Giáo Hội Toàn Cầu

Năm 2018, Đức Giáo Hoàng và việc cải cách liên quan đến lạm dụng tình dục và tiền bạc

Tiếp tục loạt bài nhìn lại năm 2018 của Đức Phanxicô, nữ ký giả San Martín của tập san Crux cho rằng, từ lạm dụng tình dục đến tiền bạc, năm 2018 là năm thử thách của ngài về việc cải cách.

Khi được bầu vào chức vụ giáo hoàng hồi tháng 3 năm 2013, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio biết rằng mình được chọn vì sứ mệnh “cải cách”. Tuy nhiên, điều không rõ ràng là cải cách này có ý nghĩa gì đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô: phục hồi sinh lực cho hình ảnh công khai của Giáo hội, giải quyết cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục hoàn cầu, cải tổ chính Vatican hay dẫn dắt người Công Giáo khắp thế giới vào một “cuộc hồi tâm mục vụ”.

Đức Phanxicô buộc phải giải quyết việc cải tổ trên nhiều mặt trận trong suốt 12 tháng qua, tất cả đều thử nghiệm ngài theo những cách khác nhau.

Lạm dụng tình dục

Đã qua rồi những ngày khi Đức Phanxicô được bầu làm người của năm bởi hầu hết các cơ sở tin tức lớn trên thế giới. Thực thế, lần đầu tiên từ khi ngài được bầu vào chức giáo hoàng năm 2013, tên tuổi ngài tạo được rất ít tiếng vang khi giải thưởng Nobel Hòa bình sắp diễn ra trong năm nay.

Điều ấy, ít nhất, một phần do năm 2018 là một năm trong đó Giáo hội có nhiều tiêu đề đáng tiếc, hầu hết xoay quanh cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục: Phúc trình Pennsylvania; vụ cựu Hồng Y Theodore McCarrick, bị buộc tội lạm dụng tình dục ít nhất ba vị thành niên, ngoài ra, còn hàng chục chủng sinh nữa; Chile, nơi vụ từ chức tháng Năm của tất cả các giám mục chỉ là phần nổi của tảng băng; và Hồng Y người Úc George Pell, cựu thành viên của hội đồng cố vấn Hồng Y của Đức Giáo Hoàng, phải đương đầu với hai phiên xử về các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục đã có từ xưa.

Tất cả những vụ tai tiếng này có nghĩa: trong năm nay, phần lớn vốn liếng chính trị của Đức Giáo Hoàng từng thu lượm được trong bốn năm qua đã bị lãng phí. Chẳng hạn, những lời kêu gọi bảo vệ di dân và bảo vệ môi trường của ngài hầu như không được lưu ý.

Điều ấy đặc biệt hiển hiện trong chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Ái Nhĩ Lan, nơi các tường trình của truyền thông nổi bật với điều nhiều người cho là đáp ứng không đồng đều hoặc trì hoãn của ngài đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng. Lời buộc tội của một cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ trong ngày cuối cùng của chuyến đi đó đã đổ thêm dầu vào lửa, cho dù dư luận chia rẽ nhau về nhiều tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò.

Trong số những điều được nhắc đến, Viganò cho rằng mình đã thông báo cho vị giáo hoàng người Á Căn Đình về McCarrick vào năm 2013 và nói rằng vị giáo hoàng này không những không làm gì, mà còn bãi bỏ một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại vị tổng giám mục đã nghỉ hưu của Washington.

Mặc dù có liên kết qua lại với mọi biến cố Công Giáo lớn trong năm nay, nhưng không có trường hợp nào khác cho thấy sự thúc đẩy cải cách của Đức Phanxicô hiển hiện bằng cuộc cải cách trong Giáo hội ở Chile.

Sau khi công khai đứng về phía một giám mục địa phương bị buộc tội che đậy trong ba năm – kể cả trong chuyến viếng thăm Chile vào tháng 1, khi ngài gọi những lời cáo buộc của những người sống sót là “vu khống”- Đức Phanxicô đã quay đủ 180 độ để đứng về phía những người sống sót của cựu linh mục Fernando Karadima, và cho vời ba nhóm người Chile đến Rôma và thẳng thừng cáo buộc các giám mục tội lạm dụng, che đậy, phá hủy bằng chứng và một danh sách dài các sai phạm khác.

Mọi giám mục Chile đã đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng vào tháng Năm, sau một cuộc họp ba ngày tại Thành phố Vĩnh cửu. Cho đến nay, Đức Phanxicô đã chấp nhận bảy đơn từ chức trong số này, nhưng một vài vị khác cũng sẽ bị thải hồi, kể cả Đức Tổng Giám Mục của Santiago, Hồng Y Ricardo Ezzati, người ở tuổi 77 đã bị một công tố viên địa phương buộc tội che đậy.

Chile đã dẫn đến việc Đức Phanxicô mở rộng cái hiểu của ngài về cuộc khủng hoảng và phạm vi hoàn cầu của nó ra sao.

Giải quyết vấn đề ở bình diện hoàn vũ trở thành một ưu tiên. Đó là lý do tại sao ngài đã triệu tập mọi chủ tịch các hội đồng giám mục thế giới, cũng như những người đứng đầu các giáo hội phương Đông hiệp thông với Rôma, đến Vatican dự cuộc họp trong các ngày 21-24 / 2. Để chuẩn bị cho hội nghị này, các giáo phẩm tham dự đã được yêu cầu gặp gỡ các nạn nhân sống sót của các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Trong bài phát biểu hàng năm của ngài với các thành viên của Giáo Triều, nghĩa là cơ quan cầm quyền của Giáo hội có trụ sở tại Rôma, đọc ngày 21 tháng 12, ngài hứa rằng Giáo hội sẽ không bao giờ che đậy những tội ác này nữa và cảnh cáo các thủ phạm phải sẵn sàng đối diện với cả công lý của con người và lẫn công lý của Thiên Chúa.

Mặc dù bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng nhận được phản ứng lẫn lộn nơi các nạn nhân sống sót, nhưng lời khen ngợi của ngài dành cho các nhà báo đã giúp phát hiện ra những tội ác này trái ngược hoàn toàn với những bình luận của một số giáo phẩm cấp cao, mà một số vị đang kiện các phóng viên hoặc buộc tội truyền thông đã tạo ra cuộc khủng hoảng.

Cải cách Vatican

Khi được bầu vào chức vụ giáo hoàng vào năm 2013, Đức Phanxicô biết rằng một trong những tiền đề của sự hỗ trợ ngài là trực tiếp ý thức được nền hành chánh của Vatican rối loạn và chậm chạp xiết bao, và tâm lý của nó có tính ốc đảo và “vòng đai bên trong” như thế nào đối với những người ít có kinh nghiệm “dã chiến”.

Ngay sau khi đắc cử, ngài đã lập ra một nhóm gồm tám cố vấn Hồng Y để giúp ngài cải tổ Giáo triều Rôma. Trong năm 2018, cơ quan này, theo báo cáo, đã hoàn tất bản dự thảo đầu tiên của tân hiến pháp, để thay thế một bản được phê chuẩn trong thời giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, một số nguồn tin nói với Crux rằng sau hơn hai chục phiên họp, bản văn giống như một bài tập cắt dán hơn là một văn kiện thực sự.

Sau đó, ngài đã bổ sung Quốc Vụ Khanh, Hồng Y người Ý Pietro Parolin, nhưng năm nay, cơ chế trước đây được biết đến với cái tên C9 đã mất đi ba thành viên Hồng Y: Laurent Monsengwo, người Công Gô; Javier Errazuriz, người Chile, người từng bị buộc tội che đậy; và Pell, người cho đến nay vẫn tiếp tục, vì được phép vắng mặt, trong tư cách đứng đầu Văn Phòng Thư ký Kinh tế của Vatican.

Ngoài công việc đã được thực hiện bởi nhóm cố vấn Hồng Y, năm 2018 còn chứng kiến việc Đức Phanxicô bổ sung một số thành viên cho Giáo Triều, phần lớn trong số họ là người Ý, và trong một số trường hợp, các cuộc bổ nhiệm có liên quan đến các vụ tai tiếng.

Trong tất cả các cơ quan của Vatican, cơ quan có nhiều thay đổi nhất là Văn Phòng Thư ký Truyền thông, được thành lập vào năm 2015. Nó có thẩm quyền đối với tất cả các văn phòng truyền thông của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican, kể cả Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội; Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đứng đầu là người Mỹ Greg Burke; Dịch vụ Internet Vatican; Tin tức Vatican; Trung tâm Truyền hình Vatican; và tờ báo Vatican L’Osservatore Romano.

Những thay đổi đối với cơ quan này bắt đầu bằng việc loại bỏ vị đứng đầu của nó, Đức ông Dario Edoardo Vigano, trong bối cảnh biên tập một bức thư của Đức Bênêđictô XVI liên quan đến một bộ sách thần học về Đức Phanxicô. Ngài được thay thế bởi một giáo dân người Ý, ông Paolo Ruffini, người tín hữu giáo dân đầu tiên đứng đầu một bộ của Vatican.

Vào ngày 18 tháng 12 năm 2018, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm hai người Ý khác vào bộ phận này: người quan sát Vatican lâu năm Andrea Tornielli làm Giám đốc biên tập và Andrea Monda làm giám đốc của L’Osservatore Romano.

Hồi tâm mục vụ

12 tháng qua là một tàu lượn siêu tốc đối với Đức Phanxicô, nhưng hai điều vẫn không đổi ở đường chân trời, hiển hiện trong mọi chuyến đi của ngài, cả ở nước ngoài và trong nước Ý: người trẻ và đối thoại liên tôn như một phương thế của hòa bình.

Sự kiện năm 2018 sắp được dành sẵn để tập chú vào người trẻ được thấy rõ kể từ khi Đức Phanxicô tuyên bố sẽ tổ chức một Thượng hội đồng về vấn đề này, với hơn 300 giáo phẩm từ khắp nơi trên thế giới tập trung về Rôma để thảo luận việc làm cách nào Giáo hội có thể tiếp cận người trẻ tốt hơn và giúp họ biện phân ơn gọi của họ.

Vào tháng 7, Đức Phanxicô đã đến thăm thành phố Bari của Ý, một cửa ngõ giữa Công Giáo và Kitô giáo chính thống, và Đức Giáo Hoàng đã đón tiếp các nhà lãnh đạo của mọi cộng đồng Kitô giáo lớn có mặt ở Syria để cầu nguyện cho hòa bình và thảo luận về cách làm thế nào tôn giáo có thể hỗ trợ diễn trình hòa bình của một quốc gia từng bị chiến tranh trong tám năm qua.

Tuy nhiên, có lẽ bước đột phá lớn nhất khi nói đến cải cách và hồi tâm mục vụ là bước đột phá có âm sắc lớn về chính trị: thỏa thuận Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục mới và Rôma chấp nhận một số vị được phong chức bất hợp pháp.

Mặc dù không tránh khỏi các tranh cãi, nhưng nhiều nhà phê bình đã định nghĩa thỏa thuận này như là việc Đức Phanxicô nhường bước trước ý chí của chính quyền Cộng sản, vì đối với Đức Giáo Hoàng, đây là cánh cửa để Giáo Hội Công Giáo có quyền tự do hơn để phục vụ cho hơn một tỷ linh hồn Trung Quốc.

Vũ Văn An: Vietcatholic

You may also like