Lúc 12 giờ trưa thứ Sáu ngày 24/5, Đức Thánh Cha tiếp kiến khoảng 6.000 thành viên của ngày hội “bóng đá chúng ta yêu”.
Mở đầu diễn văn với các tham dự viên, ĐTC dùng lại lời của thánh Gioan Bosco: “Các con hãy ném quả bóng lên trời và trước khi chạm đất thì hãy nhìn những người kề cận mình!”. Có thể nói phía sau một quả bóng lăn thì luôn có một cậu bé với những ước mơ và khát vọng, với cả thể xác và tâm hồn. Trong hoạt động thể thao thì không chỉ có cơ bắp mà toàn thể nhân cách của đứa trẻ.
Thể thao là một cơ hội lớn để học cách cho đi mình nhiều hơn, với sự hy sinh và dấn thân, và trên hết là không một mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới với những công nghệ mới, dễ bị cô lập, tạo ra những liên kết ảo với nhiều người nhưng xa cách. Điều đẹp của việc chơi với quả bóng là cùng với người khác, chạy trên sân, học cách chơi, tin tưởng đồng đội… Quả bóng trở nên phương tiện để chia sẻ tình bạn, cùng nhau tại một nơi, nhìn vào mặt nhau. Nếu được sống như vậy thì thật tốt cho cả cái đầu lẫn con tim trong một xã hội chủ quan, quy chiếu vào chính mình như thể nguyên tắc tuyệt đối.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến từ “trò chơi” trong tên gọi của Liên đoàn: “Liên đoàn trò chơibóng đá Italia”. Đôi khi từ “trò chơi” này bị quên mất hoặc bị thay thế giảm thiểu hay ngay cả trái ngược với mục đích của nó. Một ngày nọ có nhà báo hỏi một nhà thần học: làm sao có thể giải thích cho một cháu bé về hạnh phúc. Nhà thần học trả lời: “tôi sẽ không giải thích, tôi cho nó một quả bóng để chơi.” Việc chơi sẽ làm cho nó thấy hạnh phúc, vì nó có thể thoả sức với tự do và theo đuổi ước mơ nhưng không bắt buộc phải trở thành người vô địch.
ĐTC cũng nhắc các cha mẹ là luôn phải cho con cái mình thấy thể thao là trò chơi, tự do và mang tính xã hội. (CSR_3130_2019).
Văn Yên, SJ