Giáo Hội Toàn Cầu VIDEO

Video: Thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên

Sau 3 tuần làm việc căng thẳng, Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 15 về “Tuổi trẻ, Đức tin, và sự Phân định ơn gọi”, đã kết thúc với thánh lễ 10 giờ sáng Chúa Nhật 28-10-2018, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Có 267 vị đồng tế với Đức Thánh Cha, gồm các nghị phụ và các linh mục dự thính viên và cộng tác viên, trong số này có 51 Hồng Y, 4 vị Thượng Phụ Công Giáo Đông phương, 1 vị Tổng Giám Mục trưởng của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine, 45 Tổng Giám Mục, và 139 Giám Mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói::

Trình thuật chúng ta vừa nghe là tường thuật cuối cùng của Thánh Sử Máccô về sứ vụ rong ruổi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng sắp bước vào thành Giêrusalem để chịu chết và sống lại. Bartimê, vì thế, là người cuối cùng trong số những người theo Chúa Giêsu trên con đường này: từ một người ăn xin bên vệ đường Giêricô, anh trở thành một môn đệ sánh bước cùng những môn đệ khác trên đường lên Giêrusalem. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã sánh bước bên nhau; chúng ta đã là một “công nghị”. Bài Phúc Âm này ghi lại dấu ấn của ba bước cơ bản trong hành trình đức tin.

Đầu tiên, chúng ta hãy bàn về Bartimê. Tên của anh có nghĩa là “con trai của Timê”. Đó là cách Tin Mừng mô tả anh: “con ông Timê tên là Bartimê” (Mc 10:46). Tuy nhiên, cũng thật là lạ, chúng ta chẳng thấy cha anh đâu cả. Bartimê nằm cô đơn bệ vệ đường, xa nhà và không có cha. Anh không được yêu thương, nhưng bị bỏ rơi. Anh bị mù và không có ai nghe anh cả. Chúa Giêsu nghe lời cầu xin của anh. Khi đến gần anh, Ngài cho phép anh được nói. Chẳng có gì khó để đoán ra những gì Bartimê muốn: hiển nhiên, một người mù thì muốn được nhìn thấy hoặc lấy lại được thị lực của mình. Nhưng Chúa Giêsu thật thong thả; Ngài dành thời gian để lắng nghe. Đây là bước đầu tiên trong việc giúp đỡ hành trình đức tin: đó là lắng nghe. Sứ vụ tông đồ của đôi tai là lắng nghe trước khi nói.

Nhưng trái lại, nhiều người trong số những môn đệ Chúa Giêsu đang ở với Người đã ra lệnh cho Bartimê im đi (xem câu 48). Đối với những môn đệ như vậy, một người đang cần đến Chúa là một mối phiền toái trên đường đi, một điều bất ngờ và không được hoạch định. Họ ưa thích thời khóa biểu của chính họ hơn là của Thầy, thích nói hơn là lắng nghe những người khác. Họ đã theo Chúa Giêsu, nhưng họ lại có kế hoạch riêng của mình trong đầu. Đây là một nguy cơ cần phải liên tục cảnh giác. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, tiếng kêu của những người cầu xin giúp đỡ không phải là một mối phiền toái mà là một thách đố. Thật là quan trọng dường nào cho chúng ta để biết lắng nghe cuộc đời! Con cái của Cha Trên Trời phải quan tâm đến các anh chị em của mình, đừng bận tâm đến những trò tán gẫu vô dụng, nhưng hãy chú ý đến nhu cầu của những người lân cận. Họ phải lắng nghe một cách kiên nhẫn và trìu mến, như Thiên Chúa lắng nghe chúng ta trong những lời cầu nguyện của chúng ta, bất kể những lời cầu nguyện ấy được lải nhải như thế nào. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi; Người luôn hạnh phúc khi chúng ta tìm kiếm Người. Mong sao cả chúng ta cũng cầu xin ân sủng để có một trái tim biết lắng nghe. Tôi muốn nói với những người trẻ, thay mặt cho tất cả những người lớn chúng ta: xin tha thứ cho chúng tôi nếu chúng tôi thường không lắng nghe các bạn, nếu, thay vì mở lòng mình ra, chúng tôi lại lấp đầy đôi tai của các bạn. Là Giáo Hội của Chúa Kitô, chúng tôi muốn lắng nghe các bạn với tình yêu, hãy xác tín về hai điều này: cuộc sống của các bạn là quý giá trong mắt của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa trẻ trung và yêu mến những người trẻ, và cuộc sống của các bạn cũng quý giá trong mắt chúng tôi, và thực sự là cần thiết để chúng ta tiến lên phía trước.

Sau khi lắng nghe, bước thứ hai trên hành trình đức tin là trở thành một người lân cận. Chúng ta hãy nhìn vào gương của Chúa Giêsu: Ngài không ủy thác cho một người nào đó từ “đám rất đông dân chúng” theo Ngài, nhưng đích thân Ngài gặp Bartimê. Ngài hỏi anh, “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” (Câu 51). Anh muốn điều gì. .. Chúa Giêsu hoàn toàn bị thu hút bởi Bartimê; Ngài không cố gắng tránh xa anh ta.. .. Anh muốn Ta làm gì – không chỉ đơn thuần là nói thôi, nhưng là làm điều gì đó.. .. cho anh – và không phải là làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý anh, trong tình huống cụ thể của anh. Đó là cách Thiên Chúa hoạt động. Ngài đích thân can dự với lòng ưu ái cho mọi người. Qua những hành động của Ngài, Ngài truyền đạt thông điệp của mình. Đức tin vì thế nở hoa trong cuộc sống.

Đức tin được truyền đạt qua cuộc sống. Khi đức tin chỉ đơn thuần liên quan đến các công thức tín lý, đức tin có nguy cơ chỉ đi vào cái đầu chứ không chạm được vào con tim. Và khi đức tin chỉ liên quan đến hoạt động, đức tin có nguy cơ biến thành một công việc mang tính chất thuần tuý luân lý và xã hội. Đức tin, trái lại, là sự sống: là sống trong tình yêu của Thiên Chúa, Đấng thay đổi đời ta. Chúng ta không thể lựa chọn giữa tín lý và hoạt động. Chúng ta được kêu gọi thực hiện công việc của Thiên Chúa theo cách riêng của chính Ngài: nghĩa là trong sự gần gũi, gắn bó với Ngài, trong sự hiệp thông với nhau, cùng với các anh chị em của chúng ta. Sự gần gũi: đó là bí mật để truyền đạt chính tâm điểm của đức tin, chứ không phải một khía cạnh thứ yếu nào đó.

Là một người lân cận có nghĩa là mang lại sự mới mẻ của Thiên Chúa vào cuộc sống của anh chị em chúng ta. Đó là một phương dược giải độc cho cám dỗ đưa ra những câu trả lời dễ dàng và những sửa chữa sơ sài chóng vánh cho qua chuyện. Chúng ta hãy tự hỏi liệu, là Kitô hữu, chúng ta có khả năng trở thành những người lân cận, bước ra khỏi vòng những người quen biết và ôm lấy những người không phải là “một người trong chúng ta”, những người mà Thiên Chúa khao khát tìm kiếm. Một cám dỗ thường thấy trong Kinh Thánh thời nào cũng có là cám dỗ rửa tay. Đó là những gì đám đông đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là điều Cain đã làm với Abel, và Philatô đã làm với Chúa Giêsu: họ rửa tay. Nhưng chúng ta muốn bắt chước Chúa Giêsu và, như Ngài, sẵn sàng làm vấy bẩn tay mình. Ngài là đường (xem Ga 14: 6), là Đấng đã dừng lại trên đường vì Bartimê. Ngài là ánh sáng của thế gian (xem Ga 9: 5), là Đấng đã cúi xuống để giúp một người mù. Chúng ta hãy nhận ra rằng Chúa đã làm bẩn tay mình vì mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào thập giá, bắt đầu từ đó và nhớ rằng Thiên Chúa đã trở thành người lân cận của tôi trong tội lỗi và sự chết. Ngài trở thành người lân cận của tôi: tất cả bắt đầu từ đó. Và khi, vì tình yêu dành cho Ngài, cả chúng ta cũng trở thành những người lân cận với nhau, chúng ta trở thành người mang đến cuộc sống mới. Chúng ta không phải là thầy dậy của tất cả mọi người, không phải là chuyên gia về các vấn đề thiêng liêng, nhưng là các nhân chứng của tình yêu cứu độ.

Bước thứ ba là làm chứng. Chúng ta hãy nghĩ đến các môn đệ, theo yêu cầu của Chúa Giêsu, họ đã gọi Bartimê lại. Họ không tiếp cận một người ăn xin với một đồng xu để làm anh ta câm miệng, hay để ban bố một lời khuyên. Họ đến nhân danh Chúa Giêsu. Thật vậy, họ chỉ nói ba từ với anh ta, và cả ba từ ấy đều là những lời của Chúa Giêsu: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh” (câu 49). Ở những đoạn khác khác trong Tin Mừng, chỉ có Chúa Giêsu mới nói: “Hãy vững tâm”, vì chỉ mình Ngài mới có thể “làm yên lòng” những người chạy đến cùng Ngài. Trong Tin Mừng, chỉ mình Chúa Giêsu mới nói, “Hãy đứng dậy”, và chữa lành cả tinh thần lẫn thể xác. Chỉ có Chúa Giêsu mới mời gọi, biến đổi cuộc sống của những ai theo Ngài, nâng dậy những ai sa ngã, mang ánh sáng của Thiên Chúa đến những miền thâm u trong cuộc sống. Quá nhiều trẻ em, quá nhiều bạn trẻ, như Bartimê, đang tìm kiếm ánh sáng trong cuộc sống của họ. Họ đang tìm kiếm tình yêu đích thực. Và giống như Bartimê ở giữa đám rất đông người đó chỉ gọi tên Chúa Giêsu mà thôi, những người trẻ cũng tìm kiếm cuộc sống, nhưng thường khi chỉ tìm thấy những lời hứa trống rỗng và chẳng có bao nhiêu người thực sự quan tâm đến họ.

Chúng ta không phải là Kitô hữu nếu chúng ta chỉ biết ngồi chờ các anh chị em của chúng ta, là những người đang tìm kiếm, cho đến khi họ gõ cửa chúng ta; chúng ta phải đi ra ngoài với họ, và mang đến cho họ không phải là chính chúng ta nhưng là Chúa Giêsu. Ngài gởi chúng ta, như những người môn đệ này, đến khích lệ người khác và nâng họ dậy nhân danh Ngài. Ngài sai chúng ta đến nói với mỗi người: “Thiên Chúa yêu cầu bạn hãy để cho chính mình được Ngài yêu thương”. Quá thường biết chừng nào là thay vì sứ điệp giải thoát này, chúng ta lại mang chính chúng ta, “những bí quyết” của riêng chúng ta, và “những nhãn hiệu” vào trong Giáo Hội! Quá thường biết chừng nào là thay vì làm cho Lời Chúa thành lời lẽ của chúng ta, thì chúng ta lại làm ngược lại là tô vẽ những ý tưởng của chúng ta thành ra như lời Ngài! Quá thường biết chừng nào là chúng ta coi trọng những cơ chế của mình hơn là sự hiện diện thân tình của Chúa Giêsu! Trong những trường hợp này, chúng ta hành động giống như một tổ chức phi chính phủ, hay một cơ quan do nhà nước kiểm soát, chứ không phải là cộng đồng của những người được cứu độ đang sống trong niềm vui của Chúa.

Hành trình đức tin lắng nghe, trở thành người lân cận, làm chứng được nêu trong bài Tin Mừng ngày hôm nay kết thúc một cách thật đẹp và đáng ngạc nhiên khi Chúa Giêsu nói: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh” (câu 52). Tuy nhiên, Bartimê đã không tuyên xưng đức tin hay làm bất cứ việc lành phúc đức nào; anh chỉ cầu xin lòng thương xót. Cảm nhận được rằng mình cần đến ơn cứu rỗi là điểm khởi đầu của đức tin. Đó là con đường trực tiếp để gặp Chúa Giêsu. Đức tin đã cứu Bartimê không liên quan đến việc có những ý tưởng rõ ràng về Thiên Chúa hay không, nhưng chính là vì anh ta đã tìm kiếm và khao khát được gặp Ngài. Đức tin nảy sinh từ cuộc gặp gỡ, chứ không phải từ những lý thuyết. Trong cuộc gặp gỡ, Chúa Giêsu đi ngang qua; trong cuộc gặp gỡ, trái tim của Giáo Hội đập lên. Khi đó, không phải là những lời rao giảng của chúng ta, nhưng chính những chứng tá của chúng ta về cuộc sống sẽ cho thấy hiệu quả.

Với tất cả những ai đã tham gia vào “cuộc hành trình cùng nhau”, tôi nói “cảm ơn” vì chứng tá của các bạn. Chúng ta đã làm việc trong tình hiệp thông, với sự thẳng thắn và lòng khát khao phụng sự dân Chúa. Cầu xin Chúa ban phước lành cho những bước của chúng ta, để chúng ta có thể lắng nghe những người trẻ tuổi, để chúng ta có thể trở nên những người lân cận của họ, và để chúng ta có thể làm chứng trước mặt họ về Chúa Giêsu, Đấng là niềm vui của cuộc đời chúng ta.

Lời nguyện giáo dân

Trong phần lời nguyện giáo dân bằng các thứ tiếng: Hindi, Tây Ban Nha, Ba Lan, Bồ Đào Nha, và tiếng Hoa, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, cho Đức Thánh Cha và các Giám Mục, cho các vị lãnh đạo chính quyền các dân nước, cho những người trẻ, và sau cùng là cho các thừa sai.

Bằng tiếng Hindi:
Lạy Chúa, xin nhìn đến Giáo Hội Chúa, xin ban cho Giáo Hội một đức tin không bao giờ lay chuyển, đức cậy vững vàng và đức mến nồng nàn.

Bằng tiếng Tây Ban Nha
Lạy Chúa, xin Chúa đồng hành trong công việc của Đức Thánh Cha và các Đức Giám Mục, xin Chúa đổ đầy lòng trí các vị với sự kiên tâm bền chí, sự phân định khôn ngoan và tình phụ tử sống động.

Bằng tiếng Ba Lan
Lạy Chúa, xin soi sáng cho những người cai trị và dân tộc của họ. Xin Chúa hướng dẫn họ trên con đường tìm kiếm sự thật, công lý đích thật và hòa bình lâu dài.

Bằng tiếng Bồ Đào Nha
Lạy Chúa, xin bảo vệ trong tình yêu của Chúa những người trẻ. Xin cho họ thăng tiến trong sự thật giải phóng, trong sự trao ban nhưng không và trong sự thánh thiện đầy hân hoan.

Bằng tiếng Hoa
Lạy Chúa, xin Chúa ban phúc lành cho những nhà truyền giáo và các giáo lý viên. Xin Chúa ban cho họ lòng thẳng thắn rao truyền Tin Mừng đích thực, lòng nhiệt thành tông đồ và ơn bền đỗ trước mọi thử thách.

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện sau:
Lạy Cha, xin lặp lại ngày hôm nay lời an ủi này của Cha: “Này là con Ta, Ta đã sinh ra con” và xin đến phù trợ chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.


Source: Libreria Editrice Vaticana HOLY MASS FOR THE CLOSINGOF THE XV ORDINARY GENERAL ASSEMBLY OF THE SYNOD OF BISHOPS HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Sunday, 28 October 2018

VietCatholic Network

Bài viết liên quan