Giáo Hội Toàn Cầu

Chương trình “thành phố Detroit tốt đẹp hơn” của cha Marko Djonovic

Chương trình Better Way Detroit – “thành phố Detroit tốt đẹp hơn” – do cha Marko Djonovic thành lập để giúp người dân vô gia cư ở thành phố có công việc làm, được đóng góp tích cực cho xã hội và thay đổi cuộc sống.
Hồng Thủy – Vatican

Nhiều người vô gia cư ở thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, Hoa kỳ, rất quen với chiếc chiếc xe Ford màu trắng của cha Marko Djonovic. 3 lần mỗi tuần, khi thấy chiếc xe của cha dừng lại trước những khu lưu trú của người vô gia cư ở thành phố Detroit, hay những nơi mà họ hay tụ tập, họ hỏi cha: “Cha đến để đưa chúng con đi làm việc phải không?”. Thường thì khi cha Djonovic đi tìm người vô gia cư là khi cha có công việc cho họ làm để đổi lấy bữa ăn trưa và một ít tiền công. Tiêu chuẩn được thuê làm việc là ai đến trước thì được nhận trước. Đó là hoạt động của chương trình “thành phố Detroit tốt đẹp hơn”.

Cha Djonovic và Marcus Cobb, một người bạn của cha Djonovic là người sáng lập chương trình này. Từ tháng 5 vừa qua (2018), họ đã hợp tác với thành phố Detroit và những công nhân vô gia cư muốn làm việc để làm sạch các công viên của thành phố, các con đường nhỏ cỏ đang mọc và những khu đất trống. Chương trình của cha đã được người vô gia cư loan báo cho nhau trên các đường phố.

Dự án vì người vô gia cư

Trước đó, cha Djonovic chưa bao giờ hoạt động với người vô gia cư, nhưng những cuộc gặp gỡ cá nhân của cha với người sống trên đường phố đã linh hứng cho cha làm công việc này. Sau khi giúp đỡ một người bệnh tâm thần sống trên đường phố có nơi ở, cha Djonovic  nhận ra rằng khi mà các tổ chức hoạt động cho người vô gia cư được trang hoàng hào nhoáng thì có những khoảng cách mà đôi khi họ không thể đi ra các đường phố để tìm và gặp những con người này. Cha cũng khám phá ra rằng nhiều người vô gia cư có một đời sống luân lý tốt lành và ước mong được làm việc có lương. Cha chia sẻ: “Khi tôi nhìn thấy người vô gia cư, tôi không thấy họ là những đối tượng không có hy vọng và đáng thương, nhưng tôi thấy những con người … với ao ước chân thành có việc làm. Họ muốn làm việc. Và tại thành phố Detroit cần có nhiều người làm việc. Khi đặt hai sự kiên này với nhau đã khiến tôi thực hiện dự án này.”

Theo tinh thần phục vụ người nghèo của thánh Philip Neri

Cha Djonovic cũng là thành viên của một dòng tu mới, đó là dòng giảng thuyết của thánh Philip Neri tại giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Detroit. Tinh thần phục vụ của thánh Philip Neri là một nguồn cảm hứng trong dự án “thành phố Detroit tốt đẹp hơn”. Các tu sĩ của dòng phục vụ theo tinh thần của thánh Philip Neri, thể hiện qua 3 cách thế: loan báo Tin mừng cho giới trẻ, vun trồng đời sống thiêng liêng cho người dân qua các bí tích và cuối cùng là phục vụ người nghèo. Cha chia sẻ: “Tôi tin điều mà thánh Philiphê Neri sẽ làm là ngài không sợ đi ra các đường phố và giảng dạy Tin mừng, gặp gỡ người dân, bao gồm những người vô gia cư. Thánh Philip Neri được biết đến như tông đồ của Roma chỉ vì điều này.”

Ban đầu dự án “thành phố Detroit tốt đẹp hơn” hợp tác với Ủy ban về giải trí và công viên ở thành phố Detroit để làm sạch các công viên qua chương trình nhận bảo trợ một công viên. Hiện nay, dự án này cũng giúp thành phố làm sạch các con đường nhỏ cỏ mọc và các khu đất trống, là những thứ có thể có vấn đề về an ninh cho các khu vực xung quanh.

Người vô gia cư muốn được tự lập và tôn trọng

Marcus Cobb giúp rất nhiều cho sứ vụ hoạt động với người vô gia cư, vì ông đã từng là một cựu chiến binh vô gia cư. Ông hiểu văn hóa của người vô gia cư và dạy cho cha Djonovic về tầm quan trọng của người vô gia cư, ví dụ như nếu họ muốn thuốc lá hay nước, và để cho họ biết họ được tôn trọng. Ông Cobb chia sẻ rằng nếu người vô gia cư được chia sẻ công việc của dự án mà họ tham gia thì họ tạo cho họ cảm giác được tôn trọng và có trách nhiệm. Mỗi công việc bắt đầu bằng việc đánh giá khu vực mà họ sẽ dọn dẹp và công việc cần làm, sau đó chính các công nhân vô gia cư sẽ quyết định cách thức tốt nhất thực hiện công việc.

Ông Cobb tin rằng dự án này được những người vô gia cư chấp nhận bởi vì nó cho họ điều gì đó để hướng tới và cơ hội để trả ơn xã hội. Ông nói: “Họ là người vô gia cư không có nghĩa là họ không muốn hay không cố gắng trả ơn hay đóng góp cho xã hội.”

Một vinh dự khi làm việc giữa những người vô gia cư

Đối với cha Djonovic, làm việc bên cạnh những người vô gia cư khiến cha cảm thấy hãnh diện và qua đó, đôi khi cha biết được chuyện đời họ cũng như họ biết được chuyện đời cha. Có những lần họ hỏi cha “tại sao cha làm linh mục?”

Mỗi dự án kết thúc với bữa ăn trưa và suy tư về đoạn Thánh kinh. Cha Djonovic cũng phân phát các thẻ cầu nguyện cho những người vô gia cư, cố gắng sắp xếp tìm nhà xã hội cho họ, các dịch vụ y tế và các nguồn trợ giúp khác mà họ có thể cần đến. Cha nói: “Ít nhất là chúng tôi giúp họ biết về những dịch vụ có thể nhận được và khuyến khích họ đi; một số người không biết là có những dịch vụ mà họ có thể được trợ giúp.”

Hiện tại, cha Djonovic dùng tiền của chính mình và bất cứ khoảng dâng tặng nào cha nhận được để tài trợ cho dự án. Tất cả tiền được dùng để mua các vật liệu như găng tay lao đông, cuốc xẻng và trả công cho các nhân viên vô gia cư này. Cha và ông bạn Cobb của cha luôn tìm cách mở rộng hoạt động sứ vụ và hy vọng trong tương lai, vào một lúc nào đó, có thể thuê một ai đó làm việc toàn thời gian để coi sóc hoạt động để bảo đảm có hiệu quả hơn.

Cần một tình bạn chân thành khi đến với người vô gia cư

Cha Djonovic cũng chia sẻ những lần cha cảm thấy xúc động vì tâm tình của những công dân vô gia cư này. Một người nói với cha: “Con cảm thấy được chúc phúc bởi vì con là một thành phần của một điều gì đó tích cực”, chứ anh ta không nói: “Ô, bây giờ con kiếm được một ít tiền bỏ túi.” Còn ông Cobb cho biết ông sẽ khuyến khích các tín hữu Công giáo gặp gỡ để biết những người nghèo trong thành phố của họ. Ông nói: “Hãy đi và bắt đầu từ tận dưới đáy xã hội và trao đổi liên lạc với người dân… Hãy đi vào những khu vực mà người dân không có thu nhập, đến và nói chuyện với họ cách dễ thương một chút thôi, họ sẽ trả lời bạn.”

Bài viết liên quan