Cuốn tiểu sử mới dầu 1.184 trang về Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã được xuất bản hôm 4-5-2020 nhân dịp ngài mừng sinh nhật thứ 93.
Tác phẩm này ký giả Peter Seewald người Đức biên soạn trong 5 năm qua và mang tựa đề “Đức Biển Đức 16 – Một Cuộc Sống” (Benedikt XVI. – “Ein Leben”).
Ấn bản tiếng Anh sẽ được ấn hành ngày 17-11 năm nay và theo dự kiến sẽ có các ấn bản khác tại Italia, Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha.
Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 sinh tại miền Bavaria nam Đức, làm giáo sư thần học tại nhiều đại học ở Đức, rồi được ĐGH Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm TGM giáo phận Munich và Freising năm 1977. 5 năm sau đó, ĐHY Ratzinger được mời về Roma làm Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin. Ngày 19 tháng 4 năm 2005, ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Tháng 2 năm 2013, ngài từ nhiệm và sống ẩn dật trong Đan viện Mẹ Giáo Hội ở Nội thành Vatican.
Ký giả Peter Seewald
Ký giả Peter Seewald năm nay 65 tuổi đã từng thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn Đức Joseph Ratzinger / Biển Đức 16 và đã xuất bản thành những cuốn sách quốc tế thuộc loại được bán chạy nhất. Ký giả này muốn đích thân đến gặp Đức nguyên Giáo Hoàng để trao tặng sách, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 93 của Người vào ngày 16-4-2020, và kỷ niệm 15 năm ngài được bầu làm Giáo Hoàng ngày 19-4-2005, nhưng vì đại dịch Covid-19, dự án này không thực hiện được, nên ông đã gửi sách về Vatican cho Đức Biển Đức 16.
Quyền lực quỷ vương đe dọa Giáo Hội
Một bản tiếng Đức của cuốn tiểu sử này đã được gửi trước cho tạp chí trực tuyến LifeSiteNews ở Mỹ. Trong một bài giới thiệu cuốn sách mới, tạp chí này nhấn mạnh rằng Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã ví sự ưu thắng của “hôn nhân đồng phái” và “phá thai” trên thế giới hiện nay với “quyền lực tinh thần của Ngụy Kitô” tức là Quỷ Vương. Đức Biển Đức 16 nói: “Cách đây 100 năm, mọi người đều cho là điều vô lý khi nói về hôn nhân đồng phái. Ngày nay nếu có ai chống đối hôn nhân đồng phái thì bị xã hội lên án và loại trừ… Cũng vậy đối với phá thai và việc chế tạo con người trong phòng thí nghiệm… Xã hội ngày nay đưa ra một thứ “kinh tin kính” chống Kitô giáo và nếu người nào chống lại “kinh tin kính” mới này thì bị xã hội lên án và tuyệt thông… Vì thế, điều dĩ nhiên là người ta sợ thứ quyền bính tinh thần ấy của Quỷ Vương. Do đó cần phải có sự trợ lực của lời cầu nguyện để toàn thể giáo phận và Giáo Hội hoàn vũ có thế chống lại quyền lực ấy”.
Bài phỏng vấn cuối cùng
Trong phần phụ trương của cuốn tiểu sử, ký giả Seewald có đăng lại cuộc phỏng vấn cuối cùng với Đức Biển Đức 16 hồi mùa thu năm 2018, trong đó Đức nguyên Giáo Hoàng nhận định rằng những đe dọa thực sự đối với Giáo Hội và sứ vụ Phêrô không đến từ bên trong Vatican, như Vatileaks (những vụ lấy trộm tài liệu mật của Tòa Thánh và phổ biến), nhưng đe dọa đó đến từ chế độ độc tài của những ý thức hệ duy nhân bản trên thế giới… Ai chống lại chế độ độc tài này có nghĩa là họ không được sự đồng thuận rộng lớn trong xã hội”. Trong bối cảnh đó, Đức Biển Đức 16 đề cập đến “Ngụy Kitô” hay Quỷ Vương. Ngài nói: Giáo Hội Công Giáo dạy rằng trước khi Chúa Kitô tái lâm trong vinh quang, Giáo Hội sẽ trải qua thử thách cuối cùng, làm rúng động đức tin của nhiều tín hữu… Sự lừa đảo tột độ về tôn giáo là sự lừa đảo của Quỷ Vương, một thứ chủ thuyết ”ngụy cứu thế” qua đó con người tự tôn vinh mình thay vì Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế đã nhập thể làm người…
Trưng dẫn tiên báo của Đức TGM Fulton Sheen
Đức Biển Đức 16 cũng nhắc lại rằng: “Đấng Đáng Kính Đức TGM Fulton Sheen, trong một bài giảng truyền thanh hồi năm 1947 đã mô tả Ngụy Kitô hay Quỷ Vương như một “Nhà đại nhân đạo”: Chúa chúng ta đã cảnh giác chúng ta rằng Quỷ Vương sẽ rất giống Ngài, đến độ nó đánh lừa được cả những người được tuyển chọn… Nó sẽ đội lốt Nhà Đại nhân đạo, nói về hòa bình, thịnh vượng và đời sống sung mãn, không phải như phương thế dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa, nhưng như những mục tiêu tự chúng. Nó sẽ viết những cuốn sách trình bày ý tưởng mới về Thiên Chúa để thích ứng với lối sống của dân chúng. Nó sẽ làm cho người ta tin vào chiêm tinh học để quy trách tội lỗi chúng ta cho các vì sao. Nó sẽ giải thích tội lỗi theo tâm lý như sự đè nén tính dục, làm cho người ta xấu hổ nếu những người khác bảo rằng họ không có cái nhìn cởi mở và tự do… Nó sẽ đồng hóa sự bao dung với thái độ dửng dưng đối với điều phải và điều trái…” (LifeSiteNews 1-5-2020)
Bác bỏ những giải thích sai trái
Một điểm khác trong cuốn tiểu sử Đức Biển Đức 16 cũng được giới báo chí đặc biệt chú ý là trong cuộc phỏng vấn cuối cùng dành cho ký giả Seewald hồi mùa thu năm 2018, Đức nguyên Giáo Hoàng mạnh mẽ chống lại lập trường của những người trách cứ ngài, vì sau khi từ chức, mà còn xen mình những cuộc tranh luận công khai. Ngài gọi đó là ”một sự xuyên tạc sự thật với ác ý”, và ngài nhận định rằng có những người muốn bóp nghẹt tiếng nói của ngài. Những lời xuyên tạc đó phần lớn đến từ Đức. Ngài nói: “Tôi không muốn phân tích những lý do thực sự qua đó người ta muốn tiếng nói của tôi phải im bặt”.
Trong bối cảnh này, Đức Biển Đức 16 cũng chống lại những giải thích sai trái về việc ngài từ chức, và ngài lập lại lý do đã từng nêu lên nhiều lần là vì tình trạng sức khỏe không để cho ngài tiếp tục sứ mạng, đặc biệt trong đó có các cuộc tông du tại nước ngoài, như Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Brazil từ ngày 23 đến 28-7 cùng năm 2013. Thực tế là trong cuộc viếng thăm tại Mexico và Cuba trước đó, ngài đã rất mệt mỏi rồi.
Tương quan tốt đẹp với ĐTC Phanxicô
Về tương quan với ĐTC Phanxicô, Đức nguyên Giáo Hoàng nói là ngài cảm tạ Chúa vì “sự quan tâm nồng nhiệt của ĐGH Phanxicô đã cho ngài thực hiện ý tưởng một nguyên Giáo Hoàng, một Giáo Hoàng về hưu.” Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên sau khi Đức Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng hồi năm 2013, “có một tình bạn đặc biệt giữa hai người, một tình bạn không những tồn tại, mà còn tăng trưởng”.
Nguồn: vaticannews.va/vi