BÀI ĐỌC I (năm I): Ðn 7, 2-14
“Kìa có ai như con người ngự trên đám mây”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi nhìn thấy có những ngọn gió từ bốn phương trời, làm dấy động biển cả. Có bốn con thú khổng lồ khác nhau từ biển đi lên. Con thứ nhất giống như con sư tử cái, mang hai cánh chim phượng: tôi nhìn nó mãi cho đến khi hai cánh nó bị nhổ đi, nó cất lên khỏi đất và đứng thẳng hai chân như con người, nó được ban tặng quả tim loài người.
Con thú thứ hai giống như con gấu đứng một bên: trong miệng nó có ba hàng răng và người ta bảo nó rằng: “Mi hãy chỗi dậy ăn cho thật nhiều thịt”. Kế đó, tôi nhìn xem, và đây, con thú thứ ba giống như con beo, trên mình nó có bốn cánh như con chim, và nó có bốn đầu, nó được ban tặng một thứ quyền năng.
Sau đó, trong một thị kiến ban đêm, tôi thấy con thú thứ tư dữ tợn lạ lùng và mạnh mẽ: nó có nanh sắt to lớn, nó đang cắn nuốt nhai xé, và những gì còn sót lại thì nó lấy chân giày đạp; nó khác hẳn những con thú tôi đã trông thấy trước, nó có mười sừng. Tôi nhìn các sừng của nó, thì kìa một cái sừng nhỏ khác mọc lên giữa các sừng kia, ba trong số mười sừng trước bị nhổ ra trước mặt nó: trong chiếc sừng nhỏ có mắt như loài người và có miệng nói những lời trịnh trọng.
Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra. Tôi nhìn về phía có tiếng ầm ầm từ chiếc sừng ấy phát ra: Tôi thấy con thú đó bị giết, xác nó bị huỷ diệt và bị lửa đốt. Các con thú khác cũng bị tước đoạt hết quyền lực, và thời gian sinh sống của chúng đã được quy định từng thời kỳ này đến thời kỳ kia.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Ðn 3, 75. 76. 77. 78. 79. 80. 81
Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, núi non và các ngọn đồi.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, cỏ hoa mọc cõi trần ai.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, những dòng suối nước.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, biển cả với sông ngòi.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, cá voi và muôn loài lội nước.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, hết mọi giống chim trời.
Xướng: Chúc tụng Chúa đi, mọi thú rừng và gia súc, hãy ngợi khen và tán tạ Chúa muôn đời.
29 Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30 Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. 31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Các biến cố lớn nhỏ xảy ra trong thời đại là những dấu chỉ báo hiệu Chúa đang đến. Các dấu hiệu ấy chính là sứ điệp Chúa gửi đến chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng Lời Quyền Năng để sáng tạo vũ trụ. Lời Chúa có sức mạnh phi thường, là lời chân lý bền vững. Cho dù trời đất qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn tồn tại. Hằng ngày, con nghe Lời Chúa, con khám phá sứ điệp Chúa gửi đến cho con. Nhưng nói đúng hơn: chính Chúa soi sáng và giúp con nhận ra tiếng Chúa kêu mời.
Nhưng lạy Chúa, Chúa nói với con không chỉ bằng Lời Chúa trong Thánh Kinh, nhưng cụ thể hơn, Chúa còn nhắn nhủ con qua các biến cố lịch sử và qua những sự việc xảy ra trong cuộc đời của riêng con. Con đã nhận ra những lời giáo huấn trong Thánh Kinh, nhưng ít khi nhận ra dấu chỉ thời đại.
Xin Chúa giúp con biết chăm chú lắng nghe tiếng Chúa nói qua các tạo vật. Từng biến cố xảy ra là từng sứ điệp Chúa gửi đến. Xin giúp con vui lòng đón nhận Lời Chúa qua niềm vui nỗi buồn của cuộc sống, vì Lời Chúa có sức mạnh giúp con vượt qua tất cả những trở ngại ấy. Và xin Chúa giúp con nhận ra tiếng Chúa qua những lỗi lầm vấp váp, như ánh sáng soi chiếu giúp con hiểu rõ thân phận yếu đuối mỏng dòn của mình, để mỗi ngày con càng tin vào Chúa hơn.
Lạy Chúa, con tin rằng tiếng Chúa tràn ngập yêu thương. Ước gì tiếng gọi tình yêu ấy thôi thúc con thực hiện điều Chúa muốn. Và ước gì vì yêu Chúa, con biết lắng nghe tiếng Chúa qua những người đại diện Chúa ở trần gian, như những ánh sáng cho cuộc sống hôm nay. Amen.
Ghi nhớ: “Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Khi thấy Cây vả đâm chồi thì người ta biết mùa hè sắp đến; cũng thế, khi thấy “những điều đó” (các thế lực gian tà lung lay) thì hãy biết triều đại Thiên Chúa sắp đến.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. “Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng… Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông tự nghĩ: “Đây chỉ là một ảo ảnh… trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước… Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên: “Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này ?”. Nhưng người bạn lắc đầu giải thích: “Ông ta là một người phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng.”
Thảm trạng của con người thời đại: con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đây ánh sáng và mầu nhiệm… con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại.” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
2. Sự dẻo dai gan lì và lạc quan trong đời sống thiêng liêng: Giữa muôn vàn thử thách đau thương, người tín hữu không hẳn sẽ bị chết dí, nhưng có sức vươn dậy. Từ vài tín hiệu thật nhỏ nhoi, họ có khả năng nhìn ra những dấu chỉ tình thương của Chúa đang đến gần.
3. Sự nhậy bén trong đời sống thiêng liêng: Có khả năng nhìn ra những tín hiệu loan báo tin vui. Nhìn ra ngay những chồi non và những con chim én loan báo mùa xuân: bắt được tín hiệu qua một nụ cười muốn làm hoà của người anh chị em vừa mới va chạm với ta. Nhìn ra thiện chí và sự đổi mới nơi những người ta thường ác cảm.
4. “Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra thì hãy biết là triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21,30-31)
Phim truyện Tây Du Ký đã cho chúng ta thấy hình ảnh một bầy khỉ sống hạnh phúc trong động Hoa Quả. Trong lúc ăn uống no say thì có một con khỉ già ngã lăn ra chết. Cái chết của nó khiến cho bầy khỉ buồn bã và lo sợ không biết bao giờ mới đến phiên mình.
Vâng cuộc sống đầy đủ là dấu hiệu của hạnh phúc, nhưng cũng có thể là con đường dẫn đến đau thương, là mầm mống dẫn đến sa đọa.
Tề Thiên, con khỉ đầu đàn đã phải lên đường tìm thuốc trường sanh. Con người cũng đang tìm cho mình sự sống vĩnh cửu. Theo quy luật của sự sống thì tôi phải chết. Khi tôi sinh ra là dấu hiệu tôi sẽ phải chết. Theo dòng thời gian, tôi lớn lên không thể tránh khỏi những bệnh tật. Đó là những dấu hiệu cảnh giác tôi. Về già, tôi cảm thấy yếu dần. Yếu dần là dấu hiệu tôi phải chết.
Nhưng với người kitô hữu, chết không phải là hết mà là cửa ngõ của sự sống, sự sống vĩnh cửu mà những dấu hiệu kia báo trước. Vậy tôi phải sẵn sàng, phải tỉnh thức để khỏi đánh mất sự sống đời đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra những dấu hiệu của sự sống vĩnh cửu trong đời con, để đừng sống như đã chết. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Dụ ngôn cây vả (Lc 21,29-33)
- Sau khi giải thích cho các môn đệ về những điềm báo trước về việc Đền thờ và thành Giêrusalem bị sụp đổ, Đức Giêsu dùng dụ ngôn cây vả để chứng thực cho điều Ngài vừa dạy. Chúng ta biết mọi sự Chúa dựng nên đều tuân theo một quy luật tự nhiên của nó. Cũng vậy, cây vả đến mùa thì đâm bông nảy lộc, thì đồng thời cứ dấu hiệu đó, người ta biết mùa hè đã đến gần. Như vậy, khi thấy “những điều đó” (các thế lực gian tà lung lay) thì hãy biết triều đại Thiên Chúa sắp đến.
- Đức Giêsu báo trước trong ngày tận thế, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Sẽ có những điềm lạ xảy ra trên trời dưới đất làm mọi người kinh sợ. Dĩ nhiên các môn đệ muốn biết ngày nào việc ấy xảy ra, Nhưng Đức Giêsu không nói rõ mà chỉ đưa ra dụ ngôn về cây vả để báo trước ngày đó.
Những người ở ngoài Bắc chúng ta dễ hiểu điều Đức Giêsu nói đây. Cây cối cứ mùa đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Nhìn xem cây cối có thể biết thời tiết, hoặc nói đến hình thức cây cối người ta biết ở vào tháng nào, ví dụ:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
(Nguyễn Du, truyện Kiều)
Không cần phải có câu “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, ai cũng biết ngay là đã cuối mùa xuân, sắp sang hạ.
- Để diễn tả chân lý cho người nghe dễ hiểu, người ta thường dùng những ví dụ dựa vào những sự vật, biến cố, công việc trong đời sống thường nhật để giải thích. Ở đây, diễn tả biến cố Chúa đến trong ngày cánh chung, Đức Giêsu dựa vào hình ảnh cây vả cũng như cây khác, để làm nổi bật giáo huấn của Chúa về ngày cánh chung. Bên Thánh địa cứ vào tháng ba, cây vả nảy lộc bất luận trời nóng hay lạnh, hạn hán hay mưa lụt. Cứ thấy cây vả đâm chồi nảy lộc là biết gần đến mùa hè.
Cũng một cách như cây vả là điềm báo mùa hè, thì khi thấy thiên tai xảy ra cũng là điềm báo thành Giêrusalem bị sụp đổ, và do đó cũng là những điềm báo Nước Thiên Chúa đã gần đến, mà Mátthêu (24,32-35) và Marcô (13,28-31) nói về biến cố cánh chung (Lm. Trần Hữu Thành).
- Một lần nữa, Đức Giêsu khẳng định: “Còn về ngày hay giờ đó, thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Con Người đi nữa, cũng không ai biết được trừ một mình Chúa Cha mà thôi” (Mc 13,32). Đúng vậy, Đức Giêsu với tư cách là Thiên Chúa thì Ngài biết điều đó, nhưng với tư thế là con người nhân loại như chúng ta thì Ngài không biết.
Khi được hỏi bao giờ đến ngày tận thế ? Thánh Augustinô đã trả lời dứt khoát: “Việc này hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Thiên Chúa”. Nơi khác, ngài còn nói: “Đức Giêsu không cho biết ngày của ta, để ta luôn cảnh giác chờ đợi Người”.
Chúng ta không biết ngày tận cùng của thế giới, nhưng chúng ta biết chắc chắn ngày ấy phải đến. Đó không phải là tai họa trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là ngày mà Thiên Chúa dọn sẵn cho chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại.
- Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức, để đọc được ý nghĩa của từng biến cố cuộc sống. Mỗi biến cố xảy đến là một dấu chỉ mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa: mỗi biến cố xảy đến đều ẩn chứa một tiếng gọi của Ngài. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biết đón nhận ơn Chúa trong cuộc sống. Nhạy bén với những dấu chỉ hiện tại. Hướng lòng về những chuyện tương lai. Hành động đón chờ phải là hành động của kẻ đứng thẳng và ngẩng cao đầu trong tư thế tỉnh thức chờ đợi để đón nhận ơn Chúa.
- Truyện: Dấu chỉ thời đại
Một nhà thám hiểm Tây phương lạc đường giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trong cát nóng. Thỉnh thoảng ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi.
Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông ta tự nghĩ rằng: “Đây chỉ là một ảo ảnh. Trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước chân tiếp tục đi.
Không bao lâu sau đó, có hai người du mục tình cờ đi qua lối đó. Họ bắt gặp một cái xác người. Một người trong họ đã thốt lên: “Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này ?”
Nhưng người bạn lắc đầu giải thích: “Ông ta là một người Tây phương. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình, để che đậy chúng nên không nhận ra những dấu chỉ của Chúa”.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Ở Việt Nam, khi nghe tiếng chim ríu rít vang khắp thôn xóm, những cành mai thay lá đơm bông (ở miền Nam), những cây đào kết nụ mơn mởn (ở miền Bắc) như một lời hò hẹn gặp gỡ, các loại hoa ở khắp nơi trên quê hương mẹ khoe sắc như là tín hiệu báo mùa xuân đang về… Dù không cần ai nói, nhưng mỗi người chúng ta đều cảm nghiệm được xuân đang đến theo lời mời gọi của thiên nhiên, của chu kỳ xoay vần đất trời.
Suy niệm
Tất cả mọi thứ Chúa dựng nên đều tuân theo một quy luật tự nhiên. Những tín hiệu của tiết trời báo cho chúng ta những khoảng thời gian cụ thể trong một năm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Cây vả tới mùa đâm bông nảy lộc đó là dấu hiệu, biết mùa hè đã đến gần.
Sự hiện diện của Ðức Giêsu là dấu chỉ triều đại nước Thiên Chúa đã xuất hiện. Ðó là niềm vui cho những tâm hồn ngay chính. Hãy ngẩng đầu lên để đón mừng ngày vinh quang đã tới. Chúa Giêsu mượn hình ảnh cây vả và các cây khác đâm chồi nảy lộc để gói ghém niềm vui tràn trề của một mùa mới sắp đến: Thời kỳ đâm chồi nảy lộc để sinh hoa trái hầu được cứu độ trong ngày Chúa đến…
Thật thế, qua từng biến cố của cuộc đời, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa, để biết, nhận ra và thực thi ý Ngài. Nhờ đó chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đời: Sinh hoa trái. Cuộc đời mang những tín hiệu loan báo Đức Giêsu đang hiện diện.
Chính khi chúng ta nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời, chúng ta luôn hân hoan tiến bước và chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày: Như cây vả đâm chồi nảy lộc, chuẩn bị cho ngày Chúa quang lâm, ngày chúng ta hưởng nhan Chúa trên nước Trời.
Thật thế, nước Thiên Chúa đang đến gần…
Ý lực sống
“Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết,
thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống”.
(Kh 2,10c)
Nguồn: WGPSG