Cách lần chuỗi Môi Khôi đúng nghĩa  

Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, csf (tổng hợp)

  1. Từ ngữ

Theo âm Hán Việt, mai côi, mai khôi hoặc môi khôi có nghĩa là hoa hồng; còn từ “Mân côi” không có liên quan gì đến loài hoa hồng. Mỗi kinh kính mừng là một bông hồng dâng lên Mẹ, chuỗi môi khôi là một vòng hoa, tràng hoa hồng (Nguyễn Văn Nghệ- Giáo xứ Cây Vông – Nha Trang).

  1. Lời nhắn nhủ của Mẹ Maria

Khi hiện ra ở Fatima ngày 13/10/1917, Đức Mẹ tỏ mình cho 3 trẻ với tước hiệu: “Ta là Nữ Vương Môi Khôi” và Mẹ nhắc nhở con cái của Mẹ hãy Cải thiện đời sống, năng lần chuỗi Môi Khôi và Tôn sùng Trái Tim Mẹ. Tại Lộ Đức, Mẹ hiện ra với Bernađetta, đeo tràng hạt vàng ở cánh tay phải, và đọc kinh Môi Khôi với Bernađetta.

  1. Ý nghĩa và lợi ích của chuỗi môi khôi

– Lời kinh Môi Khôi được khởi đầu bằng kinh Lạy Cha, lời kinh do chính Đức Giêsu truyền dạy. Khi nói về kinh Lạy Cha, thánh Augustinô đã xác tín: “Bất cứ lúc nào chúng ta sốt sắng đọc kinh Lạy Cha, tội mọn của chúng ta sẽ được thứ tha”. Dẫu lời kinh Lạy Cha được cất lên từ môi miệng ta là những con người yếu đuối và lỗi lầm, nhưng khởi đi từ lòng xót thương của Thiên Chúa, qua tình yêu và quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ biến đổi và nối kết môi miệng ta với Đức Giêsu mỗi khi ta đọc kinh Lạy Cha một cách sốt sắng. Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20)

– Kinh Kính mừng gồm có lời chào của thiên sứ Gabriel: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1:28), rồi thêm lời chào của bà thánh Elizabeth: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Con lòng Bà gồm phúc lạ” (Lc 1:42). Lời Giáo Hội dạy con cái mình hướng về Mẹ Maria như cầu nối và là máng chuyển ân thiên của Thiên Chúa xuống trên nhân loại: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.

– Lời kinh Môi Khôi là lời xướng lên Danh Thánh của Đức Giêsu, Danh Thánh mà quyền lực sự dữ phải thảng thốt kêu lên: “Lạy ông Giêsu Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Tôi xin ông đừng  hành hạ chúng tôi” (Lc.8,28). Danh Thánh Đức Giêsu qua lời minh định của Thánh Phaolô: “Khi nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời đưới đất và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10).

– Lời kinh Môi Khôi kêu lên Danh Thánh Mẹ Maria. Trình thuật sách Sáng Thế đã viết: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người phụ nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi” (St.3,15). Người phụ nữ mà sách Sáng Thế nói đến không ai khác, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria. Thánh Bênađô đã quả quyết: “Kinh Kính Mừng làm cho quỷ dữ chạy trốn, hỏa ngục run sợ”. Thánh Piô Năm Dấu Thánh: Chuỗi Môi Khôi là vũ khí tự vệ cho chúng ta ở thời đại hôm nay.

– Lời kinh Môi Khôi tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đem lại nhiều lợi ích cho đời sống cầu nguyện, đời sống tu đức, tu thân như lời xác quyết của thánh Anphongsô: “Nhờ kinh Môi Khôi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trong nẻo trọn lành, biết bao người được an ủi, đỡ nâng khi gặp thử thách, biết bao người nhờ kinh Môi Khôi đã được ơn chết lành và được hưởng cõi phúc trường sinh”. Chắc chắn Mẹ không bỏ rơi chúng ta khi chúng ta cầu nguyện với Mẹ trong giờ lâm tử: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử, Amen.

– Có thể nói mầu nhiệm kinh Môi Khôi là quyển Tin Mừng thu nhỏ với 4 mầu nhiệm: Vui, Sáng, Thương, Mừng. Dưới cái nhìn thiêng liêng, ta thấy nơi Kinh Môi Khôi những mầu nhiệm then chốt, ghi lại những biến cố trọng đại trong cuộc đời tại thế của Đức Giêsu, bắt đầu từ biến cố truyền tin, sau đó đến hàng loạt những sự kiện như thăm viếng, giáng sinh, dâng con, tìm con, chịu phép rửa, làm phép lạ tại Cana, giảng dạy, biến hình, lập bí tích Thánh Thể, cuộc thương khó, sống lại và lên trời. Chúng ta cũng được chiêm ngắm hình ảnh Mẹ trên trời cao vinh hiển, như là kết quả tất yếu của thái độ khiêm nhường Mẹ đã có khi tận hiến cả một đời cho Chúa. Ý thức mình chỉ là một tớ nữ hèn mọn của Chúa, hẳn là Mẹ Maria không bao giờ muốn mọi người ca ngợi mình. Điều Mẹ thật sự muốn là chúng ta cùng với Mẹ ngợi khen Chúa Chí Tôn, Đấng đã đoái thương thực hiện nơi Mẹ những điều lạ kỳ chưa từng có. Đi qua từng mầu nhiệm, Mẹ và ta nhìn lại công cuộc cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu. Qua chuỗi Môi Khôi, ta được Mẹ dẫn đến với Con Yêu của mình, ta cùng với Mẹ ca ngợi Chúa vì tình thương lớn lao Người đã dành cho toàn thể nhân loại này.

  1. Cách đọc kinh môi khôi đúng nghĩa

Có đôi khi, việc lặp đi lặp lại nhiều lần Kinh Kính Mừng làm chúng ta cảm thấy nhàm chán. Miệng thì đọc nhưng lòng cứ nghĩ ngợi những chuyện đâu đâu. Có người còn đọc nhanh thật nhanh những câu kinh, và đánh giá mức độ yêu mến của mình dành cho Mẹ bằng số lượng tràng hạt mình lần trong ngày.

Đức Bênêđíctô XVI tin rằng có một cách chính xác để cầu nguyện với chuỗi Môi Khôi trong lòng sùng kính bình dân, đem lại cảm nghiệm sự bình an trong tâm hồn. Đó là việc “chiêm ngắm và suy niệm” các mầu nhiệm của Kinh Môi Khôi. Kinh Môi Khôi, khi được cầu nguyện cách đích thực, không máy móc và hời hợt nhưng sâu xa, sẽ mang lại hòa bình và hòa giải. Thánh Gioan Phaolô II cũng coi việc chiêm niệm là chìa khóa để cầu nguyện lần chuỗi Môi Khôi một cách “đúng đắn”.
Kinh Môi Khôi, chính vì nó bắt đầu từ kinh nghiệm của chính Đức Maria, là một lời cầu nguyện chiêm niệm tuyệt vời. Nếu không có chiều kích chiêm niệm này, nó sẽ mất đi ý nghĩa, như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chỉ rõ: “Nếu không chiêm niệm, Kinh Môi Khôi là một thân thể không có linh hồn, và việc đọc kinh có nguy cơ trở thành sự lặp lại máy móc các công thức, vi phạm lời khuyên của Chúa Kitô: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6:7-8).

Việc lần hạt Môi Khôi trong cách chiêm niệm không phải lúc nào cũng dễ dàng, và chúng ta có thể dễ dàng trở lại thói quen cũ của mình. Tuy nhiên, điều cốt yếu là chúng ta phải luôn tiến bước trong đời sống thiêng liêng, làm những gì có thể, với ơn Chúa, lần chuỗi Môi Khôi chiêm ngắm những mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu. (Source: Aleteia, The correct way to pray the Rosary, according to Benedict XVI– Đặng Tự Do)

Bởi đó, cách đọc kinh Môi khôi đúng nhất là vừa đọc vừa Suy niệm các mầu nhiệm được kể lại trong Tin mừng. Thí dụ về Năm sự Vui:

Suy Niệm 5 Sự Vui  

Thứ nhất: Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường. (Lc 1, 26- 38)

Vừa đọc 10 kinh kính mừng, vừa suy niệm: 26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ, bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Thứ Hai: Đức Mẹ đi viếng Bà Thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người. (Lc 1, 39-56)

Vừa đọc 10 kinh kính mừng, vừa suy niệm: 39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

46 Bấy giờ, bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!

50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.”

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Thứ Ba: Đức Mẹ sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn. (Lc 2, 1- 20; Mt 1, 18-25)

Vừa đọc 10 kinh kính mừng, vừa suy niệm: 1 Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

14 “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

15 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.”16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

Thứ Tư: Đức Mẹ dâng Đức Chúa Giêsu trong đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy. (Lc 2, 22- 38)

Vừa đọc 10 kinh kính mừng, vừa suy niệm: 22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.

30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:

32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Thứ Năm: Đức Mẹ tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền thánh. Ta hãy xin cho đươc giữ nghĩa cùng Chúa luôn. (Lc 2, 41-52)

Vừa đọc 10 kinh kính mừng, vừa suy niệm: 41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

You may also like