Buổi tiếp kiến chung cuối cùng của Đức Thánh Cha trong năm 2020 vào sáng 30/12 vẫn được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Thư viện Dinh Tông tòa. Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha tiếp tục trình bày về đề tài cầu nguyện, với chủ đề lời cầu nguyện tạ ơn.
Dựa trên đoạn Tin Mừng theo thánh Luca thuật lại câu chuyện người phong cùi duy nhất trong số 10 người được lành bệnh quay trở lại tạ ơn Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha nhắc đến tầm quan trọng của lòng biết ơn. Nó cho thấy sự khác biệt lớn giữa những tấm lòng biết ơn và những tấm lòng không biết ơn; giữa những người coi mọi thứ là công sức của họ và những người đón nhận mọi thứ như ân sủng.
Lời tạ ơn của Ki-tô hữu xuất phát từ lòng biết ơn tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải qua sự Nhập thể của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa và Đấng Cứu độ của chúng ta. Các trình thuật Tin Mừng về việc giáng sinh của Chúa Ki-tô cho chúng ta thấy cách đón nhận Đấng Cứu Thế đến của các tâm hồn tin tưởng và cầu nguyện cho lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện.
Đức Thánh Cha cầu chúc rằng việc cử hành lễ Giáng sinh của chúng ta được ghi dấu bằng lời cầu nguyện tạ ơn vì ân sủng cứu độ của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên thế giới của chúng ta. Và xin cho những lời tạ ơn này giúp chúng ta có thể mang niềm vui và hy vọng của Tin Mừng cho những người xung quang chúng ta, đặc biệt là những anh chị em nghèo khổ nhất.
Chúa Giê-su không xa tránh những người phong cùi
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngoài nỗi đau thể xác, những người bệnh phong cùi còn bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhưng Chúa Giê-su không ngại gặp họ. Đôi khi Người vượt quá giới hạn do lề luật đặt ra; Người chạm vào người bệnh – điều không được làm -, ôm lấy họ và chữa lành họ.
Mười người phong cùi
Trong câu chuyện được thuật lại trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giê-su không tiếp xúc trực tiếp với họ. Sau lời cầu xin của những người phong cùi: “Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi!” (17,13), Chúa Giê-su ngay lập tức bảo họ đi trình diện với các tư tế (c.14), những người, theo lề luật, có trách nhiệm chứng nhận các bệnh nhân được chữa lành.
Đức Thánh Cha nhận xét: Chúa Giêsu không nói gì khác. Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của họ, Chúa đã nghe thấy tiếng kêu xin thương xót của họ, và lập tức bảo họ đến các thầy tư tế.
Mười người phong cùi đó tin tưởng, họ không ở đó đợi cho đến khi được chữa lành; họ tin tưởng và đi ngay lập tức, và khi đang đi thì họ được chữa lành, cả mười người đều lành. Do đó, các tư tế có thể đã nhìn thấy sự hồi phục của họ và cho họ trở lại cuộc sống bình thường.
Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Nhưng ở đây có điểm quan trọng nhất: trong nhóm đó, chỉ có một người, trước khi đi gặp các thầy tư tế, đã quay lại tạ ơn Chúa Giê-su và ngợi khen Thiên Chúa vì ân sủng đã nhận được. Chỉ một người, chín người còn lại tiếp tục hành trình. Và Chúa Giê-su lưu ý rằng người đàn ông đó là người Samaria, một loại “lạc giáo” đối với người Do Thái thời đó. Chúa Giê-su nhận xét: “Sao chẳng có ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, ngoại trừ người ngoại bang này?” (17,18).
Ân sủng đi trước lời tạ ơn
Và Đức Thánh Cha nhận định: Câu chuyện này phân chia thế giới làm hai: một bên là những người không cảm ơn và bên kia là những người tạ ơn; một bên đón nhận mọi thứ như họ phải được nhận, và một bên đón nhận mọi thứ như một món quà, như một ân sủng. Sách Giáo lý viết: “Mọi biến cố và mọi nhu cầu đều có thể trở thành dịp để dâng lời tạ ơn” (số 2638). Do đó, Đức Thánh Cha nói: Lời cầu nguyện tạ ơn luôn luôn bắt đầu từ đây: nhận ra mình nhận được ân sủng trước. Chúng ta đã được nghĩ đến trước khi chúng ta học cách nghĩ về người khác; chúng ta đã được yêu thương trước khi chúng ta học cách thương yêu; chúng ta đã được mong muốn trước khi một mong muốn nảy sinh trong tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta nhìn cuộc sống như thế này thì lời “cảm ơn” trở thành động lực ngày sống của chúng ta.
Món quà sự sống
Ki-tô hữu gọi bí tích quan trọng nhất, (bí tích Thánh Thể), là “Eucaristia”; trong tiếng Hy Lạp, từ này có nghĩa là tạ ơn. Đức Thánh Cha giải thích: Các Ki-tô hữu cũng như tất cả những người có đức tin, chúc tụng Chúa về món quà là sự sống. Sống, trên hết, có nghĩa là lãnh nhận: nhận được sự sống! Tất cả chúng ta được sinh ra bởi vì có ai đó mong muốn sự sống cho chúng ta. Và đây chỉ là khoản nợ đầu tiên trong một chuỗi dài những món nợ mà chúng ta mắc nợ trong cuộc sống. Nợ ơn nghĩa. Trong cuộc sống của chúng ta, có hơn một người đã nhìn chúng ta bằng đôi mắt trong sáng, hoàn toàn nhưng không. Thông thường họ là những nhà giáo dục, các giáo lý viên, những người đã thực hiện vai trò của mình vượt quá mức độ yêu cầu của bổn phận. Và họ đã khơi dậy lòng biết ơn trong chúng ta. Tình bạn cũng là một món quà để luôn biết ơn.
Tình yêu làm nảy sinh lòng biết ơn
Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận xét: Lời “cám ơn” này, lời mà chúng ta phải liên tục nói, lời mà Ki-tô hữu chia sẻ với mọi người, phát triển trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Các Tin Mừng chứng thực rằng khi Chúa Giê-su đi ngang qua, Người thường gợi lên trong lòng những người được gặp Người niềm vui và lời ngợi khen Thiên Chúa. Các tường thuật trong Tin Mừng kể về những người cầu nguyện, những người được sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế tác động. Và chúng ta cũng được kêu gọi tham gia vào niềm hân hoan bao la này.
Và câu chuyện về mười người phong cùi được chữa lành cũng gợi ý điều này. Đức Thánh Cha giải thích: Đương nhiên, mọi người đều vui mừng vì được hồi phục sức khỏe, có thể thoát ra khỏi sự cách ly bắt buộc liên tục khiến họ bị loại khỏi cộng đồng. Nhưng trong số họ có một người cảm nhận thêm một niềm vui: ngoài việc được chữa lành bệnh, anh ta còn vui mừng vì được gặp gỡ Chúa Giêsu, không những được giải thoát khỏi sự dữ, mà giờ đây anh ta còn chắc chắn được yêu thương. Đây là điều cốt lõi: khi bạn cảm ơn, bạn thể hiện sự chắc rằng bạn được yêu thương. Đó là khám phá ra tình yêu như sức mạnh điều khiển thế giới, như thi sĩ Dante đã nói: Tình yêu “làm di chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Paradiso, XXXIII, 145 ). Chúng ta không còn là những lữ khách lang thang đây đó không mục đích: chúng ta có một ngôi nhà, chúng ta ở trong Chúa Ki-tô, và từ “nơi cư trú” này, chúng ta chiêm ngắm phần còn lại của thế giới, và nó dường như vô cùng đẹp hơn đối với chúng ta.
Niềm vui gặp gỡ Chúa
Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy luôn cố gắng sống trong niềm vui được gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúng ta hãy gieo trồng niềm vui. Ngược lại, ma quỷ, sau khi đã lừa dối chúng ta, luôn khiến chúng ta buồn bã và cô đơn. Nếu chúng ta ở trong Chúa Ki-tô, không có tội lỗi và sự đe dọa nào có thể ngăn cản chúng ta tiếp tục bước đi với niềm vui, cùng với rất nhiều bạn đồng hành.
Lòng biết ơn giúp thế giới tốt đẹp hơn
Đức Thánh Cha nhắc nhở: Đặc biệt, chúng ta đừng quên cảm ơn: nếu chúng ta là người mang lòng biết ơn thì thế giới cũng trở nên tốt đẹp hơn, dù chỉ một chút thôi, nhưng cũng đủ để truyền đi một chút hy vọng. Tất cả hiệp nhất và liên kết và mỗi người có thể làm phần việc của mình ở nơi của mình. Con đường hạnh phúc là điều mà Thánh Phao-lô đã mô tả ở cuối một trong những bức thư của ông: «Hãy cầu nguyện không ngừng, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh: đó là điều Thiên Chúa muốn trong Chúa Giê-su Ki-tô. Anh em đừng dập tắt Thần Khí ”(1Ts 5 ,7-19). Đừng dập tắt Thần Khí, chương trình đẹp đẽ của sự sống! Đừng dập tắt Thánh Linh ở trong lòng chúng ta, Đấng hướng dẫn chúng ta đến lòng biết ơn.
Giúp đỡ cho Croatia
Cuối bài giáo lý Đức Thánh Cha đã kêu gọi giúp đỡ cho nước Croatia bị động đất. Đức Thánh Cha nói: “Hôm qua một trận động đất đã gây nên thương vong và những thiệt hại lớn ở Croatia. Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người bị thương và những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất và tôi cầu nguyện đặc biệt cho những người đã chết và cho gia đình của họ. Tôi hy vọng rằng các cơ quan chức năng của đất nước, được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sẽ sớm xoa dịu được nỗi đau của người dân Croatia thân yêu.”
Nguồn: Vaticannews