời.

Lạy Chúa, xin dạy con biết chạy đến với Chúa. Con sẽ tìm được bình an khi đến với Chúa nơi tòa Cáo giải. Con sẽ tìm thấy sức mạnh để chịu các thử thách hy sinh nhờ ơn bí tích, nhất là sức sống thần thiêng của Thánh Thể Chúa. Chúa hằng nuôi dưỡng và bổ sức con, nâng con dậy khi con xiêu té. Con nương tựa trọn vẹn vào Chúa.

Xin ban cho con hoa trái của tình yêu là sự dịu hiền, là lòng khiêm cung. Xin dạy con học nơi tình yêu Chúa lòng khiêm nhường và sự dịu ngọt; và xin Chúa giúp con hiến trọn đời mình để mang lấy ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Chúa. Amen.

Ghi nhớ : “Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống…)

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, ”gánh” chỉ luật lệ, và ”mang lấy ách là chỉ học với. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta học với Ngài và đón nhận luật của Ngài.

Học với Chúa Giêsu là học được tính hiền lành khiêm tốn.

Luật của Ngài là luật yêu thương.

Bởi thế ai mang lấy ách của Ngài và học với Ngài thì tâm hồn người đó sẽ được bình an.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. “Hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng”: Ôi một lời kêu gọi xuất phát từ một tấm lòng yêu thương bao la! Chúa rất quan tâm lo lắng khi thấy tôi đau khổ và mệt mỏi. Ngài rất muốn nâng đỡ và xoa dịu tôi nên mới lên tiếng kêu mời tôi. Lẽ ra tôi phải tìm đến Ngài trước, thế mà Ngài lại kêu mời tôi trước.

Mà sở dĩ Ngài kêu mời tôi là vì rất nhiều lần khi tôi gặp khốn khổ tôi đã không chạy đến Ngài, tôi đã chạy đến với ai khác, tôi ngã lòng không muốn cầu nguyện nữa.

2. “Ta hiền lành và khiêm tốn”: Hẳn là 2 đức tính này quý giá đặc biệt lắm nên Chúa mới mô tả mình như thế.

Tôi có hiền lành không? Tôi còn phải học gì thêm ở tính hiền lành của Chúa?

Tôi có khiêm tốn không? Tôi còn phải học gì thêm ở tính khiêm tốn của Chúa?

3. “Ách của Ta êm ái”: Điều làm cho Luật của Chúa trở nên êm ái là tình yêu. Nếu tôi không yêu Chúa thì việc tôi giữ luật sẽ trở thành nặng nề. Nếu tôi không yêu thương anh chị em thì việc tôi sống chung với họ sẽ làm cho cả tôi và họ khổ sở. Xin giúp con ngày càng yêu thương nhiều hơn.

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được: chỉ nơi Ngài con mới kín múc được niềm vui và sự an bình đích thực. (Hosanna)

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hãy đến với Chúa (Mt 11,28-30)

  1. Chúa Giêsu kêu gọi những kẻ khổ cực lầm than đến với Ngài để được nâng đỡ giúp sức. Chúa Giêsu ở giữa con người, sống kiếp con người. Ngài cảm thông với tất cả những lao đao, khốn cùng của con người. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài để được an ủi, đỡ nâng. Hãy đến với Chúa là mạch tình yêu. Tình yêu ban sức mạnh để ách trở nên êm ái và gánh được nhẹ nhàng.
  2. “Đang vất vả mang gánh nặng nề (Mt 11,28)

Gánh nặng nào đây? Đó là lề luật thời Chúa Giêsu. Do thái giáo có lề luật phải giữ chi li hơn 600 điều, mà Biệt phái đè nặng trên vai những con người đơn sơ bé nhỏ, bắt buộc họ phải tuân giữ hết điều này tới điều khác. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng”chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu kêu gọi dân theo Ngài vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabat” đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần khí.

  1. Tất cả những ai đang vất vả… hãy đến” (Mt 11,28)

Thường tình khi gặp gian nan thử thách buồn phiền, con người hay tìm giải sầu cách tự nhiên trong men rượu, cà phê, thuốc lá, hay tệ hơn nữa trong xì ke ma tuý. Có một cách thanh tao hơn để con người giải sầu là tìm đến bạn hữu chân tình để tâm sự cho vơi đi những nỗi buồn phiền.

Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu cho mọi người Kitô hữu chúng ta một phương thế siêu nhiên, để vượt qua những thử thách, buồn phiền để được an bình tươi vui trong tâm hồn, đó là đến với Chúa: “Hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

– Đến với Chúa để học cách sống của Ngài.

– Đến với Chúa để sống như Ngài giảng dạy.

– Đến với Chúa để đón nhận tình thương của Chúa: vì Chúa là nguồn an ủi.

  1. “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 11,29)

Mang lấy ách của tôi là một kiểu nói bóng các thầy Ráp-bi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy.

Trường học của Chúa Giêsu, người theo học được mời gọi sống theo gương mẫu của Ngài: hiền lành và khiêm nhường, nghĩa là bất bạo động, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới giữa mọi người, đặc biệt là những người bé mọn, bị bỏ rơi, bị khinh miệt, kỳ thị và đàn áp.

Khi biết cách sống tình yêu thương đại đồng và phát huy tình yêu thương không biên giới đó, nghĩa là không hận thù, không bạo động, con người sẽ đạt được bình an nội tâm và thể hiện nó ra trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội (Trần Hữu Thành).

  1. Vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29)

Thực ra, trước Chúa Giêsu mấy trăm năm, nhà hiền triết Lão Tử cũng đã đưa ra chủ trương: “Nhu nhược thắng cương cường”: lấy mềm dịu thắng cứng rắn (nhu thắng cương, nhược thắng cang). Đây là một chủ trương mới lạ, khó được chấp nhận, chỉ những người có tâm hồn cao thượng mới hiểu và chấp nhận được chủ trương này. Hôm nay chúng ta thấy lời khuyên của Chúa Giêsu rất gần với chủ trương của Lão Tử. Và trong thực tế, có rất nhiều người đã thực hiện lời khuyên của Chúa Giêsu. Họ đã thành công và đã để lại tấm gương sáng muôn đời cho nhiều người. Chúng ta hãy nhớ lại lời khuyên của Chúa Giêsu trong Tám mối phúc thật: “Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

  1. Truyện: Lạn Tương Như và Liêm Pha

Lạn Tương Như được phong làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị đứng dưới, nên tức giận hăm he hễ gặp mặt Tương Như là giết đi. Tương Như vì thế cứ lánh mặt mãi… Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội sai tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra. Bọn xá nhân thấy thế càng giận bèn họp nhau hỏi Tương Như:

– Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu ngài, tức coi ngài là bậc thượng phu nên mến mà theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên. Liêm Pha dọa, ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, nay lại tránh ở ngoài đường. Sao ngài lại sợ quá như vậy? Chúng tôi lấy làm xấu hổ, vậy xin đi thôi, không ở nữa.

Tương Như nói: – Các ngươi xem tướng quân có hơn được vua Tần không?

Bọn xá nhân đáp: – Không.

Tương Như nói:

– Lấy cái oai của vua Tần, thiên hạ ai dám chống, mà Tương Như này dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư? Nhưng ta nghĩ, Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì e có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thế không cùng sống. Tần nghe tin, tất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng và thù riêng là khinh vậy thôi.

Bọn xá nhân mọp lạy mà rằng:

– Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.

Liêm Pha khi nghe thuật lại việc làm của Tương Như cả thẹn mà rằng: “Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Bèn đến tạ tội với Tương Như, quì mọp mà rằng: “Tôi tính thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá”. Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau (Nguyễn Duy Cần, Cái DŨNG của thánh nhân, 1958, tr 162-163).

Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Khi Đức Giám mục Watts còn nhỏ, ngày nọ chạy sang nhà một bà già hàng xóm. Bà nhờ ngài đọc cho bà nghe một đoạn Kinh Thánh rồi nói: “Khi con lớn chút nữa, người ta sẽ bảo con rằng Thiên Chúa luôn rình xem khi nào con phạm lỗi để trừng phạt. Nhưng ta không muốn con nghĩ như thế, mà ta muốn con chăm đọc Kinh Thánh để luôn nhớ rằng Thiên Chúa luôn thương yêu con, Ngài luôn để mắt nhìn đến con”.

Suy niệm

Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta cũng đã cảm nghiệm được vất vả, mang gánh nặng, chịu gian nan thử thách, chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất, từ bản thân đến gia đình và xã hội.

Bên Chúa, con người hôm nay tìm được thấy một nơi ngơi nghỉ sau những giây phút mệt mỏi của đời sống và đặt tất cả mọi nỗi lo âu, những gánh nặng trần thế như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). “Các con hãy mang lấy ách của Ta”. Đây là kiểu nói bóng trong truyền thống Kinh Thánh nơi các thầy rabbi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (Hc 51,31; Is 55,1). Chúng ta nhìn nhận và học nơi Thầy Giêsu hiền lành và khiêm nhu, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới như Thầy đã dạy.

Con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài, họ được chính nước Trời khi giữa phong ba cuộc đời giữa những mỏi mệt của cuộc sống đó là mầu nhiệm nước Trời mà người không tin vào Chúa Giêsu không thể cảm nghiệm.

Chúng ta mang tâm tình tín thác trong cuộc sống: “Hãy trao phó mọi việc trong tay Chúa, thì bạn sẽ thành công, Ngài sắp xếp mọi sự để thực hiện ý Người (Cn 34,4).

Ý lực sống

“Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).

Nguồn: WGPSG

 

Bài viết liên quan