Luật sư Phạm Công Út nói với BBC rằng những người biểu tình bị nhân viên Thanh niên Xung phong hôm 8/5 tại TP. Hồ Chí Minh không có chứng cứ trong tay để khởi kiện.
Hôm 10/5, trả lời BBC qua điện thoại từ TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm cho hay đến thời điểm này, chưa có người biểu tình nào nhờ kiện những nhân viên Thanh niên Xung phong đã hành hung họ hôm 8/5.
“Có thể là họ không có chứng cứ trong tay do bị giật điện thoại hay bị ép xóa hình ảnh, clip ghi lại cảnh bị đánh. Trong lúc những người có chứng cứ thì lại không đồng nghĩa với người bị tấn công”.
“Về phần những clip, hình ảnh nhân viên Thanh niên Xung phong đánh người biểu tình được chia sẻ trên mạng xã hội thì danh tính của người cung cấp không rõ ràng”.
Trước đó, luật sư viết trên mạng xã hội: “Chắc chắn một điều rằng, hoạt động cản trở, sách nhiễu, đàn áp người biểu tình ôn hòa không nằm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công ích Thanh niên Xung phong”.
“Tập họp một số luật sư trong nước, chúng tôi có ý định đứng ra bảo vệ nhân dân mang tính bất vụ lợi cho những người tuần hành ôn hòa trong cuộc biểu tình ngày 8/5/2016, nếu họ có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí”.
‘Nhập nhằng’
Ông Út nhấn mạnh: “Trong chuyện này, vấn đề cần làm rõ là Thanh niên Xung phong là thương hiệu kinh doanh hay là lực lượng? Trong chuyện tham gia xử lý cuộc biểu tình, họ có ký hợp đồng hay không?”.
Theo luật sư, đang có sự nhập nhằng giữa Thanh niên Xung phong là tổ chức xã hội trước đây với công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên như hiện nay.
Ông dự báo: “Nếu có việc khởi kiện Thanh niên Xung phong ra tòa về việc hành hung người biểu tình, công ty Thanh niên Xung phong có thể lập tức bổ sung chức năng hành nghề của họ để hợp thức hóa việc này”.
Đề cập về việc Bí thư Đinh La Thăng không có động thái gì về việc nhân viên Thanh niên Xung phong trấn áp người biểu tình ôn hòa, ông Út nói:
“Có thể là do ông Thăng đến từ phương Bắc, lại chỉ có kinh nghiệm làm quản lý Nhà nước của một Bộ nên chưa nắm bắt được vấn đề biểu tình. Có thể ông không biết rằng người Sài Gòn đã có truyền thống biểu tình từ thập niên 1960”.