Trong bài diễn văn đầu tiên tại Lituani, ngỏ lời với Tổng thống và các cấp chính quyền, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại và tôn trọng, là những dấu hiệu nổi bật của người dân Lituani.
Cuộc gặp gỡ giữa ĐTC với chính quyền cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn diễn ra lúc 12 giờ rưỡi địa phương tại sân trước phủ tổng thống, với sự hiện diện của khoảng 400 người.
Trong lời chào mừng ĐTC, Bà Tổng thống Dalia Grybauskaité gọi cuộc viếng thăm của ngài là một món quà quý giá cho Lituani nhân dịp kỷ niệm 100 năm tái lập quốc gia Lituani, một dịp kỷ niệm rất quan trọng đối với nhân dân nước này và không thể tách rời khỏi Tòa Thánh, vốn luôn ủng hộ chính nghĩa hòa bình của Lituani và là một trong những nước đầu tiên công nhận nền độc lập của Lituani.
Kỷ niệm 100 năm độc lập – quá khứ là chìa khóa giúp nhìn tương lai
Trong lời đáp từ, ĐTC cũng đặc biệt nhắc đến thời điểm quan trọng trong đời sống của Lituani hiện nay là việc kỷ niệm 100 năm tuyên ngôn độc lập. Ngài nói: ”Một thế kỷ được ghi dấu bằng nhiều thử thách và đau thương mà quí vị đã phải chịu – giam cầm, lưu đày, thậm chí tử đạo. Mừng kỷ niệm 100 năm độc lập có nghĩa là dừng lại một lát trong thời gian, nhớ lại những gì đã trải qua, để tiếp xúc với tất cả những gì đã hình thành đất nước và tìm được trong đó những chìa khóa giúp quí vị nhìn những thách đố hiện tại, và hướng về tương lai trong bầu không khí đối thoại và đoàn kết giữa mọi người dân, làm sao để không ai bị loại trừ”.
ĐTC ca ngợi tinh thần bao dung, lòng hiếu khách, tôn trọng và liên đới của dân Lituani
ĐTC ca ngợi những người con dân của đất nước Lituani có tâm hồn kiên cường, giúp họ biến mọi hoàn cảnh đau thương và bất công thành những cơ may, và bảo tồn căn cội sinh động và hữu hiệu, mang lại nhiều hoa trái ngày nay. Và ĐTC đặc biệt bình luận về một câu trong quốc ca Lituani: ”Ước gì những người con của Lituani rút được sức mạnh từ quá khứ” và Ngài ca ngợi tinh thần cởi mở, lòng hiếu khách của người Lituani, đón nhận nhiều sắc dân và tín đồ tôn giáo khác nhau. Các sắc dân này đã sống chung với nhau trong an bình, cho đến khi các ý thức hệ độc đoán tràn tới phá vỡ khả năng đón tiếp và hòa hợp những khác biệt, gieo rắc bạo lực và nghi kỵ. ĐTC nhận xét rằng: ”trong bối cảnh đó, kín múc sức mạnh từ quá khứ có nghĩa là phục hồi căn cội và luôn duy trì sinh động những gì là chân thực và đặc sắc nhất nơi quí vị, đã giúp quí vị tăng trưởng và không bị ngã gục như một quốc gia: những đức tính ấy là tinh thần bao dung, lòng hiếu khách, tôn trọng và liên đới.
”Đón tiếp những khác biệt”
ĐTC nhận xét rằng: ”Khi nhìn chính trường thế giới hiện nay, trong đó đang gia tăng những tiếng nói gieo rắc chia rẽ và đối nghịch, nhiều người đang lợi dụng bất an và xung đột, hoặc họ tuyên bố rằng cách thức duy nhất để bảo đảm an ninh và sự sinh tồn của một nền văn hóa là tìm cách loại trừ, xóa bó hoặc trục xuất những nền văn hóa khác.. Người Lituani có một kiểu nói đặc sắc, đó là ”đón tiếp những khác biệt”. Nhờ đối thoại, cởi mở và cảm thông, những khác biệt có thể biến thành một cây cầu nối kết giữa đông và tây Âu. .. Quí vị đã chịu đau khổ vì những toan tính áp đặt một kiểu mẫu độc nhất, xóa bỏ sự khác biệt, vì nghĩ rằng những đặc ân của một vài người đang ở trên phẩm giá của người khác hoặc của công ích. ĐGH Biển Đức 16 đã cho thấy rõ điều đó. Người viết: ”Mong muốn công ích và nỗ lực hoạt động cho công ích là một đòi hỏi của công lý và bác ái […] Hễ chúng ta càng thực sự yêu thương tha nhân hơn, thì chúng ta càng cố gắng hoạt động cho công ích tương ứng với những nhu cầu thực sự của họ” (Caritas in veritate, 7). Chúng ta có thể tìm được những giải pháp cho tất cả những xung đột xảy ra, với điều kiện những giải pháp đó bắt nguồn sâu xa trong sự chú ý cụ thể đối với con người, nhất là những người yếu thế nhất, và nhờ cảm thấy ược mở rộng cái nhìn để nhận ra một thiện ích lớn lao hơn, mang lại ích lợi cho tất cả mọi người”.
Rời phủ tổng thống Lituani lúc quá 1 giờ, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó gần 2 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.