Thông Tin

Cuộc bách hại Kitô hữu lớn nhất lịch sử

Hôm nay, 24 tháng Tư, kỷ niệm 100 năm cuộc diệt chủng người Ácmêni trong tay người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng trong khi người Ácmêni kỷ niệm việc giết hại 1 triệu rưỡi các tiền nhân của họ, thì người Thổ mừng 100 năm cuộc chiến thắng lớn của họ đối với lực lượng Đồng Minh tại Gallipoli trong Thế Chiến I. 150405161318_pope_francis_624x351_getty

Bác bỏ

Theo truyền thống, người Thổ vẫn mừng chiến thắng Gallipoli vào ngày 25 tháng Tư, trùng với ngày Úc và Tân Tây Lan kỷ niệm gần 10,000 chiến binh của họ hy sinh tại cùng địa điểm năm 1915 trong ngày họ gọi là Ngày ANZAC (Australia and New Zealand Army Corps). Nhưng năm nay, người Thổ mừng chiến thắng Gallipoli vào một ngày trước đó, tức ngày 24 tháng Tư, trùng với ngày người Ácmêni tưởng niệm cuộc diệt chủng.

Tại viện bảo tàng quân đội ở Istanbul, ban quân nhạc Janissary chơi lại bản quân ca từng đồng hành với các cuộc chiến thắng của Đế Quốc Ottoman. Cuộc chiến thắng của Mustafa Kemal Ataturk tại Gallipoli, nơi các lực lượng Anh, Pháp, Úc và Tân Tây Lan bị bại, có nhiều vật trưng bày tại đây

Tuy nhiên có một căn phòng, không dễ tìm, dành cho “Các Mối Liên Hệ Thổ-Ácmêni”. Ở cửa ra vào căn phòng này có tấm bảng cho biết như sau: “mục tiêu của các luận điệu thiếu chứng cớ cho rằng đây là một cuộc diệt chủng là nhằm làm suy giảm sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ ở trong vùng”.

Trên tường đầy những bức hình có tính lịch sử, nhưng không có bức nào cho thấy một người Ácmêni bị giết, toàn là hình ảnh người Thổ được coi là bị hành hạ và sát hại” bởi bọn cướp Ácmêni.

Nên biết 1 triệu rưỡi người Ácmêni trong các năm từ 1915 tới 1923, là năm chính thức cáo chung Đế Quốc Ottoman và năm ra đời của nền tân cộng hòa Thổ, một là bị sát hại hai là bị tống xuất trong một cuộc di tản bằng chân trong rét buốt và đói khát và do đó chết dọc đường. Họ đều là Kitô hữu vì quốc gia của họ là quốc gia đầu tiên toàn tòng theo Kitô Giáo vào năm 301, trước cả lệnh ân xá Kitô Giáo của Đế Quốc Rôma vào năm 313 và biến cố Kitô Giáo được Constantinô thừa nhận sau đó.

Thổ Nhĩ Kỳ lý luận rằng chính động thái của một số người Ácmêni chiến đấu cho Nga chống lại Đế Quốc Ottoman đã khiến cho việc tống xuất trên trở thành cần thiết. Nhưng người Ácmêni nói rằng điều đó không bao giờ biện minh được cuộc trừng phạt tập thể với một số lượng tử vong khủng khiếp như thế.

Quan điểm của người Ácmêni được phần đông sử gia thế giới thừa nhận và hiện có hơn 20 quốc gia trên thế giới thừa nhận ý niệm diệt chủng áp dụng cho biến cố đau thương này. Trong số các quốc gia thừa nhận ý niệm này có Tòa Thánh Vatican và trong việc kỷ niệm 100 biến cố này, Đức Phanxicô là người lên tiếng nhiều nhất và to nhất, khiến Thổ Nhĩ Kỳ gọi đại sứ của mình về.

Chứng cớ lịch sửchientranhbiengioi_dcv

Nhân dịp này, nhà sử học Đức Michael Hesemann cho biết nhiều chi tiết đáng lưu ý, dựa vào 2,000 trang tài liệu của văn khố mật Vatican, chưa hề được công bố.

Theo Hesemann, lá thư Đức Hồng Y von Hartmann của Cologne viết năm 1913 đã làm ông tìm hiểu cặn kẽ biến cố diệt chủng trên. Đây là lá thư gửi cho Thủ Tướng Đức yêu cầu chính phủ can thiệp để ngăn ngừa cuộc diệt chủng người Ácmêni sau khi quân đội Nga rút khỏi vùng Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc diệt chủng ngài ví với những cuộc bách hại Kitô hữu thời xưa, nhất là cuộc bách hại của Diocletian đầu thế kỷ thứ tư.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng vì liên hệ gần gũi giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nên tội ác này sẽ gây nhục nhã cho danh tiếng của Đức và tạo hệ quả cho nhiều thế hệ về sau. Lời cảnh cáo này quả có tính tiên tri. Vì năm 1939, khi đặt kế hoạch sát hại các phần tử ưu tú của Ba Lan và nhiều tai họa khốc liệt khác, Hitler nói với thuộc hạ: “lịch sử luôn được viết bởi kẻ chiến thắng, và, dù gì, ngày nay, có ai còn nói tới Cuộc Diệt Chủng Ácmêni nữa đâu?”. Chối bỏ hay che đậy Cuộc Diệt Chủng Ácmêni đã khiến Hitler tàn ác đối với Ba Lan và cuộc tàn sát người Do Thái. Nếu bạn không nói sự thật, lịch sử sẽ luôn tự lặp lại.

Nhận định trên hoàn toàn phản ảnh nhận định của Đức Phanxicô rằng “che dấu hay bác bỏ tội ác cũng giống như để cho vết thương tiếp tục chẩy máu mà không chịu băng bó cho nó!”

Nhờ văn khố mật của Vatican mở cửa năm 2008, ông đã lục lọi được hơn 2,000 trang tài liệu gần như chưa được công bố, nghiên cứu hay đánh giá. Ngoài ra, ông còn tìm hiểu nhiều công trình của các sử gia như Kevorkian, Dadrian và nhiều người khác. Ông cũng khai thác các tài liệu bằng tiếng Đức, do các sĩ quan và các nhà ngoại giao làm việc tại Đế Quốc Ottoman, lưu trữ tại Bộ Ngoại Giao Đức. Ông còn dựa vào các phúc trình ngoại giao của Hoa Kỳ, nhất là phúc trình của Đại Sứ Hoa Kỳ tại Constantinople, Henry Morgenthau; và dĩ nhiên cả phúc trình tình báo của Anh, Pháp và các phúc rình ngoại giao của Ý ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng theo ông, các tài liệu của Vatican là hay nhất, là nguồn tài liệu thông tin hạng nhất.

Căn cứ vào nguồn tài liệu phong phú như trên, Hesemann cho hay các cuộc tàn sát diễn ra sau khi người Thổ lục tìm vũ khí tại các nhà người Ácmêni, hễ thấy súng ống, họ cho là bằng chứng âm mưu hay kế hoạch nổi loạn. Kết luận ấy phi lý vì người ở thôn quê giữ vũ khí chỉ để tự vệ. Thế là mọi đàn ông đều bị bắt, bị tra tấn, bị dẫn ra ngoài thị trấn hay làng mạc để tàn sát. Khỏi phải tống xuất.

Còn phụ nữ, trẻ em, người già thì buộc phải cuốc bộ di tản đi nơi khác, xa hàng trăm dặm, qua đồi núi vùng cao nguyên Anatolia, thường là không thực phẩm và nước uống. Ngay cả nước sông trên đường, họ cũng bị cấm uống. Họ bị hãm hiếp và cướp bóc bởi các bộ lạc sơn cước, bởi những người tù được thả và bởi chính quân tháp tùng, và trong số ít người sống thoát các cuộc lê bước đường trường này, nhiều người bị bỏ rơi trần truồng, bẩn thỉu và tủi nhục giữa cái nắng như thiêu của mặt trời Thổ và cái lạnh giá buốt về đêm.

Tuy nhiên, 350,000 người cũng tới được Sa Mạc Syria. Họ bị đưa vào trại tập trung, không thực phẩm, rất ít nước uống và đủ thứ bệnh dịch. Rồi sau đó khoảng nửa năm, họ lại buộc phải làm một cuộc lê bước mới vào sa mạc sâu hơn hoặc bị thảm sát. Cuối cùng chỉ còn vài chục ngàn người sống sót. Trong đó, rất nhiều trẻ mồ côi.

Đọc các chứng từ của nạn nhân, không ai cầm được nước mắt. Có những nữ tu bị hãm hiếp và quần áo bị lấy mất. Nhiều người hóa điên sau đó vì không chịu đựng nổi những giấc mơ hãi hùng. Có những bà mẹ liệng con xuống vực, xuống sông, để chúng chết, khỏi phải chịu đau đớn như họ phải chịu. Tự tử diễn ra hàng ngày.

Trong vòng mấy tháng, dân chúng Mosul và nhiều thành phố khác, dĩ nhiên là người Hồi Giáo, được chính phủ khuyên đừng uống nước sông vì nó bị ô nhiễm bởi hàng ngàn xác chết từ hai con sông Euphrate và Tigris dồn về. Tất cả đều có tài liệu chứng minh. Nhưng chính phủ Thổ vẫn chính thức bác bỏ.

Một cuốn sách của Bộ Du Lịch Thổ, tựa là “2,000 năm lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ”, có đoạn viết như sau: “chính phủ Ottoman quyết định rời cư các người Ácmêni từng can dự vào cuộc nổi loạn tới một nơi an toàn hơn, tức Syria và Lebanon… Diễn trình rời cư này được thi hành hết sức thành công vì phần lớn người Ácmêni được chuyển tới Syria an toàn”.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm hết cách để dẹp bỏ việc coi biến cố trên là diệt chủng trong các sách giáo khoa trên thế giới hoặc ngăn cản việc nhìn nhận nó là diệt chủng.

Dĩ nhiên, bạn có thể tranh luận về việc định nghĩa chữ diệt chủng. Nhưng đối với Liên Hiệp Quốc từ năm 1948, bất cứ cuộc tàn sạt tập thể một nhóm người, dù là nhóm tôn giáo, hay một dân tộc đều là diệt chủng.

Lý do tôn giáotu_binh_tq_dcv

Vì xét cho cùng, người Ácmêni bị giết không hẳn vì họ là người Ácmêni cho bằng vì họ là Kitô hữu. Các phụ nữ Ácmêni thường được để yên nếu chịu trở lại Hồi Giáo, rồi kết hôn với người Thổ hay bị bán làm nô lệ ở chợ hay ở các ổ điếm. Ít nhất, họ được sống thoát. Và điều này chứng tỏ người Ácmêni bị giết vì họ là Kitô hữu. Người Syria cũng bị giết vì cùng một lý do.

Bởi thế, Hesemann coi đây vừa là cuộc diệt chủng, đúng như định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, vừa là cuộc bách hại Kitô Hữu lớn nhất lịch sử, khi 2 triệu rưỡi người bị giết: 1 triệu rưỡi người Ácmêni và 1 triệu Kitô hữu Syria và Hy Lạp.

Đây cũng là nhận định của một chuyên gia khác về Vatican, nữ ký giả Franca Giansoldati của tờ Il Messaggero. Cô là tác giả cuốn sách mới xuất bản tựa là “La Marcia Senza Ritorno: Il Genocidio Armeno (Cuộc Diễn Hành Không Đường Về. Cuộc Diệt Chủng Ácmêni). Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của Zenit, cô cho hay “cuộc diệt chủng người Ácmêni phát sinh từ các lý do chính trị và kinh tế, vì Đế Quốc Ottoman tuyệt đối mắc nợ và do đó phải trưng thu tài sản của người Ácmêni, vốn là thiểu số hết sức giầu có. Tuy nhiên, yếu tố căn bản để hiểu sắc thái tôn giáo của cuộc tận diệt này là sự kiện: để tự cứu mình, một thiểu số rất nhỏ các người Ácmêni đã quyết định theo Hồi Giáo và từ bỏ Kitô Giáo. Tức việc họ quyết định “tự đồng hóa” với người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Và quả họ được cứu sống. Tất cả! Cho nên, xét cho cùng, sự kiện tôn giáo trong kế hoạch xóa sạch những người này khỏi mặt đất, như Đại Sứ Mỹ Morgenthau viết trong phúc trình của ông, nếu thoạt đầu chưa có tính quyết định, thì chẳng bao lâu sau đã trở thành chất dầu lửa làm cháy bùng lòng thù hận, khiến người ta đi săn lùng những người khác với mình”.

Công Giáo Ácmêni và Tông Truyền Ácmênihien-tinh-kito-giao-tai-tho-nhi-ky

Thiển nghĩ nhân dịp này, nên nói vài điều về Ácmêni và Kitô giáo tại quốc gia này. Ácmêni, tên chính thức hiện nay là Cộng Hòa Ácmêni, một quốc gia đồi núi tọa lạc tại vùng Nam Caucasus thuộc Tây Á, tây giáp Thổ Nhĩ Kỳ, bắc giáp Georgia, đông giáp Azerbaijan và nam giáp Iran. Diện tích nước này là 29,743 cây số vuông, với dân số 3,018,854. Đây là một quốc gia dân chủ, độc viện, đa đảng với một gia tài văn hóa lâu đời. Phó vương quốc (satrapy) Ácmêni từng được thiết lập trong thế kỷ thứ 6 trước CN. Qua thế kỷ thứ nhất trước CN, vương quốc Ácmêni đạt tới cao điểm của nó dưới thời Tigranes Đại Vương. Nó là quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận Kitô Giáo làm tôn giáo chính thức của mình giữa cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, niên hiệu chính thức là năm 301, trở thành quốc gia Kitô Giáo thứ nhất. Ngoài ra, còn có một công quốc (principality) sau biến thành vương quốc, dưới danh Nghĩa Vương Quốc Ácmêni ở Cilicia trên bờ Địa Trung Hải, giữa các thế kỷ 11 và 14.

Giữa thế kỷ thứ 16 và đầu thế kỷ 19, lãnh thổ Ácmêni bao gồm Đông Ácmêni và Tây Ácmêni rơi vào ách thống trị của hai đế quốc thù nghịch nhau là Ottoman và Ba Tư. Hai đế quốc này thay nhau chiếm đóng Ácmêni. Giữa Thế kỷ thứ 19, Đông Ácmêni bị Nga chiếm đóng, Tây Ácmêni tiếp tục bị Đế Quốc Ottoman thống trị. Trong Thế Chiến I, người Ácmêni sống trên mảnh đất cha ông trong Đế Quốc Ottoman, bị tận diệt một cách có hệ thống trong cuộc Diệt Chủng Người Ácmêni như đã nói ở trên.

Sau gần 600 năm không có nhà nước, Ácmêni dành được độc lập năm 1918. Tuy nhiên, Cộng Hòa Ácmêni Đầu Tiên, bị bao vây bởi các quốc gia thù nghịch, đã bị Xô Viết hoá năm 1920. Giữa các năm 1922 và 1991, Ácmêni là thành phần của Liên Bang Xô Viết. Cộng Hòa Ácmêni hiện nay trở thành độc lập năm 1991.

Cộng Hòa Ácmêni thừa nhận Giáo Hội Tông Truyền Ácmêni, Giáo Hội quốc gia xưa nhất trên thế giới, là định chế tôn giáo đệ nhất đẳng của quốc gia. Gốc gác Giáo Hội Tông Truyền Ácmêni có từ thế kỷ thứ nhất. Theo truyền thống, Giáo Hội này được chính hai tông đồ của Chúa Giêsu là 2 Thánh Thađêo và Báctôlômêô tới Ácmêni giảng Đạo giữa các năm 40 và 60 Công Nguyên, thành lập.

Giáo Hội này thống thuộc Chính Thống Giáo Đông Phương. Theo bản tin của Catholic World News ngày 23 tháng Tư 2015, Giáo Hội này tách rời khỏi Tòa Thánh (Công Giáo) ngay sau Công Đồng Canxêđoan năm 451. Hiện nay nó có 6 triệu tín hữu trong khi Giáo Hội Công Giáo Ácmêni, hoàn toàn hiệp thông với Tòa Thánh, chỉ có 376,000 tín hữu. Con số này phù hợp với tỷ số 93% trong bài chính của Wikipedia nói chung về Armenia. Nhưng khi Bách Khoa Mở này nói riêng tới Giáo Hội Tông Truyền Ácmêni và Giáo Hội Công Giáo Ácmêni, thì con số tín hữu có khác: 9 triệu cho Giáo Hội Tông truyền và 1 triệu cho Giáo Hội Công Giáo, tỷ số hơn 11%.

Đại kết máu

Dù sao, người Công Giáo Ácmêni vẫn là thiểu số giữa các Kitô hữu Ácmêni. Tuy nhiên điều này không ngăn cản các vị Giáo Hoàng, từ đức Bênêđíctô XV của đầu thế kỷ 20, vào ngay lúc xẩy ra cuộc diệt chủng, cho tới đức Đương Kim Giáo Hoàng Phanxicô, hết lòng lên tiếng bênh vực chính nghĩa của người Ácmêni. Các ngài là tiếng nói mạnh mẽ nhất, kiên trì nhất, can đảm nhất chống lại bạo lực đối với người Ácmêni, dù bạo lực này đã xẩy ra cách nay 100 năm.

Cách riêng, Đức Phanxicô còn làm một cử chỉ minh nhiên hơn nữa qua việc nâng một vị thánh người Ácmêni lên hàng tiến sĩ Giáo Hội, một danh dự chỉ có 36 người được hưởng trong suốt lịch sử 21 thế kỷ của Giáo Hội, đó là Thánh Grêgôriô thành Narek, nổi tiếng về các trước tác và chú giải đầy chất thơ và được tôn kính như một trong các nhân vật vĩ đại nhất của tư duy tôn giáo Ácmêni. Cuốn “Sách Ai Ca”, sách cầu nguyện của ngài, được coi là một trong các kiệt tác và hiện vẫn còn được coi là một áng văn tuyệt hảo của nền văn chương Ácmêni.

Trong thánh lễ tưởng niệm biến cố diệt chủng Ácmêni tại Vatican, Đức Phanxicô giải thích với người Ácmêni lý do hành động của ngài và của các vị tiền nhiệm. Ngài nói: “Điều cần thiết, và quả là một bổn phận phải làm là tôn kính ký ức về họ, vì bất cứ khi nào ký ức mờ nhạt đi thì có nghĩa sự ác để mặc các thương tích mưng mủ. Che dấu hay bác bỏ tội ác cũng giống như để mặc các vết thương tiếp tục chẩy máu mà không chịu băng bó cho nó”.

Trong thông điệp gửi chung cho người Ácmêni, ngài viết thêm: “Trách nhiệm không những của dân tộc Ácmêni và của Giáo Hội hoàn vũ mà còn của toàn thể gia đình nhân loại là phải nhắc lại tất cả những gì đã xẩy ra, để những cảnh cáo từ thảm kịch này gìn giữ chúng ta đừng rơi vào bất cứ kinh hoàng nào tương tự nữa, vì nỗi kinh hoàng này chống lại Thiên Chúa và phẩm giá con người. Thực vậy, cả ngày nay nữa, các tranh chấp này đôi lúc thoái hóa thành những bạo lực không thể nào biện minh được, bị khuấy động bởi việc khai thác các dị biệt sắc tộc và tôn giáo. Tất cả các vị đứng đầu các chính phủ và các cơ quan Liên Hiệp Quốc được kêu gọi phản kháng các tội ác này bằng một ý thức trách nhiệm cương quyết, không nhường bước trước bất cứ hàm hồ hay thoả hiệp nào”.

Tuy nhiên, theo ngài tưởng niệm cũng nên là một cơ hội để mở lòng ra tha thứ, vốn là nguồn tạo bình an và hy vọng mới. Ngài nhắc lại chính lời lẽ của vị Tân Tiến Sĩ Hội Thánh, người đồng hương của họ, Thánh Grêgôriô thành Narek: “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến cả những người trong nhân loại vốn là kẻ thù của chúng con, và vì ích lợi của họ, xin ban cho họ sự tha thứ và thương xót… Đừng triệt hạ những kẻ bách hại con, nhưng hãy sửa đổi họ, nhổ tận rễ những con đường xấu xa của thế gian này, và cấy trồng điều thiện trong con và trong họ” (Sách Ai Ca, LXXIII).

Và lẽ dĩ nhiên, lý do sâu xa nhất vẫn là “đại kết máu”. Ngài viết thêm: “Mong cho dòng máu đổ ra đem lại phép lạ hợp nhất trọn vẹn giữa các môn đệ Chúa Kitô. Cách riêng, mong sao các dây liên kết bằng hữu huynh đệ vốn hợp nhất Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Truyền Ácmêni được tăng cường. Chứng tá của biết bao anh chị em không người chống đỡ từng hy sinh mạng sống vì đức tin kết hợp mọi tuyên tín khác nhau: chính đại kết bằng máu đã dẫn Thánh Gioan Phaolô II đến việc cử hành chung mọi vị tử đạo của thế kỷ 20 nhân Năm Thánh 2000. Việc cử hành của chúng ta hôm nay cũng được định vị trong ngữ cảnh thiêng liêng và có tính Giáo Hội này. Các đại diện của hai Giáo Hội chúng ta đang tham dự biến cố này, biến cố mà nhiều tín hữu của chúng ta trên khắp thế giới đang hiệp ý một cách thiêng liêng, trong một dấu chỉ phản ảnh trên mặt đất sự hiệp thông trọn vẹn đang hiện hữu giữa các linh hồn trên thiêng đàng”.

Vũ Van An 4/24/2015

(nguồn: vietcatholic.org)

You may also like