SỰ HUYỀN NHIỆM CỦA CHUỖI MÂN CÔI
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nàn, trong một xứ đạo nhỏ bé và quê mùa nhất huyện Kim Sơn. Đó là xứ Ứng Luật. Ứng Luật chẳng những nghèo mà còn quê mùa nữa. Thực vậy, hầu hết người dân quê tôi phát âm rất “không giống ai” những từ có phụ âm đầu d, l, s, tr như Phát Riệm (Diệm), nhà ròng (dòng), thúng (súng) ống, thung thướng (sung sướng), thế thì nàm thao (làm sao) bây giờ, lói (nói) mà không nàm (làm) thì lói nàm (nói làm) gì, con cá tê (trê)… theo kiểu phát âm “Con tâu tắng buộc bụi te, ăn no tòn như cái tống teo, muỗi cắn như tấu tát”! (con trâu trắng buộc bụi tre, ăn no tròn như cái trống treo, muỗi cắn như trấu trát), v.v. Cách phát âm quê tôi giống hệt cách phát âm của mấy anh cán bộ trong các trại ‘học tập cải tạo’: Nao động thì nười, ngày nễ nớn nại đòi ăn nòng nợn!
Năm 11 tuổi, do một cơ duyên đặc biệt, tôi từ giã cha mẹ và xứ đạo, ra đi vào “nhà Đức Chúa Lời” với hành trang duy nhất là Chuỗi Mân Côi. Quả thực, từ đó, Chuỗi Mân Côi trở thành “bửu bối” tôi mang theo qua các chặng đường đời, khi còn là học sinh sinh viên, thời gian trong quân ngũ, lúc an vui và nhất là khi hoạn nạn. Xin thú nhận, hồi còn nhỏ, mỗi buổi chiều, bố mẹ tôi bắt đi Nhà Thờ, nhất là trong tháng 5, tháng Đức Mẹ, để lần chuỗi và nghe sách “Tháng Đức Bà’, rồi mỗi tối trước khi đi ngủ, dù vất vả mệt nhọc cỡ nào, cả nhà cũng quây quần đọc kinh “lần hạt”, tôi thì vừa đọc vừa ngủ gà ngủ gật. Và cứ như thế, tôi đọc Chuỗi Mân Côi hàng ngày theo thói quen, tôi chưa đủ trí khôn để suy ngắm các “màu nhiệm” của Chuỗi Mân Côi cho đến một ngày tháng Năm, tôi nhớ rõ ngày 14 tháng 5,1975.
1. Không bị “học tập cải tạo”
Như trên đã nói, Chuỗi Mân Côi là “bửu bối” duy nhất gia đình và xứ đạo trao cho tôi khi bước vào đời.
Ngày 5/5/1975, khi nghe đài phát thanh đọc thông cáo tất cả các sĩ quan, binh lính, cảnh sát, tình báo, nhân viên chính quyền “ngụy”, v.v., phải ra trình diện, đăng ký “học tập”, hạn chót là 31/5/1975, tôi và 12 giáo sư biệt phái tại trường công đệ nhị cấp Gia Kiệm, Long Khánh hết sức băn khoăn lo lắng cho số phận mình. Riêng tôi lúc đó là hiệu trưởng, không biết phải ứng xử thế nào: học sinh thì hoang mang, chán nản, nhiều em bỏ cuộc, giáo chức thì hầu như mất hết tinh thần, phần lớn tuyệt vọng và 1/3 chưa trở lại, phân nửa anh em biệt phái muốn về địa phương trình diện. Trong phạm vi gia đình, nhà tôi và tôi chỉ còn biết cậy trông vào Chúa và Đức Mẹ, hằng đêm quỳ lần Chuỗi Mân Côi, và trong ngày, mỗi khi có thể, lại đem Chuỗi Mân Côi ra đọc.
Trở lại ngày 14/5, đúng sau tuần cửu nhật đọc Chuỗi Mân Côi, khoảng 10 giờ sáng, tôi đang ngồi trong văn phòng hiệu trưởng thì anh Am, cựu quân nhân bị mất một tay trên chiến trường, được giải ngũ về làm lao công, hốt hoảng chạy vào nói: thưa thầy hiệu trưởng, có anh bộ đội muốn vào gặp thầy. Linh tính cho biết chuyện không lành đã đến. Tôi vội bước ra cửa thì một người lớn tuổi, quần áo bộ đội với nón cối, tự xưng là Hai Thành, gật đầu chào.
Chưa kịp chào lại thì anh ta đã nói: tôi nằm trong rừng Gia Kiệm đã 6,7 năm nay, theo dõi và nhận báo cáo thường xuyên. Tôi thấy các thầy là những người rất tốt, các thầy cứ an tâm ở lại dậy học, không phải đi đâu cả. Tôi thật bất ngờ vì Việt Cộng hay Cộng Sản có bao giờ xưng hô “thầy” với ai bao giờ, được họ kêu bằng anh là đã may mắn rồi. Đàng này, anh ta lại giữ chúng tôi, những sĩ quan biệt phái, ở lại dậy học thì tin sao được vì như chúng ta đều biết, chính sách của họ là “giết lầm hơn tha lầm, bắt lầm hơn bỏ sót”, chắc hẳn là âm mưu thâm độc gì đây.Tuy nhiên, tôi không có lựa chọn nào khác, vả lại, đây là lựa chọn tốt nhất: chúng tôi không phải trình diện “học tập”. Sau đó, Hai Thành “mượn” trường và “mượn” luôn quỹ hiệu đoàn để “đăng ký” những thành phần khác. Rồi 5 hôm sau xuất hiện thêm 2 bộ đội khác tự nhận là 2 giáo viên từ miền Bắc đến giúp đỡ và làm việc với các anh chị cho “vui”…
Sinh hoạt của trường dần dần trở lại, tất cả giáo chức được Hai Thành gởi đi Biên Hòa tham dự 1 tuần “tập huấn” trong khi ngày ngày chúng tôi chứng kiến hàng đoàn xe bít bùng chở sĩ quan viên chức VNCH vào các trại tập trung.
Tôi về quê vợ ở Thủ Đức cho gần Biên Hòa hơn và đây là tuần lễ dài nhất trong đời tôi và cũng là thời gian “khổ nạn”. Hàng đêm tôi và nhà tôi quỳ cầu nguyện, lần chuỗi trong lo âu sợ hãi. Mỗi sáng sớm với ba-lô trên vai, trong có mấy bộ quần áo, 1 chiếc mền và ít đồ dùng cá nhân, tôi và nhà tôi chia tay trong nước mắt vì nghĩ rằng đây là lần gặp mặt cuối cùng, tôi lên Biên Hòa, vào trại tập trung, không còn trở về nữa. Rồi trong suốt chặng đường xe lửa từ Thủ Đức lên Biên Hòa, tôi không ngừng lần Chuỗi Mân Côi. Trong thời gian “tập huấn”, nhóm 13 anh em biệt phái lợi dụng giờ giải lao, chúng tôi gặp nhau trao đổi và sau cùng đi đến quyết định là sau khi kết thúc lớp “tập huấn”, anh em sẽ đi trình diện Phòng Giáo Dục, xin vào “trại học tập” gần nhất, “học cho xong” để yên tâm trở về dạy học.
Khóa học kết thúc, 13 anh em giáo chức biệt phát do tôi dẫn đầu đi bộ vào Phòng Giáo Dục ở Hố Nai, “nộp mình cho quân dữ”. Mới được nửa đường thì thình lình Hai Thành từ trong đi ra. Hai Thành hất hàm hỏi: các thầy đi đâu đây? Tôi trả lời: anh Hai à, tụi em vô Phòng Giáo Dục xem có “trại học tập” nào gần đây, xin vô học tập rồi mới về dạy cho yên trí. Với một thái độ kẻ cả, hách dịch, Hai Thành chỉ thẳng tay ra phía đường xe, gằn giọng quát to: tôi đã bảo các thầy ở lại dạy học, về, về, không đi đâu hết. Rồi Hai Thành giận dữ đi thẳng, không thèm ngó lại. 13 anh em lững thững ra đường đón xe về nhà.
Mãi đến bây giờ, sau 40 năm sự kiện xẩy ra, tôi vẫn không hiểu tại sao vào ngày đó, giờ phút đó, trên con đường đất đó, 13 anh em sĩ quan biệt phái đang trên đường đi vào “nộp mạng” thì Hai Thành cũng ngày đó, giờ phút đó, trên con đường đó lại từ trong đi ra để ra lệnh cho chúng tôi bỏ hẳn ý định dại khờ như vậy. Cuộc ĐỤNG ĐẦU “thần kỳ” này “ăn khớp” chính xác không khác gì 2 phi thuyền ráp nối trên không gian, đã cứu chúng tôi thoát khỏi bao nhiêu năm tù đầy, nhục nhã, bị hành hạ trong các trại khổ sai biệt xứ mà nhiều người cùng cảnh ngộ đã phải chịu và không ít người đã vùi thây trong các địa ngục trần gian do chế độ Cộng Sản phi nhân tạo ra. Theo tin tưởng của tôi, Chuỗi Mân Côi chính là sợi dây nối với quả chuông trên TRỜI nên khi lần Chuỗi Mân Côi là chúng tôi KÉO dây chuông kêu cứu và được đáp ứng vậy.
Đến đây xin nói một chút về Hai Thành. Trong một lần có việc, tôi tới văn phòng Hai Thành vào dịp Lễ Giáng Sinh. Trên góc bàn làm việc của Hai Thành, có tượng con chiên chân bị bể. Bất chợt Hai Thành cầm con chiên lên nói: thầy biết không, tôi là con chiên bị gẫy chân đây. Sau này tìm hiểu thì biết Hai Thành người Ba Làng, Thanh Hóa, một vùng hầu như toàn tòng Công Giáo. Đức Mẹ đã sắp xếp để không một ai khác mà Hai Thành, người Công Giáo bỏ đạo, nhưng còn chút ít lương tâm đạo giáo đến “tiếp thu” và cứu chúng tôi.
2. Chuyến thoát hiểm lạ kỳ
Tôi trở lại trường bàn giao chức hiệu trưởng cho anh bạn ít dính líu với chế độ cũ vì lúc trước, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, anh ta chỉ học quân sự có 8 tuần. Tôi đảm nhận dạy Anh Văn các lớp đệ nhị cấp và Nhạc các lớp đệ nhất cấp. Tuy nhiên, nhờ nắm trong tay tấm giấy chứng nhận giáo viên đã học tập chính trị nên tôi luôn tìm cơ hội “đào vi thượng sách” vì nghĩ rằng sớm muộn gì cũng bị Cộng Sản bắt, do bản thân có quá nhiều “tội”: Bắc kỳ di cư, Công Giáo, trung úy biệt phái (“ngụy quân”), Hiệu trưởng (“ngụy quyền”), du học Mỹ về (CIA). Theo gương cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, giả bệnh đau mắt không ra cộng tác với Pháp, tôi chuẩn bị một kịch bản khá chu đáo. Nhân dịp Sử, một giáo viên ở Bắc vào hay đọc thơ Tố Hữu cho tôi nghe và đã bị tôi sửa lưng bằng câu “Với sức người sỏi đá vẫn còn nguyên”, đến “thuyết pháp” tôi về chủ nghĩa Mác Lê và ca tụng đồng chí Staline vĩ đại kèm theo câu thơ “Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin”. Tôi khen các cháu ngoài Bắc sao thông minh quá, vừa bắt đầu nói mà đã phát âm được chữ Xít-ta-lin. Trong Nam, con nít tuổi đó chỉ bập bẹ “ba ba”, “ma ma” là cùng. Thấy Sử có vẻ đắc ý, tôi than: anh Sử à, lúc này sao tôi thấy đầu nhức quá (mà nhức đầu thật, ai cũng vậy), sau đó mắt mờ hẳn đi. Sử kêu lên: thôi nguy rồi, đó là bệnh “thiên đầu thống”, chỉ có miền Bắc mới chữa được thôi. Vô tình, Sử “vẽ đường cho tôi (hươu) chạy”. Từ đó, lâu lâu tôi lại than, đôi khi còn lấy bông gòn bịt một mắt rồi đeo kính mát vào dậy học. Rồi ngày diễn kịch đã đến, tôi cho học sinh dịch một bài Anh Văn sang tiếng Việt và trong khi trò chăm chú làm bài thì thầy té rầm trên bục giáo sư, hai mắt nhắm nghiền. Cả lớp nhốn nháo, nhiều trò thương thầy khóc rống lên. Bốn trò nam lực lưỡng chạy lên khiêng thầy vào văn phòng, trong khi thầy vẫn nằm ngay đơ. Nửa giờ sau thầy lồm ngồm ngồi dậy, nhờ đứa cháu đang dạy lớp đưa về nhà bà nội và 2 giờ sau thầy đã ngồi xe về Thủ Đức an toàn, để lại sau lưng tiếng đồn: thầy Huyến té mù cả 2 mắt không dạy học được nữa. Đúng là “đi với ma thì phải mặc áo giấy”. Vậy mà sau 3 tuần lễ cáo bệnh ở nhà, công an còn phái Sử xuống tận Thủ Đức ‘thăm’, xem tôi ở nhà hay giả bệnh trốn vô bưng gia nhập lực lượng Phục Quốc.
Sau đó ít lâu, tôi xin vào làm việc cho ông Chín Diệp, giám đốc công ty hợp doanh xây dựng cầu đường sắt thống nhất từ trong Nam ra tới Đà nẵng. Chín Diệp là doanh nhân tỷ phú miền Nam chuyên xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị cho các hãng xưởng. Cộng Sản đã cướp Miền Nam và cướp luôn cơ sở của ông nhưng vẫn cho làm giám đốc. Nhờ vậy, Chín Diệp đã giúp được nhiều người, thâu nhận các nhân viên chế độ cũ như thư ký, hành chánh, kế toán, kỹ sư, kỹ thuật viên, v.v. Chín Diệp là phụ huynh trường Nữ trung tiểu học Thủ Đức nơi nhà tôi làm hiệu trưởng nên tôi được thu nhận dễ dàng, lại còn được ưu đãi.
Nhiệm vụ của tôi là tháp tùng giám đốc đi thanh tra các công trường và thu tập các dữ kiện để viết diễn văn cho giám đốc đọc trong lễ khánh thành công trình. Do đó, tôi biết được nhiều truyện, nhất là việc ông Chín Diệp đang giao cho quản đốc công trường cầu Kỳ Lam ở sâu trong rừng đóng tầu cho gia đình vượt biên và ông đồng ý cho tôi đi theo. Đó là tầu sắt, được kiểm tra kỹ lưỡng do các kỹ sư và chuyên viên từng du học ngoại quốc.
Tầu vượt biên khởi hành tại bến đáp an toàn nằm sâu trong rừng vào một đêm trăng sáng. Theo lộ trình từ sông Đà Rằng, chúng tôi sẽ vượt thoát ra cửa Hội An rồi trực chỉ Hong Kong. Sau 2 tiếng đồng hồ “xuôi chèo mát mái”, tầu bỗng dưng ngừng lại, tài công đạp chân “ga” mấy lần, tàu vẫn không nhúc nhích. Hoa tiêu nhảy xuống sông kiểm tra mới biết chân vịt cắm ngập trong đụn cát dưới lòng sông. Tài công phải gài số “de” để gỡ chân vịt ra khỏi đụn cát rồi tiếp tục cuộc hành trình. 45 phút sau, tàu lại ngừng, không nhúc nhích như trước. Hoa tiêu lại nhảy xuống nước kiểm tra thì chân vịt không còn nữa, đã trôi theo dòng thủy triều. Lý do thất bại là vì mọi chuẩn bị đều chu đáo, nhưng tài công và hoa tiêu không phải địa phương, không thuộc lòng sông và không biết thủy triều xuống trước nửa đêm nên đụng cồn cát và gẫy mất chân vịt.
Trước thất bại như vậy, Chín Diệp rất bình tĩnh. Ông ra lệnh cho hoa tiêu và tài công lo đưa tàu về lại công trường, rồi mướn ghe đưa tất cả trở về bãi đáp, ai về nhà ấy, đợi chuyến sau. Tuy nhiên, ghe vừa về tới bãi đáp thì 2 công an đã đứng chờ sẵn với đèn “pin” trong tay. Tôi nghe rõ tiếng giọng Bắc quát to: lên, lên hết, rồi công an chiếu đèn về phía tay trái, mọi người ríu ríu đi về phía đó, sợ hãi và thất vọng. Đến lượt tôi bước ra khỏi ghe thì may quá, một đám mây che khuất mặt trăng và trong khi 2 công an đang chăm chú theo dõi dòng người đi về phía trái, tôi vội rẽ sang phải và lẻn vô rừng.
Tôi đi giữa rừng già, giữa những lùm cây rậm rạp khi trăng đã ngả về hướng tây. Ôi, tả làm sao tâm trạng của tôi lúc đó: hoảng loạn, mất phương hướng, lo âu, sợ hãi tột cùng. Tôi nghe tiếng tôi kêu thất thanh: Mẹ ơi, xin cứu con, con chết mất, con lạc giữa một vùng hoang địa biết đi về đâu. Thế rồi không biết gì nữa, tôi như người mộng du, chân cứ bước, miệng đọc “Kính mừng Maria…”, tay bấm từng đốt theo lời kinh “Kính Mừng… Thánh Maria…” cho tới khoảng 1 giờ sau, nghe tiếng chó sủa, tôi mới đi về hướng đó và rồi thấy con đường mòn.
Đi trên đường mòn chừng nửa tiếng, tôi thấy ánh đèn pha chiếu vút qua đầu. Linh tính cho biết là tôi đang bị săn đuổi vì khi cả tàu bị bắt thì tất cả tội lỗi sẽ đổ trên đầu người vắng mặt. Do đó, tôi trốn trong lùm cây bên đường quan sát. Và đúng như dự đoán, xe công an có 2 người vừa chạy chậm vừa quét đèn pha tìm kiếm phía trước, bên phải, bên trái. Đi chừng 20 phút thì xe trở lại, cũng quét đèn tìm kiếm như trước. Đợi xe công an đi thật xa tôi mới ra khỏi lùm cây tiếp tục đi về hướng cũ. Chừng nửa giờ sau, ánh đèn pha lại chiếu vút trên đầu. Tôi nghĩ rằng chúng nhất quyết bắt tôi cho bằng được để khai thác và tôi lại nhảy vào lùm cây trốn. Xe tiếp tục truy quét rồi trở lại lục tìm như trước nhưng không tìm ra tôi. Lúc này trời hơi mờ mờ sáng và tôi đã nghe văng vẳng thật xa tiếng xe chạy trên đường lộ. Đi thêm chừng 1 cây số nữa, tôi tới bìa làng nhưng không dám tiếp tục ra đường lộ đón xe vì nghĩ rằng không bắt được tôi, công an đã bố trí bắt tôi ngoài đường lộ khi tôi ra đón xe về Nam.
Vì thế, tôi rẽ vô đường làng, đến ngôi nhà đầu ngõ định xin trú chân phần vì quá mệt mỏi, phần thì muốn ở trọ đến trưa, chờ khi công an bỏ cuộc mới ra đón xe về Nam. Nghe tiếng gõ, chủ nhà ra mở cửa, trông khoảng trên 50. Tôi nói: thưa bác, tôi ra thăm người chị, sáng sớm ra đón xe bị lạc đường, lại bất thần bị chóng mặt nhức đầu quá, xin Bác cho tôi nghỉ chân một lúc, dễ chịu hơn rồi tôi sẽ đi đón xe. Chủ nhà hỏi giấy, tôi đưa giấy học tập chính trị. Xem xong, chủ nhà không nói gì, đi vào trong và ít phút sau, ông ra khỏi nhà, mặc quần áo bộ đội với chiếc nón cối. Tôi đứng yên tái mặt vì biết rằng đã bước vào “ổ kiến lửa”. Biết làm gì hơn, tôi lại tiếp tục kêu: Mẹ ơi, cứu con và lẩm bẩm đọc kính Kính Mừng. Nửa giờ sau, chủ nhà trở về, theo sau là công an khu vực mặt mày hắc ám. Hắn nhìn tôi dò xét rồi cũng như chủ nhà, hỏi giấy tờ. Tôi lại đưa giấy học tập chính trị, hắn xem kỹ, thấy có dấu đóng đỏ choét, yên trí bỏ đi, không nói một câu. Sau này nghĩ lại, tôi thấy mình bày câu truyện quá ngu và chủ nhà cũng như công an khu vực cũng ngu luôn. Chỉ cần chúng hỏi chị anh tên gì, nhà ở đâu là tôi bị lộ tẩy, bị bắt và bị tra tấn dã man để khai thác vì chúng có thể nghi tôi từ trên núi xuống hoạt động. Chúng ở địa phương, biết tên từng người, từng nhà. Lạy Mẹ, con cám ơn Mẹ, Mẹ đã cứu con, Mẹ che mắt những kẻ có thể bách hại con để chúng không hỏi những câu đáng hỏi.
Sau khi công an khu vực đi khỏi, chủ nhà cũng ra đi và bà chủ ra đuổi khéo: chú à, chú không thể ở đây được, tôi có công việc phải đi ngay. Tôi phải ra đi nhưng nghĩ rằng nếu công an rình bắt, nhất là nếu chúng dẫn theo một người tại công trường để nhận diện, người đó sẽ nhìn ra tôi. Tôi nói: chị à, tôi bị nhức đầu quá, chị có cái nón nào cho tôi xin một cái che đầu vì trời nắng, tôi sợ bị nặng thêm. Bà chủ nhà cũng khá nhân đạo, đem cho cái nón rách, tôi vội đội lên đầu rồi đi thẳng vào rừng. Nghĩ lại, nếu Đức Mẹ không che chở, tôi lại bị công an khu vực truy nã và bị bắt vì bà chủ nhà khi thấy tôi thay vì ra đường lộ đón xe, lại vội vã đi vào rừng, tất sẽ báo cáo công an khu vực.
Trở lại rừng già đi chừng 1 cây số, tôi kiệt sức quá nên thấy bụi cây rậm rạp, chui vào nằm vật xuống đất không biết gì nữa. Tôi thức giấc khi ánh mặt trời buổi trưa chiếu thẳng vào mắt. Vừa đưa mắt nhìn cây cối chung quanh, tôi thấy những con rắn đầu tam giác đang đuổi nhau, rồi lại thiếp đi cho đến khi mở mắt lần thứ 2 thì trăng đã mọc đồng thời nghe tiếng còi xe lửa hú từ xa. Tôi chỗi dậy, không cần nón nữa, đi về hướng còi xe lửa chừng hơn 1 giờ thì gặp đường rầy xe lửa. Mừng quá, không kịp suy nghĩ xem ga xe lửa nằm phía nào, tôi cứ đi đại về phía tay phải, giữa 2 đường rầy. Thật may, đi thêm khoảng 1 giờ nữa, tôi đến nhà ga nhỏ và thấy người nằm la liệt khắp nơi, phần lớn là dân buôn bán với quang gánh, bao bố đầy hàng hóa đang ngủ vật vờ để chờ chuyến xe sớm về phía Nam. Đúng 5 giờ sáng, xe vào trong ga và người người chen lấn chuyển hàng lên. Riêng tôi, vẫn còn e ngại công an tìm bắt, tôi đứng xa xa đến khi xe từ từ chuyển bánh mới nhảy lên toa chót rồi trà trộn vào đám con buôn.
Mười mấy năm sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, đọc báo Dallas Morning News tôi mới biết khu rừng mà tôi trốn chạy trong đêm hôm ấy, chính là chiến trường nơi đã xẩy ra nhiều cuộc giao tranh đẫm máu và còn sót lại rất nhiều mìn bẫy. Tờ báo tường thuật nhiều tai nạn chết người do dân trong vùng khai phá trồng trọt, đạp phải mìn bẫy phát nổ, bị tử thương hay cụt tay chân tàn phế.Thế mà trong đêm kinh hoàng đó, với đôi dép mòn, tôi đã đi dọc ngang tìm lối thoát thân bất kể rắn rết, bọ cạp và biết bao nguy hiểm khác. Tôi tin rằng nhờ đọc Chuỗi Mân Côi trong suốt cuộc đào thoát, Đức Mẹ đã dẫn chân tôi tránh mọi hiểm nguy, không đạp phải rắn độc hay mìn bẫy, lại che mắt công an, cán bộ Cộng sản để chúng không bắt tôi mặc dù những sơ hở của tôi khi tiếp xúc với họ.
3. Hậu quả đau thương vì ‘quên’ lần Chuỗi Mân Côi.
Ngày 12 /1/1981 tôi cùng với gia đình em trai (mới ra trại cải tạo) vượt biên từ Mỹ Tho qua cửa Bình Đại, Bến Tre. Kế hoạch chuẩn bị khá chu đáo và 5 “taxi” đã chuyển 40 người lên “cá lớn” an toàn. Chúng tôi an tâm vì gia đình tài công đánh cá trên sông Tiền Giang lâu năm, biết rõ đường đi nước bước nên việc thoát ra cửa biển sẽ dễ dàng.
Và đúng như dự tính, chúng tôi thoát ra cửa Bình Đại khi trời mờ sáng, ngọn hải đăng Vũng Tàu phía tay trái nhấp nháy như nói lời vĩnh biệt và chúc “thượng lộ bình an”. Trời trong xanh, gió nhẹ, sóng không lớn. Tôi cảm thấy vô cùng hân hoan vì lần đầu tiên được thở không khí tự do, cảm thấy như từ nay vĩnh viễn thoát khỏi cảnh ngục tù. Sau hơn 2 giờ tiến ra đại dương, bất chợt tôi thấy mũi ghe quay trở lại. Tôi hỏi chủ tàu và tài công thì được trả lời: phía trước có dấu hiệu sóng to gió lớn, tạm hoãn chuyến này, chờ thời tiết tốt hơn.
Biết mình bị lừa gạt, tôi có gắng thuyết phục, rồi gây sự, nhưng trước thái độ hung hăng đe dọa của chủ ghe và đám tay chân, tôi đành thúc thủ, chuẩn bị kế hoạch thoát thân như đã trốn thoát ở miền Trung mấy năm trước.
Ghe tới sát bờ thì bị sóng đánh nghiêng, ngập nước quá nửa, ngả nghiêng theo từng đợt sóng. Đoàn người trên ghe lầm lũi bước lên bãi, ngồi chụm vào nhau chờ công an đến bắt. Riêng tôi, vì tin tưởng vào kinh nghiệm và “tài” thoát hiểm lần trước, tôi hướng dẫn em trai và em vợ của chú, chia nhau mỗi người 1/3 lượng vàng còn lại, chạy thật xa khỏi đám người đang ngồi chụm với nhau. Sau khi chạy hơn 1 giờ, lội qua rất nhiều con rạch nhỏ, lại khuất nhiều khu rừng đước, chúng tôi cảm thấy an toàn. Dừng chân nghỉ chừng 15 phút, chúng tôi tiếp tục đi càng xa đám đông càng tốt và sẽ mướn 1 chiếc xuồng chở đến bến xe về lại Mỹ Tho.
Đi thêm chừng 10 phút nữa, chúng tôi thấy một người đang câu cua, áo quần vá chằng chịt có chiếc xuồng nhỏ. Tôi tới gần, bịa ra câu chuyện đi đánh cá chìm ghe, cố bơi vào bờ (cũng ngớ ngẩn như câu chuyện tôi bịa ra ở miền Trung năm trước). Tôi nói sẽ trả ông nhiều tiền để chở chúng tôi đến bến xe về Mỹ Tho. Tôi nghĩ người này nghèo quá, trả nhiều tiền chắc sẽ giúp mình trốn thoát an toàn. Ông ta bảo chúng tôi lên xuồng rồi vừa chèo vừa chống về phía tôi nghĩ là bến xe. Đi chừng 20 phút, ông cho chúng tôi lên bờ và dẫn vào làng. Người dân thấy chúng tôi đến tỏ vẻ niềm nở và khi nghe tôi kể câu chuyện đánh cá đắm tàu, tỏ ra thông cảm, tội nghiệp, rồi mời chúng tôi ngồi nghỉ chờ họ nấu cơm cho ăn. Chưa thấy nấu cơm thì công an khu vực đến, dẫn chúng tôi về đồn, và trên đường đi, hắn lấy hết vàng bạc tiền nong của chúng tôi.
Câu chuyện không có gì “hấp dẫn”, nhưng nói lên một điều quan trọng: không có Chuỗi Mân Côi, không kêu cầu Đức Mẹ mà ỷ vào kinh nghiệm và tài năng thì vô ích. Quả thật, trong chuyến vượt thoát này, tôi không đọc một kinh Kính Mừng, không hề nghĩ tới Chúa và Đức Mẹ mà chỉ cậy sức mình tìm đường thoát thân. Hậu quả là tôi bị bắt, bị giam trong phòng tối 3 tháng, lao động khổ sai 6 tháng, tổng cộng hơn 9 tháng mới được thả ra ngày 25/10/1981.
4. Chuyến vượt biên thành công
Ngày 5/12/1985, tôi và em trai lại lên đường vượt biên qua cửa Bình Đại mặc dù khi được thả ra từ trại lao động Thạnh Phú, Bến Tre, công an đã dằn mặt chúng tôi: tôi biết các anh sẽ lại ra đi, nhưng đi chỗ nào thì đi, đừng đi cửa Bình Đại kẻo mà khốn khổ. Điều đặc biệt trong chuyến này là khi mọi người có mặt đầy đủ trên ghe lớn, chủ ghe yêu cầu tất cả cùng lần một Chuỗi Mân Côi trong lúc khởi hành, phó dâng cuộc hành trình cho Đức Mẹ và khuyên mọi người tiếp tục cầu nguyện, lần Chuỗi Mân Côi.
Ghe vượt thoát qua cửa Bình Đại an toàn, tuy nhiên đồ ăn không đủ vì ghe nhỏ chở lương thực không tới kịp. Nước uống là 1 thùng “phuy” nước sông bị rớt xuống biển sau một đợt sóng lớn. Do đó, trong suốt 7 ngày đêm, chúng tôi đói khát, nhiều khi phải liếm từng hạt sương đọng trên tấm ny-lông, có lúc rủ nhau cột dây nhảy xuống biển ngâm mình cho đỡ khát, không nghĩ tới có thể bị cá mập tấn công. Nhiều hôm sóng biển quá lớn, cao như những ngọn đồi chụp xuống chiếc ghe mong manh nhỏ bé; ghe leo lên ngọn sóng rồi chúi mũi xuống vực thẳm với tiếng ầm ầm suốt đêm ngày, không biết lúc nào sẽ bể ra từng mảnh. Nhiều người mê mệt nằm bất động, ai còn tỉnh thức thì lần chuỗi, đọc kinh. Có lúc tôi nghe như tiếng chuông nhà thờ văng vẳng đâu đây, đôi khi lại nghe như tiếng rất nhiều người lầm rầm đọc “Kính mừng Maria…. Sáng danh…”
Sang ngày thứ 6 thi sóng biển dịu lại, chúng tôi thấy xa xa 3 chiếc tàu khá lớn. Chủ ghe cột quần áo rách vào đầu cây sào giơ cao làm hiệu cấp cứu vì thực sự tất cả đều đói lả và khát khô cổ họng, một em bé 5 tuổi mới chết vì khát sau khi đã khóc ra rả suốt đêm qua. Ba chiếc tàu tiến lại từ từ và ngừng lại cách chúng tôi khoảng 50 thước. Đang hy vọng khi thấy nhiều người sắp chết, họ sẽ cho chúng tôi lên tàu đưa vào đất liền cấp cứu. Không ngờ một nhóm thủy thủ ở trần, quần cụt, lưng giắt dao găm nhảy xuống biển bơi sang lục soát vàng bạc, dây chuyền, hột xoàn, nhẫn, lại đập bể bàn thờ, cướp vàng của chủ ghe giấu trong đó, rồi bơi trở lại tầu của họ. Sau đó, cả 3 tầu lấy đà định tông bể chiếc ghe bé nhỏ của chúng tôi. Tất cả thanh niên đồng loạt nhảy sang bên hông ghe giơ tay cản lại trong khi đàn bà con gái chắp tay van xin. Thấy thế, 3 chiếc tầu ngừng lại, chuyển hướng ra đi sau khi đã liệng cho chúng tôi ít hộp cá, cơm thừa và mấy can nước. Tuy nhiên, khi trời sụp tối thì 1 chiếc trở lại có lẽ để hãm hiếp hoặc bắt đàn bà con gái mang đi, đồng thời giết hết đàn ông con trai như chúng thường làm khi gặp các tầu vượt biên trong thời gian đó. Thật may mắn, khi chúng trở lại thì cũng là lúc biển nổi sóng lớn. Chúng pha đèn đuổi bắt nhưng khi ghe chúng tôi ở trên ngọn sóng, thì chúng ở chân sóng, lúc chúng tôi dưới chân sóng thì chúng lại ở ngọn sóng, và cuộc rượt bắt cứ tiếp diễn như thế cả tiếng đồng hồ cho đến khi chúng bỏ cuộc.
Khoảng 3 giờ sáng, đột nhiên một vùng sáng rực hiện lên chân trời. Chúng tôi la lên vui mừng vì sau nhiều ngày lạc trên biển đói khát, hầu như kiệt sức, chúng tôi đang tiến vào đất liền, có lẽ Indonesia hay Singapore vì đã đi 7 ngày đêm. Chạy thêm 4 tiếng nữa, chúng tôi nhìn thấy bờ biển với những hàng cây thẳng tắp và những hàng ghế đá sắp xếp như công viên. Ghe tiến vào bãi biển. Một đàn dân chúng chạy ra xem, tôi hỏi đây là đâu. Một người trả lời: Thái Lan. Chủ tầu tỏ vẻ thất vọng, nói Thái Lan dữ lắm, xấu lắm, chúng cướp mình ngoài biển, không nên ở đây.
Trời đổ từng đợt mưa như trút nước. Ghe ngừng bên bãi biển và mỗi lần tôi nhảy xuống bãi lại bị dân chúng đẩy lên ghe. Phải đợi 1 giờ sau, cảnh sát trưởng Thái Lan mới xuất hiện. Anh hỏi chúng tôi: Ghe các anh có sao không ? Tôi trả lời: Không
-Máy móc có sao không?
-Không
-Xăng dầu có thiếu không?
-Không
-Vậy các anh cần gì?
-Chúng tôi không có đồ ăn.
Cảnh sát nói: chúng tôi cho đồ ăn, rồi các anh đi tiếp sang Mã-Lai, chỉ cách đây có 3 giờ chạy theo ven biển.
Mười lăm phút sau, cảnh sát cho người mang ra bao gạo 50 ký, ném xuống ghe chúng tôi, rồi cho một chiếc xuồng tam bản cột ghe chúng tôi vào sau đuôi, 3 thanh niên lực lưỡng (chúng tôi nhận diện là những tên đã cướp chúng tôi ngoài biển), reo hò lái xuồng kéo ghe chúng tôi ra biển.
Tài công vừa mở máy chạy theo đã la to: Chết rồi ! Bể hộp số, không thể đi đâu được nữa. Lập tức tôi cũng la to bằng tiếng Anh: Dừng lại ! dừng lại ! Ghe chúng tôi bể hộp số rồi, không đi được nữa. 3 tên cướp tiếp tục reo hò, tăng tốc độ kéo ghe chúng tôi đi nhanh hơn. Bỗng nhiên một ý nghĩ nảy ra trong trí tôi: nếu tất cả ở lại trên ghe, chúng sẽ tiếp tục kéo ra khơi, chi bằng mình nhảy xuống bơi vào bờ, hy vọng chúng kéo ghe trở lại. Nghĩ là làm ngay, tôi nhảy xuống nước bơi vào bờ. Vừa lóp ngóp bò lên bờ thì dân chúng ùa tới, người thì cầm gậy, người cầm cuốc, viên chức thì súng dài trong tay, tất cả như muốn đập tôi chết. Tôi kêu thất thanh: Mẹ ơi ! chẳng lẽ Mẹ đưa con đến đất tự do để con chết ở đây sao. (Câu này tôi sẽ nhớ đến khi từ giã cõi đời). Rất may, cảnh sát trưởng chưa ra về. Mặt hầm hầm, anh hất hàm hỏi tôi: tại sao trở lại ? Tôi trả lời: ghe chúng tôi bể hộp số, không đi được nữa. Anh lẩm bẩm: Vô lý !
Đang lúc đó, tôi thấy Thảo, phụ máy, hớt hải chạy đến nói: chú ơi, cháu nhảy vội xuống biển bơi vào cho chú biết 3 tên cướp đang sàm sỡ mấy cô mấy bà, lục lạo khám xét. Chú nói cho ông cảnh sát hay. Tôi thưa cảnh sát những gì Thảo cho biết rồi nhìn ra bờ biển thì thấy ghe đang trở vào bến. Cảnh sát nói để anh sang xem hộp số có bể thật không, hay chúng tôi kiếm cớ không đi. Tôi bước theo cảnh sát, và tình cờ nhìn lại phía sau thì thấy xã trưởng với súng trường trên tay đang giơ chân “đá gió” vào mông tôi, chứng tỏ vào thời điểm đó, chính quyền cũng như dân chúng Thái Lan không ưa gì người tỵ nạn Việt nam nữa.
Sau khi kiểm soát máy móc, cảnh sát trưởng xác nhận họp số bể. Tuy nhiên, anh nói sẽ cho nhân viên xuống sửa rồi chúng tôi phải đi tiếp sang Mã Lai. Chúng tôi bị dẫn vào 1 dẫy nhà trên bãi biển để chờ sửa hộp số. 34 thuyền nhân chúng tôi mặt mày hốc hác, thân hình tiều tụy, quần áo rách nát sau 1 tuần lênh đênh trên biển cả. Hai thanh niên khiêng xác em bé 5 tuổi đặt ở giữa nhà. Đàn bà con gái nhiều người nằm vật trên nền nhà vì quá kiệt sức. Đàn ông con trai cũng không hơn gì, nhiều người cũng ngồi vật vã bên tường. Quang cảnh thật thê lương thảm não.
Bên ngoài mây vần vũ, gió giật từng hồi, rồi những cơn mưa như trút nước đổ xuống liền nhau hơn. Cảnh sát trưởng đi tới đi lui chờ thợ cơ khí đến. Tôi rụt rè lên tiếng:
-Anh à, đất nước Thái Lan đẹp quá. Từ ngoài nhìn vô, tôi thấy bờ biển đẹp như công viên bên nước tôi. Đất nước anh lại thật thanh bình, người dân hạnh phúc. Rồi nhìn anh chăm chú, tôi thêm: bộ đồng phục anh mặc trông đẹp và oai nghiêm quá. Anh học ở đâu ? Anh trả lời: tôi tốt nghiệp Đại học Bangkok. Tôi buồn rầu nói: tôi cũng tốt nghiệp Đại học Saigon nhưng số phận tôi khốn khổ như thế này từ khi Cộng Sản xâm chiếm Miền Nam Tự Do chúng tôi. Rồi tôi kể cho anh nghe sau khi mất Miền Nam, các sĩ quan và viên chức Miền Nam bị Cộng sản đầy đọa như thế nào. Anh chăm chú nghe, có lẽ đây là lần đầu tiên anh biết được chế độ Cộng Sản tàn ác, dã man và vô nhân đạo như vậy. Tôi nói thêm, chính vì thế, Hoa Kỳ và các nước đồng minh mới đến giúp chúng tôi chống lại Cộng Sản Miền Bắc; chính quân đội Hoàng gia Thái cũng đã gởi quân sang giúp chúng tôi. Tới đây, anh tỏ ra hiểu biết và thông cảm. Trên đây là những điều rất thật mà bây giờ nghĩ lại, không hiểu tại sao tôi có thể thốt ra trong hoàn cảnh như thế. Rồi đến đây thì tôi “phịa” ra: anh coi, chúng tôi không thể sống dưới chế độ Cộng Sản phi nhân nên đổi cả mạng sống để tìm Tự Do. Trong số những người ở đây, có bác sĩ, kỹ sư và nhiều người học thức, chúng tôi đều có thân nhân ở Hoa Kỳ, Úc và các nước bên Âu Châu, họ sẽ bảo lãnh cho chúng đi qua, chúng tôi không là gánh nặng cho Thái Lan đâu. Anh nhìn xem em bé đang nằm chết, đàn bà con gái, và ngay đàn ông con trai nhiều người cũng không còn sức nữa. Nếu anh bắt chúng tôi ra đi, chắc chắn phần lớn sẽ chết. Nếu anh nói ‘YES’, chúng tôi được sống và anh để đức lại cho con cháu, còn nếu anh nói ‘NO’, chúng tôi đành chết theo số mạng thôi. Đến đây, anh cảnh sát có vẻ suy nghĩ, rồi đột nhiên nói: OK, I accept you as refugees. Ôi sung sướng, tôi chưa bao giờ cảm thấy sung sướng như thế. Rồi anh hạ giọng: nếu ai có hỏi thì anh nói ghe các anh bị bể nhé. Các anh đợi ở đây, 2 giờ nữa sẻ có xe bus đưa các anh về tạm trú tại một ngôi chùa.
Như vậy, sau 7 ngày đêm, chúng tôi tới Songkhla, miền cực Nam Thái Lan ngày 12 tháng 12 năm 1985. Cũng chính ngày này, 13 năm trước (1972), cụ thân sinh nhà tôi qua đời. Sự trùng hợp kỳ lạ này làm tôi cứ suy nghĩ: có phải cụ được chết lành, đã xin Chúa cho hộp số bể đúng nơi, đúng lúc để cứu chúng tôi? Tại sao chiếc ghe chạy 7 ngày đêm, máy móc không trục trặc, vào tới bến an toàn, rồi khi nổ máy chạy theo ghe nhỏ Thái Lan trở ra biển thì hộp số bể. Nếu hộp số không bể, chắc chắn tôi không nhảy xuống biển bơi vào bờ, ghe chúng tôi tiếp tục bị kéo ra khơi và chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng tôi với 3 tên cướp có ý đồ xấu xa, hãm hiếp, cướp của, giết người như đã xẩy ra rất nhiều cho các ghe vượt biên trong thời điểm đó. Đúng hơn, tôi nghĩ chính vì những Chuỗi Mân Côi chúng tôi đọc khi ghe khởi hành cũng như trong suốt chuyến đi mà Đức Mẹ đã nghe tiếng kêu thất thanh của tôi: Mẹ ơi ! chẳng lẽ Mẹ đưa con đến đất tự do để con chết ở đây sao ? Hơn nữa, cảnh sát trưởng đã quyết định ngay từ đầu không chấp nhận chúng tôi, và luật Thái Lan không cho phép khi ghe thuyền, máy móc còn nguyên vẹn, vậy ai, nếu không phải Đức Mẹ mới có thể khiến anh ta đổi ý, phá luật lệ để chấp nhận chúng tôi dù việc này có thể gây nguy hại cho bản thân và địa vị của anh ta.
Mặt khác, khi ghe chúng tôi vừa tới bến thì bão đang trên đường thổi tới với những cơn mưa như trút nước từng chặp đổ xuống. Rồi khi xe bus đưa chúng tôi về chùa tạm trú thì mưa và những trận cuồng phong bắt đầu nổi lên. Suốt mấy ngày đêm biển gào gió hú, cây cối gẫy đổ. Tôi có cảm tưởng Đức Mẹ ghìm bão lại để chúng tôi vào bờ an toàn.
Mãi 25 năm sau, năm 2010, tôi mới biết ngày 12 tháng 12 là ngày Lễ Đức Mẹ Guadalupe là Nữ Hoàng của Châu Mỹ nói chung và của Hoa Kỳ nói riêng. Tôi muốn bật khóc khi nghĩ rằng từ Mỹ Châu, Đức Mẹ Guadalupe đã nhìn xuyên suốt qua Đại Dương, thấy con cái Mẹ đang lao đao ‘giữa chốn ba đào nguy biến’, Mẹ chận bão lại, hướng dẫn con cái vào tới bến yên hàn. Vì quả thật, nếu ghe chúng tôi chỉ chậm thêm 2, 3 giờ nữa, sẽ bị nhận chìm xuống đáy đại dương khi cơn bão ập tới.
5. Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn (kinh cầu Đức Bà)
Ngày 5/10/1998 tôi bị bạo bệnh phải vô cấp cứu tại bệnh viện Baylor Garland, Texas. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ lắc đầu, nói quá trễ. Nhà tôi và cháu trai, đang học Dược khoa, đến Nhà Thờ St. Augustine lần chuỗi cầu nguyện.
Chúng tôi ở trong khu vực không có người Việt nên phải đi lễ Nhà thờ St. Augustine cách khoảng 25 phút. Nhà thờ St. Augustine gồm 2 khu vực: nhà thờ chính và nhà nguyện ngăn cách bằng bức tường gạch, nhưng giữa bức tường có 1 ô vuông nhỏ bằng kính, từ nhà nguyên có thể nhìn sang nhà thờ chính. Nhà nguyện để Mình Thánh Chúa và có bàn thờ làm lễ. Đặc biệt có tượng Đức Mẹ Guadalupe trông dịu hiền và rất nhân từ. Nhà tôi kể lại:
Trước khi bước vào, dặn con cứ đi ba bước thì phải bái sấp mình xuống (tam bộ nhất bái) để tỏ lòng tôn kính Chúa. Hai mẹ con vừa bái sấp mình thì nghe tiếng piano đàn bài “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Nhà tôi ngạc nhiên thắc mắc tại sao Nhà thờ này gồm toàn giáo dân Mỹ và Hispanic, lại có người đàn bài Việt Nam. Chẳng lẽ văn phòng Nhà thờ có người Việt mở radio nghe bài “Lòng Mẹ” cho đỡ nhớ mẹ còn bên Việt nam. Nhà tôi hỏi: con có nghe bài hát Việt Nam không ?
-Con có nghe.
-Con có biết bài gì không ?
-Có, bài “Lòng Mẹ”.
Hai mẹ con cúi xuống bái sấp thêm 1 lần nữa thì nghe tiếng đàn lớn hơn. Nhà tôi liếc nhìn sang Nhà thờ chính thì qua ô kính, thấy 1 người mặc áo trắng, tóc uốn ‘frigé’ đang ngồi đàn, có bản nhạc trên giá đàn. Hai mẹ con vội ra khỏi nhà nguyện, chạy nhanh sang Nhà thờ thì không thấy người ngồi đờn đâu cả. Hỏi 2 người đang dọn bàn thờ (cây đàn piano kê gần bàn thờ, phía bên phải từ cửa chính đi lên), họ trả lời không hề thấy ai ngồi đàn.
Đúng là sự kiện không sao cắt nghĩa được: hai người (chứ không phải một người mà nói tưởng tượng ra) cùng nghe tiếng piano đàn bài ‘Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình’ trong một Nhà Thờ Mỹ không có giáo dân Việt Nam, lại nhìn thấy người ngồi đàn mặc áo trắng, với bản nhạc trên giá.
Sau khi bình phục về nhà nghe kể lại, tôi ngạc nhiên suy nghĩ tại sao trong hàng ngàn bài hát Việt Nam, Đức Mẹ lại chọn bài ‘Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình’ để nói lên lòng Mẹ thương chúng tôi. Không cầm được nước mắt, tôi đã kêu lên:
“Lạy Mẹ Guadalupe, ngày 12 tháng 12 năm xưa, bên kia bờ Thái Bình Dương, Mẹ đã cứu con khỏi chìm trong sóng dữ, Mẹ đã ghìm bão lại cho con kịp vô bờ, Mẹ đã khiến cảnh sát Thái Lan thay đổi quyết định xua đuổi con, Mẹ đã đem con về làm thần dân của Mẹ là Nữ Vương Mỹ châu và Mỹ quốc, Mẹ lại hiển linh cứu sống con qua cơn bệnh nguy hiểm ngặt nghèo. Muôn muôn đời con xin cảm tạ Mẹ, và ‘Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình’, xin thương con cho trót”. Cũng từ ngày đó, tất cả con cái tôi, khi thi vào các trường chuyên môn đều đến Nhà nguyện St. Augustine có tượng Đức Mẹ Guadalupe cầu nguyện và được Mẹ nhận lời.
Năm 2003, con gái thứ 3 của tôi sinh trai đầu lòng tại thành phố Pittsburrg, PA. nơi cháu làm việc và chồng thực tập bệnh viện. Được 6 tuần thì cha mẹ đem cháu bé đi lễ. Nhiều người đến chúc mừng và nựng cháu bé. Không may, vì đó, cháu bị nhiễm rota virus hệ thống tiêu hóa, ruột sưng, tiêu chảy. Ngày đầu cháu tiêu chảy 3 lần, ngày thứ hai 4 lần, rồi cứ 2 giờ 1 lần, 20 phút 1 lần, sữa đổ vô miệng chưa kịp tiêu hóa đã ra hậu môn, tiêu ra chỉ còn nước, mà nước trong cơ thể cũng không kịp thay thế. Chỉ trong 2 ngày, cháu sụt 3 lbs, cháu kiệt quệ thực sự, không còn bú được nữa, phải chuyền nước biển và các chất dinh dưỡng qua mạch máu, nhưng mạch lại quá yếu hoặc bị rối loạn, không tìm ra chỗ cắm kim chuyền vào. Sau cùng bác sĩ chuyên về mạch máu phải cắt chỗ nối cánh tay với bắp tay, bắp chân, v.v., để tìm chỗ chuyền nước biển và chất dinh dưỡng. Tội nghiệp tay chân và khắp nơi trên thân mình cháu bé đều có vết cắt xẻ để tìm mạch máu. Mồi lần chích mũi kim là cháu khóc ré lên rất thảm hại, nghe xé ruột, tuy vậy, tình trạng cũng không mấy thấy khả quan. Mọi người hầu như đã tuyệt vọng.
Từ khi con gái có bầu, nhà tôi đã bỏ ‘job’ dạy học lên phụ. Khi cháu bé nhập viện thì công tác của bà là túc trực bên giường cháu vì cha mẹ phải đi làm, đi học. Trong khi cháu trên giường vật lộn với bệnh thì Chuỗi Mân Côi không rời tay của bà. Khi được đổi ca về nhà, bà càng nóng ruột như lửa đốt. Tôi nghe kể lại một hôm ở nhà, nghe tin cháu bé ngày càng suy sụp, nhà tôi đã quỳ trước ảnh Đức Mẹ giang tay đọc 6 Chuỗi Mân Côi. Liền sau đó, nghe như trong trí có tiếng nói: Mẹ cứu nó! Lập tức nhà tôi gọi vào bệnh viện thì con gái vui mừng nói bác sĩ cho biết đã thấy tiến triển. Bé nằm điều trị trong bệnh viện 3 tuần thì bình phục. Điều ngạc nhiên là không thấy bệnh viện gởi ‘bills’ đòi tiền. Khi gọi hỏi thì được trả lời: ‘everything has been taken care of’. Hiện nay cháu rất mạnh khỏe. Một hôm có Cha Dòng Chúa Cứu Thế đến dâng Thánh lễ tại nhà. Trước mặt hàng trăm người trong dòng họ: ông bà cố, ông bà nội ngoại, cha mẹ, chú bác cô dì, con cháu…tụ họp, Cha hỏi đám trẻ ai muốn đi tu, tôi thấy duy nhất cánh tay của cháu được Đức Mẹ cứu, giơ lên. Cầu xin được như vậy.
Năm 2006, con gái vừa nói trên sinh thêm một cháu gái. Khám bệnh ngày thứ 2 sau khi sinh, bác sĩ thấy nhịp tim không bình thường (murmur), cần theo dõi. Khi chụp hình và siêu âm thì khám phá ra tim có 3 lỗ bẩm sinh, 3- 4 tuần sau phải giải khẫu khâu bít lại và có thể phải giải phẫu nhiều lần. Nghe vậy, ai cũng buồn phiền, ái ngại.
Tôi đưa ý kiến tất cả gia đình đem cháu bé đến Nhà nguyện St. Augustine, lần Chuỗi Mân Côi xin Đức Mẹ thương cứu chữa.
10 giờ sáng thứ Bảy, chúng tôi họp mặt đông đủ tại Nhà nguyện St Augustine lần Chuỗi Mân Côi. Tôi đặt chiếc nôi cháu nằm ngay dưới chân Đức Mẹ Guadalupe trong khi mọi người tiếp tục lần Chuỗi. Mới đọc xong 3 chục kinh thì bỗng nghe cháu bé khóc thét lên. Tôi nghĩ có lẽ Đức Mẹ cứu chữa nó. Mà đúng như vậy, đã nhiều lần chụp siêu âm, nhịp tim cháu bé bình thường và 3 lỗ trong tim hoàn toàn biến mất.
Còn nhiều sự kiện khác mà nhờ Chuỗi Mân Côi Đức Mẹ đã cứu tôi phần xác, nhất là về phần hồn, hoặc báo mộng cho chúng tôi những việc sẽ xẩy đến như trường hợp điển hình sau đây.
Năm 1977, nhà tôi sinh con gái út trong hoàn cảnh chung của Miền Nam sau ngày mất nước, vô cùng khốn khổ và thiếu thốn, luôn luôn sống trong lo âu với tương lai mịt mờ. Tôi không ở nhà, mải lo tìm đường vượt biên. Trong suốt 2 tháng ở nhà nuôi con, nhà tôi liên miên, ngày cũng như đêm, lần Chuỗi Mân Côi xin Đức Mẹ thương giúp. Một buổi chiều vừa ôm con vừa lần chuỗi trong âu lo tuyệt vọng, nhà tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay và trong giấc mơ, thấy Đức Mẹ thật đẹp, mặc áo trắng, thắt đai xanh, đầu đội triều thiên, tuổi trạc 60 nhưng không một vết nhăn trên khuôn mặt. Đức Mẹ đi trên tấm ván bắc qua 2 cây sồi, bên dưới có anh trai nhà tôi và vợ (vượt biên trước qua Dallas, Texas) đang đi qua lại. Đức Mẹ giơ ngón tay trỏ, chỉ thẳng vào nhà tôi nói: thế nào con cũng được ‘đi ra khỏi nước’. Khi tỉnh dậy, nhà tôi nghĩ Đức Mẹ nói: “Thế nào”, chắc phải gian khổ lắm mới đi được.
Có 2 chi tiết cho thấy đây là Đức Mẹ báo mộng cho biết. Trước hết, Đức Mẹ trạc tuổi 60, khác với tranh ảnh đã in vào trí óc chúng ta từ nhỏ, vẽ Đức Mẹ tuổi 16-20.
Thêm nữa, Đức Mẹ dùng chữ “đi ra khỏi nước”, từ ngữ mà người Miền Nam không bao giờ nói để chỉ việc xuất ngoại hay xuất cảnh. Cách nói này không bao giờ có trong đầu óc nhà tôi, một người miền Nam, để có thể gợi lên trong giấc mơ. Thực tế, như đã mô tả ở trên, phải rất gian khổ tôi mới vượt biên thành công và người anh rể “năn nỉ” tôi qua định cư ở Dallas, Texas, mặc dù cố vấn Mỹ trong trại mà tôi thông dịch những tháng ở trại tỵ nạn, nói sẽ tìm cho một tôi một tiểu bang tốt nhất để định cư. Tôi đã từ chối đơn bảo lãnh của anh rể, nhưng sau cùng, vẫn phải miễn cưỡng từ chối đề nghị của cố vấn Mỹ để qua định cư tại Dallas, Texas, sống với gia đình anh chị trong thời gian đầu như đã được báo mộng năm xưa.
Trên đây là những sự kiện rất thật mà tôi đã trải qua. Tất cả là để minh chứng sự linh nghiệm của Chuỗi Mân Côi. Quả thực, Chuỗi Mân Côi đã cứu giúp tôi trong suốt cuộc đời tôi.
Để kết thúc bài này, xin kể thêm câu truyện của 1 người bạn, ông Nguyễn Đăng Đệ, giáo sư Pháp văn Khu học chánh Dallas.
Gs. Đệ xuất thân từ gia đình Phật tử nhưng học trường Tabert Saigon nên thông hiểu giáo lý Công Giáo và đã trở lại đạo. Rất nhiều lần Gs. Đệ khuyên mẹ già trở lại Công Giáo, nhưng cụ một mực từ chối, lấy lý do khi chết, cụ phải về với ông bà, còn theo Công Giáo tức là bỏ ông bà tổ tiên. Sau cùng, biết mẹ thương yêu mình hơn tất cả anh chị em trong gia đình, Gs. đã dùng chính tình thương để thuyết phục cụ. Gs. nói: thưa mẹ, nếu mẹ thực sự thương con và muốn ở bên con như bây giờ thì mẹ phải đi cùng đường với con. Nếu mẹ không trở lại Công Giáo với con thì sau này mẹ con mình sao gặp nhau được, mẹ đi đường mẹ, con đi đường con. Gs. Đệ cho biết, sau một thời gian dài với ý tưởng đó lặp đi lặp lại, cụ dần dần xiêu lòng và khi thấy Gs. Đệ ‘lần hạt’, tay cầm chuỗi Mân Côi (hơi giống xâu chuỗi nhà Phật), cụ tò mò rồi muốn học ‘câu kệ’ mà con trai ‘cưng’ của cụ đang đọc. Nhờ vậy, Gs. Đệ đã có cơ hội dạy cụ đọc kinh ‘Kính mừng Maria…’ và giải thích cho cụ. Từ đó, mặc dù chưa hẳn tin, mỗi tối, sau khi trò truyện nhắc lại những kỷ niệm xa xưa, cụ lại ngồi bên con và hai mẹ con xướng đáp : ‘Kính mừng….Thánh Maria’.
Rồi một buổi tối tháng 5, dưới ánh đèn điện trên bàn thờ, trong khi hai mẹ con đang đối đáp lời kinh như mọi khi, cụ chợt ngừng lại hỏi con: Đệ à, tại sao khi đọc chục kinh vừa rồi, mỗi lần mẹ đọc ‘Kính mừng Maria’ thì thấy tượng Đức Mẹ gật đầu, có phải con mắt mẹ bị đục mờ không ? Gs. Đệ cho biết: mặc dù hết sức ngạc nhiên, ông nhận ra ngay đây là dấu lạ Đức Mẹ ban thêm Đức Tin cho cụ, và cũng xuyên qua đó, cho chúng ta ý thức được rằng mỗi lần chúng ta đọc ‘Kính mừng Maria’ là Đức Mẹ đều có NGHE và ‘gật đầu nhận’ mặc dù chúng ta thường đọc một cách ‘vô tâm’, hầu như theo thói quen.
Tháng Đức Mẹ Mân Côi 2015
Trần văn Huyến
(vietcatholic.org)