“Hiệp định với Cộng hòa Nhân dân Trung hoa là một công việc lâu dài, chúng tôi hy vọng có thể mang lại những kết quả vì lợi ích của Giáo hội và của quốc gia.” Đó là lời nhận định của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, bên lề Hội nghị về “Các hiệp định giữa Tòa Thánh và các quốc gia” diễn ra tại Roma trong hai ngày, từ 28.02-01-03.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News, nói về tình trạng của các cuộc đàm phán với Cộng hòa Nhân dân Trung hoa sau Hiệp định được ký ngày 22.09.2018 vừa qua tại Bắc kinh, ĐHY Parolin giải thích: “Giờ đây, việc thực hiện hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục tại Trung quốc và bắt đầu làm cho hiệp định đó được thực hiện trong thực tế là điều quan trọng”.
Hiệp định tạm thời giữa Vatican và Tòa Thánh là trường hợp đặc thù
Trước đó, trong diễn văn khai mạc Hội nghị về “Các hiệp định giữa Tòa Thánh và các quốc gia” (thế kỷ 19-21). Các kiểu mẫu và những thay đổi: Từ quốc gia tôn giáo đến tự do tôn giáo”, ĐHY Parolin nhấn mạnh rằng Hiệp định về việc bổ nhiệm GM với Trung quốc là một trường hợp sui generis (đặc biệt), bởi vì đó là một hiệp định quốc tế được ký kết giữa hai bên chưa có sự nhìn nhận nhau chính thức.
Mục đích của các hiệp định vì tự do tôn giáo và ích chung
Nói về mục đích của Tòa Thánh trong các hiệp định với các quốc gia, ĐHY Parolin nhấn mạnh rằng trong các hiệp định song phương, Giáo hội Công giáo “không yêu cầu nhà nước hành động như ‘Người bảo vệ đức tin’ nhưng yêu cầu chu toàn sứ vụ của họ”, bằng cách bảo vệ tự do tôn giáo của các tín đồ thuộc mọi niềm tin tôn giáo và cho phép Giáo hội “đóng góp cách hiệu quả vào sự phát triển tinh thần và vật chất cho quốc gia và củng cố hòa bình”, như Hiến chế Vui mừng và Hy vọng bày tỏ.
Hiệp định với các nước mà Công giáo là thiểu số
ĐHY Parolin cho biết Giáo hội luôn cố gắng để ký kết các hiệp định với các quốc gia “không Ki-tô giáo”. Ngài nhắc đến các Hiệp định mới đây giữa Tòa Thánh và các quốc gia mà số tín hữu Công giáo chỉ là thiểu số, từ hiệp định với Tunisia vào năm 1964, rồi với Maroc năm 1983, với Israel năm 1993, và cuối cùng là với chính quyền Palestin vào năm 2015. Trong trường hợp với các nước phương Tây, các nước xưng mình là Ki-tô giáo, Giáo hội luôn tìm cách bảo đảm sự độc lập của mình trước những cố gắng của các quốc gia, muốn can thiệp vào nội bộ của Giáo hội và vào việc bổ nhiệm Giám mục.
Chưa có hiệp định ký kết với các nước thuộc khối Anglosaxon
ĐHY cũng trình bày về sự khởi đầu của một gia đoạn mới trong các mối liên hệ giữa Tòa Thánh và các nước chưa có hiệp định hay hiệp ước nào đối với Tòa Thánh, trong đó có nhiều nước theo Chính thống gíao, đặc biệt là các nước thuộc khối Anglosaxon (như Anh quốc và Hoa kỳ), hay các nước theo văn hóa Anh (cả ở châu Phi và châu Á). ĐHY Parolin trưng dẫn trường hợp của Việt Nam, nơi mà việc bổ nhiệm các Giám mục chỉ mới là thoả thuận miệng.
Các hiệp định bảo đảm tự do của Giáo hội và sự cộng tác với các quốc gia
Những hiệp định với các quốc gia có giá trị gì? ĐHY Parolin cho biết: “Còn rất nhiều quốc gia mà Giáo hội chưa ký hiệp định với họ. Các hiệp định là những công cụ rất cần thiết để chắc chắn sự tự do của Giáo hội trong một bối cảnh tự do tôn giáo, là quyền căn bản của con người và của cộng đoàn và để hướng dẫn các lĩnh vực cộng tác chung giữa Tòa Thánh và quốc gia, để tránh những xung đột. Hiển nhiên, cho đến nay, các hiệp định đã cho thấy sự hữu ích của nó và sẽ còn chứng tỏ điều này. Vì thế, Tòa Thánh tiếp tục dấn thân để ký kết các hiệp định với các quốc gia mà cho đến nay chưa có hiệp định với Tòa Thánh. (Vatican News 28.02.2019).
Hồng Thủy – Vatican