THÁNH MARCELLINÔ VÀ PHÊRÔ
Tử đạo
Dường như không có tài liệu lịch sử nào nói về nguồn gốc của hai thánh tử đạo Marcellinô và Phêrô cả. Lịch sử chép rất vắn tắt về đời sống hai thánh Marcellinô và Phêrô tử đạo. Các Ngài được phúc tử đạo dưới thời hoàng đế Diocletianô.
Theo truyền thuyết, Marcellinô là một linh mục chuyên lo việc dạy giáo lý và rửa tội cho tân tòng. Ngài nhiệt thành dạy đạo và đem nhiều người trở lại với Chúa, nên bị những kẻ thờ thẫn ganh ghét, tố cáo.
Còn Phêrô là một người trừ quỷ nổi tiếng ở Lamã. Thánh nhân đã cứu nhiều người khỏi ma quỷ ám hại, do đó, họ tin theo Chúa.
Nhờ được ơn trừ quỷ, thánh Phêrô được rất nhiều người mộ mến. Ngược lại cũng có nhiều người ghen tức và thù oán tìm cách giết hại. Những người phù thuỷ ghen tương vì bị mất quyền lợi. Thế là cả hai vị thánh đều bị tố giác, dưới thời hoàng đế Diocletiano bắt đạo. Tỉnh trưởng Serene ra lệnh tống giam Ngài. Bạn ông là Antêmi có đứa con gái bị qủy ám. Nghe biết Phêrô có quyền trừ quỷ, ông giới thiệu bạn mình tới ngục thất để gặp thánh nhân. Gặp ông, thánh nhân khuyên nhủ ông hãy tin vào Chúa Giêsu và thờ phượng Thiên Chúa, ông bực tức cho rằng: Chúa không cứu nổi Phêrô thì làm sao thánh nhân cứu nổi con ông được. Rồi ngay đêm ấy khi quân canh ngục còn đang thi hành nhiệm vụ thì thánh nhân đã có mặt ở nhà Antêmi. Cả gia đình Antêmi bỡ ngỡ và xin theo đạo. Paulina, con gái Antêmi được lành bệnh. Từ đó gia đình Antêmi thành nơi tụ tập của các tín hữu, Phêrô thường hay lui tới dạy đạo và rửa tội cho các tân tòng.
Tức giận, Sêrênô ra lệnh hành hạ hai thánh nhân một cách dã man rồi giam ngục tối, nền rắc đầy miểng chai, và bỏ đói các Ngài cho chết. Tuy nhiên Chúa đã giải thoát cho các Ngài trong một tuần lễ để lo cho các dự tòng được chịu phép rửa tội. Nghĩ rằng gia đình Antemi lập mưu cho cuộc vượt thoát này, Sêrênô ra lệnh giết cả gia đình ông.
Các ngài chịu thống khổ vì Chúa bao nhiêu, thì cũng được an ủi, được phần thưởng lớn lao bấy nhiêu, như linh mục Origene xác quyết: “các sự thống khổ của Đức Kitô tràn đến chúng ta thế nào, thì nhờ Đức Kitô, sự an ủi chúng tôi cũng được tràn đầy thế ấy. Nếu vậy, thì chúng ta hãy hăm hở nhận lấy những sự thống khổ của Đức Kitô; và ước gì chúng tràn đến trên chúng ta, nếu chúng ta muốn được đầy tràn an ủi, bởi vì ai khóc lóc sẽ được an ủi, nhưng không bằng nhau cho hết mọi người đâu. Bởi vì, nếu sự an ủi bằng nhau cho hết mọi người thì đã không có lời chép rằng: Các sự thống khổ của Đức Kitô tràn đến chúng tôi thế nào thì sự an ủi chúng tôi cũng được đầy tràn thế ấy.
Sự chia sẻ những thống khổ của Đức Kitô thì tương đương với sự thống khổ mà họ chịu với Người. Điều này bạn hãy nghe Đấng đã nói rất tin tưởng rằng: chúng tôi biết rằng anh em đã thông phần thống khổ thế nào, thì cũng được thông phần an ủi thế ấy.
Các Ngài bị hành hình khổ sở và giam trong ngục tối Cuối cùng, khoảng năm 304, hai thánh Marcellinô và Phêrô bị đem hành quyết. Khi thi hành án quyết, đao phủ Đorotê đã thấy linh hồn hai ngài bay về trời. Quá xúc động ông đã xin tòng giáo và qua đời cách lành thánh. Còn xác hai thánh nhân được chôn cất ở nghĩa trang Ad Duos Lauros đường Labicana.
Khi Giáo hội được sống trong an bình, Hoàng đế Constantin cho xây trên mộ hai ngài một đại thánh đường rất nguy nga trên con đường Via Merulana, nằm giữ đại thánh đường Đức Bà Cả và đền thờ Laterano. Chính nơi đây hoàng đế đã cho chôn cất mẹ ngài. Tên Hai thánh nhân đã được nhắc đến trong lễ quy Roma.
Lạy Chúa, khi ban ơn cho hai thánh tử đạo Marcellinô và Phêrô cùng anh dũng tuyên xưng đức tin, Chúa đã cho chúng con nghiệm thấy rằng: Chúa hằng gìn giữ che chở Giáo Hội. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
THÁNH ĐAMINH NINH
Giáo dân tử đạo
Tư tưởng của Cha Charles de Foucaul, vị khai sáng dòng Tiểu Đệ, minh hoạ thật chính xác và sinh động về các thánh tử đạo Việt Nam: “Giác quan khiếp sợ trước những hiểm nguy, những cái sẽ đem đến đau thương và chết chóc. Nhưng với Đức tin mạnh mẽ và sống động, giác quan không còn e sợ gì cả, nó biết trước và đón nhận tất cả những gì xảy đến do ý Chúa vì những điều Chúa muốn chỉ sinh ích mà thôi”.
Cố gắng mỗi ngày một tiến bộ về vật chất cũng như tinh thần đạo đức, đó là lý tưởng của những người nhìn xa thấy rộng, muốn tạo cho mình tương lai sáng lạn, để kiện toàn cuộc sống và làm tốt cho đời. Thánh Đaminh Ninh là một trong những người đó.
Đaminh Ninh sinh năm 1841, tại một làng toàn tòng Công Giáo là Trung Linh, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Lớn lên cấu cũng phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, cậu còn cố gắng học thêm chữ Nôm, quyết chí xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, để giúp ích cho đời và làm sáng danh đạo.
Hơn nữa, cậu ráng sức sống đạo nhiệt thành, rèn luyện tâm tính, trong làng ai cũng khen ngợi cậu là một Kitô hữu tốt lành, trổi vượt trên các thanh niên cùng trang lứa.
Một việc xảy ra làm cho anh hết sức đau buồn: cha mẹ muốn anh kết hôn với một thiếu nữ trong làng, phần vì chưa muốn lập gia đình phần bởi,chưa tìm hiểu nhau, chẳng yêu thương chi, nên anh quyết từ chối. Vì cha mẹ cứ bắt ép mãi, buộc lòng anh phải vâng lời, chấp nhận kết hôn, nhưng sau ngày cưới hai người không chung sống với nhau. Tuy nhiên anh vẫn cư xử hoà nhã với nàng như em ruột. Sau anh nhận thấy mình có phần lỗi nên đã cố gắng đề bù bằng đời sống thánh thiện và cuối cùng can đảm chịu mọi cực hình vì đức tin và vì lòng mến Chúa.
Đời anh xem ra dở dang thất bại, nhưng Chúa quan phòng đã dẫn đưa anh đi theo đường khác vẻ vang cao quý hơn. Giữa lúc đó, vua Tự Đức ra chiếu chỉ PHẢN SÁP, bắt bớ giết hại người Công Giáo vô cùng tàn nhẫn. Làng mạc Công giáo bị giải tán, gia đình có đạo phải phân ly mỗi người mỗi ngã, tài sản bị tịch thu hoặc phân phát cho lương dân. Rất nhiều người có đạo bị bắt bị tra tấn, tù đày, giết chóc khổ sở.
Gia đình anh Ninh cũng lâm cảnh ly tán ấy. Năm 1862 là năm anh 21 tuổi, anh bị bắt cùng với một số tín hữu khác. Trong thời gian tù ngục, nhiều lần quan dụ dỗ anh chối bỏ đức tin, hứa hẹn cho nhiều của cải nhưng anh nhất quyết từ chối: “Nếu là con cái không được phép sỉ nhục cha mẹ mình, thì làm sao người Kitô hữu lại được phép chà đạp hình ảnh của Đấng Tạo Thành trời đất”.
Thấy không thể cảm hóa anh được, quan dùng đến biện pháp mạnh, cho quân lính đánh đập, tra tấn dữ dội, buộc anh đạp lên Thánh Giá, nhưng anh quả quyết: “quan cứ làm điều quan muốn, phần tôi, tôi không bao giờ xúc phạm Thánh Giá Chúa. Tôi là Kitô hữu, làm sao tôi dám chà đạp Đấng Cứu Độ tôi ?” Trước sự dũng cảm của vị chứng nhân trung thành, tổng đốc Nguyễn đình Tân đễ kết án trảm quyết.
Đã cương quyết theo Chúa, của cải không màng, cực hình chẳng sợ, Đaminh Ninh thật đúng là anh hùng đức tin. Đứng trước lòng can đảm mạnh mẽ đó, các quan thấy không còn cách nào hơn là đệ đơn xin vua kết ái trảm quyết. Và bản án đã được thi hành tại pháp trường An Tiêm, tỉnh Nam Định ngày 2.6.1862.
Ngày 29.4.1951, Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong Đaminh Ninh lên hàng Chân Phước. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, ngà 19.6.1988.