Giáo Hội Toàn Cầu

ĐTC Phanxicô cầu nguyện đại kết tại Riga, Lettoni

ĐTC mời gọi các Kitô hữu đừng biến truyền thống Kitô thành “đồ cổ”. Ngài cũng mời gọi các Kitô hữu hiêp nhất , hòa giải để loan báo Tin mừng.

Giuse Trần Đức Anh O.P – Vatican

 Khi đến nhà thờ Santa Maria, ĐTC đã được Đức TGM tin lành Luther đón tiếp và ngài chào thăm 10 vị thủ lãnh các hệ phái Kitô khác, trước khi bắt đầu buổi cầu nguyện. 1.600 chỗ trong nhà thờ đều chật hết, và trong số những người hiện diện cũng có ông bà tổng thống. Một ca đoàn nữ gồm 100 trẻ em và thiếu nữ đã đảm nhận phần thánh ca trong buổi cầu nguyện:

 Khi đi rước vào thánh đường, ĐTC đã viếng mộ thánh Meinardo, vị giám mục đầu tiên của miền Livonia, qua đời năm 1196 và được an táng tại đây.

 Sau lời chào mừng của Đức TGM Janis Vanags của Luther ở Riga, và sau hai bài đọc sách thánh, ĐTC đã giảng và ngài đi từ sự kiện sự nổi tiếng của đàn phong cầm trong thánh đường này. ĐTC nói:

Đừng biến truyền thống Kitô giáo thành một đồ vật của quá khứ

”Trong nhà thờ chính tòa này có một trong những đàn phong cầm cổ kính nhất tại Âu Châu và là đàn lớn nhất thế giới khi được khánh thành. Chúng ta có thể tưởng tượng được đàn này đã đồng hành với cuộc sống, với tinh thần sáng tạo, trí tưởng tượng và lòng đạo đức của tất cả những người đã để cho mình được âm điệu của đàn dẫn đưa. Đàn này là một dụng cụ của Thiên Chúa và của con người giúp nâng cao cái nhìn và tâm hồn. Ngày nay, đàn phong cầm tại đây là biểu tượng của thành phố Riga và nhà thờ chính tòa này.

Đối với dân cư tại đây, đàn này là thành phần đời sống, truyền thống và căn tính của họ hơn là một đàn phong cầm vĩ đại. Trái lại đối với du khách, hiển nhiên nó là một tác phẩm nghệ thuật cần biết đến và chụp hình. Và đây chính là một nguy cơ mà người ta luôn gặp phải: nghĩa là từ người ngụ cư trở thành du khách. Biến điều mang lại căn tính cho chúng ta thành một đồ vật của quá khứ, một vật thu hút du khách và là một đồ bảo tàng viện gợi lại những cử chỉ quá khứ, có giá trị cao về lịch sử, nhưng không còn làm rung động con tim của những người nghe nó nữa.

 Cùng một điều như thế cũng có thể xảy ra cho đức tin. Chúng ta có thể không còn cảm thấy mình là những tín hữu Kitô cư ngụ tại đây để rồi trở thành du khách. Hơn nữa chúng ta có thể khẳng định rằng toàn thể truyền thống Kitô có thể chịu chung một số phận: rốt cuộc truyền thống ấy trở thành một đồ vật quá khứ, đóng khung trong các bức tường các nhà thờ của chúng ta, không còn vang lên một âm điệu có khả năng đánh động và gợi hứng cho cuộc sống và tâm hồn những người nghe. Tuy nhiên, như bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, đức tin của chúng ta không còn giữ kín nữa, nhưng làm cho người khác nhận biết và đức tin ấy âm vang trong các môi trường khác nhau của xã hội, để tất cả có thể chiêm ngắm vẻ đẹp của đức tin và được ánh sáng đức tin ấy soi sáng (Xc Lc 11.33)

 ĐTC cảnh giác rằng:

Tranh đấu vì phẩm giá của mỗi con người

 ”Nếu nhạc Tin Mừng không còn được diễn tả trong cuộc sống chúng ta và bị biến thành một vẻ đẹp của quá khứ, thì nó sẽ không còn biết phá vỡ cái nhịp đều đều làm nghẹt thở, nó ngăn cản không cho niềm hy vọng được sinh động và như thế nó làm cho tất cả những cố gắng của chúng ta trở nên vô ích.

 ”Nếu nhạc Phúc Âm không còn rung động trong lòng chúng ta thì chúng ta sẽ mất niềm vui nảy sinh từ lòng cảm thông, sự dịu dàng phát sinh từ lòng tín thác, khả năng hòa giải bắt nguồn từ ý thức mình luôn được tha thứ và được sai đi.

 ”Nếu nhạc Tin Mừng không được được chơi trong các nhà chúng ta, các quảng trường, những nơi làm việc, trong chính trị và kinh tế, thì chúng ta sẽ dập tắt âm điệu khích động chúng ta chiến đấu cho phẩm giá mỗi người nam nữ, thuộc bất kỳ nguồn gốc nào, khép kín chúng ta trong cái tôi của mình mà quên đi tập thể, căn nhà chung có liên quan đến tất cả mọi người…

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhắc đến lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: ”Xin Cha cho tất cả chúng được nên một để thế gian tin” (Ga  17,21). Ngài nói:

Cô đơn và đơn độc là những sự dữ tệ nhất ngày nay

”Nhờ ơn Chúa, những lời này còn tiếp tục âm vang mạnh mẽ giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu trước khi chịu hy sinh đã cầu xin Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu Kitô, khi nhìn thẳng vào thánh giá của Ngài và của bao nhiêu anh chị em chúng ta, không ngừng cầu khẩn Chúa Cha. Đó là tiếng thì thầm liên lỷ cầu nguyện vạch ra con đường chúng ta phải theo. Đắm chìm trong kinh nguyện, trong tư cách là tín hữu tin nơi Chúa và Giáo Hội của Ngài, chúng ta mong ước sự hiệp thông ân phúc của Chúa Cha vốn có từ đời đời (Ut unum sint 9), chúng ta tìm được con đường hiệp nhất có thể thể hiện cho mọi phong trào đại kết: trong thập giá đau khổ của bao nhiêu người trẻ, người già và trẻ em thường bị bóc lột, những người thiếu ý nghĩa, thiếu cơ may và cô đơn. Trong khi nhìn Chúa Cha và anh chị em mình, Chúa Giêsu không ngừng cầu khẩn: ‘xin cho tất cả chúng được hiệp nhất.’

 ĐTC cũng nhận xét rằng:

Đại kết trong máu

”Sứ mạng truyền giáo ngày nay tiếp tục đòi chúng ta phải hiệp nhất với nhau; chính sứ mạng truyền giáo đòi chúng ta hãy ngưng nhìn những vết thương quá khứ và mọi thái độ tự tham chiếu để tập trung vào kinh nguyện của Thầy Chí Thánh. Chính sứ mạng ấy đòi phải có ”một âm nhạc Tin Mừng” không ngừng vang dội nơi các quảng trường của chúng ta.

 Có thể một số người nêu vấn nạn: Thời đại chúng ta đang sống thật là khó khăn và phức tạp! Một số người khác có thể nghĩ rằng trong các xã hội chúng ta, các tín hữu Kitô ngày càng ít môi trường hoạt động và bị giảm ảnh hưởng vì vô số các yếu tố như trào lưu tục hóa, hoặc những chủ trương cá nhân chủ nghĩa. Nhưng điều này không thể làm chúng ta có thái độ khép kín, tự vệ và càng không thể cam chịu. Chúng ta không thể không nhìn nhận rằng chắc chắn thời nay không dễ dàng, nhất là những anh chị em đang cảm nghiệm sự lưu đày hoặc tử đạo vì đức tin. Nhưng chứng tá của họ giúp chúng ta khám phá rằng Chúa tiếp tục kêu mời chúng ta sống Tin Mừng trong vui tươi, với lòng biết ơn và quyết tâm. Nếu Chúa Kitô coi chúng ta xứng đáng sống thời nay, trong giờ này, thì chúng ta không thể để cho sự hãi đè bẹp chúng ta và không thể để giờ này trôi qua mà không đón nhận nó với niềm vui trung thành. Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để biến mỗi thời, mỗi lúc, mọi hoàn cảnh, thành cơ hội hiệp thông và hòa giải với Chúa Cha và với anh chị em, nhất là những người ngày nay bị coi là thấp kém hoặc là đồ loại bỏ.

“Đi ra” đến với nền văn hóa, xã hội hậu tân tiến

Và ĐTC kết luận rằng ”sự hiệp nhất mà Chúa kêu gọi chúng ta luôn luôn một sự hiệp nhất để thi hành sứ mạng truyền giáo, sự hiệp nhất ấy đòi chúng ta đi ra ngoài, đến với tâm hồn dân chúng và các nền văn hóa, xã hội hậu tân tiến chúng ta đang sống. Chúng ta sẽ thành công trong sứ mạng đại kết này nếu chúng ta để cho được thấm nhuần Thánh Linh, Đấng có thể phá vỡ những khuôn khổ nhàm chán đang cầm giữ chúng ta và làm cho chúng ta ngạc nhiên trước sự sáng tạo liên tục của ngài. Mỗi khi chúng ta tìm cách trở về nguồn mạch và phục hồi sự tươi mát nguyên thủy của Tin Mừng thì sẽ nảy sinh những con đường mới, những phương pháp sáng tạo mới, nhbững hình thức diễn tả mời, những dấu chỉ hùng hồn hơn, những lời đầy ý nghĩa mới mở cho thế giới ngày nay” EG 11)

 Sau bài giảng của ĐTC, buổi cầu nguyện đại kết được tiếp nối với cuộc rước nến sáng của các trẻ em, tiến đến trước giếng rửa tội và cộng đoàn xướng lên và cầu cho các ý nguyện hiệp nhất và sứ mạng của Giáo Hội. Tiếp đến là kinh Lạy Cha và nghi thức trao ban bình an..

Giã từ nhà thờ chính tòa Tin Lành Luther, ĐTC đã đến viếng nhà thờ chính tòa Thánh Giacôbê Tông Đồ của Công Giáo chỉ cách đó 350 mét.

You may also like