Chưa được phân loại

KINH THÁNH CỰU ƯỚC TỔNG QUÁT (phần 2 chương 2)

CHƯƠNG II   HÔN NHÂN

1) Đa hôn và đơn hôn :

Trình thuật về việc tạo dựng cặp người đầu tiên (St 2,21-24) muốn cho thấy rằng đơn hôn là đúng ý Thiên Chúa. Các tổ phụ dòng dõi Seth theo đơn hôn chẳng hạn ông Noé (St 7,7). Nhưng đa hôn xuất hiện trong dòng dõi của Cain, người bị lên án : chẳng hạn Lamek cưới 2 vợ (St 4,19). Sách thánh đã trình bày thuở khởi nguyên như thế.

Tới thời các tổ phụ, Abraham lúc đầu chỉ có một vợ là Sara và chỉ vì bà này son sẻ nên Abraham mới lấy nàng hầu Agar theo đề nghị của chính Sara (St 16,1-2). Abraham còn cưới Qétura (St 25,1) nhưng chuyện này được thuật sau khi Sara chết. Thế nhưng St 25,6 lại dùng số nhiều khi nói đến các hầu thiếp của Abraham, hình như ám chỉ Agar và Qetura. Còn ông Nahor đã có con với vợ là Milka cũng có một hầu thiếp là nàng Réuma (St 22,20-24). Éliphaz con của Esau cũng có một người vợ và một hầu thiếp (St 36,11-12).

Trong tất cả những trường hợp trên các tổ phụ thực ra chỉ làm theo tục lệ của địa phương thôi. Theo bộ luật Hammurabi (khoảng năm 1700 trước CN) người chồng chỉ có thể cưới vợ thứ nếu vợ chánh son sẻ hoặc nếu vợ chánh tự đứng ra cưới một nàng nô lệ làm hầu thiếp cho chồng. Người chồng cũng có quyền tự đứng ra cưới một hầu thiếp cho dù vợ chính có con, nhưng chỉ một hầu thiếp mà thôi (nhưng nếu người hầu thiếp này son sẻ thì chồng được cưới thêm nữa). Tuy nhiên hầu thiếp không được hưởng những quyền lợi như người vợ chánh. Hình như người vợ mà son sẻ thì có bổn phận phải cưới hầu thiếp cho chồng.

Nghĩa là trong mọi nố kể trên người ta vẫn giữ chế độ đơn hôn tương đối, nghĩa là chỉ có một người làm vợ chính thức mà thôi. Thế nhưng lại có nhiều thí dụ vượt qua giới hạn này. Giacob cưới cả chị em của Léa và Rachel rồi mỗi bà lại dâng cho ông nàng hầu của mình (St 29,15-30 30,1-9). Esau có 3 vợ ngang hàng nhau (St 26,34 28,9 36,1-5). Như thế những giới hạn càng ngày càng được nới rộng. Đến thời thẩm phán và thời quân chủ thì không còn hạn chế gì nữa. Gédéon “có nhiều vợ” và ít ra một hầu thiếp (Tl 8,30-31). Trong Đnl 21,15-17 chế độ lưỡng hôn được luật thừa nhận. Còn các vua thì có cả một hậu cung gồm rất nhiều cung phi.

Vậy là chẳng còn hạn chế gì nữa. Mải về sau này sách Talmud mới ấn định rằng người thường có quyền có 4 vợ và vua được có 18 vợ. Bởi vì những bậc vua chúa mới có khả năng cung cấp tiện nghi xa hoa cho một hậu cung đông đúc, còn dân thường thì một hai vợ cũng đủ rồi. Nên thực tế là người ta theo chế độ lưỡng thê. Sở dĩ có hai vợ là vì ước muốn có nhiều con, nhất là khi vợ chính son sẻ hoặc chỉ sinh toàn con gái. Ngoài ra còn thêm một lý do nữa là người phụ nữ phương Đông lấy chồng quá sớm nên cũng sớm cằn cỗi không sinh nữa.

Nhưng nhiều vợ thì khó mà hòa thuận. Bà nào son sẻ thì bị bà kia miệt thị, chẳng hạn trường hợp hai bà Anna và Péninna (1Sm 1,6) mặc dù bà kia chỉ là nô tỳ như trường hợp Sara và Agar (St 16,4-5). Đối lại bà son sẻ thì ganh với bà có con như Léa và Rachel (St 30,1). Thêm vào đó người chồng lại thương một bà hơn những bà kia (St 29,30-31) đến nỗi luật (Đnl 21,15-17) phải can thiệp để những đứa con của bà ít được thương không bị thiệt thòi quyền lợi so với những đứa con của bà được thương nhiều.

Tuy nhiên xem ra đơn hôn là chế độ thường được theo nhất trong gia đình Israel, điểm đáng chú ý là các sách Samuel và Các Vua nói tới suốt thời kỳ quân chủ mà chỉ đưa ra có một trường hợp lưỡng hôn của cha ông Samuel, mà trường hợp này là ở ngay đầu sách. Còn những sách minh triết là một bản minh họa xã hội thời đó thì lại chẳng bao giờ nói tới đa hôn. Sách Tobia, một quyển sách về gia đình chỉ đưa ra 2 gia đình Tobia cha và Tobia con thì cả 2 đều là đơn hôn. Các ngôn sứ thì trình bày Israel như là vợ duy nhất được Thiên Chúa duy nhất tuyển chọn.

2) Mô hình hôn nhân Israel :

Cũng như con gái chưa chồng phải sống dưới quyền cha, thì phụ nữ có chồng phải sống dưới quyền chồng. Bản Thập giới (Xh 20,17) liệt kê người vợ chung với các thứ sở hữu khác của chồng như : tớ trai, tớ gái, bò, lừa v.v… chồng được gọi là ba’al (chủ) của vợ, cũng như là ba’al của cái nhà, của thửa ruộng (Xh 21,3.22). Vợ là một thứ sở hữu của ba’al (St 20,3) “cưới vợ” được nói là “trở thành ba’al” (Đnl 21,13). Những kiểu nói như thế chứng tỏ rằng người vợ thực sự bị coi là một vật sở hữu của chồng, bị chồng mua chăng ? có người nghĩ là như vậy, họ viện câu chuyện Rachel và Léa nói rằng đã bị cha mình “bán” (St 31,15). Thế nhưng ta không nên hiểu từ “bán” đó theo nghĩa đen hoặc nghĩa pháp luật, vì đó chỉ là một tiếng thốt ra bởi những bà đang cơn nóng giận. Đúng ra hai bà này muốn nói tới khoản tiền mohar (tiền cheo cưới).

Mohar là khoản tiền mà chú rể phải nạp cho cha của cô dâu, nhiều hay ít tùy theo đòi hỏi của cha cô dâu hoặc tùy địa vị xã hội của gia đình cô dâu. Trong trường hợp buộc cưới người con gái mà mình đã hiếp dâm, thì luật định phải trả 50 sicles bạc (Đnl 22,29) nhưng đó là hình phạt, chứ khoản tiền mohar bình thường phải thấp hơn mức đó. Cưới một cô gái dưới 20 tuổi thì tiền mohar khoản 10 sicles (Lc 27,4-5).

Thay vì mohar, chú rễ có thể bỏ công ra làm việc như trường hợp hai lần cưới vợ của Giacob (St 29,15-30) hoặc làm một điều gì đó mà nhà vợ tương lai đề ra, như trường hợp Đavit cưới Mikal (1Sm 18,25-27).

Việc phải nạp một khoản tiền hoặc phải làm một việc gì đó tương đương khiến cho hôn nhân có vẻ một cuộc mua bán. Nhưng thực ra mohar không được xem như giá mua vợ mà được xem là khoản đền bù cho gia đình vợ. Muốn thấy rõ sự khác biệt ta nên so sánh với trường hợp một người cha bán con thực sự, khi ấy đứa con gái bị làm hầu thiếp hoặc làm nô tỳ chứ không được làm vợ của người mua, và người mua sau này cũng có thể đem người con gái ấy bán lại cho người khác (Xh 21,7-11). Còn trong vấn đề mohar người cha của cô gái tuy nhận mohar nhưng không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền hưởng lợi (usufruit) nghĩa là ông có thể dùng tiền đó làm việc này việc nọ sinh hoa lợi. Nhưng khi chồng của đứa con gái ông chết và con gái ông lâm vào cảnh túng thiếu thì ông phải đem khoản mohar ấy giao cho con gái; và đến lúc hưởng gia tài thì con gái ông cũng lấy lại mohar đó. Như vậy ta mới hiểu đúng nghĩa lời Rachel và Léa than rằng cha của họ sau khi “bán” họ đi (đã nhận mohar) thì đã “ăn hết tiền của họ” (không chịu giao lại họ khi chia gia tài).

Những món quà mà chú rễ tặng trong dịp cưới thì không giống với mohar. Chú rể tặng quà cho cô dâu và cho gia đình đàng gái là để biểu lộ lòng biết ơn đã chấp nhận lời cầu hôn của mình. Như ngay sau khi thỏa thuận việc hôn nhân của Rébecca thì người đầy tớ của Abraham liền đem nữ trang và quần áo tặng cho cô dâu và tặng nhiều món quà quý cho anh và mẹ của cô dâu (St 24,53).

Gia đình đang gái cho cô dâu một số tiền hồi môn không ? ta thấy có 2 trường hợp : một là khi Salomon cưới con gái của Pharaon thì Pharaon tặng con gái mình một thành tên là Gézer (1V 9,16), hai là Tôbia cưới nàng Sara thì cha nàng đưa cho Tobia phân nửa tài sản của ông .(Tb 8,21). Thế nhưng cần lưu ý rằng đây là 2 trường hợp hôn nhân xảy ra ở nước ngoài nên theo phong tục nước ngoài. Còn ở Israel, cha mẹ có thể tặng quà cho con gái trong ngày nó kết hôn. Chẳng hạn cho một nữ tì (St 24,59) hoặc một mảnh đất (Gs 15,18-19), nhưng đó là tùy ý, chứ tục lệ cho của hồi môn thì không có ở Israel. Hc 25,22 còn công kích tục đó nữa “quả là thân phận gia nô hổ nhục, là chồng ăn nhờ của vợ”.

Khi lấy chồng, người con gái rời cha mẹ đến sống với chồng và thuộc về gia tộc chồng, con cái nàng sinh ra cũng thuộc về gia tộc chồng. Abraham không cho Isaac đi Mésopotamie nếu vợ chàng không chịu đến Canaan (St 24,5-8). Tuy nhiên có vài trường hợp trong Thánh kinh không theo tục này : Giacob sau khi cưới Léa và Rachel vẫn tiếp tục sống ở nhà nhạc gia Laban, và khi Giacob trốn đi thì Laban trách chàng còn mang theo các con gái ông nữa (St 31,26); Gédéon có một hầu thiếp vẫn sống với gia đình ở Sichem (Tl 8,31) v.v… thực ra Laban trách Giacob không phải vì dựa vào tục lệ hôn nhân (nếu dựa vào tục lệ này thì Laban đã trách khác), mà chỉ trách vì Giacob đã lén lút trốn đi. Còn trường hợp Gédéon thì đó là hầu thiếp chứ chẳng phải vợ.

3) Chọn vợ :

Thánh kinh không cho biết gì về tuổi kết hôn của con gái. Tục lệ phải gả con gái lớn trước không phải là tục lệ phổ biến (St 29,26). Hình như con gái được gả chồng khi còn rất trẻ cũng như con trai lúc lấy vợ lúc còn rất trẻ. Dựa vào những chỉ dẫn trong sách Các Vua về tuổi của mỗi vị vua lúc mới lên ngôi, thời gian ông trị vì và tuổi đức con nối ngôi ông (thường là con đầu lòng), thì người ta có thể ước tính Joiakim cưới vợ lúc 16 tuổi, Amon và Josias cưới vợ lúc mới 14 tuổi. Nhưng những ước tính này là dựa vào những con số không được bảo đảm. Sau này các rabbi ấn định tuổi tối thiểu kết hôn là con gái 12, con trai 13.

Trong những điều kiện như thế, ta dễ hiểu việc cha mẹ nhúng tay can thiệp vào việc quyết định hôn nhân cho con cái. Thông thường cả đứa con gái lẫn đứa con trai đều chẳng được tham khảo ý kiến. Abraham khi muốn cưới vợ cho Isaac đã sai một người đầy tớ trung thành đi tính chuyện với Laban là anh của Rébecca (St 24,33-53), hoặc cha mẹ hướng dẫn cho con cái mình chọn lựa như Isaac bảo Giacob đi cưới một người trong các bà con của ông (St 28,1-2). Có khi con trai tự có ý kiến, như Samson xin cha mẹ cho mình đi cưới một nàng con gài Philitinh (Tl 14,2-3). Nhưng cách chung thì việc chọn lựa hoàn toàn do cha mẹ , con trai thì có khi có ý kiến, có khi được cha mẹ hỏi ý, còn hầu như con gái không bao giờ được hỏi ý kiến.

Lời cầu hôn phải thưa với cha mẹ cô gái. Tính toán những điều kiện, nhất là mức tiền mohar, thì phải bàn với cha mẹ cô gái (St 29,15tt).

Mặc dù uy quyền cha mẹ rất lớn, nhưng cũng không đến nỗi hoàn toàn bóp nghẹt tình cảm của con cái. Cũng có những cuộc hôn nhân vì tình. Người thanh niên có thể bày tỏ tình cảm của mình cho cha mẹ biết (St 34,4). Có khi chàng tự quyết định mà không hỏi ý kiến cha mẹ và còn có khi nghịch ý cha mẹ nữa (St 26,34-35). Ít có thiếu nữ nào dám có sáng kiến trước như trường hợp Mikal con gái của Saul phải lòng Đavit (1Sm 18,20).

Tình cảm trai gái cũng có nhiều dịp thổ lộ bởi vì các cô gái rất tự do. Mặc dù 2Mc 3,19 có nói đến việc các thiếu nữ Giêrusalem bị cấm cung trong nhà, nhưng chi tiết này thuộc thời Hy Lạp đô hộ và chỉ là một hoàn cảnh đặc biệt. Thói che mạng trên mặt cũng mãi sau này mới có. Vào thời xưa các thiếu nữ không cấm cung và khi ra ngoài không có mạng che mặt. Các cô chăn chiên (St 29,6), đi xách nước (St 24,13), đi mót lúa (R 2,2t), thăm viếng (St 34,1) và có thể tự do trò chuyện với phái nam (St 24,15-21 29,11-12 1Sm 9,11-13).

Hoàn cảnh tự do ấy khiến các thiếu nữ đôi khi bị cưỡng hiếp (St 34,1-2), nhưng kẻ cưỡng hiếp buộc phải cưới nạn nhân, phải trả tiền mohar rất cao, và sau đó không có quyền rẩy vợ (Xh 22,15 Đnl 22,28-29).

Có thói tục cưới người bà con, đây là một di sản của nếp sống bộ lạc. Abraham nhờ một người đầy tớ trung tín đi tìm vợ cho con trai là Isaac ở gia đình ông tại miền Mésopotamie (St 24,4), đến lượt Isaac cũng cưới vợ cho con là Giacob theo kiểu đó (St 28,2). Laban tuyên bố thích gả con gái mình cho Giacob (cháu) hơn là cho người dưng (St 29,19) v.v… hôn nhân giữa những người bà con ruột là điều thường xuyên, như Isaac cưới Rébecca, Giacob cưới Léa và Rachel. Theo Tb 6,12-13 7,10 thì gia đình Sara không có quyền từ chối gả nàng cho Tobia bởi vì chàng là người bà con gần nhất, và sách nói đó là “Luật Môisê”. Tuy nhiên trong bộ Ngũ thư không có một khoản luật nào như thế. Bản văn trên dựa vào trình thuật về những cuộc hôn nhân của Isaac và Giacob, và nhất là dựa vào luật thừa kế buộc những thiếu nữ có quyền thừa kế phải lấy những người thuộc gia tộc bên nội hầu tài sản gia tộc khỏi bị thất thoát ra ngoài (Ds 36,5-9), Sara là con duy nhất của Ragouel (Tb 6,12) nên dĩ nhiên phải theo luật đó.

Nhưng cũng có những cuộc hôn nhân giữa những người không có bà con với nhau, thậm chí còn cưới phụ nữ nước ngoài. Chẳng hạn Ésau cưới 2 cô gái Hittites (St 26,34), Giuse cưới một cô Ai cập (St 41,45), Môisê cưới một cô Madian (Xh 2,21) v.v… và ngược lại cũng có những cô gái Israel được gả cho người nước ngoài, chẳng hạn Bethsabée được gả cho một người Hittites (2Sm 11,3), mẹ của Hiram được gả cho một người xứ Tyr (1V 7,13-14). Những cuộc hôn nhân với người nước ngoài như thế càng ngày càng thường hơn và lại được một vài vua khuyến khích nhằm lợi ích chính trị. Nhưng chúng gây hại chẳng những cho sự tinh tuyền huyết thống mà còn cho niềm tin tôn giáo nữa (1V 11,4), nên chúng bị luật cấm (Xh 34,15-16 Đnl 7,3-4). Tuy nhiên có một nố trừ là các phụ nữ khi bị bắt làm tù binh thì người ta có thể cưới sau khi cử hành một lễ nghi tượng trưng họ đã từ bỏ quê quán của họ (Đnl 21,10-14). Thế nhưng những luật cấm kết hôn với người nước ngoài ít được tôn trọng. Sau khi lưu đày về, dân vẫn kết hôn với người nước ngoài (Ml 2,11-12) khiến Esdras và Néhémie phải dùng đến những biện pháp khắt khe, nhưng xem ra cũng chẳng hiệu quả bao nhiêu (Edr 9-10 Nhm 10,31 13,23-27).

Trong nội bộ gia đình, luật cấm kết hôn giữa những người bà con, gần theo họ máu hoặc họ sui gia, bởi vì không nên giao hợp với “thịt của thân xác mình” (Lv 18,6). Quan hệ sui gia cũng được xem như quan hệ huyết tộc (Lv 18,17). Những khoản này đưa đến luật cấm loạn luân được ghi trong Lv 18. Cấm loạn luân giữa cha và con gái, mẹ và con trai, ông và cháu gái. Đó là theo hàng thẳng; còn theo hàng ngang thì cấm giữa anh chị em. Việc kết hôn với em gái khác cha hoặc khác mẹ được chấp nhận vào thời tổ phụ (St 20,12) và thời Đavit (2Sm 13,13), nhưng bị cấm bởi những khoản luật Lv 18,11 20,17. Hôn nhân giữa cháu trai với cô, dì (trường hợp sinh ra Môsê – Xh 6,20 Ds 26,39) bị cấm bởi Lv 18,12-13 20,19. Cũng cấm kết hôn theo họ sui gia giữa con trai và kế mẫu (Lv 18,8), giữa bố chồng và nàng dâu (Lv 18,15), giữa con rể với mẹ vợ (Lv 20,14), giữa cha ghẻ với con gái hoặc cháu ngoại gái của vợ mình (Lv 18,17), giữa cháu trai với vợ của chú, bác hoặc cậu (Lv 18,14 20,20), giữa anh em rể với chị em dâu (Lv 18,16 20,21). Cưới cả hai chị em tuy được phép theo gương của Giacob nhưng bị cấm bởi Lv 18,18.

Những người thuộc dòng dõi tư tế thì bị hạn chế nhiều hơn. Theo Lv 21,7 họ không được cưới một phụ nữ đã từng làm điếm hoặc đã từng bị chồng rẩy. Ed 44,22 còn thêm vào số đó những bà góa, nhưng nếu là vợ góa của một tư tế thì được. Đối với vị thượng tế thì luật còn ngặt hơn nữa; chỉ được cưới một trinh nữ Israel mà thôi.

4) Lễ đính hôn :

Lễ đính hôn là lễ hứa sẽ kết hôn cử hành một khoảng thời gian có khi dài khi ngắn trước lễ cưới.

Đây là một tập tục quen thuộc và có giá trị pháp lý. Theo Đnl 20,7 một thanh niên đã đính hôn với một thiếu nữ nhưng chưa kết hôn thì được miễn khỏi ra trận. Đnl 22,23-27 quy định trường hợp một trinh nữ đã đính hôn rồi bị một người đàn ông khác cưỡng hiếp, nếu việc cưỡng hiếp xảy ra trong thành phố thì cả hai đều bị ném đá vì lẽ cô ta có thể kêu cứu mà không kêu, còn nếu xảy ra ngoài đồng thì chỉ người đàn ông bị ném đá thôi vì có thể cô ta kêu cứu mà không ai nghe.

1Sm 18,21 có lẽ là công thức mà cha của cô gái đọc để làm cho sự đính hôn có giá trị : “hôm nay anh sẽ là rể của tôi”. Số tiền mohar được thảo luận với cha mẹ cô gái ngay trong lễ đính hôn và có lẽ được trao ngay lúc đó nếu đấy là mohar được định bằng tiền mặt.

5) Lễ cưới :

Điểm ngạc nhiên thú vị là lễ cưới chỉ là nói tới bản văn hôn ước. Cộng đồng Do thái ở Éléphantine có rất nhiều mẫu văn bản hôn ước ghi thời điểm thế kỷ V trước CN, cho nên có thể suy đoán rằng dân Do thái cũng có tục lệ đó, tục ấy có từ thời nào thì chưa rõ. Cho nên sự kiện Cựu ước chẳng nói tới văn bản hôn ước có lẽ là một sự thiếu sót vô tình mà thôi.

Theo những bản hôn ước ở Éléphantine thì công thức kết hôn được viết lấy tên người chồng : “nàng là vợ tôi và tôi là chồng nàng từ nay đến mãi mãi”. Người vợ chẳng cần tuyên bố gì cả.

Lễ cưới là một dịp vui chơi. Lễ nghi chính là cô dâu đi về nhà chồng : chàng rể đầu mang miện (Is 61,10) có các bạn cầm trống nhạc tháp tùng (1Mcb 9,39) đi đến nhà cô dâu. Cô dâu trang điểm lộng lẫy (Tv 45,14-15) nhưng che mặt (Dc 4,1 6,7) và chỉ mở mạng che ra trong phòng loan. Chính vì điểm này mà Laban mới đánh tráo Léa thế chỗ Rachel trong đám cưới thứ nhất của Giacob (St 29.23-25). Cô dâu cũng có các bạn gái tháp tùng (Tv 45,15) được rước đến nhà chú rể (Tv 45,16), người ta hát những bài tình ca (Gr 16,9), ca tụng những đức tính của hai vợ chồng (Tv 45). Tiếp đó là một bữa tiệc lớn (St 29,2 Tl 14,10 Tb 7,14). Trong 3 thí dụ này bữa tiệc đều ở nhà gái. Nhưng thông thường thì tiệc cưới ở nhà trai (Mt 22,2). Cuộc lễ thường kéo dài tới 7 ngày (St 29,27) và có thể tới 2 tuần (Tb 8,20), nhưng hôn phối thì hoàn hợp ngay trong đêm đầu tiên (St 29,23). Trong đêm hợp cẩn này người ta giữ lại tấm khăn thấm máu để làm bằng chứng cô dâu còn trinh, và cũng để đề phòng trường hợp cô dâu bị chồng vu khống mất trinh (Đnl 22,13-21).

6) Rẩy vợ và ly dị :

Chồng có thể rẩy vợ với lý do mà Đnl 24,1 đưa ra là “thấy vợ có một khuyết điểm”. Thuật ngữ này quá tổng quát, cho nên vào thời các rabbi người ta đã tranh luận gay go về tầm mức nội dung của nó. Trường phái khắt khe của Shammai chỉ chấp nhận cho rẩy vợ vì lý do ngoại tình hoặc lăng loàn; còn trường phái của Hillel rộng rãi hơn thì chấp nhận bất cứ lý do nào, kể cả lý do rất xoàng như vợ nấu ăn không ngon hoặc đơn giản hơn nữa chỉ vì chồng thích một bà khác hơn. Hc 25,26 đã từng nói với ông chồng rằng : “nếu vợ ngươi không vâng lời ngón tay và con mắt người, thì hãy rời bỏ nó đi”.

Công thức rẩy vợ đơn giản : người chồng tuyên bố ngược với điều đã tuyên bố khi kết hôn : “nó không còn là vợ tôi và tôi không còn là chồng nó nữa” (Hs 2,4). Trong cộng đồng Do thái ở Éléphantine người chồng nói trước mặt các nhân chứng rằng “tôi li dị với vợ tôi” nghĩa sát chữ là “tôi ghét vợ tôi”. Nhưng người chồng phải thảo ra một tờ rẩy vợ (Đnl 24,1.3) cho phép vợ tái giá (Đnl 24,2).

Luật chỉ đưa ra một ít hạn chế cho người chồng : người chồng nào đã cáo gian vợ mình là mất trinh thì khi đã cưới nàng rồi không còn được rẩy nữa (Đnl 22,13-19) người nào hiếp dâm một cô gái thì phải cưới nàng và không được rẩy nữa (Đnl 22.28-29). Nếu người vợ bị rẩy đi tái giá rồi sau đó chồng sau chết hoặc rẩy nàng thì người chồng trước không được cưới lại (Đnl 24,3-4), trường hợp của Hosé (Hs 2-3) bỏ vợ rồi sau lấy lại, nếu theo lối chú giải rằng đó chỉ là cùng một người vợ thì không thuộc về khoản luật này, bởi vì bà này trong khoảng thời gian giữa không phải là bị chồng rẩy mà chỉ là đi làm điếm. Luật này cũng không áp dụng cho trường hợp nàng Mikal kết hôn với Đavit, kế đó bị gả cho một người khác rồi sau lấy Đavit lại (1Sm 18,20-27 25,44 2Sm 3,13-16) bởi vì Đavit không hề rẩy nàng.

Không biết các ông chồng Israel thường sử dụng quyền rộng rãi này chăng ? các sách minh triết ca tụng lòng chung thủy vợ chồng (Cn 5,15-19 Gv 9,9) và Malachiel dạy rằng : hôn phối đã kết hợp 2 người thành một và người chồng phải giữ lời đã thề với vợ : “Ta ghét sự rẩy vợ, Jahvé Thiên Chúa Israel phán như thế” (Ml 2,14-16). Nhưng phải chờ đến Tân ước Đức Giêsu mới tuyên bố tính bất khả phân ly của hôn nhân (Mt 5,31-32 19,1-9 và những đoạn song song) với cùng một lập luận như Malachiel : “Điều mà Thiên Chúa đã phối hợp con người không được phân li”.

Người vợ trái lại không được xin li dị. Ngay cả vào đầu CN khi nànfg Saloméhem của Hérodé gửi cho chồng là Kostabar một bức thư li hôn thì bị coi là trái với luật Do thái. Nếu Tin mừng có đưa giả thuyết một người vợ li dị chồng (Mc 10,12) thì có lẽ vì nghĩ đến tục lệ của dân ngoại. Cộng đồng Do thái ở Éléphantine chịu ảnh hưởng của nước ngoài nên chấp nhận việc li dị vợ chồng. Ở Palestine tục lệ này được một tài liệu miền sa mạc Giuđa vào thế kỷ II chấp nhận

Tóm lại, mặc dù Cựu ước im lặng về vấn đề này, hình như ở Israel cũng chấp nhận li dị với một số điều kiện tài chính. Theo những hôn ước ở Éléphantine người chồng rẩy vợ không được đòi lại tiền mohar mà còn phải trả “chi phí li dị” và người vợ được giữ tất cả những gì nàng đã mang về nhà chồng; còn người vợ li dị chồng cũng phải trả “chi phí li dị”, được lấy những tài sản riêng đi, và hình như cả số tiền mohar.

7) Ngoại tình và tà dâm :

Thập giới (Xh 20,14 Đnl 5,18) đã kết tội ngoại tình vào giữa tội sát nhân và trộm cắp, nghĩa là những tội phạm đến tha nhân. Trong Lv 18,20 tội này được xếp vào những khoản cấm về hôn nhân, làm cho người ta ra “nhơ uế”. Cũng như trong khắp vùng phương Đông thời xưa, ngoại tình là một tội kín, thế nhưng Lv 18,20 thêm cho nó một ý nghĩa tôn giáo và những trình thuật St 20,1-13 26,7-11 xem ngoại tình là một tội bị Chúa phạt.

Tội ngoại tình giữa một người đàn ông với một phụ nữ đã có chồng bị phạt rất nặng : cả hai đều bị xử tử (Lv 20,10 Đnl 22,22) trong nố này người nữ mới đính hôn cũng được kể như đã có chồng (Đnl 22,23t). Hình thức xử tử là ném đá theo Đnl 22,23t Ed 16,40 (Ga 8,5) nhưng cũng có thể bị hỏa thiêu : Giuđa kết án con dâu là Tamar phải bị thiêu sống (St 38,24).

Các chương sách Châm ngôn 1-9 luôn nhắc các thanh niên coi chừng bị phụ nữ bất trung với chồng quyến rũ. Người phụ nữ như vậy bị gọi là “người dưng” (Cn 2,16-19 5,2-14). Một tình yêu ngang trái như thế sẽ dẫn đến cái chết (2,18) nhưng chữ “chết” ở đây thường là đồng nghĩa với sự sa đọa luân lý, xem ra đó là sự trả thù của người chồng bị phản bội (6,34) chứ không bao giờ là hình phạt của luật pháp đối với tội ngoại tình.

Những phần xưa hơn trong sách Châm ngôn thì ít nói tới tội ngoại tình (Cn 30,18-20) chỉ xếp nó chung loại với việc làm điếm (23,27) người đàn ông thường tới lui với gái điếm làm lụn bại tài sản và sức lực (Cn 29,3 31,3) nhưng không bị kể là phạm luật phạt. Trường hợp của Giuđa phạm tội với Tamar không bị coi là tội đàng điếm (St 38,15-19) mà chỉ bị coi là tội không giữ luật Lévirat (St 38,26).

Cn 5,15-19 khuyên chồng phải chung thủy với vợ, nhưng nếu chồng bất trung thì chỉ bị phạt khi chạm tới quyền lợi người khác, nghĩa là phạm tội với người đàn bà đã có chồng.

Nếu luật tỏ ra khoan dung với người chồng thì trái lại rất khắt khe đối với người vợ. Nếu nàng ngoại tình thì có thể được chồng tha mà cũng có thể bị chồng rẩy và phải chịu một hình phạt nhục nhã (Hs 2,5.11-12 Ed 16,37-38) đối với phụ nữ không chồng thì không thấy nói gì, ta chỉ biết rằng con gái của một tư tế mà làm điếm thì phải bị thiêu sống (Lv 21,9).

8) Tục lệ Lévirat :

Theo Đnl 25,5-10 nếu những anh em trai sống chung nhau, và một trong những người đó có vợ và chết mà không con thì một trong những anh em còn sống phải lấy người vợ góa ấy, và đứa con đầu lòng sinh ra được luật xem là con của người quá cố. Tuy nhiên người anh em chồng có thể từ chối bổn phận này bằng một lời tuyên bố trước các kỳ lão của thành, nhưng anh ta phải bị sỉ nhục : người đàn bà góa bị từ chối cởi giày anh và khạc nhổ vào mặt anh, bởi vì “anh không vực dậy gia đình của anh em mình”.

Tục lệ này gọi là Lévirat từ chữ Latin Levir’ dịch sang tiếng Hy Bá Lai là yaham nghĩa là anh em chồng. Trong Cựu ước chỉ có 2 thí dụ nhưng khó giải thích, đó là chuyện Tamar và chuyện Ruth.

Er là con trai của Giuđa có vợ là Tamar, rồi chết mà không có con (St 38,6-7). Em trai của Er là Onan có bổn phận phải cưới lấy nàng Tamar. Thế nhưng vì không muốn sinh ra một đứa con không thuộc về mình theo luật. Nên khi giao hợp, Onan đã xuất tinh ra ngoài. Vì tội đó Jahvé đã phạt Onan chết (38,8-10). Thế là ông Giuđa bảo con trai út của mình là Shéla cưới nàng Tamar. Nhưng Shéla từ chối (38,11). Chẳng cách nào khác Tamar lập mưu để giao hợp với ông bố chồng (38,15-19). Trong câu chuyện này tục Lévirat xem ra còn ngặt hơn trong Đệ nhị luật : anh em chồng không được quyền từ chối bổn phận, và bổn phận ấy buộc tuần tự hết mọi anh em chồng còn sống (Mt 22,24-27). Việc Tamar giao hợp với ông Giuđa có thể là kỷ niệm của thời bổn phận Lévirat buộc luôn cả bố chồng nếu ông này không có đứa con trai nào khác. Nhưng có lẽ đúng hơn đây chỉ là một hành động tuyệt vọng của một người phụ nữ muốn có con mang cùng dòng máu với chồng mình.

Câu chuyện nàng Ruth phức tạp vì gồm cả tục Lévirat và tục Go’él. Đnl 25 không áp dụng trong trường hợp này được vì Ruth không có anh em chồng (R 1,11-12). Việc nàng phải lấy một người bà con gần và theo một thứ tự nào đó (R 2,10 3,12) cho thấy có lẽ vào một thời kỳ hoặc một môi trường mà tục Lévirat là việc của gia tộc hơn là của gia đình theo nghĩa hẹp. Nhưng dù sao thì những ý đồ và những kết quả của cuộc hôn nhân này cũng thuộc về tục Lévirat : đó là vì muốn “lưu danh người quá cố” (R 4,5.10 2,20) nhờ đứa con sinh ra được kể là con của người đó (R 4,6 4,17).

Người ta đã bàn cãi nhiều về ý nghĩa của tục Lévirat. Có người coi đó là cách bảo đảm tính liên tục của việc thờ phụng tổ tiên, có người coi đó là một trong những vết tích của chế độ gia đình huynh đệ. Dù nơi các dân tộc khác tục này có ý nghĩa gì đi nữa thì Cựu ước cũng đưa ra giải thích đúng và đủ : lý do chính là để lưu tồn nòi giống cho họ nội, tức là “cái tên”, “cái nhà” và vì thế đứa con (có lẽ đứa con đầu mà thôi) được coi là con của người quá cố. Đây không phải chỉ vì lý do tình cảm mà còn là biểu hiện tầm quan trọng của liên hệ huyết thống. Thêm một lý do nữa, là để khỏi thất thoát tài sản gia đình. Ta thấy lý do này trong Đnl 25,5 đưa việc anh em trai ở chung nhà thành điều kiện phải thi hành tục Lévirat và giải thích rằng quyền mua lại đất được gắn với bổn phận cưới người vợ góa trong câu chuyện nàng Ruth. Ta cũng thấy mối quan tâm này trong những luật về năm toàn xá (Lv 25) và về những con gái hưởng gia tài (Ds 36,2-9).

Bài viết liên quan