Chưa được phân loại

Ernest Hemingway, tác giả “Ngư Ông và Biển Cả”, không quên lời hứa với Đức Mẹ

Nhân vật chính của Ernest Hemingway, Santiago, thuyền trưởng chiếc thuyền đánh cá trong tác phẩm thời danh của ông, Ngư Ông và Biển Cả, từng đọc kinh Kính Mừng và kinh Lạy Cha. Đó là hai kinh ông đọc “nếu con bắt được con cá này”. Trong tiểu thuyết của Hemingway, Santiago cũng hứa sẽ hành hương kính viếng Nữ Trinh De Cobre (Đức Mẹ Bác Ái Cuba) nếu ông bắt được con cá.

Mô tả suốt trong cuốn tiểu thuyết là các di tích Công Giáo của Nữ Trinh De Cobre và Thánh Tâm Chúa Giêsu. Các di tích này là những đồ trưng bày duy nhất trong căn chòi của Santiago và vốn là sở hữu của người vợ quá cố của ông.

Nhiều người đã quen thuộc với các âm sắc tôn giáo và Công Giáo của Ngư Ông và Biển Cả, nhưng ít người biết sự nối kết đối với lời hứa hư cấu của Santiago với Nữ Trinh De Cobre và món quà thực sự của chính Hemingway tặng Nữ Trinh Maria. Điều chắc chắn là chính Ernest Hemingway cũng có cùng một lời hứa như Santiago, “nếu con bắt được con cá này”. Sau khi thắng giải Nobel về văn chương năm 1954, nhờ viết cuốn Ngư Ông và Biển Cả, rõ ràng là một con cá lớn, một giải thưởng ông từng theo đuổi, ông đã đi hành hương Đền Thánh Caridad del Cobre ở Cuba và dâng cho Nữ Trinh Diễm Phúc Maria giải thưởng Nobel của mình, một tấm huy chương.
Điều đáng lưu ý: đây không phải là lần đầu Ernest Hemingway nghĩ tới Nữ Trinh Maria. Trước việc dâng kính Giải Nobel Văn Chương cho Nữ Trinh De Cobre nhiều năm, Hemingway từng đi xem đấu bò tại Zaragoza, Tây Ban Nha. Chính ở đây, ông đã được chứng kiến Đền Cột.

Đức Mẹ Cột (Our Lady of the Pillar) là tên người ta dùng để gọi Nữ Trinh Diễm Phúc Maria vì cho rằng ngài đã hiện ra tại Tây Ban Nha. Đền thánh của ngài, đền thánh gây xúc động cho Hemingway, tọa lạc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Cột ở Zaragoza, cạnh Sông Ebro. Theo truyền thuyết, thời sơ khai của Giáo Hội, Thánh Tông Đồ Giacôbê Tiền đi truyền giảng Tin Mừng ở Caesaraugusta, nhưng sứ mệnh của ngài rất ít thành công cho tới ngày, lạ lùng thay, ngài thấy Đức Maria hiện ra với ngài. Trong thị kiến của thánh nhân, Đức Mẹ đứng trên một cái cột được các thiên thần khiêng tới khiêng lui. Người ta tin chiếc cột này chính là chiếc cột được tôn kính hiện nay ở Zaragoza. Nhiều việc chữa lành đã được tường thuật tại đây. Đây là lần hiện ra duy nhất của Đức Mẹ trước khi ngài được triệu về Thiên Đàng.

Sau thời gian ở Tây Ban Nha, Hemingway trở lại Hoa Kỳ và mua một chiếc thuyền đánh cá. Chiếc thuyền mà, cuối cùng, đã gợi hứng cho ông viết cuốn Ngư Ông và Biển Cả được đặt tên là Cột (Pilar). Như thế, chiếc thuyền thân thương của Hemingway đã được đặt tên theo các lần hiện ra của Đức Mẹ tại Zaragoza.

Chiếc thuyền của Hemingway ở Cuba hiện là nơi nổi tiếng đối với các du khách tới thăm nước này.

Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng

Wikipedia kể lại sự tích Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng (Nuestra Señora de la Caridad del Cobre) như sau:

Đây là bức tượng lạ của Nữ Trinh Maria thế kỷ 17. Được người Cuba hết sức sùng kính, nên Giáo Hội Công Giáo đã tôn vinh ngài là Quan Thầy của Cuba. Một đền thờ dâng kính Đức Mẹ Bác Ái hiện tọa lạc tại thị trấn mỏ El Cobre (Mỏ Đồng), ngoại ô Santiago de Cuba. Tại Santería, nữ thần Ochún đã được đồng bộ hóa với ngài. Ngài được người Cuba thân mật gọi là “Cachita” (Đức Mẹ Nhỏ). Lễ kính ngày 8 tháng Chín.

Lịch sử

Truyện về La Virgen de la Caridad del Cobre (Nữ Trinh Bác Ái Mỏ Đồng) xẩy ra khoảng năm 1608. Hai anh em, Rodrigo và Juan de Hoyos, và người nô lệ của họ, Juan Moreno, lên đường tới Vịnh Nipe tìm muối. Truyền thống gọi họ là “ba anh Juan”. Họ cần muối để ướp thịt tại lò sát sinh Barajagua, để cung cấp cho công nhân và cư dân của Santiago del Prado, nay gọi là El Cobre. Lúc ở trong vịnh, một cơn bão nổi lên, làm thuyền của họ nghiêng ngả dữ dội với những đợt sóng tàn bạo. Người nô lệ mang trên mình mẫu ảnh Nữ Trinh Maria. Ba người bèn cầu xin Đức Mẹ phù hộ. Bỗng nhiên, bầu trời thanh quang và bão tố chấm dứt. Xa xa, họ thấy một vật lạ dật dờ trong làn nước. Họ chèo thuyền tới đó trong khi sóng nước cũng đang đưa vật đó về phía họ. Thoạt đầu họ tưởng đó là một con chim, nhưng không lâu sau đó, họ thấy đấy hình như là một bức tượng con gái. Cuối cùng, họ xác định được đó là bức tượng Nữ Trinh Maria đang bồng Hài Đồng Giêsu trên cánh tay phải và tay trái cầm một thánh giá vàng. Bức tượng được cột vào một tấm gỗ có hàng chữ “Yo Soy la Virgen de la Caridad” hay “Ta là Nữ Trinh Bác Ái”. Bức tượng được vận y phục thật và Nữ Trinh có tóc thật và da của một phụ nữ lai. Điều hết sức ngạc nhiên là bức tượng hoàn toàn khô ráo dù dật dờ trong làn nước.

Được bảo tồn trong Tổng Văn Khố Thổ Dân ở Seville, là chứng từ của Juan Moreno, viết năm 1687, nói rằng:

“Sau khi cắm trại ở French Key, tọa lạc ở giữa Vịnh Nipe, chờ lúc thuận tiện để lên đường tới mỏ muối, nhân buổi sáng biển êm, họ đã rời French Key, trước lúc hừng đông. Juan y Rodrigo de Hoyos, được nhắc đến trước đây, và tôi lên đường trong một chiếc canô, trực chỉ mỏ muối, và lúc ra khỏi French Key, chúng tôi thấy một vật mầu trắng trên bọt nước, mà chúng tôi không phân biệt được. Càng đến gần, chim chóc và cành khô càng xuất hiện. Các người thổ dân đã nhắc ở trên nói ‘trông giống một bé gái’. Trong khi đang bàn bạc như thế, họ thấy bức tượng Đức Mẹ, Đức Thánh Nữ Trinh, trên một tấm ván nhỏ bằng gỗ, tay bồng Hài Đồng Giêsu. Trên tấm ván nhỏ này có hàng chữ lớn viết rằng ‘Ta là Trinh Nữ Bác Ái’. Nhìn vào y phục của ngài, họ thấy chúng không ướt. Thấy thế, lòng tràn ngập niềm vui, dù mỗi người chỉ lấy được một phần ba số muối, họ cũng lên đường trở về Barajagua”.

Vũ Văn An

vietcatholic.org

Bài viết liên quan